Nhà khoa học phải đền 100% tiền nếu không ra sản phẩm
- Theo phương thức khoán chi tới sản phẩm cuối cùng cho các đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ (KHCN), các nhà khoa học có thể phải hoàn trả từ 40-100% kinh phí thực hiện đề tài nếu không cho ra sản phẩm như cam kết.
Quy định mới được ban hành tại Thông tư liên tịch số 27 giữa Bộ KHCN và Bộ Tài chính quy định khoán chi thực hiện nhiệm vụ KHCN sử dụng ngân sách nhà nước vừa được bộ trưởng hai bộ ký ban hành sáng nay, 30/12. Thông tư sẽ có hiệu lực từ 15/2/2016 tới đây.
Bộ trưởng Bộ Tài Chính Đinh Tiến Dũng (phải) và Bộ trưởng KHCN Nguyễn Quân ký ban hành Thông tư 27 sáng 20/12. Ảnh: Lê Văn. |
Theo quy định tại thông tư mới, sẽ có hai phương thức khoán chi để các nhà khoa học lựa chọn: Một là khoán chi đến sản phẩm cuối cùng áp dụng đối với các đề tài, dự án xác định được cụ thể sản phẩm đầu ra.
Hai là khoán từng phần với các nhiệm vụ không đủ điều kiện khoán chi từng phần, khi sản phẩm đầu ra chưa rõ hoặc năng lực thực hiện của các nhà khoa học chưa đáp ứng được sản phẩm đầu ra như yêu cầu đặt hàng.
Với các khoản kinh phí đã được khoán, các nhà khoa học thực hiện đề tài có quyền chi theo thực tế mà không phụ thuộc vào định mức và dự toán.
Việc thanh toán tạm ứng được căn cứ vào khố lượng công việc đã thực hiện chứ không kiểm soát chứng từ chi tiết như trước đây. Việc quyết toán cũng chỉ cần thực hiện một lần sau khi đề tài hoàn thành và các bên đã tiến hành thanh lý hợp đồng.
Phương thức khoán chi tại Thông tư liên tịch 27 được cho là giúp cơ chế tài chính của hoạt động KHCN tiếp cận nền kinh tế thị trường và phần nào gần với thông lệ quốc tế hơn, tạo điều kiện tối đa cho các nhà khoa học.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, thông tư mới sẽ giải quyết cơ bản những vướng mắc của ngành KHCN lâu nay vì vấn đề giao đề tài, vấn đề thanh quyết toán sẽ được đơn giản hóa, hóa đơn, chứng từ sẽ được cắt giảm tối đa.
Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ KHCN Nguyễn Quân cho rằng, đây là thông tư có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với ngành KHCN và là “món quà đầu năm rất có ý nghĩa dành cho các nhà khoa học”.
Bộ trưởng Nguyễn Quân trao đổi với báo chí về thông tư mới. Ảnh: Lê Văn. |
Chỉ quan tâm sản phẩm cuối cùng
Theo Bộ trưởng Nguyễn Quân, thay vì chỉ quản lý về chứng từ, thủ tục dẫn tới những đề tài được nghiệm thu xuất sắc nhưng không có sản phẩm được ứng dụng như giai đoạn trước, với phương thức khoán chi, các đơn vị quản lý khi giao đề tài chỉ quan tâm tới sản phẩm cuối cùng.
Nếu như không có sản phẩm cuối cùng đúng với hợp đồng đã ký kết thì đề tài, dự án sẽ không được nghiệm thu.
Trong trường hợp không có sản phẩm, các nhà khoa học nhận đề tài sẽ phải hoàn trả tối thiểu là 40% kinh phí đề tài và tối đa là 100% trong trường hợp lỗi do chủ quan.
"Đây là mức xử lý không hề nhẹ", Bộ trưởng Quân nói. “Những người làm quản lý trước hết tin vào nhà khoa học, sau đó sẽ đòi hỏi họ phải đáp ứng được lòng tin của chúng ta bằng việc cung cấp sản phẩm khoa học đích thực từ họ”.
Theo cách đó, phương thức khoán chi sẽ giúp hoạt động KHCN hiệu quả hơn vì khi nhà khoa học nhận khoán chi thì trách nhiệm rất lớn.
Khi đã ký hợp đồng, bằng mọi phương thức các nhà khoa học phải làm bằng được sản phẩm như đã cam kết. Từ đó, họ phải huy động nguồn lực để làm thật sự. Khắc phục được tình trạng nhiều đề tài, dự án lợi dụng lỗ hổng cơ chế, quản lý để làm giả mà vẫn được nghiệm thu.
“Những người nào lựa chọn phương thức thuận lợi cho mình thì cũng phải có trách nhiệm cao để đáp ứng yêu cầu của cơ quan đặt hàng”, Bộ trưởng Quân nói.
Bộ trưởng KHCN cũng cho rằng, mặc dù tạo điều kiện thuận lợi, cơ chế khoán chi cũng là thách thức lớn đối với các nhà khoa học.
“Nhiều nhà khoa học chưa chắc dám nhận khoán chi tới sản phẩm cuối cùng vì giờ đây cơ quan quản lý chỉ kiểm soát đầu ra. Những người làm khoa học mà không chắc chắn hoặc sản phẩm chưa định hình thì họ không dám nhận khoán tới sản phẩm cuối cùng”, Bộ trưởng Quân nói.
Lê Văn
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét