Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 22 tháng 7, 2013

Trích Tiểu thuyết của Ngổ:

Chút nữa thì tôi quên mất một câu chuyện, một con người mà sau này sẽ có ảnh hưởng to lớn đến cuộc đời tôi. Đó là câu chuyện về chị Dung tôi. Người chị mà bố tôi nhặt được sau trận đói kinh hoàng năm 1945.
Năm đó đã ghi vào sử sách nước Việt Nam con số hơn hai triệu người tử nạn. Người ta có thể chết bởi chiến tranh, bởi bệnh dịch, bởi tai nạn và nhiều duyên cớ khác.. Nhưng chết vì đói là cái chết thê lương, thảm cảnh vô lý nhất trần ai!
Cái chết do những tên quốc trưởng độc tài, tống thống, thủ tướng bố láo bố lếu, nhiều tham lam, độc ác của thế giới này. Những kẻ đầu trò ấy rất thích trò chơi “Chiến tranh”. Luôn muốn cả nhân loại trừ chúng ra, chỉ có mỗi một cái đầu. Trong tay chúng là lưỡi hái tử thần, hay con mã tấu của đao phủ, chặt một phát là xong!
Chúng sẽ nuốt tất cả của cải thế gian vào cái bụng hôi hám và lông lá, luôn phình ra phía trước của chúng, sau những triết thuyết gian ngoan, xảo trá, lòe bịp một cách khôn khéo dẫn dụ con mồi.
Cuối cùng là hành động vô lương, phản nhân tính. Đẩy muôn dân vào cảnh không có lấy hạt ăn sống người. Đến củ chuối trong vườn cũng không sót. Những gì cho thể nhét vào dạ dày đã được truy tìm, quét tận.. Cả những con sâu ngày thường người ta ghê rợn, đến lúc cũng phải cho vào mồm hòng kéo dài sự sống.
Nếu so với những lò thiêu người như Bukenvan, Ausevit.. mức độ dã man chưa bằng, nhưng mức độ thương tâm, ghê rợn cũng không kém phần khủng khiếp.
Tôi xin lỗi, không gợi lại những ám ảnh này, vì nó quá sức chịu đựng của thần kinh con người.
Gợi lại nó, chưa chắc gì đã hay!
Không khéo lại là vẽ đường cho hươu chạy. Ai dám bảo đảm chắc chắn rằng những việc như thế sẽ không lặp lại? Trong thế giới mong manh và đầy cạm bẫy, bất trắc, tham vọng này không gì là không thể, khi con người chưa thể hoàn toàn cảm thông và tin cậy lẫn nhau?
Ai nói sao thì nói, chỉ mong mọi người hãy nhớ lấy bài học đau thương, tàn khốc của ngày đói khát, buồn đau một thời đã qua.
Thời mà khi ấy, tôi còn là cậu bé chưa đầy mười tuổi..

Làng tôi có nghề làm mắm tép mà nguyên nhân khởi đầu là vì chật chội, thiếu đất canh tác. Dân làng tôi làm đủ mọi nghề. Người có vốn đi buôn tơ lụa, buôn gỗ trên rừng. Người ít tiền làm hàng xay, hàng sáo. Nhưng nhiều nhất vẫn là nghề đánh cá dưới sông, bắt tôm tép trên đồng.
Có một nghề đông người tham gia, bố tôi cũng thích nhập hội. Thời bây giờ không thấy  ai còn làm nghề này nữa, đó là nghề đánh nhủi, còn gọi là “Chạy hộc tốc”. Bố tôi theo không phải vì nhà quá khó khăn, ông thích theo đoàn vì ham vui, công việc ngoài cái lợi tôm cá ra, nó còn như một môn thể thao.
Phải chạy nhanh, liên tục, theo đội hình mới có kết quả. “Hộc tốc” có lẽ là do tính chất này mà thành tên gọi.
Bạn cứ thử hình dung trên cánh đồng nước ngập mênh mang.. đoàn người dàn hàng ngang hình chữ “nhất” đông đến hàng chục người, nước ngập quá đùi, nhằm cùng một hướng xốc tới. Nước bắn tung tóe, tôm cá chạy loạn xạ, tiếng hò reo ầm ĩ..Bạn sẽ thấy khung cảnh ấy sống động nên thơ và đẹp như thế nào?
Hát Ghẹo, hát Xoan Phú thọ tôi đồ cũng từ khung cảnh ấy mà ra!
Trong tay mỗi người một cái “nhủi”. Đó là thứ công cụ hình chữ bát, do hai đoạn tre dài tạo thành. Phía đầu một bản gỗ có rãnh để những nan tre rất mảnh và dẻo dai luồn vào thành một thứ lưới rất “đặc thù”. Cá dù to hay nhỏ cũng không thể thoát ra được.
Dân tôi vốn dĩ chi li, tằn tiện. Tép nhỏ như tăm cũng không bỏ phí bao giờ, bởi vì mắm tép, tôm càng nhỏ, mắm càng ngọt càng thơm!
Mắm vùng An Viên có mặt hầu khắp mọi miền nhờ chất lương cao của nó. Thời đó Phoọc môn chưa ai biết dùng, nhưng nhờ đôi bàn tay khéo và trí não của dân làng, chỉ cần chút giềng khô giã nhỏ trộn vào, mắm vẫn để được hàng năm. Cứ nhìn qua là biết ngay sản phẩm độc đáo này của Lão Trang chúng tôi!
Phải dài dòng đôi chút như thế để bắt đầu câu chuyện về chị tôi, xin bạn đừng phàn nàn..
Hôm đó bố tôi chạy giữa hàng. Nước lên tháng trước vừa rút xong, nên tôm cá khá nhiều. Cái giỏ bố tôi đeo bên mình đã khá nặng.
Đoàn “hộc tốc” xem chừng chưa ai muốn về vì hãy còn sớm.
Đột nhiên bố tôi thấy buốt nhói dưới bàn chân. Ông vội vã xách nhủi leo lên bờ. Một vết thương sâu hoắm dọc gan bàn chân đang ứa máu đỏ lòm. Chả kịp nghĩ nhiều, bố tôi vơ một nắm cây nhọ nồi bỏ vào miệng nhai rồi đắp vào chỗ chân bị đứt. Ông xé một bên cánh tay áo buộc chặt lại, khập khẫng đi về làng.
Sau lưng ông tiếng hô hoán của đám “hộc tốc” vẫn chưa chấm dứt. ( Nên nhớ đồng nước, hồ ao hồi ấy chưa ai “quản lý”, việc đánh bắt diễn ra công khai, người ta mới reo hò như vậy ).
Đó là một ngày sau này bố tôi nhớ mãi. Ông bảo đó là hôm “trong cái rủi có cái may”. Rủi là bỏ lỡ buổi tôm cá kết quả hơn ngày thường. May ở chỗ bắt gặp chị Dung tôi bên chiếc phản thịt bỏ không chỗ cổng đình..

( Còn nữa..)



Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: