Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Năm, 24 tháng 12, 2015

Gỡ thế bí, TQ dụng bài có-thể-làm mà không cần điều kiện


 Việc Trung Quốc phá vỡ nguyên tắc kinh tế để thắng cho bằng được dự án đường sắt cao tốc tại Indonesia có liên quan đến kế hoạch thực hiện bằng được tham vọng Con đường tơ lụa trên biển và cũng là nhằm mở ra ‘lối thoát’ cho Bắc Kinh trong hoàn cảnh bị dồn vào thế bí tại khu vực Thái Bình Dương. 
Indonesia đã đưa ra quyết định lớn và rất quan trọng khi trao quyền xây dựng tuyến đường sắt cao tốc Jakarta – Bandung cho Trung Quốc thay vì Nhật Bản. Chính phủ Indonesia bối rối chọn lựa giữa Nhật Bản – “người bạn lâu năm đáng tin cậy” – và Trung Quốc – một cường quốc mới nổi – khi nước này đang chuẩn bị triển khai dự án đường sắt cao tốc vào đầu năm 2016 tới. Hai ‘gã khổng lồ’ trong khu vực Đông Á này trình ra những gói thỏa thuận rất cạnh tranh, trong đó mỗi bên đều đưa ra các điều khoản có lợi cho chính phủ Indonesia.
Dẫu Nhật Bản có lời đề nghị khá hấp dẫn nhưng Trung Quốc cuối cùng lại giành được dự án với những điều kiện mà phía Jakarta khó lòng từ chối. Điểm mấu chốt giúp Bắc Kinh giành phần thắng là việc nước này không đòi hỏi chính phủ Indonesia phải bảo lãnh cho khoản vay của dự án.
Ve vãn Jakarta
Nhật Bản chỉ trích đề xuất của Trung Quốc là phi thực tế, nhất là nếu không được chính phủ tài trợ vốn và có khả năng thua lỗ do phải đối mặt với bộ máy quan liêu tham nhũng và phức tạp tại Indonesia. Tuy nhiên, phía Bắc Kinh cho thấy họ không hề do dự áp dụng thứ vũ khí quan trọng nhất nhằm đạt được điều mình muốn, đó là tiền và tính mềm dẻo để đáp ứng các nhu cầu của chính quyền Indonesia.
Trung Quốc, Nhật, Con đường tơ lụa trên biển, tham vọng, dự án đường sắt, Indonesia
Ban đầu, Nhật Bản là ứng viên hàng đầu cho dự án đường sắt cao tốc Jakarta – Bandung sau khi hoàn thành một nghiên cứu khả thi kéo dài 10 năm và tốn khoảng 3 triệu đô la. Với tư cách là nhà đầu tư lớn thứ hai tại Indonesia, Tokyo cũng có nhiều mối quan hệ chặt chẽ với Jakarta, đặc biệt là khi Nhật Bản thể hiện cam kết mạnh mẽ trong việc hiện thực hóa các khoản đầu tư của mình vào Indonesia.
Mặt khác, Nhật Bản còn đưa ra lời đề nghị khả dĩ nhất đối với Indonesia, không chỉ cung cấp các sản phẩm chất lượng cao mà còn cho vay với lãi suất thấp, theo đó Indonesia chỉ phải trả lãi suất ở mức 0,1%. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng đã nỗ lực đưa ra đề nghị vào phút chót bằng việc giảm tỷ lệ bảo lãnh của chính phủ Indonesia, rút ngắn thời gian hoàn thành xuống còn gần 5 năm, gồm cả việc chuyển giao kiến thức và cam kết mở rộng hợp tác hàng hải với Indonesia.
Về phần mình, phía Bắc Kinh chào mời Jakarta mức đầu tư cao hơn với khoản tiền 5,27 tỉ đô la so với 4,4 tỉ đô la của Nhật, đồng thời không yêu cầu bảo lãnh từ chính phủ mà coi đây đơn thuần chỉ là hoạt động giao dịch giữa các doanh nghiệp với nhau. Ngoài lời đề nghị này, Trung Quốc còn đưa ra nhiều thỏa thuận khác, chẳng hạn như xây dựng năng lực và phát triển ngành công nghiệp chế tạo địa phương, góp phần mở rộng cơ hội nghề nghiệp cho khoảng 40.000 công nhân.
Nói cách khác, phía Indonesia sẽ được hưởng nhiều lợi ích trong khi Trung Quốc làm tất cả các công việc khó khăn. Đó là chưa kể tới việc Trung Quốc còn cam kết hoàn thành dự án vào năm 2019 khi Indonesia tổ chức bầu cử quốc gia. Đây thực sự là điểm cộng trong mắt Tổng thống Joko ‘Jokowi’ Widodo, người có khả năng sẽ tranh cử thêm một nhiệm kỳ nữa. Tất nhiên, khung thời gian ba năm đối với ông Jokowi là hấp dẫn hơn, bởi nó sẽ giúp ông cải thiện đáng kể vị thế chính trị của mình.
Cuộc chiến giành ảnh hưởng
Quyết định của Indonesia gây thất vọng sâu sắc cho chính phủ Nhật Bản. Akihiro Ota, Bộ trưởng Giao thông Nhật Bản, cho biết nước này sẽ đánh giá lại hoạt động đầu tư tổng thể tại Indonesia. Nhằm doa xịu tình hình, Indonesia ngỏ ý muốn trao cho Nhật Bản các dự án khác, thế nhưng quyết định mà Indonesia đưa ra cho thấy cách tiếp cận về hợp tác kinh tế và đầu tư của Trung Quốc khiến các quốc gia đang phát triển không thể cưỡng lại được.
Chính sách của Trung Quốc đối với Indonesia cho thấy ý định hăng hái của nước này muốn biến chiến lược Một vành đai, một con đường (OBOR) thành hiện thực. Các chính sách này là những nỗ lực của Trung Quốc nhằm mở ra ‘lối thoát’ cho riêng mình trong hoàn cảnh bị dồn vào thế bí tại khu vực Thái Bình Dương. Trung Quốc cho là Mỹ đang tạo ra một “vòng vây chiến lược” bằng việc tái cân bằng sang Tây Thái Bình Dương. Đa phần các nước đồng minh với Mỹ tại khu vực Thái Bình Dương như Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines và Úc đều đang định hình cảm nhận rằng sự trỗi dậy của Trung Quốc là mối đe dọa tiềm ẩn và sẽ gây bất ổn khu vực.
Tuy nhiên, quan điểm đó không được chia sẻ bởi các quốc gia Đông Nam Á, và nhất là khu vực Trung Á nơi chịu ít ảnh hưởng của Mỹ. Tuy có động thái độ thận trọng trước sự trỗi dậy của Trung Quốc, các nước Đông Nam Á vẫn cởi mở với các nỗ lực của Trung Quốc nhằm tăng cường chỗ đứng của mình tại khu vực miễn sao Bắc Kinh mang lại những lợi ích nhất định. Trung Quốc cũng cần phải chứng tỏ được năng lực xây dựng của mình, nhất là để cạnh tranh với Nhật Bản vốn đã có nhiều kinh nghiệm đầu tư tại ASEAN.
Hiện Tokyo đang nỗ lực tạo đối trọng đối với những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm nâng cao và làm sâu sắc thêm tầm ảnh hưởng của mình tại châu Á – Thái Bình Dương. Vào tháng 5/2015, Thủ tướng Abe thông báo kế hoạch đẩy mạnh quan hệ với các nước Đông Nam Á, thông qua tăng cường hỗ trợ tài chính cho các dự án hạ tầng trong 5 năm tới. Thêm vào đó, chính phủ Nhật còn củng cố thêm các mối quan hệ hàng hải với Philippines và Việt Nam, hai quốc gia đang cùng phản đối sự lấn lướt ngày càng tăng của Trung Quốc trong các tranh chấp chủ quyền trên biển Đông. Phía Nhật không muốn chấp nhận vị thế thượng phong của Trung Quốc, đồng thời muốn bảo vệ sự độc lập về mặt chiến lược lẫn chính trị của các nước Đông Nam Á bằng cách đề xuất một phương án thay thế cho Trung Quốc.
Một trong những trở ngại lớn nhất mà Trung Quốc phải đối mặt là việc Đông Nam Á thiếu tin tưởng vào cam kết của Trung Quốc cũng như chất lượng sản phẩm của nước này. Trái lại, thắng lợi của Trung Quốc khi giành được quyền thực hiện dự án đường sắt cao tốc này sẽ mở ra nhiều cơ hội để giành được thêm nhiều dự án khác tại Indonesia và các quốc gia khác ở Đông Nam Á.
Khả năng của Trung Quốc trong việc linh hoạt để đáp ứng các nhu cầu của chính phủ đương nhiệm đã trở thành điểm hấp dẫn nhất của nước này. Vậy nhưng, dù thái độ có-thể-làm mà không cần điều kiện đã mang lại lợi thế cho quốc gia này, thì giờ đây rất nhiều thứ sẽ phụ thuộc vào việc liệu Trung Quốc có thể sánh ngang tầm danh tiếng của Nhật Bản về chất lượng và mức độ đáng tin cậy hay không.
Emirza Adi Syailendra là chuyên gia phân tích của Chương trình Nghiên cứu Indonesia tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam (RSIS), Đại học Kỹ thuật Nanyang, Singapore.
Theo RSIS Commentary, 09/12/2015 - Tiêu đề do Tuần Việt Nam đặt

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: