Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Bảy, 26 tháng 12, 2015

"Nổ" trong khoa học


Xin nói trước rằng "nổ" đây không có nghĩa là tối ngày đi đâu cũng khoe mình là thạc sĩ, tiến sĩ, giáo sư (1), mà là "nổ" trong cách viết bài báo khoa học (2). Nói cụ thể hơn là cách dùng những chữ cho thật kêu để gây chú ý của ban biên tập và độc giả. Nếu ban biên tập chú ý thì xác suất bản thảo được gửi ra ngoài bình duyệt cao. Nếu độc giả chú ý thì bài báo có thể có được trích dẫn. Từ hai động cơ đó, các tác giả khoa học thời nay có xu hướng dùng chữ ... thiếu khiêm tốn.



Nói chung, giới khoa học là những người bảo thủ và ... chán. Bảo thủ trong cách dùng chữ, vì họ rất cẩn thận, không dám dùng những chữ xa hoa. Lí do đơn giản là càng biết nhiều thì họ thấy kiến thức càng hạn chế. Càng đọc nhiều và làm nhiều, họ càng thấy tính bất định bàng bạt khắp nơi. Chính vì thế mà họ ít khi nào dám nói cái gì khẳng định. Nói câu gì cũng nhìn trước trông sau, chứ không dám ăn nói bạt mạng như giới chính trị, buôn bán xe hơi cũ, nghệ sĩ, v.v. Chính vì thế mà đối với giới báo chí, những người làm khoa học rất chán. Chán vì nói chuyện với họ lúc nào cũng chẳng có câu gì chắc chắn (mà báo chí thì thích cái chắc chắn), lúc nào giới khoa học cũng suy nghĩ lâu mới có câu trả lời (còn báo chí thì đòi câu trả lời ngày hôm qua). Một phần là bản chất của khoa học, nhưng một phần là do họ được huấn luyện phải cẩn thận và khiêm tốn. (Dĩ nhiên, tôi chỉ nói những người làm khoa học thật, chứ còn loại dỏm thì họ nói bạt mạng lắm).

Thế nhưng trong xu hướng cạnh tranh ác liệt để được công bố bài báo khoa học, giới khoa học càng ngày càng tỏ ra ... mãi võ sơn đông. Họ bắt đầu dùng những chữ mạnh trong bài báo. Họ bắt đầu nói năng trên báo chí bằng những câu chữ rất kêu. Giới khoa học nói chung cảm thấy có xu hướng "dương tính hoá" trong ngôn ngữ khoa học. Nhưng họ chưa có cách định lượng xu hướng đó. Cho đến tuần này có một nghiên cứu rất thú vị nhằm kiểm định giả thuyết tích cực hoá trong ngôn ngữ khoa học.

Tập san lừng danh BMJ (British Medical Journal) nhân dịp cuối năm có đi một loạt bài dưới chủ đề có tên là "The Publication Game". Một trong những bài làm tôi chú ý và mỉm cười một mình là bài nghiên cứu về tần số sử dụng những tính từ và danh từ mà tác giả gọi là "positive" (dương tính), hay có thể hiểu là những chữ tích cực (3). Đó là những chữ như amazing, assuring, astonishing, bright, creative, encouraging, enormous, excellent, favourable, groundbreaking, hopeful, innovative, inspiring, novel, phenomenal, prominent, promising, reassuring, remarkable, robust, spectacular, supportive, unique, unprecedented (xem biểu đồ).

Biểu đồ mô tả xu hướng dùng những chữ "dương tính" trong thời gian 1974 - 2014 trên các tập san y khoa hạng "danh giá". 

Cách tác giả (các chuyên gia tâm thần học) làm là đếm những chữ trên trong bản abstract (tóm tắt) của các bài báo khoa học được công bố trong thời gian 1974 - 2014, trên các tập san có ảnh hưởng lớn. Đó là những tập san như Science, Nature, Cell, Lancet, JAMA, NEJM, PLoS Medicine, PNAS, BMJ, BMC Medicine, Arch Int Med, Ann Int Med, v.v. Kết quả rất ư là thú vị:

• Trong thời gian 1974-1980, tính trên tổng số chữ trong abstracts, những chữ dương tính chiếm 2%;

• Nhưng đến năm 2014, tỉ lệ những chữ dương tính tăng lên 17.5%, tức tăng gấp 8.7 lần so với 1974-1980.

So với những năm 1974-1980, những chữ như robust, novel, innovative, và unprecendented trong năm 2014 tăng từ 25 lần đến 150 lần.

Nhưng để cho "cân đối", các tác giả còn đếm những chữ âm tính (negative words). Đó là những chữ như detrimental, disappointing, discouraging, disturbing, frustrating, futile, hopeless, impossible, inadequate, ineffective, insignificant, insufficient, irrelevant, mediocre, pessimistic, substandard, unacceptable, unsatisfactory, useless, weak, worrisome. Kết quả cũng khá bất ngờ:

• Trong thời gian 1974-1980, số chữ âm tính chiếm 1.3% trong abstracts;

• Đến năm 2014, tỉ lệ những chữ âm tính là 3.2%, tăng 2.5 lần so với thời gian 1974-1980.

Nhóm tác giả còn phân tích sâu hơn về địa chỉ của tác giả, và phát hiện của họ càng thú vị. Các tác giả chú ý rằng những chữ "nổ" này có xu hướng xuất hiện trong những bài báo của các tác giả từ các nước mà tiếng Anh không phải là ngôn ngữ chính (mẹ đẻ).

Những xu hướng về dùng chữ mà tôi tóm lược trên đây cung cấp cho chúng ta nhiều tín hiệu. Nó nói lên rằng giới khoa học cũng bắt đầu nói khoát, nói quá, hay dùng "ngôn ngữ thị trường" (marketing language). Nói cách khác, sự lựa chọn về chữ của giới khoa học chịu tác động bởi hình thức hơn là nội dung. Nếu chúng ta tin rằng những chữ như innovative, novel và groundbreaking là phản ảnh nội dung của nghiên cứu, thì chẳng lẽ cái mới của khoa học đã tăng 25 lần trong 20 năm qua?!

Xu hướng trên có lẽ cũng phản ảnh một thực trạng là giới khoa học càng ngày càng chị áp lực phải công bố. Vì áp lực công bố, nên họ có khi phải hi sinh sự thật để ... nói quá. Thổi phồng một kết quả tầm thường là một cách đơn giản nhất để gây chú ý của ban biên tập và thu hút độc giả. Nhưng điều đó cũng có nghĩa là giới khoa học thiếu thành thật, và từ đó làm hỏng nền tảng của khoa học là tôn trọng sự thật. Hệ quả sau cùng là nó gây ảnh hưởng xấu đến hành trình đi tìm sự thật của khoa học.

Sự thành công của những người dùng chữ "nổ" cũng có nghĩa là hệ thống khoa học đang thưởng cho những người biết vặn vẹo hệ thống để tiến thân. Ngược lại, những người thành thật (và có thể làm giỏi) nhưng không nói/viết giỏi thì bị thiệt thòi trong khoa học. Đó là một sự bất công bằng, mà trong thực tế xảy ra rất thường xuyên.

George Orwell từng nói "If thought can corrupt language, then the language can corrupt thought" (Nếu ý tưởng có thể làm hư hỏng ngôn ngữ, thì ngôn ngữ có thể làm hư hỏng ý tưởng). Cách dùng những chữ tích cực một cách không cần thiết trong khoa học cũng sẽ gây tác động tiêu cực cho khoa học.

===

(1) Ở VN có những người đi đâu cũng yêu cầu người ta gọi mình là “TS”, “PGS TS”, “GS TS”, có khi còn chua thêm “GS TSKH”! Ngay cả một số người ở nước ngoài về VN cũng nhiễm thói này. Thật là hợm hĩnh, vì ít thấy ở đâu trên thế giới có cái thói kì cục như thế.


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: