Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Bảy, 6 tháng 7, 2013

NHÀ THƠ VĂN CAO: CÒN NHỮNG TIẾNG RẠN VỠ

"Khi tôi hú lên thật to//Không nghe tiếng tôi nữa" : Gia tài thi ca Văn Cao qua lời bình Thiên Sơn

Trước khi đọc lời bình về gia tài thi ca của Văn Cao, ta hãy đọc những dòng thơ của chính thi nhân:


Khi tôi hú lên thật to
Không nghe tiếng tôi nữa
Như viên đá rơi vào im lặng
Những ngọn núi dựng lên đen trũi
Bờ một cái vực khổng lồ
Nơi cả mặt trời mặt trăng
Thường lặn xuống không tiếng động”.
                                           (Lòng núi)

Có thể đọc rồi quên toàn bộ, nhưng nên nhớ những câu thơ ấy, của Văn Cao.

Từ đây trở xuống là bài của Thiên Sơn, lấy về từ trang Nguyễn Trọng Tạo.

---

NHÀ THƠ VĂN CAO: CÒN NHỮNG TIẾNG RẠN VỠ


 

Nếu như âm nhạc Văn Cao đã được khẳng định ở vị trí số một Việt Nam trong thế kỷ 20 thì các lĩnh vực sáng tác khác, là họa và đặc biệt là thơ của ông dường như chưa có sự nghiên cứu thấu đáo. Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo cho biết, khi ông và Nguyễn Thụy Kha, Thanh Thảo  tuyển chọn tập thơ  của Văn Cao để in, có ít nhất 1 bài thơ của ông đã không in được, đó là bài Đồng chí của tôi nói về chuyện bất nhẫn giữa những người cùng một chiến hào đối xử với nhau. Văn Cao từ những năm 50 của thế kỷ trước đã có cái nhìn xuyên thẳng vào hiện thực, đã nói lên cả những mặt trái của cuộc cách mạng, cả những bất trắc khó lường trong đội ngũ của ông.
Giờ nhìn lại sự nghiệp thơ Văn Cao, ta không khỏi ngạc nhiên, khi chỉ trong hơn 10 năm kể từ khi có tác phẩm thơ đầu tiên, từ một nhà lãng mạn cuối mùa, ông đã làm một hành trình dài lao thẳng vào hiện đại như một cánh chim xuyên qua bão táp của những thành kiến trong thời đại mình để trở thành một nhà tiên phong, mở ra một cánh cửa mới cho thơ hiện đại Việt Nam, mà cho đến nay chúng ta chưa đi hết cung đường mà ông đã vạch ra.
 Ngọn lửa thơ của Văn Cao sung sức và bùng cháy nhất chính ở thời điểm ông viết trường ca Những người trên cửa biển năm 1956. Cảm xúc sôi trào. Ý tứ sắc sảo. Câu thơ hoạt. Hình tượng thơ gây nhiều ám ảnh. Từ thời điểm này về trước, Văn Cao thiên về cảm xúc, cảm giác và những hình ảnh lãng mạn. Sau thời điểm này, Văn Cao chuyển dần sang ẩn dụ, tượng trưng với những hình ảnh biểu tượng hết sức sâu sắc và những suy tư mang nhiều cay đắng.
Cuộc đời Văn Cao, có thể nói, cũng gặp phải những bước ngoặt ngặt nghèo từ sau khi viết Trường ca những người trên cửa biển. Trước đó, là một đoạn đời nhiều xiêu dạt, hào hùng, lãng mạn. Sau đó là những năm tù túng, bị trói buộc và chìm trong ưu tư triền miên.
Văn Cao sinh ra ở Hải Phòng trong một gia đình công chức, cha của Văn Cao vốn là đốc công nhà máy nước Hải Phòng. Thuở nhỏ, Văn Cao hoc ở trường tiểu học Bonnal, sau lên học trung học tại trường dòng Saint Josef, là nơi ông bắt đầu học âm nhạc. Năm 1938, khi mới 15 tuổi, vì gia đình sa sút, Văn Cao bỏ học sau khi kết thúc năm thứ hai bậc thành chung. Qua những tác phẩm còn lại thì 16 tuổi ông đã làm thơ, viết nhạc và giành được những thành công đầu tiên. Tuy nhiên, theo nhà thơ Văn Thao, con trai ông, thì Văn Cao làm thơ lúc chỉ mới 12, 13 tuổi. Văn Cao đến với thơ trước khi đến với nhạc, họa và thơ cũng là cõi riêng ông thổ lộ những suy tư thăm thẳm về cuộc đời mình, những chiêm nghiệm trước hiện thực ngặt nghèo mấy mươi năm thăng trầm của một thế kỷ đầy bão táp.
 Cuối những năm 30, đầu những năm 40 thế kỷ trước, phong trào thơ mới bắt đầu cạn dần dòng chảy của nó. Những sáng tác đầu tiên của Văn Cao (bài thơ đầu tiên giữ lại được ghi sáng tác năm1939) chịu ảnh hưởng của tư duy thơ mới, nhưng lối dùng chữ vẫn còn nặng về hán việt, nhạc thơ còn chưa thật nhuần nhuyễn. Nhưng, chỉ khoảng 1 năm sau, khi ông viết Một đêm đàn lạnh trên sông Huế (1940) thì độ điêu luyện, mượt mà đã không kém các bậc đàn anh trong thơ mới trước đó. Và cũng chỉ mấy năm sau, ông viết Chiếc xe xác qua phường Dạ Lạc thì không chỉ độ điêu luyện đã lên đến đỉnh, mà còn cho thấy một cách nhìn, cách miêu tả hiện thực đến tận cùng trước thảm họa khủng khiếp của dân tộc ta trong nạn đói năm 1945. Đó là thời điểm Văn Cao đã hoàn toàn vượt qua ảnh hưởng của thơ mới và nghiêng theo chủ nghĩa hiện thực. Nhưng rồi sau đó, Văn Cao chủ yếu chuyển sang nhạc, liên tiếp giành được những thành tựu lớn trong âm nhạc, còn đường thơ thì dần trở nên thưa thớt.
Nhà thơ Văn Thao cho biết,  hồi còn học ở trường Saint Josef,  Hải Phòng, Văn Cao tham gia làm một tờ báo cùng các bạn trong lớp. Lúc ấy, ông đã tự tay trình bày báo và biên tập thơ của bạn hữu đăng lên. Văn Cao cũng tham gia hướng đạo sinh, trở thành đại biểu của tổ chức này được mời đi dự hôi nghị toàn Đông Dương tổ chức ở Huế. Sau khi gia đình sa sút, bố ông bị mất, chị gái ông lấy chồng trong Nam ra chịu tang cha, Văn Cao có thời kỳ theo chị vào Sài Gòn kiếm sống, nhưng sau đời sống khó khăn, ông không muốn phiền đến gia đình anh chị nên trở lại miền Bắc. Khoảng cuối năm 1943, đầu 1944, Văn Cao rời Hải Phòng lên Hà Nội học thêm và có lúc do khó khăn phải ở nhờ một người chị từng là cô gái nhảy nổi tiếng của Hải Phòng xiêu dạt lên Khâm Thiên. Những năm lưu lạc ấy, đã giúp Văn Cao lăn lộn trong giông tố cuộc đời và hiểu thêm chuyện đời, chuyện thế sự. Nhưng rồi, như một quy luật, hầu hết những nghệ sỹ lớn hồi đó đều tham gia Việt Minh, Văn Cao cũng thế. Ông được ông Vũ Quý giác ngộ và gợi ý ông dùng tài năng của mình phục vụ cho cách mạng. Văn Cao từ 16 đến 18 tuổi đã cắm những cái mốc trong âm nhạc với Suối mơ, Trương Chi, Buồn tàn thu,  thì 21 tuổi đã viết Tiến quân ca, để rồi 1 năm sau đó trở thành Quốc ca. Và cũng từ đó, ông liên tục sáng tác nên những tác phẩm hào hùng Thăng Long hành khúc ca, Trường ca sông Lô,  Không quân Việt Nam, Tiến về Hà Nôi…
Nửa cuối thập niên 40 của thế kỷ trước, Văn Cao có vài bài thơ, mà đáng chú ý phải nói đến Ngoại ô mùa thu năm 1946. Sự biểu đạt về ngôn từ ở đây đã thoát thai ra khỏi lối ước lệ cổ điển và cập nhật những từ ngữ mới có hơi thở đời sống. Cũng phải nói rằng, chính cuộc sống chiến đấu và lao động mới sau cách mạng Tháng 8 đã giúp nhào nặn lại ngôn ngữ thơ của Văn Cao và đưa ông lên tuyền đầu với những ước mơ và khát vọng sáng tạo mới cho thơ.
Trở lại với thời điểm bước ngoặt trong thơ Văn Cao, chính là khi ông viết trường caNhững người trên cửa biển. Ở trường ca này, Văn Cao lấy Hải Phòng làm một hoán dụ như “Việt Nam thu nhỏ”. Hải Phòng hiện lên trong thác lũ của chiến tranh và trong mơ ước nhào nặn lại hình hài của mình vươn đến cuộc sống mới. Và cũng chính ở đây, bên cạnh những thành công và mơ ước, Văn Cao đã không ngại ngần đề cập đến những hiểm họa khó trừ trong hàng ngũ những người cách mạng.
“Kẻ thù của chúng ta xuất hiện
Những con rồng đất khi đỏ khi xanh
Lẫn trong hàng ngũ
Những con bói cá đậu trên những dây buồm
Đang đo mực nước
Những con bạch tuộc
Bao tay chân cố dìm một con người”
“Đất nước đang lên da lên thịt
Đất nước còn đang nhỏ máu ngày ngày
Ta muốn gói cuộc đời gọn gàng như trái vải
Đã thấy loài sâu nằm dài trong cuống…”
“Những tên muốn ôm cây mùa xuân không cho mọc
Những tên muốn cây to che cớm mầm non”.
Và ông cũng đã thấy những bi kịch lặng thầm:
“Không có tiếng vỡ trong không gian
Sao có tiếng vỡ trong lòng tiếng vang âm rên rỉ”.
Bản lĩnh Văn Cao, sự trung thực của ngòi bút, tính dự báo sâu sắc bắt đầu được thể hiện mãnh liệt. Và hẳn nhiên, điều này làm cho không ít người có quan điểm hẹp hòi, thích che đậy lấy làm khó chịu.
Cũng tại thời điểm này, Văn Cao viết bài Mấy ý nghĩ thơ như một tuyên ngôn về thơ, đặt ra những vấn đề lớn về thơ hiện đại. Văn Cao đặc biệt nhấn mạnh đến tính tư tưởng của thơ: “Chúng ta đã qua một thời kỳ dài thiên về cảm xúc và một thời kỳ cảm giác, cái thời kỳ thiên về tư tưởng có phải đang bắt đầu không?”
Tuyên ngôn rồi, Văn Cao bắt đầu có những đột phá cả trong khai thác đề tài và nghệ thuật biểu hiện.
Bài Anh có nghe thấy không là một cách đặt vấn đề về nội dung mới cho thơ. Trong lời đề từ Văn Cao ghi “gửi một nhà thơ”. Và ông viết:
 “Chỗ nào cũng có tiếng
Chưa nói lên”
Văn  Cao không ngại ngần chỉ ra:
“Chung quanh còn những người khôn ngoan
Không có mồm
Mắt không bao giờ nhìn thẳng
Những con mèo ngủ yên trên ghế
Trong một cuộc dọn nhà
Những con sên chưa dám ló đầu ra
Những dây leo càng ngày càng tốt lá”
Kẻ thù lớn nhất của cách mạng chính là những kẻ xảo trá, cơ hội lẫn vào hàng ngũ những người cách mạng để phá hoại nó. Hiện thực mà Văn Cao cảnh báo, tiếc thay đã không được khắc phục, không được chỉnh đốn kịp thời để sau này trở thành một hiểm họa lớn.
Trong cái thời sung sức ấy, Văn Cao cũng chú trọng đến cách tân hình thức. Điều đáng nói là Văn Cao đề cao sự phù hợp giữa nội dung và hình thức thơ. Trong bài Gửi những nhà thơ, ông viết:
“Hãy xếp lại thang âm
A ba ca
Da đa la ma
Ôi vần thơ nhạc điệu
Trong trúc trắc nặng nề ngột ngạt
Trong chua chát ngậm ngùi hàng ngày quằn quại
Chết mòn chết mòn chết mòn”
Ở một chỗ khác, ông cũng ví cánh thơ du dương như “chiếc máy bay của người đầu tiên tập lái”. Ông cho rằng, nhà thơ “hãy giữ lại thang âm và đôi cánh/ Trong cuộc đời cao tiếng hát du dương”. Tiếc thay, nửa cuối của thập niên 50 của thế kỷ trước, với những oan trái nặng nề, và cách xử lý vụ Nhân văn Giải phẩm có phần sai lầm đã khiến cuộc đời nhiều văn nhân rơi vào bi kịch. Văn Cao, một nghệ sỹ với tài năng sáng chói cũng bị người ta cho là có liên quan đến vụ này. Từ đó, tài năng của ông đã không còn nhiều cơ hội được thể hiện trước công chúng.
 Từ những năm 60 của thế kỷ trước, cuộc sống của Văn Cao trở nên nặng nề, cô độc và thậm chí nơm nớp vì một sự đe dọa vô hình. Ông gần như không làm nhạc, phải vẽ minh họa cho báo hoặc vẽ bìa sách để kiếm sống và thường phải chịu cảnh đói nghèo. Ông cũng ít làm thơ. Hầu hết là những bài thơ viết và để trong sổ tay, thỉnh thoảng mới được đọc lên chia sẻ với bạn hữu trong những cuộc rượu.
Mãi mấy chục năm sau, khi đất nước đã mở cửa, đổi mới thì thơ Văn Cao mới được in lại trong một tập “Lá”. Sau khi Văn Cao mất, những tuyển thơ của ông mới dần dần được in nhưng vẫn còn một số bài thơ gai góc đến giờ vẫn chưa xuất hiện chính thức trong tập nào.
Càng về sau, Văn Cao làm thơ như là một cuộc độc thoại với chính mình. Trước đây có lần ông muốn hét to lên, cảnh báo về những hiện trạng nguy hiểm đang dần dần lộ diện trong đời sống, nhưng chẳng ai nghe thấy, tiếng thét của ông tựa như gặp một triền núi dựng đứng chắn lại:
“Khi tôi hú lên thật to
Không nghe tiếng tôi nữa
Như viên đá rơi vào im lặng
Những ngọn núi dựng lên đen trũi
Bờ một cái vực khổng lồ
Nơi cả mặt trời mặt trăng
Thường lặn xuống không tiếng động”.
                                           (Lòng núi)

Đến lúc chìm trong cô độc, ưu tư, Văn Cao chua xót nhận ra:
“Bỗng nhiên
Bóng người ấy che mất
Nửa mặt của tôi”
                 (Nguyệt thực)

Dù sao, thơ Văn Cao vẫn tiến những bước dài trong sự chiêm nghiệm về thân phận con người, về những nghịch lý của thời đại và trong nghệ thuật biểu hiện, ông đã chọn lối ẩn dụ, tượng trưng như một phương thức biểu đạt chính, tạo ra những bài thơ trùng điệp các tầng ngữ nghĩa, gợi liên tưởng và ngẫm suy không dứt.
“Sự thất bại thường gặp trong một bài thơ là khép lại: Khép  tất cả sự muốn nghĩ và muốn nói”. Văn Cao đã từng quan niệm như vậy, và ông đã thành công khi biến mỗi bài thơ của mình thành một tác nhân kích thích suy nghĩ của độc giả. Có thể coi mỗi bài thơ như một câu hỏi nhức buốt về sự sống, hoặc một tấm gương để độc giả soi vào và tự ngẫm suy về chính mình, về thời đại mình. Bài thơ Văn Cao vì thế không phải là một văn bản chết, cứng đờ trên giấy, nó lung linh, sống động và biến hóa tùy theo sức cảm và nghĩ của độc giả. Đó chính là sự hấp dẫn đặc biệt của thơ Văn Cao, thâm trầm, sâu sắc và liên tục gợi mở. Tính hiện đại của Văn Cao biểu lộ rõ nét ở điểm này. Nó vượt thoát khỏi dòng thơ tuyên truyền đương thời. Nó xác lập một cá tính riêng, làm phong phú thêm cho Thơ Việt và mở đường cho những dòng chảy mới của thơ sau này.
Bài “Năm buổi sáng không có trong sự thật” là một thành công quan trọng trong nỗ lực hiện đại hóa thơ của Văn Cao. Bài thơ mở ra cái thế giới của tưởng tượng, của giả tưởng. Buổi sáng thứ nhất, khi tỉnh dậy bỗng “cả phố biến đâu mất” “Mặt đất đỏ màu gạch nung/ như miệng  quả núi lửa”. Buổi sáng thứ hai tỉnh dậy “không nghe tiếng chim hót”, không nghe tiếng chân đi, “không ai nhìn miệng tôi gào thét”. Tất cả chỉ có im lặng. Và nhà thơ cảm thấy “Hình như nơi đây bị đày trong im lặng”. Buổi sáng thứ ba, nhà thơ thấy “không phải mình thức dậy/ một người nào đó trong tôi đang thở”, thế rồi từ đó, bao nhiêu điều khủng khiếp đã diễn ra. “Từ khi ấy, chúng tôi hai người suy nghĩ/ Hai kẻ thù nhau/Hai thái cực tâm hồn/ Hai người ấy trong một người chịu đựng/ mưu hại lẫn nhau”. Buổi sáng thứ tư, cả phố phường như mở hội. “Mọi con người đeo mặt nạ đi chơi” nhưng nhà thơ lại nhìn thấy “Nước mắt mồ hôi / chảy ra trên từng mặt nạ”. Bài thơ kết lại bằng buổi sáng thứ năm ấm áp. Trong căn phòng trong suốt thủy tinh, “Em ở đây với anh”  “Da thịt em cho anh sưởi” “Chúng ta đi vào bí mật của mùa xuân”. Năm buổi sáng là năm tình huống, năm cung bậc của cảm xúc, suy tưởng, tưởng tượng. Dù nó được vẽ nên mang màu sắc giả tưởng nhưng lại không xa lạ với hiện thực. Bài thơ khép lại mà sức gợi của nó không dứt, tựa như một chất xúc tác nhào nặn lại những suy nghĩ của độc giả.
Nếu như “Năm buổi sáng không có trong sự thật” hướng ngoại, mô tả những cảnh ngộ chung của nhiều người, hoặc khái quát về cái chung, thì “Ba biến khúc tuổi sáu lăm” là một lối thơ nghiêng về ẩn dụ nói lên cảnh ngộ của một con người. Biến khúc thứ nhất, kể rằng, “một người cho tôi con dao găm” và tác giả vô tình ném con dao qua cửa sổ trong đêm. Bỗng có tiếng ngã ngoài sân, “một người trúng tim đã chết”. Tác giả thanh minh: “Tôi không hề biết người ấy/ Tôi là kẻ không muốn giết người/ Chỉ biết bóng tối/ mà tôi đã ném dao”. Biến khúc thứ 2, kể về một oan khiên: “Bỗng nhiên mọi người nhìn tôi/ một ai đó kêu lên thằng ăn cắp”. Thế rồi, khi chạy hết cả cuộc đời, sắp gục xuống, “tỉnh dậy mồ hôi chảy/ tôi lại thấy tôi là người chưa phạm tội”. Biến khúc thứ ba, kể: “Tôi rơi vào mạng nhện/ mạng nhện cuốn lấy tôi/ không còn cách gì gỡ được”. Đây  là một bài thơ đau đớn, nói về sự vô tình nghiệt ngã, sự  xô đẩy của thời thế tạo nên số phận oan nghiệt của một con người. Dù tất cả hình ảnh trong bài thơ đều mang tính biểu trưng, nhưng hầu như những mâu thuẫn, những kịch tích lại khá rõ ràng và có thể hiểu được khá rõ.
Trừ một số bài thơ dài, mà trường độ cảm xúc và tính khái quát không thua kém những trường ca, về cơ bản, thời kỳ những năm 60, 70 của thế kỷ trước, thơ Văn Cao trở nên ngắn gọn, cô đúc. Ông tìm sự liên kết trong ý tứ, hình ảnh, trong nhạc điệu, tức là sự liên kết từ bên trong chứ ít khi sử dụng những vần điệu vang vọng. Hình ảnh trong thơ ông thường biến nghĩa, cấu trúc câu cũng linh hoạt khơi gợi sự ngẫm ngợi. Hầu hết thơ ông quãng sau nghiêng về nghĩa bóng, mỗi bài thơ đặt ra những thách thức bí ẩn khiến người đọc phải giải mã điều thực sự nhà thơ muốn nói phía sau mỗi câu từ.
Dù không sáng tác nhiều thơ (khoảng 60 bài thơ và 1 trường ca), Văn Cao cũng đã ôm chứa trong ông bước dịch chuyển lớn lao mang dấu ấn của hơn nửa thế kỷ tìm đường của thơ Việt. Từ một nhà lãng mạn, Văn Cao đã nỗ lực để trở thành một nhà thơ hiện thực, từ một nhà hiện thực, Văn Cao đã tiến thêm một bước vào lãnh địa của thơ tượng trưng. Trong thơ ông người ta tìm thấy cả dấu ấn thân phận nhà thơ, lẫn nỗi cay đắng của một lịch sử đầy gấp khúc.
                                                             Hà Nội tháng 6 -2013
                                                                             T.S

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: