Con thuyền chở chúng tôi ngược sông một đêm tối trời. Cái rét của
ngày cuối năm hun hút gió. Lại lất phất mưa phùn. Đưa bàn tay ra trước mặt chỉ
nhìn thấy nhờ nhờ không rõ ngón.
Trong thuyền thắp mỗi ngọn đèn dầu vặn nhỏ bằng hạt đỗ xanh. Thắp
để giữ lửa vì diêm hiếm là chính, không cần để soi sáng. Ánh sáng lúc này không
phải là không cần thiết, nhưng nó quá nguy hiểm, dễ bị đồn bốt hai bên bờ sông
phát hiện. Thỉnh thoảng một loạt đạn bắn vu vơ đâu đó khẳng định điều này.
Đã bơi ngược dòng, lại đi mò như thế trong đêm, khá vất vả. Bố
tôi mặc chiếc quần nâu, hai ống lá tọa sắn quá đầu gối, mình cởi trần đẫm mồ
hôi. Thỉnh thoảng ông chui vào trong khoang uống hớp rượu cho tỉnh người. Nhìn
thấy người ông mồ hôi nhễ nhại, loang loáng ướt như vừa ở ngoài trời mưa to
vào. Mẹ tôi đầu chít khăn mỏ quạ, nón lá cũ ngồi đằng mũi bơi chiếc dầm nhỏ cùng
chị gái bơi phụ với bố tôi.
Lúc bấy giờ tôi không biết sức lực ở đâu mà họ bơi chèo cả đêm dẻo
dai như thế? Trước thử thách gay go của hoàn cảnh hay vì mong muốn sự tồn tại
trong thế giới này?
Tôi không tin khả năng của
con người không có giới hạn. Nhưng những gì cha mẹ tôi làm lúc này là quá phi
thường. Người khác không cùng hoàn cảnh có thể là không tin những gì đang xảy
ra là có thật.
Tôi nhìn sang hai bên bờ sông, chỉ thấy những vệt đen thẫm của
làng xóm đang lùi dần về phía sau. Bóng một cây gạo hay cây đa, hay tháp chuông
nhà thờ nào đó lúc này y hệt hình dáng những đám mây giông.
Cũng may mùa này nước chảy không xiết. Nhưng vì ngược dòng nên
thuyền đi rất chậm.
Đến gần sáng chúng tôi đến một bến đò khá vắng vẻ. Nhìn lên bờ
thấy một túp lều lợp bằng rơm. Từ trong lều có ánh đèn leo lắt, có tiếng khóc
ai oán của người đàn bà nào đó. Bố tôi cho thuyền dừng lại, lên bờ hình như để
hỏi thăm đường. Lúc lâu lâu mới thấy bố tôi quay lại, nét mặt không bình
thường. Do mệt mỏi sau cả đêm thức trắng, hay vừa xảy ra chuyện gì ở trên bờ?
Bố tôi nói nhỏ đủ cho mẹ tôi nghe thấy:
- Đây mới tới bến Then. Phải ba đêm nữa mới lên đến nơi!
Mẹ tôi nét mặt nhợt nhạt, lo lắng:
- Còn xa thế kia à? Dừng nghỉ ở đây, tối đi tiếp hay là cứ đi
luôn?
- Đi ban ngày không ổn. Vùng này ban ngày máy bay thường vòng
lượn, chặn người tản cư nguy hiểm lắm. Trên bờ kia vừa có người chết vì bị đạn
máy bay hôm qua đấy. Tội nghiệp mấy mẹ con người này giờ chưa biết lo hậu sự
cho chồng,cho cha mình ra sao. Tôi lên bờ vào đấy, bà ấy cứ níu lấy cánh tay
tôi, lạy van rối rít xin giúp bà ta. Tôi thì chưa biết giúp bằng cách nào? Vùng
này bây giờ ít người qua lại, cũng khó mà nhờ được người. Mình mà bỏ đi lúc này
thì thất đức lắm. Ở lại giúp chưa biết tính ra sao?
Ngẫm nghĩ một hồi, bố tôi nói:
- Bây giờ mấy mẹ con đưa thuyền vào dưới gốc cây sung kia tạm
nghỉ ở đấy, nấu cơm ăn. Để tôi đi vào trong làng đằng kia xem có còn ai không?
Người ta đến lúc chết vẫn chưa được yên thân là khổ lắm, mình không thể quay
mặt đi được, phải hộ thôi..
- Không đợi mẹ tôi có đồng ý hay không, bố tôi khoác thêm chiếc
áo rét bên ngoài áo cánh nâu, đội cái nón bung vành, đi lên bờ.
Mẹ và chị tôi ra sức đẩy chiếc thuyền đến gốc cây sung. Xung
quanh đấy có những đám sú, vẹt loại cây mọc bờ nước mọc dày. Khó khăn lắm mới đẩy
thuyền vào được. Chị gái tôi lấy sào bẻ thêm đám ngọn lau sát bờ che lên mui
thuyền. Từ trên cao hoặc từ xa khó mà phát hiện ra chỗ thuyền chúng tôi đang
đậu.
Thì ra cách ngụy trang tương tự của các thuyền khác cũng như thế.
Thuyền của chúng tôi không phải là chiếc thuyền duy nhất đỗ ở bến này. Chẳng
qua là tôi không nhận ra từ đầu. Có đến ba bốn cái thuyền cùng neo lại và che
đậy như thuyền của chúng tôi. Chỉ có ông bà già và trẻ con ở lại dưới thuyền.
Người lớn đã lên bờ hoặc đi đâu ấy, tôi chưa rõ. Họ là người cũng đi tản cư ra
vùng tự do như chúng tôi, nhưng chưa biết họ là ai và ở đâu, bây giờ đi đâu, về
đâu?
Mẹ tôi bảo thời buổi loạn lạc, ai biết phận người đấy, không được
tò mò.
Nói xong mẹ và chị gái tôi
lên bờ kiếm củi và hái chút rau sam, rau rệu xuống thuyền chuẩn bị nấu cơm.
Bếp được làm bằng chiếc thùng tôn hỏng đặt trên cái khay gỗ đựng
đất, phòng cháy lan ra ngoài. Đấy là kiểu bếp không hắt ánh lửa ra ngoài ban
đêm, ban ngày có ít khói phòng máy bay phát hiện.
Có dấu rất nhiều hang cua ở trên bờ. Tôi định lội xuống bắt, mẹ
tôi không cho. Không phải mẹ tôi sợ tôi chết đuối mà bà không muốn động tĩnh để
xung quanh để ý.
Sau cái lần chết hụt trên sông bởi sự bất cẩn của anh cu Tý, thầy
giáo Ất đã dạy tôi biết bơi.
Sông nước với tôi bây giờ không còn đáng sợ nữa. Nhưng mẹ đã nói
thế tôi đành chịu, ngồi yên trên thuyền mà bứt dứt chân tay.
Tôi nhìn rõ một con cua có hai cái càng đỏ tía, mai xanh mướt màu
rêu vừa bò ra khỏi hang.
Chợt nhớ đến anh cu Tý “câu” cua rất tài. Tôi học mãi mà không bắt
chước được. Trần đời chưa thấy ai câu cua như anh ấy. Câu không cần mồi, không
cần lưỡi câu và không cần cả dây câu. Chỉ cần một cái que dài, chọc cho con cua
tức lên cặp vào đầu que và nhanh tay quất nó lên bờ, thế là xong. Nhưng chỉ có
thể làm như vậy được khi dòng nước trong như lúc này..
Không biết bây giờ anh ấy và mấy người nhà anh ấy ra đi hay ở
lại? Vì khi vội đi tôi chưa kịp gặp, nói với anh ấy câu nào.. Đang lan man như
thế thì bố tôi từ trong làng ra.
Đi cùng với ông còn ba bốn người nữa, vẻ mặt bất an, nhợt nhạt.
Duy nhất một người đàn ông chân khèo, mặc cái áo tơi lá đã cũ, đầu chít khăn.
Mấy bà đi cùng váy áo vá rất nhiều chỗ. Có miếng vá chồng lên nhau. Họ mang
theo những thanh tre bổ tư to và dày cùng hai chiếc chiếu cũ. Những thứ này sau
bó được khâm liệm cho người xấu số. Huyệt đào cách đấy một quãng không xa..
Đấy là lần đầu tiên tôi
được chứng kiến một đám tang như vậy. Không có áo quan, không kèn không trống.
Chỉ có tiếng khóc nỉ non khe khẽ của người thiếu phụ còn trẻ hơn mẹ tôi và mấy
đứa bé con. Thậm chí chúng cũng không có cả khăn tang để chở. Duy có người mẹ
chít cái khăn sô cũ, hình như đội từ một đám tang khác, trước khi để tang
chồng.
Công việc an táng người chết âm thầm lặng lẽ và diễn ra rất nhanh.
Bà quả phụ vái mấy vái lạy tạ chồng, cảm ơn mấy người đến giúp đỡ.
Bấy giờ bà ta đã khản tiếng, nói không ra hơi. Những người đưa
đám, giúp an táng vẫn lầm lì như lúc mới đến. Họ dìu người vợ xấu số trở về
lều.
Bố tôi xuống thuyền hỏi mẹ tôi cơm đã chín chưa? Mẹ tôi biết ý,
đơm một bát cơm đầy có ngọn. Không biết bố tôi chuẩn bị từ khi nào, có lẽ lúc ở
trong làng, giờ lấy ra đôi đũa bông, cắm vào bát cơm. Ông rút mấy nén nhang
mang theo trên thuyền, bảo cả nhà đi theo.
Bố tôi khấn vái lầm rầm gì đấy. Còn chúng tôi chắp tay trước ngực
vái theo.
Trước lúc trở lại thuyền, tôi nghe rõ bố tôi nói với người quá
cố:
- Thôi, anh về với mẹ đất. Dù rằng chưa biết anh là ai, cũng cầu
xin anh sống khôn thác thiêng, phù hộ độ trì cho gia đình chúng tôi đi đến nơi,
về đến chốn, thông đồng bén giọt..
Lúc ấy tôi rất phân vân, chẳng biết bố tôi nói “đi tới nơi về tới
chốn” là đến chốn, đến nơi nào? Tại sao người đang sống lại cầu xin người đã
khuất, liệu người đã khuất có giúp cho người đang sống được gì không?
**
Một nhạc sĩ nổi tiếng viết “Trường ca Sông Lô” vào khoảng thời gian này.
Lời bài ca hùng tráng và bi thương. Nhưng khi đó tôi chưa được nghe, mãi đến au
này mới biết. Nhưng chuyến ngược dòng sông ấy với gia đình tôi chẳng hùng
tráng, tươi sáng chút nào. Một chuyến đi mà tất cả những ai trải qua sẽ còn
phải ghi nhớ suốt đời. Đúng là “đi trong đêm tới tăm”, qua những bến bờ vô định
đầy trắc trở và hiểm nguy. Không ít người đã đắm thuyền, bị bắn chết, sốt cao
li bì và đói ăn.
May nhờ bố tôi chuẩn bị kỹ càng, gia đình tôi không xảy ra chuyện
gì. Trừ một chuyện xảy ra: Hôm lên gần tới nơi, lúc đã qua phủ Đoan Hùng. Nơi
sau này người ta dựng tượng đài “Chiến thắng sông Lô”. Bây giờ nếu ai ngược
xuôi trên dòng sông này, đều có thể nhìn thấy bức tượng bê tông cốt thép dựng
trên quả đồi cao kề sát thị trấn Đoan Hùng.
Chỗ ấy là “Vật đuôi trâu”, bên dưới vật “Đĩa” một chút.
Dòng sông quãng trên đang êm đềm, bỗng thát lại ở quãng này bởi
gềnh đá như những luống cày, xoắn lại giữa dòng. Nhìn từ xa giống như mông và
đuôi của một con trâu gồ lên mặt sông.
Bố tôi chưa hề qua quãng sông này. Ông lộ rõ vẻ lúng túng. Ông
định đánh lái cho thuyền đi sát vào bờ, nhưng dòng nước cố tình cứ đẩy thuyền
ra ra. Gần tới vật, thuyền bỗng nghiêng hẳn về một bên, nước trào vào ướt hết
đồ đạc trong khoang. Trong tiếng nước gầm rít, nghe không rõ bố tôi nói cái
gì? Theo bản năng cả nhà xê về phía bên
kia mạn thuyền lấy lại thăng bằng. Con
thuyền cứ lên được một chút lại vòng lùi lại.Sau cùng bố tôi như thể bất lực,
ông bảo: “Thôi kệ, để nó trôi vào bờ đã”! Nghe thấy rầm một cái, cả nhà hoảng
hốt không biết chuyện gì xảy ra.
Từ mũi thuyền một lỗ thủng nước bắt đầu trào vào thuyền trắng
lóa. Tôi không ngờ bố tôi lúc ấy bình tĩnh đến thế. Ông không nói gì, cởi ngay
áo mặc trên người vo tròn, nút vào chỗ thủng. Mẹ và chị gái tôi lấy ngay nón
đội đầu tát nước từ trong thuyền ra..
Đến quãng này trở đi không thể bơi thuyền vào ban đêm được nữa vì
có nhiều gềnh thác. Thuyền có thể bị đắm bất cứ lúc nào.
Bố tôi lấy ra cuộn dây thừng, hình như đã chuẩn bị từ trước ra
buộc vào mũi thuyền. Một đầu ông quấn dẻ thành cái vai để kéo. Chưa từng làm
“cánh chân sào” bao giờ, phải mất một quãng khá chật vật, bố mẹ tôi mới kéo
thuyền qua được chỗ vật “Đuôi Trâu”. Tuy trời còn sớm, nhưng vì mệt quá, bố tôi
cho thuyền dừng lại nghỉ để mẹ tôi nấu cơm ăn, còn ông dặm lại chỗ thuyền bị
thủng.
Thương bố mẹ tôi quá, nhưng tôi chả giúp được việc gì. Tôi và
người anh hơn tôi hai tuổi chạy lên bờ sông nhặt củi. Quãng này cũng có một con
đê nhỏ và thấp lè tè, không như ở quê tôi..
Ngày mai, khoảng này có thể đã lên đến nơi, bố tôi bảo thế.
Mẹ tôi im lặng không nói gì.
Có thể mẹ chưa quen những ngày tản cư lưu lạc này. Cũng có thể bà
còn chưa nguôi ngoai thương nhớ nơi chôn rau cắn rốn của cả gia đình.
Nơi ấy vẫn còn ông bà tôi ở lại..
(
Còn nữa..)
Tiểu dẫn của hội bày trò vui:
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét