1.054.366 Nghị định, Thông tư..."Vô địch thế giới về Văn hay chữ dốt thuộc về quan Vịt"
ANTĐ - Theo thống kê của Bộ Tư pháp năm 2012, qua kiểm tra 1.054.366 văn bản, các Bộ, ngành, địa phương đã phát hiện 5.240 văn bản có dấu hiệu vi phạm các điều kiện về tính hợp pháp (4.371/5.240 văn bản có dấu hiệu trái pháp luật, chiếm 83%).
Như vậy, tính trung bình, mỗi ngày có tới hơn 10 văn bản trái pháp luật được ban hành! Năm 2013 chưa có số liệu thống kê những văn bản trái pháp luật, không khả thi của các cơ quan Nhà nước ban hành, nhưng xem ra với tần suất các văn bản "kỳ lạ" xuất hiện trong 6 tháng đầu năm tạo sự bức xúc không chỉ ngoài xã hội mà còn vào cả nghị trường Quốc hội.
Một loạt văn bản dưới dạng Nghị định, Thông tư đã ban hành hoặc chuẩn bị ban hành gần đây do các Bộ, ngành chuẩn bị cũng bị lỗi rất nhiều. Lỗi không chỉ ở câu từ, ngữ pháp… mà có không ít quy định có nội dung xa rời thực tế, thiếu tính khả thi và không phù hợp, đồng bộ với các quy định pháp luật đã có, hiện đang áp dụng ở các luật, chính sách khác của Nhà nước. Không ít văn bản pháp quy dù mới chỉ dưới dạng dự thảo, nhưng đã gây xáo trộn trong đời sống, ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh và sự ổn định của xã hội.
Với một văn bản, quy định mới vừa đưa ra đều có phản hồi từ dư luận, âu cũng là tự nhiên. Nhưng dư luận phản ứng không phải vì sợ mất đi sự tự do của mình, mà vì quy định vô lý và thiếu sức sống.
Trên diễn đàn Quốc hội, nhiều đại biểu đã bày tỏ băn khoăn sự lãng phí về tiền bạc, thời gian, công sức khi ban hành các văn bản không khả thi. Có ý kiến cho rằng sự lãng phí đó không kém gì tham nhũng. Lãnh đạo Chính phủ cũng đã tỏ ý không hài lòng với chất lượng các dự thảo văn bản lần cuối được trình ký khiến cho gần đây, có một số văn bản, quyết định khi ban hành có nhiều lỗi “không đáng có”, phải sửa đổi. Việc dừng phát hành Thông tư khi bút ký còn chưa ráo mực hoặc phải liên tục sửa đổi, bổ sung như đã xảy ra vì quy định bất khả thi là cần thiết. Nhưng qua đó có thể thấy để xảy ra lỗi như vậy là một điều đáng báo động về tư duy, cách thức làm chính sách ở nhiều Bộ hiện nay, gây thêm nhiều tốn kém, chi phí cho Nhà nước.
Tuy nhiên, đến nay việc chịu trách nhiệm khi ban hành một văn bản quy phạm pháp luật từ thiếu thực tế đến có sai sót mới chỉ xem xét dưới góc độ công vụ như quan liêu, thiếu sâu sát, thiếu trách nhiệm. Cơ quan ban hành văn bản sai, cứ vô tư thu hồi, hủy bỏ là xong! Chưa thấy cán bộ nào bị kỷ luật khi ban hành văn bản theo “tư duy phòng máy lạnh”. Hơn nữa, những kiểu ban hành các văn bản pháp quy yếu kém, nhiều văn bản sai khi ban hành không chỉ làm dư luận bức xúc, gây tình trạng "nhờn pháp luật" mà còn làm mất lòng tin trong dân, giảm hiệu lực quản lý Nhà nước.
Phạt hành chính (cách chức, kỷ luật) đối với người soạn thảo, người ký ban hành những văn bản xa rời cuộc sống, thiếu tính thực tế, thậm chí trái luật, mới có thể chấm dứt được tình trạng này.Đây là đòi hỏi của dân, và của cả xã hội.
Thiên Thanh
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét