Truyện ngắn của H.G.
Chiếc xe Pho màu cà phê sữa chạy chậm lại rồi đỗ ngay trước chỗ bà Éng
ngồi bán đậu ngoài cổng chợ. Một người đàn ông cao lớn, chạc trung niên bước ra
khỏi xe. Ông ta đưa mắt nhìn quanh một lượt..
Chỗ này là trung tâm thị tứ, đối diện với tấm biển “Nơi giao dịch” vùng này.
Hình như ông ta đang tìm người, nhưng chưa biết là ai? Đứng, hay ngồi chỗ nào?
Bà Éng đeo khẩu trang, kính dâm choán hết nửa khuôn mặt, tự dưng cảm thấy nôn
nao, nóng ruột, linh tính có điều gì đó can hệ đến mình.
Chả biết giữa bà với con người và chiếc xe kia có mối quan hệ gì không, mà từ
lúc ông ấy xuống xe bà cứ thấy bàng hoàng cả người?
Bà đoán có nhẽ đấy là người quen, ông ta không nhận ra bà vì cách ăn mặc, đeo
kính, khẩu trang của mình. Còn bà chỉ nhận thấy có nét gì đó quen quen, nhưng
không nhớ là ai? Bà đâu có quen biết người nào sang trọng, ăn vận như thế kia
chứ? Từ bé đến giờ những người thân của bà, bạn bè quen biết chỉ toàn người
“hoàn cảnh” cả. Người lịch sự nhất cũng chỉ áo bỏ trong quần, chân đi dép da
loại rẻ tiền, đâu như người này?
Ngờ ngợ thì ngờ ngợ, bà “cứ để yên xem sao”? Có lẽ bà đeo kính, mang khẩu trang
nên người kia không nhận ra bà cũng nên?
Gần rằm tháng bảy âm rồi mà vẫn chưa có lấy một trận mưa nào. Người ta bảo có thể
năm nay không có Ngâu?
Mọi năm thì mồng ba, mồng bảy đã mấy trận mưa Ngâu. “Vào mồng ba, ra mồng bảy”,
năm nào chả thế?
Nhưng năm nay nắng nóng nhiều, hôm nay sang mồng chín rồi, mống mây đằng đông
vẫn chưa xuất hiện. Ngưu Lang, Chức Nữ bận gì mà quên mất cả chuyện mỗi năm chỉ
được gặp nhau mỗi một lần vào dịp này? Mối tình sầu hận ngàn năm, chỉ cơ hội
duy nhất chan chứa hòa với gió mưa, cho vơi đi bao tháng ngóng, ngày mong!
Tiếp đến chiều nào trời cũng kéo mây vần vũ, gần tối lại chớp loe loé phía tây,
phía bắc.. mà mưa vẫn chưa thấy đâu?
Trời làm oi bức, hàng cá hàng thịt ế lê, ế lệt, nhưng hàng đậu của bà lại đắt
hàng. Mỗi buổi sáng phải làm những hai mẻ mới đủ bán cho khách quen. Tuy vậy bà
không lấy thế làm mừng.
Đành là nắng nôi, người ta ưa mua đậu phụ về nấu canh ăn cho mát ruột, chả ai
thích cá thịt vào những hôm như thế này.
Một mình mình đắt hàng thì lấy gì làm hay? Buôn có bạn, bán có phường chả ai
mong thiên hạ gặp khó khăn để sống lấy một mình.
Kinh nghiệm là “đắt hàng tôi mới trôi hàng bà”. Chợ búa thời nào cũng vậy, đều
có mối liên hệ, ràng buộc xa gần với nhau. Đắt riêng một hàng là điều đáng ngại
chứ chẳng có gì hay. “Văn hóa thương nghiệp” bà không rõ lắm khi nghe người ta
nói, nhưng cảm nghĩ như vừa rồi của bà là có thật, kinh nghiệm nhiều năm ngồi
bán hàng ở đây bà học được như thế, bằng trải nghiệm bản thân.
Chợ sớm mà vắng như chợ chiều, chả có người. Dấu hiệu không vui lắm của cả
vùng. Người ta nói quả không sai: “Cứ đến thăm chợ của khu vực nào là biết kinh
tế nơi đó phát triển ra sao”.
Như lối nói ngày trước: “Xa thì trông tre, gần nghe chó sủa”. Làng nào mà tre
mọc loi thoi, cằn cọc là y như rằng làng ấy đất đai cằn cỗi, cảnh nghèo xác xơ.
Chó xóm nào sủa lách nhách chẳng ra hơi là xóm ấy chả có mấy nhà khá giả.
Vùng bà chưa đến nỗi, tre vẫn xanh um, chó vẫn sủa ồm ồm, nhưng dấu hiệu chợ
thưa, người vắng không phải là điều không đáng để yên tâm, tuy rằng nó mới chỉ
lấp ló, thấp thoáng, manh nha.
Ngoài đường nắng gay gắt. Lúc lúc xe cộ các loại cuốn bụi phun mù mịt. Không mang
khẩu trao, đeo kính chắc bà cũng không đủ kiên nhẫn để ngồi được lâu ở chỗ này.
Còn mẻ đậu đã có tấm vải trắng ướt nước che đậy, bà chỉ mở ra khi có người hỏi
mua.
Bà định hết mẻ này sẽ về lấy thêm mẻ nữa. Buổi chiều nắng quá có khi nghỉ. Giàu
thì đã giàu rồi, có cố cũng chẳng được hơn. Mà sự giàu có chưa hẳn đã là hạnh
phúc. Với bà bây giờ sự thanh thản trong lòng cần hơn, sau cả thời thanh xuân
vất vả. Bà bằng lòng với cuộc sống hiện tại và có phần cảm thấy vui, thích thú
đối với nó.
Lão “Thắng dây” của bà chắc giờ này cũng đã xong mẻ đậu mới rồi.
Thời bây giờ làm đậu phụ nhàn tênh, đâu có vất vả như hồi xưa? Đỗ ngâm rồi đã
có máy xay chạy bằng điện, bấm một cái, mươi phút là xong. Một mình lão vừa “ngâm
thơ”, vừa chạy máy, nấu,.. rồi khuôn đậu, nhoáy cái là đâu ra đấy. Lại có thể
tranh thủ “sáng tác” nữa. Đâu có như ngày xưa tướt cò bợ kéo cái cối đá đại,
xay cả hàng tiếng đồng hồ mới xong một mẻ! Phải là người khỏe mới kéo được, sức
lẻo khẻo của lão có mà..
Thay đổi ở đâu không nói, ngay cách thức làm ăn nhà mình nhờ có điện lưới đã
thấy khác đi bao nhiêu rồi..Lão ấy mới có thể “Phối kết hợp”, vừa làm đậu, làm
thơ, lại làm vườn được như thế chứ!
Dạo này lão Thắng ra nhập “Câu lạc bộ thơ” của thị trấn, kiêm luôn cái chân thư
ký câu lạc bộ, nên cứ hở ra lúc nào là “sáng tác” lúc ấy. Được cái may lão
không rượu, không thuốc, không thích “buôn dưa lê” nên bà kệ, chả phàn nàn.
Gì chứ thơ ca, nó có cái hay riêng của nó. Bà không hiểu nhiều về chuyện này,
nhưng bà biết phần nhiều các vị yêu thơ phú đều là người tử tế, lương thiện, dù
rằng đôi lúc tính khí bốc đồng, chả được chu đáo như người ta, nhưng mà tốt
tính, tốt nết. Không như mấy ông mê số
đề, cờ tướng, lại nát rượu, suốt ngày gầm vợ gừ con. Lão lại có hoa tay truyền
thần, tô tượng được nhiều người mến mộ. Là thợ cả cứng của đoàn thợ xây một thời, đóng
góp không nhỏ về diện mạo nhà cửa vùng này. Nhà xây xong, nếu gia chủ có ý muốn
vẽ bức tranh thờ phật, hay tô lại tượng là có lão OK ngay, khỏi phải tìm thợ
khác đâu xa!
Mấy năm nay trong vùng dân chuộng lối kiến trúc mới. Người ta ưa kiểu Thái chứ
không theo lối Gootic bằng biện, vuông vắn kiểu cổ. Đoàn thợ của lão không còn
đắt khách, mỗi người một nơi, theo các đoàn thợ mới.
Lão cũng đã có tuổi, nghề thợ nề đã đến lúc không còn thích hợp. Công trình
trọn gói như xưa lão không theo nữa. Nếu ai có nhu cầu các việc xây trát, tu
sửa lặt vặt lão vẫn làm. Chỉ coi như việc làm thêm. Việc chính lão làm bây giờ
là làm quanh nhà, chăm đàn lợn, ngó vườn cây hay nấu đậu chẳng hạn..
Ngoài nấu đậu, thơ phú ra, thời giờ còn lại của lão là tất cả ngoài vườn.
Năm ngoái năm kia cũng nhờ cái vườn cây cảnh của lão mà xây được ngôi nhà mới.
Năm nay cây cảnh không có khách, lão xoay sang nghề chiết ghép cây giống.
Cả vùng đang sôi sùng sục lên bởi các loại giống cây ăn quả, lão cũng kiếm được
tiền.
Tuy vậy, lão vẫn bàn với vợ nên duy trì nghề nấu đậu. Ở đâu không nói, đậu phụ
chế theo công thức của lão, người khác có muốn bắt chước cũng còn lâu! Một nghề
thủa khó khăn bà Éng vào nghề và được lão “nâng cấp kỹ thuật”, giữ đến bây giờ.
“Giời có cho bát ăn, bát để cũng đừng quên thủa hàn vi của mình”, lão Thắng dây
chồng bà nói như vậy và bà thấy rất có lí..
Bà nghĩ đến đây thì trong chợ đi ra một cô tre trẻ, tay cầm chùm nhãn vừa
đi vừa ăn. Ông khách sang tiến lại gần hỏi cô gái:
- Cháu cho chú hỏi thăm chút, bà Éng bán đậu ngồi chỗ nào?
Cô gái nhoẻn cười:
- Cháu ở trong làng, không phải người ở đây, nhưng bà Éng thì cháu biết.. Bà ấy
ngồi ngay kia, chú không nhìn thấy à?
Khách lúng túng:
- Chú có ngờ ngợ, nhưng bà ấy ăn mặc thế kia nên không nhận ra!
Bà Éng thấy không thể im lặng, làm như không hay, đành lên tiếng:
- Tôi đây, ông là ai? Hỏi tôi có việc gì không?
- Chết thật, người quen mà không nhận ra – Giọng của ông khách có phần trách
móc.
Bà Éng vội vàng xin lỗi:
- Thì ra ông Quân. Ông thay đổi nhiều quá, lại đi xe đẹp, oách thế kia! Tôi có
ngờ ngợ nhưng không dám nhận. Có gì sai ông bỏ quá cho nhé! – Giọng bà cũng pha
chút hờn hờn, man mát trách lại.
Giọng khách ngùi ngùi:
- Tôi đâu dám trách, lỗi ở tại tôi..mà cũng hơn hai chục năm rồi, có không nhận
ra nhau cũng phải.
- Ông ra khi nào? Nghe đồn ông ở trong ấy bây giờ giàu có lắm rồi? Có khi chả
muốn ra ngoài này nữa cũng nên?
- Bà đừng nói vậy! Người ta dù đi bốn phương trời, thành hay bại, giàu có hay
nghèo khó cũng không ai quên được quê hương. Kỳ này tôi ra muốn gặp lại bà có
chút chuyện..Nhưng bà đang bận bán hàng thế này có phiền gì không?
- Không, mời ông ghé chơi nhà uống nước.. Ông nhà em cũng đang ở nhà. Hàng cũng
đã hết rồi..
Khách quay xe, mời bà Éng lên nhưng bà bảo:
- Em còn vướng cái xe đạp, ông cứ mặc kệ em.
Bà Éng đạp cái xe cu cũ đi trước, chiếc xe Pho màu cà phê sữa chầm chậm phía
sau.
Hàng phố trố mắt nhìn. Họ xì xầm với nhau: “ Bà Éng có người nhà sang trọng, ở
đâu mà mãi tới bây giờ mới tìm đến?”
**
Một người đàn bà, hai người đàn ông ngồi theo thế chân vạc. Một con “gà mò” nửa
rán, nửa luộc, một bình rượu ngon mà câu chuyện xem ra vẫn chưa thực sự thoải
mái, tự nhiên.
Và bao giờ cũng vậy, câu chuyện thường bắt đầu bằng những chuyện vu vơ, chả dính
gì đến chuyện chung, riêng của họ..
- Thứ này là rượu nếp chính hãng, ngâm với “Pín cẩu ngọc”, ông có biết nó là gì
không?
- …
- Ông nói chuyện đó làm gì? Pín nọ pín kia báo đài nói đầy ra rồi. Tốt được đến
đâu thì chưa biết, nhưng cứ lợi cho sức khỏe là được. Giờ em xin phép cả hai
ông nói câu chuyện cho rõ ràng. Kẻo rồi hồ hồ nghi nghi, khổ cho cả đôi, ba bên
– Bà Éng mở đầu câu chuyện – Ông Quân đây là người tình cũ của em. “Người yêu
đầu đời” như bọn trẻ bây giờ hay nói. Chính ông ấy là bố cái Hơn nhà mình. Cũng
là do duyên số, chả lấy được nhau, gần đến ngày cưới, ông ấy bỏ đi biệt tăm..
Cho đến hôm nay mới gặp. Còn người tình thứ hai chính là ông đây - bà chỉ ông
Thắng – Em gặp trong lúc xa cơ, nhờ có ông ấy cưu mang, em mới có ngày hôm nay.
Em phải nói rõ thế để hai bên khỏi hiểu nhầm nhau..
- Tôi xin phép cả hai ông bà phải nói rõ ra thế này, nếu không tôi là kẻ bạc
tình, sở khanh sao? Không phải tự dưng tự lành, tôi bỏ cửa bỏ nhà mà đi, bỏ lại
giọt máu của mình cho người mình yêu phải mang cái hận trong lòng.. Chuyện nói
ra thì dài, nhưng không thể không nói..
”Nhà Éng thời bấy giờ nghèo lắm. Ngoài cái cối xay đậu ra chả có gì đáng giá.
Chỉ có mảnh vườn con con, ruộng nương cũng không vì là dân di cư tự do, không
theo kế hoạch, còn đang chờ xem xét liệu có được cấp đất hay không. Tôi yêu em
không vì cái gì cả, phải nói rõ như thế. Nếu không nói người ta cũng biết,
nhưng chuyện phải có đầu có cuối. Tôi yêu em chỉ vì nết siêng năng chăm chỉ,
đấy là cách tôi nói với bố mẹ tôi và mọi người. Thực ra vì Éng đẹp, điều này
tôi không nói với ai. Nói ra chả hóa ra mình là kẻ háo sắc à? Tôi đâu có dại?
Ông bố nàng lúc đấy đã yếu rồi, cả nhà sinh sống nhờ bà mẹ nàng và mấy chị em
nàng đi làm thuê quanh vùng. Thời bấy giờ thuê mướn người ta đâu có trả công
như bây giờ? Làm cả ngày công người lớn mới được đấu gạo, còn trẻ con chỉ bằng
nửa đấu. Mà có sẵn đâu? Một hôm có chiếc thuyền buôn cối đá đậu ở bến, ông bố
đổi được bằng mấy đồng bạc trắng tình cờ nhặt được khi làm cỏ sau nhà. Chỉ là
cối nhỏ, dưới hạng trung. Nhưng thế là đã may, đã đổi đời rồi. Cả vùng không
nhà nào có. Muốn ăn đậu phụ phải ra tận tỉnh mới mua được. Đường thì xa, mua
được tí đậu về đã chua loe chua loét..”
- Tôi hiểu rồi, hồi đó đâu có điện, có đường như bây giờ, vất vả lắm, khó chung
chứ đâu mình ai? – Ông Thắng có vẻ sốt ruột – Ông cứ đi thẳng vào vấn đề ngay
đi..
- Ờ thì từ từ khoai khác nhừ, đi đâu mà vội?
”Éng cũng thương tôi, bao nhiêu người đến với cô ấy cũng gạt phăng hết. Chả phải tại tôi có nghề
đục đá, thó cối giúp đâu. Mà là vì cái
gì đó cả tôi với cô ấy cũng chưa thực hiểu ra là cái gì lúc bấy giờ. ( Cái hồi
ấy hay đáo để. Có những việc không làm không được. Thí dụ ..thó cối chẳng hạn.
Ông có biết thó cối là gì không? Là lấy cái chạm bằng sắt, đục lại các đường
dăm của cối, cho nó “sâu sắc” thêm. Cứ để thế là “cối đá cùn”, xay thế chó nào
được? ) – Chiều nào tôi cũng đến, cũng đòi thó lại cối cho Éng. Đến nỗi Éng
phải kêu lên: “Lâu lâu mới thó, chứ anh làm luôn như này chả mấy mà thủng cối
nhà em”.
Chuyện. Lửa gần rơm, lâu ngày cũng bén. Éng bảo với tôi: “Em bị rồi anh ạ”. Tôi
có hơi giật mình, nhưng miệng vẫn bảo: “ Thì cưới chứ lo gì?”.
Nói thì nói vậy, trong bụng tôi vẫn lo: “Chắc gì bố mẹ và gia đình nhà mình đã
đồng ý cho hai đứa lấy nhau?”.
Ông cụ tôi mất rồi, nhưng sinh thời cụ tôi nghiêm lắm.
Cụ bảo “Lấy vợ xem tông, lấy chồng xem họ”. Tôi có nói xa gần về chuyện gia
đình và bản thân Éng, bố tôi gạt đi:” Anh lấy ai cũng được, nhưng con gái nhà
ấy thì không”!
Tôi hỏi, bố tôi bảo:”Nhà ấy lại lịch không rõ ràng, có làm sao mới bỏ làng lên
đây. Ông bố tại vì rượu mới thân tàn ma dại như vậy. Đám con chả đứa nào ăn học
đến nới đến chốn, thông gia với nhà mình không tiện”.
Tôi không dám cãi, chỉ ấp úng thưa:” Đất nước bao năm chiến loạn, mấy ai không
có “vấn đề” về lai lịch? Đến như nhà mình, chân chì, hạt bột mà cũng có lúc là “thành
phần” nọ kia. Con lấy con người ta chứ có lấy bố mẹ đâu mà sợ ảnh hưởng?”. Bố
tôi quát:” Anh đừng có láo. Nhà mình “thành phần” là người ta quy sai, người ta
đã sửa, tôi có vì thế mà bỏ làng đi đâu? Nói anh không nghe thì tùy”..
Người tình thứ hai có vẻ tò mò:
- Chắc vì các cụ không bằng lòng nên ông đã bỏ đi từ đấy đến giờ?
Người tình đầu tiên:
- Không hẳn như vậy. Cứ để yên tôi nói. Đã bảo tính tôi nó vậy, cái gì cũng
phải có đầu có đuôi..
” Giữa lúc như vậy, trong làng xảy ra một chuyện đúng ra chả liên quan gì đến
tôi. Mãi sau này tôi có hơi ngờ ngợ, hình như bố tôi muốn mượn cớ này để tách
hai đứa chúng tôi. Các cụ nghĩ người ta xa mặt cách lòng, có nhẽ là vậy. Điều
này tôi chỉ giữ kín trong lòng, không dám nói ra miệng. Ngộ nhỡ không phải mình
có tội với người đã khuất. Hơn nữa đấy lại là bố mình!
Chuyện là có buổi chiếu phim ở trung tâm xã. Xem phim hồi đó không như bây giờ.
Nó thực sự là một ngày hội vì cả tháng, có khi cả năm mới có một vài lần, hiếm
lắm! Không như bây giờ nhà nào cũng có ti vi, thỏa thích muốn xem phim nào thì
xem.
Mỗi lần như thế có khi hàng trăm, có khi hàng ngàn người cùng xem một phim,
toàn phim chiến đấu của Liên Xô, Trung Quốc, phim Việt mình chỉ thỉnh thoảng
mới có. Phim hay hay không, không cần biết, cứ tối nào có phim là già trẻ, nhớn
bé lũ lượt kéo nhau đi. Mà đông người quá thường hay có chuyện phức tạp. Một
phần điện chạy máy nổ, ánh sáng có hạn, tối lom lom, phần sân bãi chật hẹp.
Tối hôm xảy ra sự việc tôi không đi, nhưng bị trong diện tình nghi là hung thủ
của vụ án mạng xảy ra cuối buổi chiếu phim. Bố tôi bảo: “Anh Tín con ông cả
Vọng nói với tao là sắp tới người ta sẽ gọi đến mày đấy. Người ta đang “khoanh
vùng, sàng lọc đối tượng”..Tao thấy mày nên lánh đi thời gian” Tôi bảo tôi
không làm, không sợ. Bố tôi bảo: “Anh nhớn người nhưng tính vẫn trẻ con. Người
ta cứ nhốt anh vào đấy, nếu không tìm ra được hung thủ sẽ thế nào? Có phải chưa
khỏi vạ, má đã xưng không? Ba mươi sáu chước, tạm lánh một thời gian, khi nào
rõ ngô rõ khoai lại về, có ai cấm?”.
Ngay đêm ấy bố tôi bí mật nhờ người bơi thuyền để tôi về xuôi..”
- Và ông đã đi từ đó đến nay?
- Thì đúng là như vậy. Lúc đi chỉ nghĩ đôi ba tháng rồi về. Không ngờ đến tận
bây giờ! Lúc đi tiền bạc bố tôi lo, lượt về thì không có.
Chân ướt chân ráo vào nơi xứ lạ, quê người kiếm miếng ăn, đồng tiền không phải
dễ.
Đến năm thứ hai gom được đủ tiền để về, lại nghe tin ở nhà Éng đã lấy chồng!
Tôi hỏi ông ở vào hoàn cảnh ấy ông có còn muốn về làng nữa không?
- Vầng, ở đời mỗi người có cách xử trí khác nhau, không ai giống ai, nhưng là
tôi, tôi vẫn cứ về..
- Thế đã không có chuyện. Để tôi kể tiếp cho mà nghe. Cái nghề đục đá, nung vôi
của tôi đã cứu tôi qua cơn hoạn nạn. Có một nghệ nhân chuyên làm tượng đá mướn
tôi phụ giúp. Ông có mỗi cô con gái, thấy tôi chịu khó ông nhắm gả cho tôi.
Người ta gọi tôi là “nhà điêu khắc” nhưng quả thực tôi có học trường nào đâu?
Tôi chỉ học mỗi trường đời thôi. Cũng nhờ nghề tạc tượng của nhạc phụ tôi mà
tôi có được cơ nghiệp như bây giờ. Xã hội thay đổi, đi lên, đời sống tâm linh
được chú trọng nên xưởng đá của tôi làm không xuể. Trong nam, ngoài bắc chỗ nào
cũng có nhu cầu làm mới, tu bổ đền đài, sửa sang tô tượng.. Nhưng làm gì thì
làm, thâm tâm tôi vẫn đau đáu với giọt máu để lại nơi quê nhà.. Tôi về chuyến
này là vì chuyện ấy, mong ông bà thông cảm.. Phải quấy gì thì tất cả đã là dĩ
vãng. Chúng ta chấp nhận và giải quyết hiện tại sao cho đúng là cái mà tất cả
nên làm..
Rõ ra là rượu ngâm “Pín cẩu ngọc” đã phát huy tác dụng, người tình thứ hai đã
bớt chút e dè giữ ý lúc ban đầu:
- Ông nói vậy tôi đã hiểu. Ý ông muốn nhận lại đứa con chứ gì?
Người tình thứ nhất gật đầu. Im lặng.
Ông thứ hai nói:
- Máu chảy đến đâu ruồi bâu đến đó. Ông có công đẻ, còn tôi, tôi có công nuôi..
Ông không thể hình dung ra được đâu! Cô Éng bụng mang dạ chửa chịu bao nhiêu
lời ra tiếng vào..
” Đoàn thợ xây chúng tôi thuê đò qua sông lúc ấy đã hơn chín giờ tối rồi. Hẳn
cô ấy đã nghĩ quẩn không lối thoát mới quyết nhảy xuống sông vào mùa giá lạnh
như thế. Tôi cho anh em lên bờ, nhờ tiếp bác lái đò đưa cô ấy về bệnh viện tỉnh.
Bụng mang dạ chửa ngâm nước lạnh lâu, may mà có người phát hiện ra, không vào
viện chắc không cứu được cả mẹ lẫn con. Không gặp tôi hôm ấy liệu có ngày hôm
nay không?”
Ông thứ nhất vội sụp xuống chắp tay, vái:
- Ông thực sự là đại ân nhân mà suốt đời tôi phải ghi nhớ. Ông mới là thứ
nhất..Tôi chỉ là. Là ..à mà không, tôi chả là gi cả. Người như tôi đúng ra chả
có thứ hạng gì..Được nhận lại cháu thế này ông muốn cái gì tôi cũng xin đáp
ứng..
- Sao ông lại nói thế. Thứ bậc quan trọng gì nào? Cả sự đền đáp của ông nữa..Tôi
biết ông có tiền. Nhưng ông tưởng tính bằng tiền là xong thôi hả? – Thắng dây
cứng cỏi, điều mà từ hồi ở với nhau bà Éng chưa thấy bao giờ.
Bà đoán chắc ông ấy nghĩ mình sẽ “quay đầu” về vời người cũ năm xưa. Người đời
chả nói: “Tình cũ không rủ mà đến” đó sao?
Nhưng Bà sẽ không làm vậy..
Nói gì thì nói, giờ ván đã đóng thuyền, ai cũng có chỗ, có phận của người đó rồi,
khó mà thay đổi.
Mối tình đầu của bà mãi mãi chỉ là một kỷ niệm vừa đẹp đẽ lại vừa đắng cay. Nó
mang lại cho bà đau khổ nhiều hơn hạnh phúc.
Với ông Thắng người đàn ông lớn tuổi hơn
bà, bao năm ông bị bà vợ cũ phụ tình. Ông ấy tìm đến bà, vừa là ân nhân vừa là
sự chia sẻ của người cùng cảnh ngộ.
Hơn tất cả, ông còn là ân nhân, không có ông ấy liệu mẹ con bà còn có ngày hôm
nay?
Bà sẽ phải chọn cách nào cho phải, điều này không khó. Nhưng liệu đứa con chung
của hai người nó sẽ nghĩ sao?
“Máu chảy tới đâu..” chắc bà sẽ không phải quá lo lắng về chuyện này..
- Thôi cả hai ông uống rượu rồi ăn tý cơm. Chuyện mãi nguội hết cả rồi.
Ông Quân cười:
- Lâu lắm tôi mới lại được ăn bữa cơm theo lối miền bắc, vừa ăn vừa chuyện.
Trong kia bữa là cứ ăn, ăn xong nói gì mới nói.
Câu này đúng là câu lạc đề, chả ăn nhập gì trong hoàn cảnh này, nhưng ông Thắng
vẫn Bảo:
- Ăn xong bà gọi điện cho con Hơn về ngay, “nhà có việc”. Chỉ cần nói vắn tắt
thế thôi, không nó hoang mang. Có gì về nhà hẵng nói
Quay sang ông Quân, ông Thắng bảo:
- Hai ta đều là chân làm đẹp cho đời, dễ hiểu và dễ nói chuyện với nhau, ông
nhỉ?
Ông Quân gật gật đầu.
Lâu lắm rồi không biết từ đâu “xuất” ra một đàn ong mật. Chúng đang líu tíu
trên vòm mái ông Thắng dây tô vẽ khá cầu kỳ.
Có nhẽ, nó nhầm mấy bông hoa vẽ trong vòm, ngỡ là hoa thật chăng?
=========================
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét