Trí khôn của người điên
Đột nhiên tôi bị chứng amnezia, hay nói một cách khác là bệnh mất trí nhớ. Một chứng bệnh quái ác. Tôi tự đánh mất bản thân mình. Không biết mình là ai, tên gì, cư ngụ ở đâu? Thậm chí tôi đã lấy vợ, mà cũng chẳng nhận ra được “một nửa quả tim” của mình nữa. Thi thoảng người bạn đời của tôi có tới thăm với những chiếc mũ kỳ dị trên đầu, cùng câu hỏi muôn thuở được lặp đi lặp lại: “Anh còn nhớ em không, hả Adolf!”. Nhưng tôi có còn nhớ gì nữa đâu. Thật ra nếu không “dính” amnezia thì cũng khó mà sống chung với cô ấy lắm. Liên tục tra khảo tôi, đòi hỏi đủ thứ chẳng để chồng yên, rồi cuối cùng lại bỏ đi.
Tôi đã lường trước chi tiết được mọi vấn đề. Tôi rời xưởng làm khi chưa hết giờ, chui vào một quán cuối góc phố và nốc rượu bí tỉ cho đến lúc đóng cửa. Tôi loạng choạng kiếm một cái ghế trong vườn hoa và kềnh ra đấy đánh một giấc ngon lành, kê dưới đầu là chiếc túi đựng đồ nghề trơ trọi. Tôi chẳng có mảnh giấy tùy thân lận lưng, chẳng có đồng bạc nào dằn túi, chẳng thể trả lời trôi chảy mọi câu hỏi của dân phòng tuần đêm. Vậy là người ta tống tôi vào nhà thương điên.
Giờ đây tôi đang ở trong trại tâm thần. Hồ sơ bệnh án: nghi nhiễm chứng amnezia. Đúng ra tọa lạc chốn này là một sự yên tĩnh đến tuyệt vời. Phong cảnh hữu tình cùng sự cẩn trọng hết sức chu đáo. Tại đây bạn có thể có tất cả những điều bạn muốn. Tha hồ mà nằm, ngồi, duỗi chân, bẻ đầu, gãi lưng, hay ngủ trong giờ làm việc… mà chẳng lo ai đó sẽ bắt gặp và phạt bạn. Điều khó chịu duy nhất chỉ là khi đi tắm. Nước nóng không chịu chảy ra, chỉ toàn thứ nước lạnh nổi da gà. Tôi nghĩ là chắc có vấn đề trong bộ đun dưới lò hơi. Nhưng chung quy lại bầu không khí chung thật tuyệt. Chúng tôi chỉ nghe nhạc cổ điển, một thứ nhạc thượng lưu thực thụ. Trong phòng tôi toàn các vĩ nhân: Hamlet, Thánh Pavel, Napoleon. Ngay cả nhà đại thám tử Sherlock Holmes còn nằm kề giường tôi nữa. Suốt đêm ông này luôn tìm kiếm cái gì đó khả dĩ có thể bóc trần các vụ trọng án, nhưng sáng đến lại đành bó tay vì các dấu vết hiện trường đã bị bà quét dọn xóa sạch…
Người ta rất chăm lo cho các thú giải trí của chúng tôi. Cả tivi cũng được xem, nhưng thỉnh thoảng thôi bởi họ sợ sẽ ức chế thần kinh của bệnh nhân.
Tôi tha hồ nghỉ ngơi, được dịp củng cố tinh thần và thể chất của mình. Ở đây rất trật tự trong mối tương cảm lẫn nhau. Vườn địa đàng của sự yên tĩnh, không hiện hữu các vấn đề phải lo, không hiện diện mối hoảng sợ cho tương lai…
Ngày mai là đúng 3 tuần, kể từ hôm tôi ghi danh vào đây. Tôi đã cân nhắc rất nhiều. Tôi quyết định mình không cần phải tiếp tục giả vờ vì nhiễm chứng “amnezia di căn” nữa. Vấn đề cũng đơn giản thôi, bác sĩ đã hứa rồi – nếu muốn, tôi có thể về nhà chữa ngoại trú vào bất cứ lúc nào. Xe cứu thương sẽ đưa tôi về tới tận đầu hẻm. Chỉ cần tôi tự đánh giá lấy bệnh trạng của mình mà thôi. Âu cũng là một cách giảm áp lực quá tải tại các nhà thương điên hiện nay.
- Anh hãy suy nghĩ và cho biết sớm nhé – viên thầy thuốc trưởng khoa không quên nói với tôi câu ấy sau mỗi lần thăm bệnh.
Chỉ có ngài giám đốc trại tâm thần là vẫn còn do dự. Ông ta thường khích lệ tôi:
- Mà sao cậu không nán lại thêm chút thời gian nữa nhỉ? Ở đây cậu có thiếu quái gì đâu? Tớ sẽ cấp cho cậu căn phòng độc thân có cửa trông ra vườn hồng, y như giữa tòa Bạch Ốc vậy. Sạch sẽ, tiện lợi, ẩm thực điều độ và không có bất cứ điều bực mình nào! Vào mùa hè cậu có thể lên phòng tớ uống bia lạnh vô tư! Chẳng còn có thể mong muốn nhiều hơn thế nữa! Đừng có hấp tấp mà bỏ đi đấy, anh bạn Adolf thân mến ạ!
Và tôi cũng thừa hiểu nhã ý của ông ta, bởi tôi là một trong những trường hợp hy hữu hiếm hoi rớt xuống chốn này – giả vờ bị bệnh do… giận vợ. Hoàng tử Hamlet đáng thương, Thống chế Napoleon oai phong và cả siêu thám tử Sherlock Holmes đại tài đều đã được xuất viện. Người ta chỉ giữ mỗi tôi lại trong căn phòng từng quy tụ nhiều vĩ nhân ấy (riêng Thánh Pavel thì mới về chầu trời tuần trước, chắc là theo lệnh triệu hồi từ Ngọc Hoàng). Suốt ngày tôi quanh quẩn trong khu lò hơi của trại. Người ta đã giao tôi việc chuyên bảo đảm cung cấp nước nóng cho cả khu vực rồi. Tuần tới, theo thiển ý của ngài giám đốc, tôi cần phải tổng kiểm tra lại toàn bộ hệ thống nhà tắm, thay gioăng lại những vòi rò rỉ cố hữu, góp phần giảm những chi phí thất thoát không đáng có.
Đơn giản vì tôi là thợ sửa ống nước bậc cao…
Ahile Gregor (Romania)
T.Q.Long (dịch)
Tuần Báo Văn Nghệ TP.HCM số 384
T.Q.Long (dịch)
Tuần Báo Văn Nghệ TP.HCM số 384
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét