25-12-1991 :
Ông Mikhail Gorbatchev tuyên bố từ chức Tổng thống Liên Xô trên truyền hình ngày 25/12/1991. |
Hôm thứ Tư 25 tháng 12 năm 1991, Mikhail Sergueievitch Gorbatchev (Gorbachov) thức dậy với tâm trạng u uất, đầu óc váng vất, trong tư dinh dành cho Tổng thống ở Barvikha 4, ở ngoại ô phía tây Matxcơva.
Hôm trước đó tại điện Kremli – nơi mà từ vài tuần qua, ông giống như Vua Lia cô độc – Gorbatchev đã tiếp đón vị khách hiếm hoi là chính khách Arkadi Murachev. Hai người đã cùng uống một ít rượu cô-nhắc -cách thức để Tổng thống Liên Xô thư giãn đôi chút, sau khi trải qua tám tiếng đồng hồ thương lượng các điều kiện từ chức với địch thủ Boris Eltsine. Gorbatchev không ngon giấc. Trái tim ông nặng trĩu.
Gorbatchev biết rằng đây là ngày cuối cùng tại điện Kremli, sau sáu năm lãnh đạo đầy sóng gió lịch sử. Ông đã bắt đầu« một cuộc đổi mới toàn hệ thống đã gây tiếng vang rộng rãi » - tức công cuộc perestroika nổi tiếng - rồi lại chứng kiến chủ nghĩa cộng sản xô-viết sụp đổ như một lâu đài xây trên cát. Sau bốn tháng tranh đấu để giành lại quyền lợi, Mikhail Gorbatchev không thể nhắm mắt trước thực tế : Ông đã trở thành Tổng thống của một đất nước không còn hiện hữu nữa.
Gorbatchev chọn trong tủ áo một chiếc sơ-mi trắng hồ cứng, bộ vét đen có những sọc nhuyễn màu xanh đậm và chiếc cà-vạt bằng lụa in hoa đỏ. Mikhail Sergueievitch muốn ăn mặc chỉnh tề khi nói chuyện lần cuối trước quốc dân đồng bào.
Mikhail Gorbatchev và phu nhân Raissa. |
Khi quay trở lại tối hôm ấy, người đàn ông có vết bớt màu bã rượu đã can đảm kết thúc cuộc chiến tranh lạnh, sẽ chỉ là một công dân bình thường. Ông có ba ngày để dọn ra khỏi biệt điện (datcha) dành cho nguyên thủ. Đó là lệnh của Tổng thống Nga Boris Eltsine.
Ông Eltsine thức dậy lúc hai giờ sáng. Đó là vì Boris Nikolaievitch Eltsine thường bị mất ngủ và chứng đau đầu khó chịu. Sức nặng của trách nhiệm, việc chuyển đổi đau đớn của nước Nga sang cơ chế thị trường và dân chủ ám ảnh giấc ngủ của ông. Những kẻ thù xuất hiện từ khắp mọi nơi, nhất là trong phe KGB cũ, dù đã bị ông trói gô lại nhưng vẫn còn động đậy.
Eltsine cũng dành thời gian để chọn lựa trang phục : một bộ vét màu sẫm sang trọng. Cũng như mỗi ngày, bà Naina vợ ông chỉnh lại giùm chiếc cà-vạt và chải qua mái tóc bồng bạc trắng. Người Nga thích nói đùa là từ thời Lênin, một nguyên thủ tóc dài thay thế một vị hói đầu. Vào khoảng 10 giờ, Boris Nikolaievitch cũng lên đường đến điện Kremli, nơi mà từ khi đảo chính, ông chiếm hẳn một văn phòng trong tòa nhà Xô-viết Tối cao.
Boris Eltsine trên một chiếc xe tăng ngày 19/09/1991 kêu gọi tổng đình công. |
Đối với Boris Eltsine, hôm 25 tháng 12 ấy là ngày chấm dứt một cuộc chiến kéo dài từ năm 1987 – năm mà ông đã bị một Gorbatchev, đang ở đỉnh cao quyền lực và đầy hoài nghi, quăng xuống đáy Ủy ban trung ương đảng cộng sản Liên Xô.
Sau khi kêu gọi đến Boris Eltsine để quét dọn nạn tham nhũng khỏi thủ đô xô-viết, Gorbatchev trở nên lo ngại những ý tưởng quá cấp tiến và tính cách nóng nảy của Eltsine. Ông ngỡ đã tống khứ được mối lo khi loại Eltsine ra khỏi Trung ương. Nhưng Eltsine đã vươn dậy, trở nên người hùng của phe dân chủ, rồi thành cỗ máy lao vào tấn công chế độ mà Gorbatchev muốn duy trì.
Boris Eltsine cũng trở thành người đấu tranh cho một nước Nga tái sinh, và nềnđộc lập của các nước cộng hòa khác. Trong khi Gorbatchev chống lại bằng mọi giá, đưa xe tăng đến Litva và tập họp quanh mình một ê-kíp ngày càng bảo thủ hơn, rốt cuộc lại thành ê-kíp đảo chính (!) để duy trì Liên Xô và chủ nghĩa cộng sản. Một nhà quan sát trên Le Figaro ngày 26/12/1991 đã tổng kết : « Gorbatchev là nhà đấu tranh giỏi cho hai sự nghiệp tồi tệ ».
Tường Quốc hội Litva ngày 17/01/1991 được dán đầy những khẩu hiệu chống Liên Xô. |
Dù sao đi nữa, Eltsine đã ca khúc khải hoàn hôm 25 tháng 12,« hồi cuối của một bi kịch đậm chất Shakespear, trong đó hai con người xuất sắc đã hình thành một nước Nga hiện đại, đối đầu với nhau » - theo nhận xét của tác giả Conor O’Clery trong một cuốn sách viết về ngày lịch sử ấy.
Gorbatchev và các đồng chí. Một tuần sau, cả ba nhân vật này đã tổ chức đảo chính ông. |
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét