Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 10 tháng 6, 2013

Trích TT của Văn bần:

ai muốn biến thành bát giới ko

Tôi vẫn chưa quên câu chuyện trong đình có con rắn thần có mào đỏ như lửa, khúc đuôi sáng bạc màu ngọc bích mà người làng tôi sau này hay kể:
 Đêm hôm bọn lính đóng ở đình, đến canh ba rắn thần xuất hiện. Nó bay một một vòng qua những ngọn cây gạo cổ thụ rồi mới vào cửa chính của đình. Nhìn thấy đám lính nằm ngổn ngang bừa bãi nơi gian chính thất và tam quan, rắn thần dừng lại nhìn rất lâu, mắt lóe ánh chớp. Cái lưỡi đỏ như lửa của rắn thần táp một cái là một mạng người. Đủ bảy mạng nó mới chịu bay ra ngoài trời, biến vào đêm tối.
Có thể đêm sau bọn lính vẫn còn đấy, rắn sẽ lại lấy đi bảy mạng nữa không biết chừng?

Những kẻ khác nom thấy lúc bấy giờ thảy đều cứng lưỡi, sợ đến nỗi sáng hôm sau điểm binh thiếu mất người, cũng không dám kể lại.
Cũng có người bảo “bảy người lính đêm ấy trốn lính, đào ngũ. Thượng sĩ Lâm tung tin ấy để binh lính khỏi hoang mang, khỏi theo nhau đảo ngũ..”. 
Chuyện cứ hư hư thực thực, chả biết đằng nào mà lần!
Cũng phải thôi, đâu phải câu chuyện nào cũng có thể tùy tiện nói ra?
Bọn lính dù có vô học, thô lỗ hay đầu óc u mê đến đâu chắc cũng phải biết điều này.

Khi bố tôi về làng, vùng tôi đã bớt cảnh khói lửa tràn lan. Quân Pháp tạm thời bình định được vùng đồng bằng và trung du bắc bộ. Một vài nơi đình chùa đã có người đến hành lễ, tiến cúng.
Người xưa rất trọng đời sống tâm linh. Vì lẽ nào đó phải gián đoạn là y như rằng canh cánh trong lòng.
Quan đồn cũng muốn yên dân, không ngăn trở việc này.
Thà rằng dân chúng theo Trời, Phật còn hơn theo Việt Minh Cộng sản!
Một số người cao tuổi đứng ra khởi xướng việc tôn tạo lại ngôi đình. Chưa có điều kiện xây đắp tu bổ thêm, ít ra cũng dọn dẹp lại cho đình phong quang, hương khói bớt phần lạnh lẽo.
Bố tôi bàn với ông thơ ký Loan và đoàn Nhiêu đào hầm cất giấu khi trước, lấy đồ thờ tự mang về đình. Các bộ cánh cửa cũng được lau chùi lắp lại như cũ.
Buổi lễ nhuận sắc, phong thần chỉ có hơn chục người. Dân làng không có mấy. Một là do không khí vùng tạm chiếm còn khá nặng nề, lòng người còn thắc thỏm chưa an, chưa nhiều người quan tâm đến việc này. Hai là điều kiện sinh sống lúc bấy giờ còn quá khó khăn. Nhiều người còn phải lo miếng ăn hàng ngày, chưa nghĩ tới chuyện cao xa hơn bát cơm, manh áo.
Nhà tôi có phần đỡ hơn nhờ gánh hàng của mẹ và nghề thuốc gia truyền của bố tôi. Nhưng bố tôi khi ấy không nghĩ rằng việc hăng hái tôn tạo lại đình làng lúc bấy giờ sau này lại trở thành một trong những cái tội.
Chính ông Tỏm bố anh cu Tý sau này vận động đoàn Nhiêu “cốt cán” đứng ra tố giác. Ông ta nói bố tôi lợi dụng mê tín dị đoan, ức hiếp dân làng, bắt phải đóng góp nói là tu tạo đình, thực chất là lấy tiền bỏ vào túi mình!
Cộng thêm tội cường hào, ác bá được thêu dệt từ các nguồn khác nữa, nếu không có đoàn sửa sai về kịp, có khi bố tôi ngày ấy còn bị tội tử hình!

Nhưng đó là chuyện ít năm nữa mới xảy ra.
Không ai biết rằng bố tôi phải mang cả mấy tấm gỗ mít định sửa lại nhà ra để đóng bàn ghế tam quan ngoài đình vì thiếu gỗ.
Ông không hề được nửa đồng xu, hay nửa bát gạo nào từ đóng góp của dân làng.
Lời nói đọi máu!
Cuộc đời có những khi lời nói có sức hủy hoại cuộc đời người ta ghê gớm hơn cả súng đạn. Cái lưỡi người ta có thể còn sắc hơn lưỡi dao. Con mắt người đen tối, đáng sợ hơn nòng súng!
“Đó là khi tranh tối tranh sáng, ma quỷ trị vì thế gian”. Mẹ tôi tự an ủi như vậy.
“Người ta chỉ nên đổ oán thù xuống sông, xuống bể, ân nghĩa nên chất thành non”, bố tôi nói thế, không để bụng hay thù ghét người nào.
Cho dù người đó từng điêu ngoa, đóng sống, buộc tội chết cho mình!


( Còn nữa..)

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: