Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Ba, 4 tháng 6, 2013

Trích đăng TT "Mây ngàn":


Hầu như gần hết các thành phố hay đô thị trên thế giới này đều được xây dựng trên bờ các con sông.
Thời nào nguồn nước cũng là nguồn sống không thể thiếu của con người.
Đó cũng là nơi cuối cùng phải tranh lấy bằng được của bất cứ đảng phái, chính quyền nào.
Thị xã của miền biên viễn này cũng không ngoại lệ. Từ khi chiếm được vùng này hồi thế kỷ trước, người Pháp đã tách Hà Giang thành một tỉnh khác, nhưng công sở vẫn chưa xây dựng mới được bao nhiêu. Tiêu thổ kháng chiến đã biến thị xã này thành hoang tàn. Chỉ còn ngôi thành nhà Mạc là còn sót lại. Nó tồn tại không phải do ý thức bảo tồn của hai bên, quân xâm lược Pháp hay Việt Minh kháng chiến. Đơn giản là cả hai bên đều muốn dùng nó làm công sự của mình.
Lúc chúng tôi lên tới nơi quân Pháp đã chiếm được khu Nhà thờ và núi Thổ Sơn. Quân Kháng chiến đã rút về căn cứ dưới Sơn Dương, nhưng vùng xung quanh thị xã ban đêm vẫn do Việt Minh kiểm soát.
Đi xa nữa, gia đình tôi chưa biết đi đâu? Bố mẹ tôi bàn hãy cứ ở lại đây một thời gian. Thị xã tuy hoang tàn nhưng đất đai rộng rãi, lại có bến sông sẵn thuyền có thể bơi đò kiếm sống lúc ban đầu.
Góc thành nhà Mạc có một căn lều cũ bên đường xuống bến đò, đang bỏ không. Có lẽ chủ cũ đã đi tản cư đâu đó? Dây leo chằng chịt lên cả mái nhà. Nền nhà nấm mọc từng đám trắng xóa.
Cả nhà mất công dọn dẹp một ngày mới tạm được chỗ ăn ở.
Bố tôi vẫn giữ lại chiếc thuyền lấy cái đi lại sang bên kia bờ sông. Bên ấy người ở lại đông hơn phía bên này vì cách sông, không gần đồn giặc.
Tuy gọi là trung tâm tỉnh lị nhưng không có cây cầu hay chiếc phà nào để giao thông thuận tiện. Đi lại vẫn là những con thuyền nan bé nhỏ, thậm chí bằng mảng nứa giữa hai bờ.
Con thuyền nan ban đầu định chỉ là phương tiện tản cư, hóa ra thành vật sở hữu có giá trị của chúng tôi. Mẹ tôi lại giở nghề làm bánh kiếm sống cho cả gia đình.
Ngay chỗ đầu dốc ( Sau này mở công ty lâm sản và trạm kiểm lâm ) bố tôi dựng cái quán bán hàng nước. Cũng chẳng có gì nhiều nhặn. Vài nải chuối, lọ kẹo, mấy buộc bánh tẻ, bánh chưng.
Có người cần qua sông, bố tôi bơi đò.. Thời gian cứ thế trôi đi..

Ngày qua tháng lại.. Pháp tấn công.. Rồi Pháp rút..
Cuộc sống trở lại bình thường. Chân thành nhà Mạc đã trở thành quê hương thứ hai của chúng tôi.
Ngôi thành này nghe kể lại là được xây vào năm 1592, khi quân Trịnh dồn đánh quan quân nhà Mạc. Mạc Mậu Hợp thua chạy tứ tán lên Cao bằng, Lạng sơn và đóng cả  ở đây.
Tường thành xây hai lớp, giữa đổ đất nện, cao tám mét, bằng gạch vồ. Có bốn cổng thành. Một cổng quay mặt ra bến sông, nơi gia đình tôi tá túc trong cái lều hoang lúc bấy giờ.
Tôi và người anh trai tôi thường tha thẩn vào trong thành khi ấy mọc um tùm cỏ lau, dây đùm đũm, mắc hùm và dây bìm bìm.  Chúng tôi trèo cả lên vọng gác trên cổng thành và rất lấy làm lạ về những viên gạch xây thành này?
Đó là những viên gạch nung bằng đất sét, có từ hơn năm trăm năm trước. Không biết người ta làm cách nào để nung được những viên gạch to lớn như thế?
Anh tôi bảo là người ta nung bằng than, xếp trong lò như kiểu nung gạch vồ ở dưới quê tôi. Nhưng tôi không chịu.
Khi về đến nhà chúng tôi vẫn còn tranh cãi, không ai chịu ai. Bố tôi phải can thiệp. Ông giải thích là gạch nung bằng củi. Người ta đóng mỗi viên bề ngang dài hơn bốn mươi phân, rộng và dày bằng nhau, hơn hai mươi phân. Đấy là những viên gạch chưa từng ở đâu có. Gạch phơi khô, xây bằng bùn lỏng. Sau đó người ta chất củi lên, đốt từng đoạn cho gạch chín đỏ như sành, rồi mới nung đoạn tường thành khác.
Kiểu đốt gạch này chúng tôi chưa thấy bao giờ, chịu, không sao hiểu nổi. Nó ngược với lối đốt gạch thông thường.
Người ta thường đốt gạch xong, mới xây tường, chứ ai lại xây tường xong mới đốt gạch? Bố tôi nói vậy, thực ra là như thế nào cho đến tận ngày nay nhiều người vẫn chưa thể biết  được thực sự nó được nung ra làm sao?
 Trên đời này thật quá nhiều bí ẩn. Có phải chuyện gì cũng có thể phân tách nôm na, mách qué được cả đâu? Huống hồ đầu óc một thằng nhóc tì khi ấy là tôi thì biết cái gì?

Một hôm tình cờ bá tôi gặp mẹ tôi ở bến đò. Thì ra nhà bá tôi cũng đi tản cư sau chuyến đi của nhà tôi mấy ngày.
Nhà bá không ai biết bơi thuyền, lại không có thuyền nên quyết định đi bộ. Vợ chồng con cái gồng gánh ngày nghỉ, đêm đi cũng không nhanh hơn nhà tôi.
Bá tôi bảo không muốn ở ngoài bến sông gần thành cũ vì sợ có thể lại xảy ra chiến sự. bà ngược lên quãng trên thị xã một quãng. Chỗ ấy khuất, vắng nhà đất đai tốt lại rộng rãi. Đó là bãi đất rộng gần một cái hồ nước. Hồ này vốn xưa kia là do quân Mạc chặn một nhánh suối đổ ra sông Lô tạo thành cái hào tự nhiên rất lợi hại.
Bá tôi kể: Những người đánh cá trên hồ thỉnh thoảng vẫn dẫm phải những chiếc chông bằng sắt cắm từ thời nảo thời nao. Có người vết thương sưng tấy lên vì bị uốn ván phải cưa bỏ chân mới thoát chết. Vào độ mưa phùn gió bấc cuối năm chuẩn bị sang xuân, từng đàn đom đóm bay, sáng lẹt mặt hồ. Những con đom đóm to kì lạ, có khi gần bằng cả cái bóng đèn. Người ở đây quá kinh hãi, không ai dám ở. Đấy là lý do vì sao một nơi gần trung tâm tỉnh lị mà lại hoang vắng đến như vậy. Đời này truyền lại cho đời kia những câu chuyện hãi hùng từng xảy ra trên hồ nước này. Người ta bảo có những trận quân nhà Bầu đánh vào thành bị tên trong thành bắn ra, cộng thêm bị chông sắt xuyên vào người máu loang ra đỏ khắp mặt hồ.. Dưới hồ có những loại cá trê to khủng khiếp chuyên ăn thịt người. Lâu ngày chúng hóa thành tinh, đêm đêm hóa thành những cô gái, tóc dài trắng xóa, mình để trần trèo lên núi Thổ Sơn, hát eo ẻo..
Tôi nghe mà rờn rợn, nổi gai hết cả người.
        Một người chữ nghĩa chả có bao nhiêu như bá tôi còn nói: “Đúng là máu xương trăm họ chẳng qua đều vì quyền lợi vua chúa. Ai cũng bảo vì bách tính muôn dân, mà thực ra trăm họ đâu có được gì? Thời nào người dân đen thấp cổ bé họng cũng thậm khổ!”
Câu này hình như có lần ông Tú Ất nói ở nhà tôi rồi thì phải?
         Bá tôi nghe được nên nhập tâm chăng?  Người như bá tôi thời bấy giờ đâu nghĩ được những điều cao siêu, uẩn khúc như thế?
Bá tôi lại bảo:
-         Lúc đầu mới đến đây cũng ghê. Nhưng ở mãi thành quen, hết cả sợ.
Bá tôi rủ mẹ tôi lên ở cùng cho có chị, có em gần nhau tắt đèn tối lửa. Không hiểu mẹ tôi nghe chuyện bá nói nên sợ, hay ở chỗ bá không thuận buôn bán, mẹ tôi bảo nhà còn bận con đò nên không đi. Bá tôi có vẻ buồn, giận mẹ tôi khá lâu không qua lại.

Mãi sau này, xảy ra một sự chộn rộn nơi bến sông, mẹ tôi mới đưa chị em tôi rời lên đó. Chính là nơi tôi ở cho đến bây giờ.
Không ngờ lại là nơi “Tàng long, tụ thủy” như có nhà phong thủy sau này qua đây nói như thế.
Kể từ hôm nghe chuyện bá tôi kể, đêm nào anh em tôi cũng ngước nhìn lên núi Thổ Sơn để xem có đàn bà con gái hát ở đó hay không? Nhưng tuyệt nhiên chẳng thấy gì.
Liệu có phải thời chiến tranh loạn lạc thần tiên và ma quỷ cũng phải sơ tán, trôi dạt đi nơi khác cả không?
Đêm đêm chỉ thấy trên đỉnh núi thỉnh thoảng lóe ánh lửa rồi vụt tắt. Bố tôi bảo có khi người ta canh gác ở cái chòi trên đó, hay soi đèn ló bắt tắc kè..
Chả bao giờ chúng tôi biết chắc chắn được điều gì. Có một thời đúng là như vậy!
Chỗ ngoài cổng thành có một người ăn mày cụt một bên chân, lại mù cả hai mắt. Không hiểu sao, tôi cứ nghĩ ông ta là nạn nhân của bãi chông dưới lòng hồ, nơi bá tôi đang ở.

Một đêm gió mưa, ông này chui vào đống củi sau căn lều gia đình tôi ở. Khi phát hiện ra ông ấy chết cứng tự bao giờ. Chính quyền lâm thời cho người điều tra.
Người ta nghi ngờ có một âm mưu nào đó “giết người diệt khẩu” ( là bố tôi nói trong nhà như thế cho mẹ và chúng tôi nghe ). Lão ăn mày thực ra chỉ giả vờ mù, lão ta là người của phòng nhì Pháp tung vào vùng tự do của ta để thám thính, nghe ngóng tình hình.
Bố tôi bị gọi ra trụ sở. Ông bị giữ lại đấy, ngày hôm sau mới được thả về.
Người ta còn để ý theo dõi gia đình tôi một thời gian khá dài, với nhiều rắc rối mà lâu ngày tôi không còn nhớ nữa.
Đấy là một phần lý do tại sao bố tôi lại chuyển về quê là vùng tạm chiếm của giặc.
Thêm có tin ông bà nội tôi mất sau cái chết của hai chú tôi. Cơ ngơi dưới nhà không người trông nom.
Người sống đã vậy, còn mồ mả tổ tiên không thể để nhang tàn, khói lạnh mãi được.
Ba chị em tôi được bố mẹ tôi gửi lại cho bà bá trước khi lên thuyền trở lại quê nhà. Chúng tôi không ngờ đây lại là nơi sau này gắn bó mãi mãi với cuộc đời mình..

( Còn nữa..)

Hình ảnh


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: