Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Tư, 23 tháng 12, 2015

Xung quanh chuyện ở tù của Nguyễn Công Khế


HOÀNG HẢI VÂN (nhà báo) 

Những kẻ giấu mặt lại tung lên mạng chuyện ở tù của Nguyễn Công Khế, trong đó có một “bản cung” ghi lời khai của anh với cơ quan cảnh sát chính quyền cũ ở Đà Nẵng, tiếp đó là một văn bản của Phủ Đặc ủy tình báo trung ương chính quyền Sài Gòn đề nghị Trung tâm thẩm vấn Tân Hiệp cho “nhận tên Việt cộng Nguyễn Công Khế về Phủ Đặc ủy nhận công tác”.

Tôi không quan tâm đến cái đám đông hùa theo những kẻ giấu mặt. Có quá nhiều những tài liệu, những bài viết thật giả lẫn lộn bôi nhọ người này người kia trên mạng, chẳng ai cần đôi co, mà có đôi co cũng đâu có được. Tốt nhất không đọc là xong. Nhưng đối với chuyện của anh Khế, một số người tử tế quen biết có gọi hỏi tôi, có người tỏ ý hoang mang không biết cái gì là thật cái gì là giả. Chuyện cung khai để kẻ địch bắt đồng đội và chuyện “nhận công tác” ở Phủ Đặc ủy Trung ương tình báo chính quyền Sài Gòn cũ là thật hay giả chỉ có cơ quan an ninh mới kết luận được, và họ đã kết luận rồi, từ 15 năm trước.


Chuyện anh Khế bị tố cáo “theo địch” có liên quan đến tôi, nên đương nhiên tôi phải biết rất kỹ. Hồi đó, vào khoảng năm 2000, tôi và một số phóng viên Thanh Niên có viết một loạt bài điều tra về chuyện khuất tất của một ngành kinh tế, những bài viết của Thanh Niên đụng chạm đến một Bộ. Có ai đó mang cho ông Bộ trưởng một tập hồ sơ ở tù của anh Khế. Đó chính là những hồ sơ mà những kẻ giấu mặt vừa công bố. Ông Bộ trưởng này đã mang tập hồ sơ trình đến Tổng Bí Thư. Tổng Bí thư đã gọi Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn lên yêu cầu làm rõ. Và cơ quan an ninh, từ Trung ương đến địa phương đã tiến hành điều tra xác minh. Trước đó nhiều năm, bộ hồ sơ này cũng được gửi tới chỗ này chỗ kia, nhưng bị người ta treo đó. Cũng may cho anh Khế, khi hồ sơ gửi tới lãnh đạo cao nhất, nó lập tức được yêu cầu xác minh, nếu không thì cứ mỗi lần có chuyện này chuyện kia người ta đem bộ hồ sơ đó ra dọa, anh Khế làm sao mà sống yên được.

Từ việc xác minh của ngành công an, Trung ương Đoàn đã có văn bản kết luận. Đó là bản Kết luận số 847-KL/TƯĐTN, ngày 17-7-2000 do Bí thư thứ nhất Vũ Trọng Kim ký gửi đến cấp lãnh đạo cao nhất và các cơ quan hữu quan, khẳng định sự trong sạch của anh Khế. Tôi cũng đã đọc một văn bản của cơ quan công an, cơ quan này cho biết anh Khế thừa nhận với địch là anh có “tham gia vào tổ chức Tổng đoàn học sinh, hoạt động từ thiện giúp người nghèo tại Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung” và khẳng định sự thừa nhận này “không gây hậu quả thiệt hại gì cho cách mạng”. Văn bản này cũng cho biết, theo tài liệu của cảnh sát chính quyền Sài Gòn để lại thì : “Là đoàn viên Thanh nhân nhân dân cách mạng của Cộng sản xâm lược, hoạt động cho cộng sản xâm lược, đội lốt Tổng đoàn học sinh Đà Nẵng, Nguyễn Công Khế thuộc thành phần nặng đầu óc cộng sản”. Trong một văn bản gửi Ban Bảo vệ chính trị nội bộ kèm theo bản Kết luận, Ban Bí thư Trung ương Đoàn “đề nghị các đồng chí xem xét có biện pháp ngăn chặn những người dùng đơn thư nặc danh làm ảnh hưởng đến công tác bảo vệ chính trị nội bộ và uy tín của cán bộ”. Tôi cũng được biết, người ta đã dùng các biện pháp nghiệp vụ xác minh loại giấy và con dấu trong văn bản của Phủ Đặc ủy Trung ương tình báo chính quyền Sài Gòn cũ là giả mạo. Và cũng thật "đáng tiếc" cho những người ngụy tạo tài liệu, là Nguyễn Công Khế chưa bao giờ ở nhà tù Tân Hiệp một ngày nào, vậy Phủ Đặc ủy Trung ương tình báo lấy Khế nào để nhận về Phủ Đặc ủy?

Như đã nói từ đầu, tôi không đôi co với những kẻ giấu mặt, bài viết này cũng không phải là một bài báo, nên tôi không cần thiết phải chụp và đưa các văn bản kết luận chuyện ở tù của anh Khế để đưa lên đây. Những ai muốn biết sự thật thì đã biết rồi, còn những ai chưa biết mà muốn biết cho đến cùng thì tự mình có thể đến những nơi cần đến để tìm hiểu. 

Đưa một văn bản giả mạo lên mạng, những kẻ giấu mặt còn cho rằng chính anh Khế sau khi bị bắt đã “chỉ điểm” cho địch bắt nhiều người, trong đó có việc bố ráp cơ sở in ấn tờ báo “Tiếng gọi học sinh” bắt toàn bộ đội ngũ in ấn, phát hành, khiến cho “đồng chí Trần Phú Quý đã anh dũng hy sinh ngay hôm ấy”. Tôi lúc đó cũng là một “Việt cộng nằm vùng” ở Đà Nẵng tôi biết rõ, anh Khế đã bị bắt cùng hơn 30 người trong Tổng đoàn học sinh. Sau khi anh Khế bị bắt, không còn một ai khác trong hệ thống này bị bắt nữa. Trong lãnh đạo Tổng đoàn, chỉ riêng anh Trần Phú Quý và anh Lê Đức Hùng chạy thoát, vài ngày sau đã thoát ly lên chiến khu. Khi tôi thoát ly lên căn cứ Xuyên Trà vào năm 1974, tôi còn gặp anh Trần Phú Quý và Lê Đức Hùng, lúc đó đã là cán bộ của Đặc khu Đoàn Quảng Đà, cơ quan của các anh nằm cạnh cơ quan tôi là Ban Mặt trận thành phố thược Đặc khu ủy. Anh Quý hy sinh vào tháng 8 năm 1974, trong một đợt phục kích của địch ở Cụp (một u núi) Diêm Sơn, huyện Duy Xuyên. Anh Quý hy sinh, chúng tôi ai cũng thương tiếc.
(còn tiếp)


Hoàng Hải Vân - theo blog hoanghaivan.com

(Phần 1: http://www.hoanghaivan.com/2015/12/nhung-chuyen-it-nguoi-biet-ve-nguyen_19.html)


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: