Trung Quốc:
Tuấn Khanh
Cuộc Cách mạng Dù ở Hồng Kông bộc lộ một vết thương mưng mủ trong lòng chế độ Bắc Kinh: lòng khát khao tự do của người dân đang ngày càng bừng bừng ở mọi hướng. Nhưng không chỉ vậy, Trung Quốc nhận ra ngay trong giới nghệ sĩ cũng xuất hiện làn sóng phản kháng mạnh mẽ, đến mức chính quyền phải hốt hoảng mở rộng việc trừng phạt hàng loạt các nghệ sĩ có thái độ chính trị hoặc hành động ủng hộ một nền dân chủ tương lai. Những hành động kiểm duyệt và ngăn chận này bị coi là những lát cắt thẳng vào da thịt của chính nhà nước Trung Quốc, có thể thoả mãn lòng tự kiêu của các nhà lãnh đạo nhưng đau đớn vì sự huỷ hoại chính bản thân mình.
Ngay khi các nghệ sĩ như Lưu Đức Hoà, Châu Nhuận Phát, Lương Triều Vỹ… lên tiếng kêu gọi Bắc Kinh hãy ứng xử ôn hoà với giới sinh viên biểu tình, lập tức Bắc Kinh đã tức giận và lập ngay một danh sách đen, cấm các đài truyền hình, các hãng phim ở đại lục không được sử dụng, ký hợp đồng hay phát hình với các tài tử trên. Bằng cách suy nghĩ đơn giản nhất, bạn nghĩ rằng các nghệ sĩ đó sẽ thiệt hại vì lệnh cấm hay chính Trung Quốc đang dùng hệ thống kiểm duyệt đâm mù mắt mình để không nhìn thấy ánh sáng của các ngôi sao điện ảnh đó?
Nhiều năm nay, Trung Quốc là một trong những nước vẫn còn áp dụng chính sách kiểm duyệt tồi tệ nhằm kiểm soát quyền tự do sáng tạo và ngôn luận của giới nghệ sĩ. Cấm đoán hay tạo ra những âm mưu tấn công vào những người có thái độ “không ngoan ngoãn”, đòi tự do hoặc đối kháng là chuyện thường xuyên trong xã hội văn hoá văn nghệ của đại lục. Dĩ nhiên, bên cạnh đó sự tàn bạo đó cũng tạo những làn sóng ngầm bất chấp hay tranh đấu cưỡng lại không thể nào truy bức hết được.
Khi Hồng Kông sôi lên ngọn lửa đòi quyền dân chủ của người dân, lập tức cũng có không ít các nghệ sĩ ở đại lục lên tiếng ủng hộ. Hoảng sợ trước việc đó, ngày 16 tháng 10 vừa rồi, Tập Cận Bình phải đích thân lên tiếng, phát đi bởi Tân Hoa Xã. Họ Tập giận dữ nói rằng chính quyền sẽ sẳn sàng cấm hẳn những nghệ sĩ có tư duy “vô đạo đức” chống lại nhà nước. Đồng thời họ Tập ca ngợi những nghệ sĩ, tác phẩm luôn có tinh thần yêu nước. Hệ thống truyền thông của Trung Quốc so sánh bài phát biểu này của Tập Cận Bình, nêu lên những điểm giống nhau của bài phát biểu về văn hoá năm 1942 của Mao Trạch Đông. Trong bài nói, họ Mao tuyên bố văn hoá văn nghệ chỉ có một mục đích là phục vụ cho chủ nghĩa cộng sản. Nhiều năm sau bài nói chuyện đó, cả đất nước Trung Quốc rơi vào cuộc cách mạng văn hoá đẫm máu nhất lịch sử loài người.
Một số các hình thức quen thuộc, bị cả thế giới khinh thị, là cách Trung Quốc tấn công vào giới nghệ sĩ bằng cách cấm các tác phẩm của họ, cấm không cho hoạt động và tước giấy thông hành ra nước ngoài. Ải Vị Vị là một trong những nghệ sĩ lừng danh trên thế giới cũng bị vây hãm như vậy. Câu nói nổi tiếng của ông khiến Bắc Kinh nổi điên là “chế độ này cướp đi tự do và quyền làm người của nhân dân để tạo lợi nhuận chính trị cho chúng”.
Đâu chỉ có nghệ sĩ Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan phải chịu một nhà tù kiểm duyệt như vậy, ngay cả giới nghệ sĩ, diễn viên quốc tế cũng bị Bắc Kinh kiểm duyệt. Cả hai vợ chồng Brad Pitt và Angelina Jolie đều không được quyền vào Trung Quốc hay Hồng Kông vì đã có thái độ làm cho Bắc Kinh không vui. Brad Pitt thì do đóng vai chính trong phim Seven Years in Tibet (7 năm ở Tây Tạng), tố cáo việc Trung Quốc xâm lược và săn đuổi Đạt Lai Lạt Ma thứ 14, khiến ông phải đi tỵ nạn khỏi quê hương của mình. Còn Angelina Jolie thì do ý kiến xác định Đài Loan là một nước độc lập nên cũng bị gạch tên trong danh sách nhập cảnh.
Cùng hoàn cảnh tương tự, tài tử lừng danh của bộ phim Pretty Woman (Người đàn bà đẹp – đóng cùng Julia Roberts) là Richard Gere. Do ông theo đạo Phật và ủng hộ con đường đấu tranh ôn hoà của Đức Đạt Lai Lạt Ma nên cũng bị Bắc Kinh ngăn chận. Cùng tình trạng đó, còn có đạo diễn bậc thầy Martin Scorsese và diễn viên Harrison Ford, Sharon Stone… danh sách này ngày càng dài hơn vì Bắc Kinh và hệ thống kiểm duyệt của mình ấu trĩ và ngớ ngẩn so với thời đại văn minh. Cứ hễ giận dỗi và không vui thì họ điền tên những người mới vào danh sách “đen”, cho dù những hành động đó trở thành vô tác dụng và là trò cười cho cả thế giới.
Phong trào chống lại hệ thống kiểm duyệt ở Trung Quốc cũng đang ngày càng có nhiều người tham gia. Một thành viên của nhóm “Tuyên ngôn tự do” ở Quảng Châu vẫn hay tổ chức những cuộc tuần hành có đến vài trăm người, đòi huỷ bỏ hệ thống kiểm duyệt và tự do ngôn luận từ nhiều năm nay, nói rằng “Cộng sản không biết rằng mỗi một lần kiểm duyệt là một lát cắt vào da thịt đất nước này, cắt vào mặt của nhân dân. Họ không biết rằng họ đang tàn phá văn hoá đất nước trong khi họ chỉ là những khách không mời – đến và sẽ phải sớm ra đi”.
Ngày 17 tháng 10, trong lòng cuộc cách mạng dù, khi nghe tin Cục quản lý Báo chí, Xuất bản, Phát thanh, Điện ảnh và Truyền hình Trung Quốc (SARFT) đã ra lệnh cấm tất cả hình ảnh và hoạt động và của diễn viên Lưu Đức Hoa và Châu Nhuận Phát ở đại lục, nhiều người đã nhắc lại lời bình luận của nhà văn phản kháng Thiết Lưu, sống tại Bắc Kinh “Cộng sản có vũ khí, nên họ ảo tưởng rằng dân tộc và quốc gia này là sở hữu của họ”. Tháng 5, 2014, nhà văn Thiết Lưu, 81 tuổi, người trung thành với nguyên tắc tự do ngôn luận cũng đã bị công an văn hoá ập đến bắt đi mất tích.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét