Người qua nơi ấy, âm u xứ
Làn gió vô minh, thổi thổi chiều
Người trong cõi lặng, người biển động
Ôi thế nhân này, đau thế ư!
Làn gió vô minh, thổi thổi chiều
Người trong cõi lặng, người biển động
Ôi thế nhân này, đau thế ư!
Chiều hôm qua, ngồi trên võng, vừa uống nước mía, vừa suy nghĩ về cái địa ngục trần gian này, bỗng tôi thấy cái được gọi là thiên đường hay niết bàn đang lấp ló xa xa, nó mĩm cười và hơi trêu chọc tôi, rồi tiến lại gần, rất gần: tôi lảo đảo…
1
Sáng nay đi uống cà phê, tôi bất chợt tôi được nghe bài hát sau đây:
Bài thánh ca đó còn nhớ không em/Noel năm nào chúng mình có nhau/Long lanh sao trời thêm đẹp môi mắt/Áo trắng em bay như cánh thiên thần/Giọt môi hôn dưới tháp chuông ngân… Rồi những đêm thánh đường đón Noel/Lang thang qua miền giáo đường dấu yêu/Tiếng thánh ca ngày xưa vang đêm tối/Nhớ quá đi thôi giọng hát ai buồn/Đêm thánh vô cùng lạnh giá hồn tôi
(‘Bài thánh ca buồn’, nhạc: Nguyễn Vũ, trình bày: Evis Phương)
https://www.youtube.com/watch?v=SqG30XvWtqk
Đồng thời, tôi nhớ lại lời bài hát:
Hôm nay em đi chùa Hương/Hoa cỏ còn mờ hơi sương/Cùng thầy me em vấn đầu soi gương/Khăn nhỏ, đuôi gà cao/Em đeo giải yếm đào/Quần lãnh, áo the mới/Tay em cầm chiếc nón quai thao/Chân em di đôi guốc cao cao… Đường đi qua Đồng Vọng/Mọi người ngắm nhìn em/Thẹn thùng em không nói/Nam mô A Di Đà
(‘Em đi chùa Hương’, nhạc: Trung Đức, thơ: Nguyễn Nhược Pháp, trình bày: Video Nguyễn Xuân Trường)
https://www.youtube.com/watch?v=rKYfjrtjPUg
Bài hát này cũng được thể hiện trong ‘hài Hoài Linh - Chí Tài’:
https://www.youtube.com/watch?v=_IIAUlmqhyY
*Nhớ lại cũng sáng nay, chưa mở mắt dậy, tôi đã nghe tiếng kêu nheo nhéo trong nhà, bước ra, có hai phụ nữ đã ‘available’ (sẵn có) trong nhà rồi, và họ đi lại như chỗ không người!; rồi tiếng của… năm cái ti-vi đang mở hết công suất, với chương trình nhạc nhảy ngựa… giựt giựt của anh chàng ‘Gangnam Style’; rồi anh thợ sơn tới, tôi bị buộc phải bước ra, giao nhiệm vụ và đùa giỡn với anh ta, rồi mùi sơn mới bay xộc vào mũi tôi cả buổi, chắc tôi chết vì ung thư trước khi được địa ngục chào đón!; rồi nghe tiếng trao đổi qua lại ở chỗ cái hồ cá: anh thợ khoan đến!, chưa kể đến anh thợ lắp kính sắp đến!, và tiếng gọi điện thoại chỉ đạo từ xa của ‘sư tử’…:
-Tôi phải chắp hai tay lại, bái lạy cuộc đời là nam mô da di thò phò, và miệng kêu khổ liên tục là xin thí chủ thứ tội cho… bần tăng, tội lỗi!, tội lỗi!
*Quay lại chuyện chiều hôm qua, ngồi trên võng, tôi mới nghĩ về đời người… Ôi, thiên hạ đua nhau tranh đoạt ‘cái lợi’ ở chợ đời, nói cụ thể hơn là đổ cả đại hùng binh lực của cả đời mình ra để kiếm cái ‘2Đ’:
-Đi học đi hiếc, rồi đám cưới đám ciếc, rồi đất lô đất liếc, rồi làm lớn làm liếc, rồi mặt tiền mặt tiếc, rồi tiền tỉ tiền tiếc, rồi tiến sĩ tiến siếc…, nói chung là một cuộc sống ‘náo động’ không ngừng, cụ thể là thi nhau thể hiện xanh-đỏ-vàng-tím liên tục: ao cá ao ciếc, bếp núc bếp niếc, cây cảnh cây ciếc, cầu thang cầu thiếc, cổng ciếc-tường tiếc-rào riếc, đổ mê đổ miếc (tấm), gỗ pơ-mu pơ-miếc, gạch bông gạch biếc, iPhone iPhiếc, láp-tốp láp-tiếc, mát-tít mát-tiếc (quét matit), nhậu nhẹt nhậu nhiếc, nội thất nội thiếc, ô-xin ô-xiếc, rượu ngoại rượu ngiếc, S-hát S-hiếc (xe máy SH), thạch cao thạch ciếc, ti-vi ti-viếc, tiệc tùng tiệc tiếc, ván sàn ván siếc, rồi xe Lân Cru-dơ Cru-diếc (Land Cruiser), chưa kể đến du lịch du liếc bên… Mỹ, hay tập Thiền tập thiếc…
2
Nhân tiện nói chuyện Land Cruiser tí…
Số là người ta có thể trúng mánh - nhiều hay ít - để có dịp triển nở cái tính hãnh tiến vốn có của một loài sinh vật có hình ẹo ẹo chữ S, nói như kiểu của nhà văn Anh Thackeray hay của anh chàng nhảy ngựa Gangnam Style là ‘trưởng giả học làm sang’, hay nói như kiểu của ông bà ta là ‘thua thầy một vạn, không bằng thua bạn một li’, ‘chơi không đẹp, không ăn tiền’, ‘cái dốt đốt cái tài’…, mà nghe đồn là các đại gia có cái phòng ngủ 1,6 tỉ, cái giường 6 tỉ, bốn cái túi xách 29 tỉ, xe Rolls-Royce Phantom 40 tỉ, đám cưới 50 tỉ, hay cậu bé Lê Phước Hoài Vũ đã nổi hứng làm cái ‘biệt thự Bảo Đại’ trong vòng một… nốt nhạc mà đến nỗi Hòa Đại Nhân sống dậy cũng phải kêu bằng… bố, hay Tiểu tử Khang Hi hay Hoàng đế Bảo Đại sống dậy cũng phải kêu bằng… ‘cụ’; ngoài ra, có vài chuyện có bản chất tương đương ở dân gian sau đây.
1.Có ông kia nghèo đến nỗi không có… mồng tơi để mà rớt, rồi nhờ khéo luồn lách trong cái xã hội hồ rác này, rồi một thời gian khá lâu sau đó, gia đình anh ta có… vài chục tỉ (nhờ đất đai, làm ‘tư’ nhiều hơn làm ‘công’, hay làm lớn… gì đó). Hồi đầu, ổng mua một chiếc xe 7 chỗ, 500 triệu, màu đỏ chót, về quê đậu gần chiếc Camry 1,8 tỉ, bị ông anh họ nghèo hơn cả rớt mồng tơi, bỉu môi nói:
-Trông như xe taxi ấy!
Ổng… tức quá, bèn về nhà làm một con Mazda mới cáo, 850 triệu, cũng màu đỏ chót, rồi lại về quê, không biết tại sao mà cả xóm lại nhao nhao xông ra chê bai (vì họ sánh với cái 1,8 tỉ nói trên):
-Trông nó giống xe Matiz ấy!
Về nhà, vì nghĩ là người ta chê nó là xe ‘MA’ (-tiz) nên ổng buồn khổ cả năm…, rồi ổng chơi luôn một chiếc Toyota Altis đời mới luôn…, không ngờ mới mua xài được có mấy tuần, thì nghe tin xã quê ổng có một ông tướng, tá gì đó - mới chơi luôn một chiếc Camry 2.5 láng coóng cho vợ mặc váy đi… uống cà phê, anh ta mới bứcxô.com, và thều thào nói:
-Giê-su-ma, cứu con!
2.Bà kia ngồi thiền, ngồi xếp bằng ngay ngắn kiểu kiết-già, mỗi ngày 2 tiếng, sáng sớm 1 tiếng, tối 1 tiếng, kèm theo nhạc Thiền du dương thánh thiện đưa tâm hồn con người vào một cõi phiêu lãng vô ưu của Phật, Chúa nào đó không biết. Thiền xong, bả đi xuống bếp kiếm một miếng xôi để ăn (bả thường ăn chay, để tiết kiệm tiền!), thấy cái tủ bếp nhôm-kính mười mấy triệu, quê quá, rồi gặp một đại gia nói:
-Chơi tủ bằng gỗ pơ-mu mới đẳng cấp!
Thế là ‘thiền’ đâu không thấy, mà thấy ‘tiền’ bay ra xoèn xoẹt, cái tủ pơ-mu như Tôn Ngộ Không bay cái véo vô cái bếp của nữ… thiền sư này!
Nói chung là bà ta rất khen ý nghĩa của Thiền, thậm chí mê luôn, nhưng vốn được sinh ra từ cái ‘xứ ta hình chữ ết-xì, so với thế giới cái gì cũng hơn’, nên khi nghe ông kia làm cái Camry 2.5 (ở trên), bả thấy tưng tức ở vùng thượng vị, nên trước Tết 2016, bả bèn:
-Chơi cả cặp luôn: một chiếc Land Cruiser cho chồng đi làm, và một chiếc Camry cho bả đi... chợ!
Đó là chưa nói bả còn tính chuyện là sẽ chơi một cái nhà-vườn… đẳng cấp hơn nhà của Hoàng đế Lê Phước Hoài Vũ, rồi quay lại chuyện bả mới hùn tiền mua một con cọp hết 1,2 tỉ và nấu được 20 kg cao hổ cốt (giá 20-40 triệu đồng/lạng, tùy), bả còn nói ‘cao tê giác cốt’ chắc chắn là bổ (mặc dù báo đài nói đó chỉ là tin đồn, chả bổ cái quái gì!), nói chung là bả chỉ còn thiếu món ‘cao… trời’ nữa mà thôi!, híc..híc…
Tới đây, tiếng nhạc Thiền bỗng trở nên oặt ẹo, bả bèn làm một vỉ thuốc đại bổ để lên đồng, rồi một ông đại diện Thiền phái từ trên Niết Bàn hiện xuống, ổng mếu máo khóc và nói:
-Bẩm quý bà, Thiền, Phật, Chúa, Ala phải di cư sang xứ khác mà tu, chứ không tu nỗi ở cái xứ của bà nữa đâu.
Híc..híc…
3. Bóng hồng thượng đế
Cõi vui hơn, nếu không nhầm, là từ bỏ
Chốn tuyệt trần, tạo hóa đã ban cho
Nếu ta cứ sống hoài trong suy nghĩ
Ý nghĩa nào?, hỡi tạo hóa vô tri
Chốn tuyệt trần, tạo hóa đã ban cho
Nếu ta cứ sống hoài trong suy nghĩ
Ý nghĩa nào?, hỡi tạo hóa vô tri
Tuy nhiên, trong cái ‘tâm linh’ tận cùng sâu thẳm của con người, dường như họ lại không muốn như vậy…
Nhiều khi tôi quan sát cuộc sống giản đơn trong ngày…
*Vấn đề trọng tâm nhất vẫn là chuyện ‘chiền’: Làm ra tiền thì hạn chế nên khi chi tiêu thì (ta) phải suy đi tính lại, huống chi đối với những ai không làm ra tiền hay đang mắc nợ. Chẳng hạn như…
Mới thức dậy phải đi uống cà phê (rồi đi ăn sáng), nhưng cũng có lúc không có… tiền. Hết chuyện thủ tục ngân hàng, đến vụ ATM… nếu có ‘chiền’. Hết chuyện mua cạc điện thoại, đổ xăng, đến chuyện thanh toán tiền điện, nước, truyền hình cáp, internet, rồi chuyện sửa ti-vi, sửa hệ thống điện/nước, xe cộ, và mua sắm nhiều thứ đồ lặt vặt cần dùng. Hết chuyện ốm đau nhức mỏi lặt vặt ban đầu, đến chuyện đau nặng hơn, phải đi bệnh viện nhỏ, rồi bệnh viện lớn. Hết chuyện sửa nhà, rồi đến dọn nhà, lau nhà, dọn kho… Hết chuyện tiếp khách trong nhà, đến chuyện ngày ngày quần quật đi thăm bà con, thăm người ốm, chưa nói đến chuyện dự đám cưới, đám hỏi, đám giỗ, tân gia, sinh nhật, đầy tháng, chuẩn bị chuyện Tết nhất... Hết chuyện căng thẳng với sư tử, rồi đến con, đến cha mẹ, bà con, hàng xóm, thậm chí là với người… tình, chưa nói đến chuyện ly thân, ly dị, chém giết nhau… Hết chuyện lo mất trộm, đến lo bị ăn cướp, hay mơ hoảng về bọn xì ke ma túy, bọn ‘cá lóc’ hay xã hội đen… Hết ông A nói xấu, đến ông B xúi giục, ông C coi thường, ông D ném đá… Hết chuyện chính trị chính triếc, điên tiết Biển Đông, cành hông Đại Hán, đến chuyện bực mình Văn Miếu, khó chịu Quan Công, đau lòng Đà Nẵng… Chưa nói đến chuyện vì thế nhân quá ‘náo động’ hay do quá chịu đựng áp lực nặng nề của xã hội mà muốn tập thiền cũng không được, mà chơi blog cũng không xong…, và xa xa là cái chết đang réo gọi từng ngày, v..v...
*NHƯNG… Trong các thuật ngữ dân gian, đề cập đến việc này, tôi thấy thích nhất là từ SINH SỰ, tức là tự nhiên ta sinh ra cái sự để rồi không sớm thì muộn sẽ chuốc họa vào thân, mà cũng nhiều khi cái sự tự nó sinh ra… Tôi sợ nhất là ‘sư tử’ sinh sự, tức là hễ bả nghĩ ra cái gì một thì thành mười, mười thì thành trăm, mà làm hết ngày, hết tháng, hết năm, hết đời người, thậm chí hết kiếp… sau cũng không hết! Tôi có nói ‘cứ sinh ra 1 việc thì có đến 10 việc có liên quan phải xử lý’, bà có vẻ hiểu, nhưng hiểu xong thì bả lại sinh sự gấp 100 lần, híc.. híc… Mà nếu không thì ông trời cũng sẽ vẽ ra chuyện khổ cho người, thật vậy, vì không phải tự nhiên mà con người hét toáng lên là ‘đời là bể khổ’, ‘ai có thể thoát được nỗi sầu nhân thế’, hay:
Rút đao chém xuống nước, nước càng chảy mạnh
Nâng chén tiêu sầu, càng sầu thêm (Lý Bạch)
*Nói chung là làm người, ngày qua ngày, ta có hàng trăm chuyện phải làm, hàng ngàn sự phải lo, hàng vạn việc phải khổ… Vì thế, khi ngồi uống cà phê trên cái võng, tôi có cảm giác mạnh rằng con người ai ai cũng muốn thoát khỏi cái mà được gọi là bể khổ này. Rồi nhìn xuyên qua những cây keo Cu-ba, nhìn qua mái nhà, rồi nhìn lên trời mây - tôi thấy hiển hiện một cái thiên đường hay niết bàn hư ảo.
Vâng, chính con người, tự nó phải sản sinh ra một cái thiên đường hay niết bàn - dù có hay không - để hằng mong ‘THOÁT’ ra khỏi cái địa ngục trần gian này, bất chấp sang hèn, thậm chí là những nhà chính trị hay những-tay-ngàn-tỉ cũng công khai hay âm thầm tìm lối thoát ở ‘THẦN THÁNH’.
***
Cuối cùng…
Chiều hôm 12/12, trời nắng đẹp… Khi tôi đang đứng ở trước cửa (cách cổng hơn 5m) thì một chiếc ô-tô màu đỏ dừng lại, trên xe bước xuống một thiên thần bé nhỏ.
Nàng mặc một cái áo Jean - với bên trong là cái áo thun màu nhạt - và một cái quần tây màu đậm: một kiểu ăn mặc của phụ nữ rất hợp nhãn với tôi… Nàng có vòng 3 rất… cong, với một cái thân hình đẹp hơn... nữ thần Venus, tướng mạo thanh thoát hơn... Phạm Băng Băng… Nàng hỏi đường, trong khi chung quanh tôi có đến khoảng 20 người mà đều sành đường đi trong khu vực này, thế mà nàng cứ nhè chính tôi mà hỏi, hay có lẽ họ đều đứng ngẩn tò te ra nhìn nàng mà quên chỉ đường cho nàng! Nàng chỉ xuất hiện trong cái… vũ trụ này chỉ có một phút - rực rỡ như ánh hào quang, rồi ‘cám ơn’ và ra đi, nhưng đã để lại trong tôi một ‘cơn sóng thần Nhật Bản’, quả thật là:
Người đi một nửa hồn tôi mất
Một nửa hồn tôi bỗng dại khờ (Hàn Mặc Tử)
Có điều là tôi không hề ảo tưởng, nên tôi đã ‘delete’ (xóa) hình bóng của nàng trong cái computer-bộ-óc của tôi, vì tôi biết rằng giả sử nàng đến làm bạn ‘rất thân’ với tôi một thời gian, hay cụ thể hơn là cái thể xác của nàng thuộc về tôi, thì mọi thứ sẽ không còn lung linh rực rỡ như cái… vũ trụ nữa.
Có một điều hơi bị kỳ lạ là sau khi nàng biến mất, mấy cậu con trai bên tôi cứ nhắc đến nàng hoài: chiều nay nhắc, sáng mai nhắc, trưa mai nhắc, chiều mai nhắc…, và rất kỳ lạ là sau hơn 3 ngày, mặc dù đã ‘delete’ hình bóng của nàng, nhưng nàng vẫn cứ sống mãi rất linh động trong tôi, híc…
Nhưng có một điều vô cùng kỳ lạ, đó là chỉ xuất hiện trong vòng chỉ có một phút, mà hình bóng sống động của nàng làm cho mọi người nhớ, tôi nhớ và nhớ… suốt đời. Rồi nhớ lại tôi có mấy câu… thơ mà thiết nghĩ là rất phù hợp với ngữ cảnh này:
Ngày ấy tôi qua đỉnh vu sơn
Chiều ngát tà dương, ngạt nắng vờn
Thấy em áo trắng tươi cười gió
Bỗng rộn hồn tôi, nắng giận hờn
Tôi cũng không dám kết luận cảm giác đó là đến từ thiên đường hay địa ngục, mà hình như là một thứ cảm giác gì kỳ bí hơn thế, phải chăng đó là một đặc ân của ‘thượng đế’ để bù trừ cho cái nỗi thống khổ mà con người phải chịu đựng một sự thử thách quá đáng từ ngài!, và không những có ai đó nói là ‘vũ trụ nằm trong đáy mắt của người đàn bà’, mà:
-Tôi còn gọi những cái gì lung linh như nàng là ‘bóng hồng thượng đế’.
HẾT
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét