Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Tư, 30 tháng 12, 2015

CHÍ PHÈO TÌM NAM CAO GÂY SỰ


Thái Sinh

Chuyện phiếm 


Những ngày cuối năm mưa gió dầm dề, rét tái tê, từ chân núi Hài nhìn ra cánh đồng ven sông nhòa nhợt mưa bụi. Đã mấy hôm rồi lão Cò không bước chân ra khỏi ngõ, kể từ khi thằng cháu tạm ngưng cái chức “giám đốc quân xanh” của lão, nên lão suốt ngày ngồi ru rú ở nhà hút thuốc lào vặt, uống nước chè đến xót cả ruột.
Chả bù cho cái thời đương chức, rượu chè liên miên, hắng một tiếng đám chân dài mắt xanh mỏ đỏ có mặt ngay, muốn gì được nấy. Bây giờ ở nhà quanh quẩn với bà vợ già mắt mũi kèm nhèm lại nghễnh ngãng nữa chứ, hỏi một đằng trả lời một nẻo.
Rõ chán, vợ với chả con. Lão vào buồng lôi hũ Tiên Lãng Tửu ra làm mấy chén rồi lên giường đắp chăn. Lão miên man nhớ lại mấy năm làm “giám đốc quân xanh” với những cuộc vui bất tận.
Trời hửng nắng, lão lật khật bước chân ra khỏi ngõ, lão cứ đi mà chẳng biết mình đi đâu khi đã nhận ra thì đã đứng trước quán Gió dựng cạnh bến đò bờ sông. Mưa gió nên quán vắng tanh, nhìn vào chỉ thấy một cái bóng mờ mờ lưng khòm khòm bên chai rượu mắt nhìn xéo ra ngoài sông đầy gió. Lão toan quay đi thì người ấy gọi lại giọng khàn đặc:
- Lão Cò đó phải không? Lão vào đây cụng với tôi một chén cho ấm bụng…
Lão Cò bước vào quán dụi mắt, nhìn mãi mà không nhận ra cái người mặt mũi nhằng nhịt sẹo, tóc bạc trắng bù xù như đám cước rối, đôi mắt đỏ vằn những tia máu, còn răng thì vàng khè như ám khói thuốc lào. Gương mặt ấy hình như lão gặp ở đâu đó. Chịu, lão chẳng nhớ ra.
- Dạ, chẳng hay cụ là ai đó ạ?
Con người kia cười gằn:
- Lão không nhận ra tôi à? Chí Phèo đây. Nom tôi già quá phải không? Đã hơn trăm tuổi rồi còn gì, thuộc hàng xưa nay hiếm đấy…
- Hóa ra là cụ Chí Phèo. Thưa cụ, mấy chục năm trời cụ đi đâu nay mới gặp được?
- Chuyện dài lắm, dài như dòng sông kia. Lão ngồi xuống đây uống với thằng Chí này vài chén đã nào…
- Không dám! Không dám! Cụ thuộc hàng cao niên của làng Vũ Đại, sao gọi là thằng được?
Chí Phèo cười khùng khục trong cổ:
- Cả làng Vũ Đại từ đứa trẻ chăn trâu tới cụ tiên chỉ tuốt tuột đều gọi tôi là thằng. Mấy mươi năm rồi thằng Chí này vẫn chỉ là thằng Chí Phèo thôi. Chẳng sao cả, người sinh ra tôi là ông nhà văn Nam Cao đã gọi tôi như thế, bây giờ nếu ông ta sống lại có gọi tôi là anh Chí hay ông Chí thì thiên hạ vẫn cứ gọi tôi là thằng Chí Phèo không thể khác được. Thôi lão uống đi, việc gì mà phải cấn cá chuyện xưng hô cho nhọc xác…
Lão Cò xoay xoay chén rượu trên tay nhìn Chí Phèo vẫn chưa hết ngỡ ngàng.
- Chẳng hay mấy mươi năm qua cụ Chí đi đâu nay mới gặp lại?
- Lão có đọc cuốn tiểu thuyết Chí Phèo mất tích của ông nhà thơ Nguyễn Đức Mậu chưa? Chí này cũng chưa đọc, bởi Chí Phèo có mất tích đâu mà để mắt tới chuyện văn chương chứ?
- Nếu cụ Chí không mất tích sao hôm nay lại có mặt ở đây?
Dốc chén rượu vào họng, Chí Phèo cười lớn :
- Sau hôm chém lão Bá Kiến tớ đâm mấy nhát vào cổ mình tự sát, nhưng không chết. Thừa khi mọi người cuống cuồng lo cứu chữa ma chay cho Bá Kiến thì tớ lủi ra vườn trốn thoát rồi lên thành phố làm thuê cho một gia đình nhà giàu. Sau mấy năm kiếm được lưng vốn tớ đi thẩm mỹ viện, biến thằng Chí Phèo mặt mũi đầy sẹo thành một gã điển trai con nhà giàu. Ông Nam Cao sinh ra tớ nhưng cũng chẳng nhận ra đứa con của mình.

Lão Cò nghe thế đâm choáng, chẳng hiểu ra làm sao cả.  Lão từng nhiều năm lăn lộn ngoài mặt trận, đến giờ vẫn là lão nông dân không hơn không kém. Thần kỳ, đại thần kỳ. Nếu thằng cháu không thuê lão làm “giám đốc quân xanh” thì đời lão đâu biết đến mùi rượu Tây, chứ đừng nói được gặp đám quan chức và lũ chân dài?
Đập tay xuống chiếu, Chí Phèo cười ha hả :
- Lão ngạc nhiên lắm phải không?
- Thưa cụ Chí, không phải ngạc nhiên mà kinh ngạc. Xin cụ cho lão nhà quê gàn dở này nghe vài việc làm kinh thiên động địa mà cụ đã làm…
- Lão còn nhớ chuyện chặt cây xanh hồi đầu năm nay theo đúng quy trình chứ? 
- Còn chuyện lấp sông Đồng Nai, cho người nước ngoài thuê đất rừng và mới đây là chuyện bán đất cho người Tàu ở Đà Nẵng cũng là Chí Phèo sao?
Chấm ngón tay vào chén rượu, Chí Phèo vẽ loằng ngoằng những ký hiệu gì xuống chiếu một lúc sau ngẩng lên.
- Là Chí Phèo mà không phải là Chí Phèo…
- Thế có nghĩa là sao hả cụ Chí? Tôi nghe cụ nói rối rắm quá, chả hiểu ra làm sao cả.  Đám dân đen chúng tôi không hiểu ra làm sao cả cứ rối tinh rối mù. Là Chí Phèo mà không phải là Chí Phèo là sao?
Chí Phèo tợp thêm một chén rượu cười lớn:
- Phong cách vòng vo là của cán bộ thời nay. Lão ngạc nhiên lắm sao? Đã trên trăm tuổi thằng cha Chí Phèo này có một số con cái, cháu chắt chúng ở khắp mọi nơi, làm đủ mọi chức vụ lớn bé. Xưa kia nghèo khổ Chí Phèo được Thị Nở nấu cho bát cháo hành đã thấy cuộc đời nở hoa. Nay cuộc sống đã khác, con cháu của Chí Phèo không mong bát cháo hành của Thị Nở trong túp lều ven sông, mà chúng cần những xấp bạc xanh kia, càng nhiều càng ít và những ngôi biệt thự trong các khu đô thị cao cấp. Để có được những xấp bạc xanh thì việc gì chúng đâu có từ…
- Nam mô a di đà phật! Sao có thể làm được như thế?
Chí Phèo gầm lên :
- Lão kinh ngạc à? Mấy vụ Vinashin, Vinalines thất thoát mấy ngàn tỷ đã thấm vào đâu, giờ lại bày ra việc xây các quảng trường, tượng đài....
Nhón mấy hòn lạc bỏ vào miệng rồi tu luôn cả chai rượu đặt trên chiếu, mắt Chí Phèo trợn trừng :
- Thưa cụ, chắc cụ say rồi, nhà tôi ở dưới chân núi Hài kia, xin cụ về nhà tôi tạm nghỉ…
Hất tay lão Cò ra, Chí Phèo vùng đứng dậy, rút con dao phay róc mía cài trên vách bước liêu xiêu ra khỏi quán Gió:
- Bớ ông Nam Cao là ông Nam Cao. Ông sinh ra tôi sao không cho tôi làm người lương thiện, mà bắt tôi làm kẻ lưu manh chuyên rạch mặt ăn vạ là cớ gì? Tôi đã nhiều lần lột xác, nhưng không thay đổi được chất lưu manh đã ngấm vào tận trong máu mình. Để một ít lũ con cháu tôi dù khoác áo công bộc của dân vẫn có một lũ lưu manh. Tôi phải chém ông, chém kẻ đã sinh ra tôi mới hả dạ…
Lão Cò hoảng hốt chạy theo, giằng con dao trong tay Chí Phèo:
- Tôi lạy cụ, tôi xin cụ đừng gây thêm vụ án mạng nữa. Ông Nam Cao chẳng có tội gì với cụ. Bá Kiến mới là kẻ đáng giết, lão Bá đã bị cụ chém chết từ mấy chục năm rồi chứ ông nhà văn có tội tình gì đâu?
Chí Phèo quay lại hất bàn tay lão Cò ra:
- Bá Kiến này chết thì sinh Bá Kiến khác. Lão mở mắt ra nhìn xã hội xem có bao nhiêu Bá Kiến? Chúng đông như lũ sâu bọ, ăn không từ một thứ gì của dân. Tôi phải chém chết ông Nam Cao là cha đẻ của tôi mới hả dạ…
Lão Cò giật mình hất chăn vùng dậy. Hóa ra vì mấy chén Tiên Lãng Tửu đã đưa lão tới giấc mơ quái đản kia. Nam mô a di đà Phật, Nam mô a di đà Phật…

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: