Những điều chưa biết về sự kiện bắt “Lũ bốn tên”
kể từ khi xảy ra vụ đêm 6/10/1976, những người lãnh đạo Trung Quốc quyết định bắt giữ “Bè lũ bốn tên” đang nắm giữ những chức vụ lãnh đạo đất nước sau khi Chủ tịch Mao Trạch Đông qua đời.
Hồi ký của Châu Khởi Tài đã được công bố trên tờ “Tin tức ngọ báo” và được đăng tải trên mạng “China.com” ngày 27/3/2006.
TPCN xin trích dịch để bạn đọc hiểu thêm về sự kiện đã làm thay đổi vận mệnh của đất nước Trung Quốc.
Đêm Trung Nam Hải chấn động Trung Quốc và thế giới
Ngày 6/10/1976, đêm trong Trung Nam Hải – đại bản doanh của Trung ương Đảng CSTQ rất yên tĩnh, nhưng đó là một đêm gây chấn động trong, ngoài nước và đi vào sử sách.
Cũng như mọi ngày, nhiều phòng làm việc của Cục Thư ký, Văn phòng TW vẫn sáng đèn. Các nhân viên công tác vẫn bận rộn với công việc của mình.
Khoảng 21h15’, Uông Đông Hưng (chỉ huy đơn vị 8341 bảo vệ trung ương - ND) dùng điện thoại bảo mật gọi cho tôi (tức Châu Khởi Tài - ND) thông báo: “Chuyện “Lũ bốn tên” tối nay đã giải quyết rồi, tiến hành rất thuận lợi.
Trung ương quyết định vào 22h đêm nay sẽ tổ chức Hội nghị khẩn cấp Bộ Chính trị tại nhà số 9 Ngọc Tuyền Sơn là nơi ở của Diệp soái (Nguyên soái Diệp Kiếm Anh-ND).
Bây giờ đồng chí Hoa Quốc Phong và Diệp soái đã rời Hoài Nhân Đường cùng đến Ngọc Tuyền Sơn rồi. Tôi đang thông báo cho các ủy viên BCT có mặt ở Bắc Kinh đến họp. Đồng chí phải tới ngay đó trước để bố trí hội trường và làm các công tác chuẩn bị khác. Nghe rõ chưa?”. Tôi đáp: “Rõ rồi, tôi sẽ đi ngay!”. “Thời gian rất gấp, đồng chí phải đi làm ngay!”.
Tôi vội vã xuống lầu rồi lên xe phóng tới Ngọc Tuyền Sơn với tốc độ nhanh nhất.
Hoa Quốc Phong tuyên bố “Lũ bốn tên” đã bị bắt giam!
Tôi đến nơi ở của Diệp soái vào lúc 9h40’. Cảnh vệ và thư ký của Diệp soái thấy tôi, liền đưa ngay vào phòng ngủ của ông. Lúc này Hoa Quốc Phong và Diệp soái đang ngồi ở mép giường ngủ bàn bạc công việc.
Thấy tôi vào, Hoa Quốc Phong hỏi: “Lão Châu, đồng chí biết chuyện rồi chứ?”. Tôi đáp: “Mới biết sơ qua, đ/c Đông Hưng bảo tôi tới để nghe đ/c và Diệp soái chỉ thị!”.
Hoa Quốc Phong: “Hội nghị khẩn cấp BCT sẽ họp tại phòng khách của Diệp soái. Đ/c tới đó sắp xếp trước”. Tôi đáp “Vâng!” rồi ra ngoài, hai người tiếp tục bàn việc.
Đúng 22 giờ, tôi báo cáo với Uông Đông Hưng các thành viên BCT đã có mặt đầy đủ. Các ủy viên BCT dự hội nghị này có: Hoa Quốc Phong, Diệp Kiếm Anh, Lý Tiên Niệm, Uông Đông Hưng, Ngô Đức, Trần Tích Liên, Kỷ Đăng Khuê, Trần Vĩnh Quý, Tô Chấn Hoa, Nghê Chí Phúc, tất cả 11 người. Tôi và Lý Hâm được dự thính.
Bắt đầu cuộc họp, Hoa Quốc Phong mời Diệp soái chủ trì hội nghị và phát biểu trước. Diệp soái nói: “Hội nghị này phải do anh chủ trì. Anh là người được Mao Chủ tịch đề nghị và Bộ CT đã thảo luận phê chuẩn làm Phó chủ tịch thứ nhất của Đảng, trước nay vẫn chủ trì công việc hàng ngày của trung ương, trách nhiệm không ai thay được. Anh chủ trì hội nghị đi!”.
“Thế thì tôi xin nói trước mấy câu rồi xin Diệp soái chủ trì cho! Tôi xin tuyên bố để mọi người biết: Hồi 20 giờ tối nay, với cớ triệu tập cuộc họp Thường vụ BCT tại Phòng họp chính trong Hoài Nhân Đường, Trung Nam Hải để bàn việc xuất bản “Tuyển tập Mao Trạch Đông tập 5” và xây dựng Nhà kỷ niệm Mao Trạch Đông, trung ương đã bắt giữ Vương Hồng Văn và Trương Xuân Kiều.
Diêu Văn Nguyên không phải là ủy viên thường vụ cũng được thông báo đến dự thính để phụ trách việc hiệu đính Mao tuyển rồi bắt luôn tại phòng nghỉ cạnh Hoài Nhân Đường. Giang Thanh thì bị bắt tại nhà nghỉ trong Trung Nam Hải.
Căn cứ tội nghiêm trọng cướp Đảng đoạt quyền của chúng, đã lần lượt thông báo cho chúng quyết định của trung ương do tôi ký về việc thực hiện cách ly họ để thẩm tra. Việc bắt Vương Hồng Văn và Trương Xuân Kiều tại Hoài Nhân Đường do Diệp soái tọa trấn, tôi tuyên đọc lệnh.
Việc bắt Giang Thanh và Diêu Văn Nguyên thì do người phụ trách làm nhiệm vụ tuyên đọc lệnh. Đối với Mao Viễn Tân thì thực hiện quản thúc thẩm tra. Mấy phần tử cốt cán của “Lũ bốn tên” ở Bắc Kinh thì giao cho thành uỷ và Bộ Tư lệnh cảnh vệ Bắc Kinh xử trí theo chỉ thị của trung ương”.
Hoa Quốc Phong vừa dứt lời thì Diệp soái nhấn mạnh: “Việc đập tan tập đoàn phản cách mạng “Lũ bốn tên” được tiến hành vào thời điểm quốc gia lâm nguy sau khi Mao chủ tịch qua đời.
Khi còn sống, Mao chủ tịch đã nói đến việc phải xử lý “Lũ bốn tên” nhưng chưa kịp ra tay. Sau khi Mao Trạch Đông qua đời, hoạt động cướp Đảng đoạt quyền của chúng ngày càng hung hăng, điên cuồng, chúng đang chuẩn bị để ra tay!”.
Diệp soái nói tiếp: “ở trung ương, chúng ta đã giải quyết được vấn đề “Lũ bốn tên” về tổ chức và chính trị, đây là thắng lợi bước đầu. ở các địa phương còn có nhiều phần tử cốt cán thuộc bang phái của chúng cần phải thanh lọc.
Nhiệm vụ khó khăn hơn là việc triệt để loại bỏ tàn dư nọc độc tư tưởng và ảnh hưởng của chúng. Việc này cần phải nỗ lực trên mọi mặt và trong một thời gian dài!”.
Các ủy viên BCT dự họp đều bày tỏ hoàn toàn đồng ý với quyết sách quả đoán của thường vụ trung ương Đảng, nhất trí thông qua quyết định thực hiện cách ly Vương, Trương, Giang, Diêu để thẩm tra.
Thảo luận và quyết định người làm Chủ tịch Đảng
Hoa Quốc Phong nói: “Mao chủ tịch vĩnh biệt chúng ta đã được gần một tháng. Tập đoàn phản cách mạng “Lũ bốn tên” loạn Đảng, loạn quân, loạn quốc, mưu đồ cướp đoạt quyền lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã bị đập tan. Trong tình hình mới mẻ này, tôi đề nghị Bộ Chính trị mời Diệp soái của chúng ta làm Chủ tịch Đảng, chủ trì công tác của trung ương”.
Diệp soái đứng bật dậy nói lớn: “Đồng chí Quốc Phong đề nghị như thế không ổn. Tôi tuổi đã cao, năm nay đã 79 rồi, vả lại tôi lâu nay làm công tác quân sự, diện công tác hẹp. Qua thận trọng xem xét, tôi đề nghị đồng chí Hoa Quốc Phong giữ chức Chủ tịch Đảng, Chủ tịch Quân ủy TW.
Đồng chí ấy trẻ hơn tôi 20 tuổi, có kinh nghiệm thực tiễn, là người thực tế, tác phong dân chủ tốt, đoàn kết được người khác, biết tôn trọng các đ/c già.
Hiện đ/c đang là Phó chủ tịch thứ nhất, chủ trì công tác hàng ngày của trung ương. Tôi cho rằng đ/c ấy là người thích hợp nhất. Gánh nặng này thật không nhẹ chút nào, mọi người chúng ta cần giúp sức. Đề nghị các đ/c xem xét!”.
Qua thảo luận sôi nổi, những người dự họp đều hoàn toàn tán thành ý kiến của Diệp soái, nhất trí thông qua quyết định cử Hoa Quốc Phong làm chủ tịch Đảng, chủ tịch Quân uỷ, đợi sẽ triệu tập hội nghị toàn thể trung ương để truy nhận.
Tiếp đó, hội nghị thảo luận và thông qua về nguyên tắc Quyết định xây dựng Nhà kỷ niệm Mao Trạch Đông, Quyết định xuất bản Mao tuyển tập 5 và chuẩn bị xuất bản “Mao Trạch Đông toàn tập”. Hai bản quyết định này được hoàn chỉnh tại Hội nghị BCT ngày 8/10 và cho đăng các báo ra ngày 9/10/1976.
Hội nghị khẩn cấp Bộ Chính trị này đã họp liên tục suốt 6 tiếng liền, suốt từ 22 giờ đêm mồng 6 đến 4 giờ sáng mồng 7 tháng 10 mới kết thúc.
Hoạt động bận rộn của Bộ chính trị tại nhà số 5 Ngọc Tuyền Sơn
Thứ nhất, gọi điện cho Bí thư thành ủy Thượng Hải Mã Thiên Thuỷ và Tư lệnh BTL Cảnh bị Thượng Hải Châu Thuần Lân, thông báo họ phải về Bắc Kinh ngay sáng nay để lãnh đạo trung ương có việc cần gặp.
Thứ hai, bắt đầu từ hôm nay mọi hoạt động của Bộ Chính trị gồm hội họp, làm việc tập thể, gặp gỡ cá nhân đều tiến hành tại Phòng khách nhà số 5 phố Ngọc Tuyền Sơn. Lãnh đạo nghiên cứu quyết định cho phép đ/c được tham dự các cuộc họp BCT, các cuộc làm việc tập thể.
Thứ ba, Diệp soái tuổi đã cao, khi Diệp soái đứng lên, ngồi xuống trong phòng họp và vào phòng vệ sinh, đ/c phải dìu để bảo đảm an toàn.
Tuân theo chỉ thị của Uông Đông Hưng, tôi đã yêu cầu tổng đài trực tại nhà số 5 dùng điện thoại bảo mật để tôi liên lạc với Mã Thiên Thuỷ và Chu Thuần Lân.
Gọi cho Mã Thiên Thuỷ trước, tôi nói: “Tôi là Châu Khởi Tài, Thư ký của Văn phòng TW. Lãnh đạo TW bảo tôi gọi mời đ/c hôm nay về ngay Bắc Kinh, có việc gấp cần bàn!”.
Mã hỏi: “Bàn chuyện gì, lãnh đạo TW có nói không?”. “Không thấy nói!”. Mã lại hỏi: “Thế Từ Cảnh Hiền, Vương Tú Trân có về không?”. Tôi đáp: “Không thấy nói báo họ về”. Mã hỏi tiếp: “Còn ai ở Thượng Hải phải về nữa không?”. “Còn có Tư lệnh Châu Thuần Lân!”. “Thế để tôi báo Châu Thuần Lân”. “Không dám phiền đồng chí, tổng đài đang nối điện thoại tới Châu Thuần Lân cho tôi rồi”.
Tôi báo cho Mã Thiên Thủy biết, trung ương sẽ cho chuyên cơ tới Thượng Hải đón họ về. Tư lệnh Châu Thuần Lân là người bị phe cánh của “Lũ bốn tên” ở Thượng Hải bài xích.
Sau khi nối được điện thoại, tôi thông báo cho ông ấy biết việc lãnh đạo TW gọi về, ông nói ngay “Tốt lắm, tôi sẽ đợi thông báo từ sân bay!”.
Gọi điện cho Thượng Hải xong, tôi liên hệ với bộ phận chủ quản chuyên cơ của TW để bố trí máy bay. Sau đó gọi cho khách sạn Kinh Tây để bố trí nơi ăn ở cho Mã, Châu.
Sáng 7/10, Mã Thiên Thuỷ và Châu Thuần Lân đáp chuyên cơ tới Bắc Kinh vào ở khách sạn Kinh Tây. Hôm đó lãnh đạo TW không đưa họ tới số 5 Ngọc Tuyền Sơn làm việc.
Sáng 8/10, những người lãnh đạo đảng, chính quyền, quân đội của các tỉnh kề cận Thượng Hải là Triết Giang, Giang Tô cũng bị triệu về Bắc Kinh. Hoa Quốc Phong, Diệp Kiếm Anh, Lý Tiên Niệm, Uông Đông Hưng đã gặp họ tại Phòng họp nhà số 5, truyền đạt cho họ tin trung ương đã đập tan “Lũ bốn tên” và mấy quyết định quan trọng của Hội nghị khẩn cấp BCT. Họ đều bày tỏ ủng hộ trung ương, mọi người tập trung bàn bạc vấn đề ổn định cục diện của tỉnh và giải quyết vấn đề Thượng Hải.
Đến chiều 8/10 thì Hoa Quốc Phong, Diệp Kiếm Anh, Lý Tiên Niệm, Uông Đông Hưng đã gặp Mã Thiên Thủy tại phòng họp nhà số 5, cùng dự có Châu Thuần Lân.
Tại cuộc gặp, Hoa Quốc Phong nói về tội ác cướp Đảng đoạt quyền của “Lũ bốn tên” và quyết định của trung ương áp dụng biện pháp cách ly họ để thẩm tra.
Nghe xong, thái độ của Mã Thiên Thuỷ rất ngoan cố, kiên quyết phản đối quyết định của trung ương, mấy lần đề nghị cần xử lý nội bộ vấn đề của “Lũ bốn tên” trong Đảng. Quan điểm của ông ta đã bị các vị lãnh đạo trung ương nghiêm khắc phê phán và nhẫn nại giáo dục.
Tư lệnh Châu Thuần Lân cũng mấy lần khuyến cáo và phê bình, nhưng Mã Thiên Thuỷ vẫn không hề có ý hối lỗi. Hoa Quốc Phong nhìn đồng hồ rồi nói: “Thôi hôm nay nói đến đây thôi!”, rồi ông nói với Mã: “Anh về đến khách sạn Kinh Tây thì gọi điện ngay cho Từ Cảnh Hiền và Vương Tú Trân, bảo họ mai về Bắc Kinh họp!”.
Rồi ông quay sang tôi: “Lão Châu, anh gọi xe đưa bí thư Mã về khách sạn”, đồng thời nháy mắt với tôi. Lúc đó tôi hiểu ý ông nhắc tôi hãy giám sát việc Mã Thiên Thuỷ gọi điện cho Từ, Vương. Tôi gật đầu tỏ vẻ hiểu ý. Xe về đến khách sạn, tôi theo Mã Thiên Thuỷ lên phòng.
Vừa vào đến cửa phòng, ông ta bảo thư ký, nối điện thoại cho gặp Từ Cảnh Hiền. Điện thoại được nối, Mã cầm lấy ống nói: “Tôi Mã đây, trung ương bảo anh với Tú Trân mai về Bắc Kinh họp, sẽ có máy bay đến đón”.
Bên kia nói gì đó, tôi nghe không rõ, chỉ thấy Mã nói: “Tốt lắm!”. Bên kia lại nói gì đó, Mã bảo: “Thôi để đến Bắc Kinh bàn nhé!”, rồi dập điện thoại.
Tôi trở về số 5 Ngọc Tuyền Sơn báo cáo với Hoa Quốc Phong và Uông Đông Hưng chuyện Mã Thiên Thuỷ gọi điện cho Từ Cảnh Hiền.
Từ Cảnh Hiền, Vương Tú Trân đến Bắc Kinh liền cùng với Mã Thiên Thuỷ và Châu Thuần Lân tới nhà số 5 Ngọc Tuyền Sơn dự “Hội nghị chào hỏi”, nghe Hoa Quốc Phong, Diệp Kiếm Anh, Lý Tiên Niệm, Uông Đông Hưng phát biểu. Nghe xong, Mã, Từ, Vương cảm thấy đã thất thế, không dám manh động, lấy trứng chọi đá. Một nhóm nhỏ dư đảng của “Lũ bốn tên” ở Thượng Hải âm mưu phát động bạo loạn vũ trang phản cách mạng đã bị đánh bại.
Tại một hội nghị trước khi Mã, Từ, Vương trở về Thượng Hải, Hoa Quốc Phong và Diệp Kiếm Anh đã phát biểu chỉ rõ tính nghiêm trọng của vấn đề ở Thượng Hải và nêu rõ chính sách đối với họ, nhẫn nại giáo dục, nêu ra hy vọng và yêu cầu với họ.
Họ bày tỏ: sau khi về Thượng Hải nhất định sẽ truyền đạt và quán triệt lại các quyết định quan trọng của trung ương làm tốt công tác để ổn định tình hình. Vương Tú Trân còn khóc lóc, nói mình bị mắc lừa “Lũ bốn tên” và tố cáo các vấn đề của Vương Hồng Văn, Diêu Văn Nguyên.
Ba bản bút tích của Mao Trạch Đông trong tay Hoa Quốc Phong
Trung ương đã chia đợt họp các hội nghị riêng rẽ theo kiểu “Hội nghị chào hỏi”, đến ngày 14/10 thì kết thúc. Mỗi hội nghị đều do Hoa Quốc Phong chủ trì, Hoa Quốc Phong và Diệp soái phát biểu.
Mỗi khi phát biểu, tay Hoa Quốc Phong đều cầm 3 bản bút tích của Mao Trạch Đông. Một bản là “Từ từ làm, chớ vội vàng”, “Làm theo phương châm trước đây”, “Đồng chí làm việc, tôi yên tâm”.
Bản thứ hai là “Giang Thanh can thiệp nhiều quá, dám tự triệu tập 12 tỉnh về để gặp”.
Bản thứ ba là tài liệu của Giang Thanh đề nghị xử lý vụ “Phong Khánh Luân”, Hoa Quốc Phong thỉnh thị ý kiến Mao Trạch Đông, được ông phê vào “Không nên sao gửi, việc này không ổn!”.
Hoa Quốc Phong đã truyền đạt cho các hội nghị về ba bản bút tích của Mao Trạch Đông. Sau đó tập trung nói về một bản bút tích đầu tiên. Hoa Quốc Phong nói: “Mao chủ tịch viết 3 câu này vào tối ngày 30/4/1976. Sau khi cùng Mao chủ tịch tiếp Thủ tướng New Zealand Mondale tại nơi ở của ông tại Trung Nam Hải, tôi đã báo cáo một số việc tôi đã xử lý và vấn đề ở mấy tỉnh và nghe chủ tịch chỉ thị. Chủ tịch đã viết 3 câu này vào lúc đó.
Lúc ấy, chủ tịch nói năng đã rất khó khăn, có lúc ông nói tôi không nghe được rõ, không hiểu gì. Chủ tịch bảo thư ký lấy giấy bút ra viết 3 câu này và đưa cho tôi.
Hai câu đầu viết khi nghe tôi báo cáo công tác, câu thứ ba là nói với cá nhân tôi. Hai câu “Từ từ làm, chớ vội vàng”, “Làm theo phương châm trước đây”, tôi đã truyền đạt tại Hội nghị Bộ Chính trị họp sau đó, có mặt cả “Lũ bốn tên”, còn câu “Đồng chí làm việc, tôi yên tâm” thì tôi không truyền đạt.
Sau khi Chủ tịch Mao Trạch Đông qua đời, “Lũ bốn tên” đã vội vã cướp Đảng đoạt quyền, chúng bí mật bàn nhau sửa chỉ thị của chủ tịch “Làm theo phương châm trước đây” ngụy tạo thành Di chúc của Mao Trạch Đông lúc lâm chung “Làm theo phương châm đã định” rồi gây dư luận tạo phản trên báo chí. Do lúc đó chúng ta phải dốc sức lo việc tang lễ Mao chủ tịch nên không kịp thời xử lý được”.
Nhân đây cũng xin nói thêm, ủy viên BCT Hứa Thế Hữu đã tham dự “Hội nghị chào hỏi” cuối cùng. Trước hội nghị ông đã căm phẫn lên án tội ác của “Lũ bốn tên” và bộc bạch: “Trong thời gian tang lễ Mao chủ tịch, khi họp hội nghị Bộ Chính trị, lưng tôi luôn giắt khẩu súng ngắn, nếu “Lũ bốn tên” dám gây chuyện cướp quyền tại hội nghị là tôi bắn ngay lũ khốn kiếp ấy!”
Thu Thủy dịch
| |||||
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét