Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Bảy, 26 tháng 12, 2015

Ý kiến muốn bỏ phiên tòa lưu động

Xét xử lưu động: Để bị cáo phải đối mặt với cả đám đông có vi phạm quyền con người?

Phiên tòa xét xử lưu động tại Bình Dương vào ngày 17/12 vừa qua, với sự có mặt của hàng ngàn người dân và hàng trăm cảnh sát.
Phiên tòa xét xử lưu động tại Bình Dương vào ngày 17/12 vừa qua, với sự có mặt của hàng ngàn người dân và hàng trăm cảnh sát.
Ngày 17/12 diễn ra phiên tòa xét xử lưu động xử án 2 bị can giết người ở Bình Phước. Tại phiên tòa này bị cáo, thẩm phán cũng như các luật sư cứ miêu tả đi tả lại những cảnh rùng rợn về chém giết khiến nhiều người rùng mình.
Nhiều người kể lại, khi đi xem xét xử, tối về ngủ còn gặp ác mộng. Các thanh niên sau phiên tòa còn kể lại các tình tiết ấy, người này bổ sung cho người kia, ra vẻ hiểu biết tâm đắc, điều này cho thấy ý nghĩa giáo dục của phiên tòa lưu động này không hề có, thậm chí còn có thể gây ra hiệu ứng ngược trong giáo dục
Không chỉ vụ án tại Bình Phước, nhiều vụ án xử lưu động khác cũng diễn ra tương tự, điều này khiến các nhà lập pháp đặt ra vấn đề về việc có nên tiếp tục tiến hành các phiên xử lưu động như vậy hay không.
Chiều ngày 22/12, báo Pháp Luật TPHCM đã tổ chức buổi hội thảo với chủ đề: Có nên xử án lưu động trong nền tư pháp văn minh, hiện đại.
Buổi hội thảo này có sự tham gia đại diện của Viện kiểm sát, Thẩm phán, Tòa án, trường ĐH Luật, các luật sư.
hoi-thao
Quang cảnh buổi hội thảo. (Ảnh: phapluattp.vn)
Buổi hội thảo diễn ra với các ý kiến khác nhau, có những ý kiến muốn duy trì phiên tòa lưu động, nhiều ý kiến khác lại không muốn tiếp tục kiểu tòa lưu động như thế này.
Các ý kiến muốn duy trì phiên tòa lưu động đều lấy lý do rằng việc này giúp truyền tải pháp luật đến người dân. Các phiên tòa như thế này có tính răn đe và trừng phạt lớn.

Ý kiến muốn bỏ phiên tòa lưu động

Các phiên tòa lưu động là để người dân khi xem rút ra bài học cho mình, nhưng thực tế người dân xem cũng không rút được bài học gì, nghe xong rồi thôi. Mặt khác người dân khi nghe các ý kiến trái chiều sẽ cảm thấy hoang mang. Việc lan truyền pháp luật sẽ không đạt được hiệu quả từ những phiên tòa xét xử lưu động.
Việc phổ biến pháp luật là dành cho cơ quan chức năng chứ không nên ở những phiên tòa lưu động.
Các phiên xử lưu động có cả trẻ em cũng đi xem, những vụ án như giết người ở Bình Phước ảnh hưởng rất không tốt đến trẻ em.
Việt Nam là một nước hiếm hoi có hình thức tòa lưu động, trong khi hầu hết các nước trên thế giới không có hình thức xét xử này. Làm như thế sẽ gây áp lực lớn đối với bị cáo và không tôn trọng quyền con người.
Báo Pháp Luật TP dẫn lời của Luật sư Bùi Quốc Tuấn: “Tôi vẫn bảo lưu không nên xử án lưu động. Trong tất cả các bộ luật thì chỉ có án hình sự mới xử lưu động nhưng quy định pháp luật thì không thấy. 
TAND Tối cao có hướng dẫn các vụ án trọng điểm, nếu chọn án trọng điểm để xử, bản án chưa có hiệu lực nhưng sau đó oan thì làm sao đây? Cụ thể, báo Pháp Luật TP.HCM cũng đã có bài phản ánh một trường hợp ở Đồng Nai bị đưa ra xử lưu động nhưng sau đó VKSND huyện Tân Phú phải xin lỗi. 
Theo tôi, một người bị đưa ra xử lưu động, họ chịu cả hai án hình sự và dư luận xã hội”
Việc nói rằng các phiên tòa lưu động mag lại lợi ích đó chỉ là lý thuyết, chứ thực tế thì tác dụng rất ít. Nhiều vụ án dân đến xem chỉ là muốn biết mức án cuối cùng thế nào, còn những điều khác đọng lại rất ít.
Nhiều phiên tòa người dân đến xem chỉ để cho biết rồi thất vọng. Báo Pháp Luật TPHCM dẫn lời luật sư Nguyễn Minh Luận thuộc Đoàn luật sư Sài Gòn cho rằng: “Giới Luật sư chúng tôi không đồng tình xét xử lưu động. Bản thân người thực thi pháp luật cũng không muốn. Tòa tối cao cần cân nhắc xem lại dư luận, có đề án tiếp tục hoặc dừng lại thì như thế nào? Tôi nghĩ Tòa cần lắng nghe tâm huyết của luật sư vì chúng tôi sát với dân hơn”.

Áp lực của bị cáo khi phải xử lưu động

Có bị cáo khi bị đưa ra xử lưu động, trước đám đông người đã sợ hãi quá hỏi luật sư rằng: “‘có phải tôi sắp chết rồi không’tâm lý lúc nào cũng nghĩ mình tội rất nặng mới bị xử lưu động. Khi phiên tòa xét xử người này không làm chủ mình và trả lời những câu hỏi của tòa rất lan man” – Luật sư Nguyễn Đức Chánh nói với báo Pháp Luật TP.HCM
Ngày 17/11 diễn ra phiên tòa lưu động tại huyện Hướng Hóa, Quảng Trị. Hội trường chỉ có 150 chỗ, nhưng người đến xem rất đông, áp lực từ bên ngoài lẫn bên trong hội trường là rất lớn.
Vừa bước xuống xe, chứng kiến cảnh tượng này, bị cáo Hồ Chí Bảo đã ngất xỉu ngay tại chỗ hơn 1 giờ đồng hồ, lực lượng y tế phải vào hồi sức. Khi tỉnh lại, bị cáo chỉ trả lời lí nhí vì sợ người khác nghe thấy.
Ở Bình Thuận từng có vụ án xử lưu động, người dân địa phương đến xem rất đông, sau một hồi đối đáp lộ ra chuyện cô B ngoại tình, nhưng tình tiết này không có chứng cứ nào cả.
Sau đó cô B bị chồng bỏ, bị áp lực đàm tếu của mọi người khiến cô đã uống thuốc tự tử.
Các bị cáo phải chịu áp lực rất lớn khi bị xét xử trong các phiên tòa lưu động có hàng ngàn người tới xem. (Ảnh: Internet)
Nhiều vụ án khi xét xử lưu động, những thủ đoạn tàn bạo của bị cáo in vào trong đầu người xem, nhiều người còn cảm thấy phấn khích khi xem, các phiên tòa này vô tình lại gieo mầm tội ác, những phương thức thủ đoạn của bị cáo có thể trở thành ‘hình mẫu’ để noi theo.
Anh Nguyễn Thanh K (thôn Đại An, xã Tam Đại, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam) dùng điện thoại nhắn tin cho một học sinh đe dọa lấy 3 triệu đồng, sự việc bị phát hiện và K bị bắt.
Tháng 12/2013, TAND huyện Phú Ninh quyết định đưa vụ án này ra xử lưu động, để làm gương “răn đe” những người khác. Trước ngày xét xử, UBND xã Tam Đại dùng loa phóng thanh thông báo mọi người đến xem phiên tòa lưu động.
Cảm thấy quá áp lực và lo lắng khi phải đối mặt với đông người, anh Nguyễn Thanh K đã uống thuốc độc tự tử.
Ông Đinh Văn Quế – nguyên chánh tòa hình sự TAND Tối cao có bài viết trên báo Vnexpress kể rằng: “Có vụ người nhà nạn nhân vì bức xúc cầm dao lao vào đâm bị cáo trước vành móng ngựa, có vụ gây náo loạn khiến nhà chức trách phải huy động cả một trung đoàn cơ động đến giải vây cho HĐXX… Bên cạnh đó, tính uy nghiêm của một phiên tòa bị giảm đi ít nhiều tại các phiên xử lưu động khi âm thanh, phông màn đều tạm bợ…”

Các nước văn minh không có xét xử lưu động

Các nước trên thế giới có sự phân chia rất rõ ràng, Tòa án là nơi xét xử chứ không phải là nơi hướng dẫn luật pháp cho người dân, việc phổ biến luật là có các các cơ quan chức năng khác làm, vì thế Tòa án không tổ chức các phiên xử lưu động nhằm phổ biến luật cho người dân.
Ở các nước tiến tiến châu Âu và châu Mỹ, việc xét xử tại tòa án là hết sức trang nghiêm thể hiện sự công bằng, vì thế không thể tổ chức lưu động được, mà chỉ có thể tổ chức tại tòa án.
Mặt khác ở các nước tiên tiến, tính nhân quyền và bình đẳng rất cao, việc tổ chức phiên tòa lưu động, phạm nhân phải đối mặt với cả đám đông là vi phạm quyền con người, đây là điều mà không một đất nước văn minh nào muốn làm.
Ngoài ra việc xử lưu động, phạm nhân phải trả lời chất vấn trong trạng thái hoảng loạn mất bình tĩnh do phải đối mặt với đám đông, vì thế không đảm bảo tính chuẩn xác của lời khai, không công bằng với phạm nhân, và bản chất phiên tòa không nghiêm túc.
Việt Nam đang từng bước hội nhập sâu rộng vào văn minh tiến bộ thế giới, thiết nghĩ nên bỏ hình thức xét xử lưu động này, còn việc phổ biến pháp luật nên để cho các cơ quan chuyên trách lo.
Mặt khác, việc xét xử phạm nhân có mục đích căn bản là “giáo dục” chứ không phải là “trừng phạt”. Việc xét xử lưu động trông giống như hình thức đấu tố thời cải cách ruộng đất trước đây, hoàn toàn không có tính văn minh giáo dục.
Ngọn Hải Đăng

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: