TP - Đã hơn 50 năm được tìm thấy và gia nhập cộng đồng các dân tộc Việt Nam, nhưng tộc người Rục ở xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa (Quảng Bình) vẫn mang trong mình những nét riêng có, bí ẩn cần được khám phá và bảo tồn.
Góc mới bản Rục bây giờ. |
Hoài niệm hang đá
Cuối năm 1959, Bộ đội Biên phòng Cà Xèng đóng tại Thượng Hóa, huyện Minh Hóa, trong một lần tuần tra đã phát hiện một nhóm “người rừng” nhút nhát, người không mảnh vải che thân, leo trèo vách đá, chuyền cành nhanh như thú hoang.
Sau nhiều tháng tiếp cận, những chiến sỹ Biên phòng đã vận động được họ rời hang đá về định cư ở thung lũng Rục Làn, thuộc xã Thượng Hóa. Và từ đây tộc người Rục được biết đến như là người em út trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Đến đầu năm 2013, sau hơn 50 năm hòa nhập cộng đồng, tộc người Rục được quốc tế đưa vào danh sách 10 bộ lạc còn nhiều điều bí ẩn nhất thế giới.
Theo ông Đinh Thanh Dự, Nhà nghiên cứu văn hóa các tộc người ở Quảng Bình, gần hết một đời người bỏ công nghiên cứu nhiều tộc người trên địa bàn, nhưng với người Rục vẫn còn nhiều điều bí ẩn đối với bản thân ông và các nhà khoa học đã từng nghiên cứu về họ. Nay tuổi già, sức yếu không cho phép ông có những chuyến điền dã, nhưng ông vẫn luôn đau đáu về những gì còn dang dở với người Rục.
Những đứa trẻ người Rục. |
Ông Dự khẳng định, bản thân người Rục không có họ, không có tộc danh, là một tộc người chậm phát triển nên vẫn đậm nét người Việt cổ. Vì họ sinh sống ở những hang đá, mà theo phương ngữ “rục” có nghĩa là hang đá có nước chảy qua nên các tộc người khác gán ghép cho họ là người Rục. Qua nghiên cứu về nhân chủng học, ngôn ngữ của người Rục, các nhà khoa học đã ghép tộc người Rục vào nhóm dân tộc Chứt ở Quảng Bình cùng với Sách, Mày, Mã Liềng, A Rem...
Trước khi rời hang đá, người Rục có 109 người, sống tách biệt, không tiếp xúc với thế giới bên ngoài, gặp người lạ là trốn chạy. Cuộc sống người Rục hoàn toàn dựa vào tự nhiên. Họ chỉ quen leo trèo cây, thoăn thoắt trên các triền núi cao ngất để săn bắt chim thú, hái lượm, đào củ ráy, củ mài. Không mặc quần áo, nam nữ đều búi tóc đằng sau, che mình bằng vỏ cây sui, khi màn đêm buông xuống, họ cùng nhau tìm đến hang đá trú ngụ và thường ngủ ngồi.
Vợ chồng ông Cao Chơn vẫn thích ở hoang. |
Sau hơn 50 năm rời hang đá, nhưng vợ chồng ông Cao Chơn và Cao Thị Bim (hơn 80 tuổi) vẫn giữ nguyên nếp sống nguyên thủy của mình. Mặc dù đã được Nhà nước xây nhà, cấp đất trồng trọt nhưng ông bà không ở nhà mà thường xuyên chuyền hang đá để ở. Hai vợ chồng già vẫn nếp cũ, ngày săn bắt hái lượm, tối về hang ngủ ngồi mặc cho con cháu, chính quyền vận động.
Trưởng bản Mò O Ồ Ồ, anh Cao Văn Đàn (39 tuổi) cho biết, không chỉ ông bà Cao Chơn mà gần 500 người Rục hiện nay thi thoảng vẫn nhớ hang đá. Mặc dù có nhà cửa, nhưng cứ đến mùa rẫy nhiều gia đình vẫn dắt díu nhau vào hang sinh sống có khi vài ba tháng mới về...
Phép thuật kỳ bí
Theo ông Đinh Thanh Dự, hiện trong cộng đồng người Rục vẫn còn tồn tại hai dạng phép thuật rất bí hiểm mà các tộc người khác không có, đó là: Thuật thổi thắt, thổi mở và thuật hấp hơi. Trong những lần điền dã, ông Dự đã từng chứng kiến sự linh nghiệm của hai phép thuật này, nhưng cố công nghiên cứu về nó thì không thể. Vì người Rục xem đó là sự linh thiêng, không thể tiết lộ cho người ngoài.
Về phong tục ngủ ngồi, Cao Văn Đàn nói mình thế hệ sinh ở nhà nên không rõ lắm, nhưng có lẽ do nền đá cứng nếu nằm thì đau lưng. Với lại, xưa người Rục nhút nhát nên ngồi để dễ cơ động (chạy trốn) khi gặp người lạ và những mối đe dọa khác.
|
Ông Dự kể, trong một lần cùng Tiến sỹ, nhà ngôn ngữ học, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Võ Xuân Trang điền dã để tìm hiểu những phép thuật của người Rục, ông Trang đã suýt mất mạng do muốn thử uy lực của thuật hấp hơi. Đó là lần vào rừng với một già làng người Rục, mặc dù đã được cảnh báo là phải luôn đi trước, cách xa 5m mà không được đi sau lưng già làng người Rục (lúc đó đã đọc thần chú sử dụng thuật hấp hơi). Nhưng bất ngờ ông Trang cố tình tụt lại sau và ngay tức thì ông ngã vật ra đất, co giật và hộc máu. Già làng người Rục phải quay lại, lẩm bẩm câu gì đó và ông Trang trở lại bình thường.
Thầy Ràng Cao Ống diễn lại thuật thổi thắt, thổi mở. |
Trưởng bản Mò O Ồ Ồ, Cao Văn Đàn cho biết, những phép thuật nói trên nay không còn phổ biến trong cộng đồng người Rục, nhưng những thầy Ràng (dạng thầy Mo) vẫn còn lưu giữ. Anh Đàn cùng hai chiến sĩ Biên phòng dẫn chúng tôi tới nhà một thầy Ràng có tên Cao Ống. Ông năm nay đã 80 tuổi, ốm yếu, không đi lại được nhưng vẫn còn khá minh mẫn. Sau một hồi thuyết phục, ông cũng đồng ý diễn lại các động tác trong thuật thổi thắt thổi mở. Những dụng cụ để ngay góc nhà, thế nhưng không ai dám đến lấy, vì sợ.
Mãi sau ông Cao Ngọc Ên là em trai của thầy Ràng Cao Ống sang mới dám mang các dụng cụ ra và tự tay ông sắp xếp như một buổi lễ thổi thắt, thổi mở. Dụng cụ gồm: hai ống nứa, một dài (1m), một ngắn (0,5m), một phiến đá nhỉnh hơn hai bàn tay ghép lại, một cái bát đựng nước, một cái đựng hoa. Ông Ên nói, còn thiếu sáp ong làm nến, hương và sợi tóc, hoặc sợi chỉ để vào bát nước.
Thầy Ràng Cao Ống ngồi xổm trên giường, hai tay cầm hai ống nứa cà phần đầu nhọn vào phiến đá phát ra âm thanh trầm bổng. Cùng lúc, ông đọc thần chú có vần điệu như hát theo giai điệu từ hai ống nứa. Vừa đọc, ông vừa thổi hơi vào bát nước. Theo thông lệ, chừng 30 phút sẽ đưa bát nước có sợi tóc, hoặc sợi chỉ cho người phụ nữ muốn thắt không sinh nở uống và sẽ hiệu nghiệm.
Ông Cao Ống cho biết, thổi mở cũng ở dạng này, nhưng bài chú sẽ có nội dung khác. Ông còn có thể thổi chữa bệnh đứt tay, chân, chảy máu, rắn độc cắn... và mỗi dạng bệnh tật có những câu chú khác nhau. Ngoài thuật hấp hơi để tránh thú dữ cho riêng mình, ông có thể dùng phép thuật vẽ một vòng tròn cho nhiều người ngồi trong đó để chống lại thú dữ. Tuy nhiên, khi hỏi về nội dung các câu chú, và nhờ dịch sang tiếng phổ thông thì ông lắc đầu: “Đó là điều thiêng và tối kỵ của người Rục, không thể để người ngoài biết được”.
Hoài Nam
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét