“Một nghề bí ẩn”. Có thể gọi nghề biên tập như vậy. Ở Việt Nam không ai dạy nghề này cho chuyên nghiệp. Dạy viết báo có trường có lớp, dạy biên tập thì không; hoặc nếu có cũng chỉ qua loa, sơ sài.
Thông thường, lãnh đạo các tờ báo sẽ chọn một số phóng viên hành nghề lâu năm, viết lách tốt và đề nghị họ trở thành biên tập viên. Tổng thư ký hoặc thư ký tòa soạn sẽ chỉ dẫn thêm cho họ một số quy định về biên tập. Rồi nghề dạy nghề. Thế thôi.
Xuất phát từ thực tế trên, tác giả đã thu thập một số tư liệu ngoài nước, trong nước, nhớ lại những gì được học với đồng nghiệp trong và ngoài nước cùng kinh nghiệm riêng để biên soạn tài liệu này, trong đó áp dụng nguyên lý bổ sung chứ không phải loại trừ, thu nạp những cái mới, cái khác nhưng hay và hợp với nghề báo Việt Nam.. ‘‘Không có cái mới phát sinh từ số không, từ hư vô. Cái mới hình thành từ cái cũ. Trên cái nền cũ mà người ta xây dựng các công trình mới. ”
Hãy xem đây như một viên đá đóng góp vào việc xây dựng nền móng cho công tác đào tạo người biên tập chính quy.
Tài liệu này được soạn thảo dựa trên nguyên tắc bất cứ ai cũng có thể bước vào nghề biên tập, nếu viết tiếng Việt tốt. Đương nhiên, người đó phải yêu công việc và chuyên cần học tập.
Tài liệu mang tính kỹ thuật, nhắm đến thực hành, nhưng vẫn có cả lý thuyết bởi không cách gì giải thích được thực hành nếu khống viện đến lý thuyết. Tài liệu gồm nhiều phần, từ tổng quan về nghề biên tập, nhiệm vụ người biên tập cho đến biên tập hình thức, biên tập nội dung. Và cả viết lách. Người biên tập được nói đến ở đây là biên tập viên văn bản tại tòa soạn một tờ báo ngày, kiểu Thanh Niên hoặc Tuổi Trẻ.
Trước hết, chúng ta sẽ tìm hiểu về “người biên tập trong ta” vì bất cứ ai cũng đều có sẵn “máu biên tập” trong người. Chúng ta cũng thảo luận một cách tổng quát về nghề biên tập: nghề này quan trọng như thế nào; để hành nghề tố chất phải ra sao; biên tập viên có thể đóng góp gì cho một tờ báo.
Tiếp đến, chúng ta sẽ xem xét các điểm tựa biên tập viên thường dựa vào để làm việc: hiểu độc giả, rành tin tức, sử dụng ngôn ngữ nhuần nhuyễn. Và tìm hiểu tổng quát về tòa soạn, quy trình di chuyển bài vở cùng công việc của biên tập viên.
Làm thế nào để cho thông tin trong bài báo thêm chính xác, dễ hiểu sẽ là nội dung của phần ba. Rồi đến sự công bình trong tin tức mà một biên tập viên phải góp phần gìn giữ.
Đạo đức nghề nghiệp và sự phỉ báng sẽ được thảo luận ở đây, lẫn cách giúp người gặp khó khăn trong viết lách viết ra bài.
Sau đó, chúng ta sẽ nghiên cứu cách thức xây dựng mạng lưới nguồn tin cùng việc thẩm định độ tin cậy của nguồn tin. Chúng ta còn tìm hiểu cách thức hỗ trợ phóng viên tìm trọng tâm cho bài báo, viết phần mở đầu cho tốt hơn.
Và chắc chắn, không thể bỏ qua chuyện viết lách: kỹ thuật viết lách – tin hình tháp ngược, thuật kể chuyện cùng các cấu trúc liên quan, và cách viết tít. Muốn biên tập giỏi thì phải viết tốt (phóng viên thường nể phục những biên tập viên như thế).
Hầu hết nội dung của tài liệu đều được đăng tải trên tạp chí Nghề báo TPHCM và tạp chí Người làm báo của Hội Nhà báo Việt Nam. Nhiều phần đã được sử dụng cho các lớp tập huấn Nâng cao năng lực biên tập tin, bài về các vấn đề phát triển do Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TPHCM và Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam tổ chức. Và cho những lớp nghiệp vụ biên tập của nhà trường, một số tờ báo ở TPHCM và các tỉnh (thông qua các hội nhà báo). Khi tập hợp chúng lại, tác giả có cập nhật, chỉnh lý, bỏ bớt nội dung cũ và thêm một số nội dung mới.
Về tác giả:
Nhà báo Ngọc Trân là cố vấn biên tập tạp chí Nhịp cầu Đầu tư, giảng viên thỉnh giảng Khoa Báo chí và Truyền thông, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. HCM. Ông cũng thường xuyên được các hội nhà báo mời thực hiện các lớp viết tin thời sự, viết bài kinh tế, kỹ thuật phóng sự, nghiệp vụ biên tập…
Ông từng làm việc cho báo Thanh Niên, Tuổi Trẻ và Thời báo Kinh tế Sài Gòn; tu nghiệp tại Đại học Báo chí Lille và thực tập ở nhật báo Ouest France.
Ông được Hội Nhà báo TP. HCM trao giải nhất Phóng sự – Điều tra; Hội Nhà báo Việt Nam trao tặng Huy chương vì Sự nghiệp Báo chí.
Sách sắp xuất bản: Tường thuật kinh tế – thương mại.
Sách đang biên soạn: Phóng sự báo chí, Viết lách dành cho mọi người, Nhiếp ảnh và xử lý ảnh báo chí (cùng biên soạn với phóng viên ảnh Hoàng Thạch Vân).
Mời bạn đón đọc!
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét