Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Chủ Nhật, 6 tháng 12, 2015

Việt Nam vượt ASEAN, Nga, Nhật… về lệ thuộc nhập khẩu từ Trung Quốc


Hàng tiểu ngạch từ Trung Quốc được 'tuồn' sang Việt Nam ở một cửa khẩu biên giới. (Nguồn: vi.rfi.fr)
Hàng tiểu ngạch từ Trung Quốc được 'tuồn' sang Việt Nam ở một cửa khẩu biên giới. (Nguồn: vi.rfi.fr)
Không chỉ dẫn đầu trong khu vực Đông Nam Á (ASEAN), mức độ lệ thuộc nhập khẩu từ Trung Quốc của Việt Nam còn vượt Nga, Nhật, Ấn Độ, châu Âu…
Đây là nhận định tại tham luận của TS Nguyễn Đình Cung và Trần Toàn Thắng – Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM).
Tại thời điểm năm 2005, chỉ số phụ thuộc của ASEAN là trên 17%. 9 năm sau, năm 2014, Việt Nam bị phụ thuộc ở mức 21,7%, trong khi ASEAN tiếp tục giữ mức tối đa khoảng 17%.
Việt Nam đang đứng đầu về tỷ lệ phụ thuộc nhập khẩu từ Trung Quốc, vượt ASEAN và các đối tác khác. (Nguồn: Báo cáo của nhóm tác giả CIEM) Việt Nam đang đứng đầu về tỷ lệ phụ thuộc nhập khẩu từ Trung Quốc, vượt ASEAN và các đối tác khác. (Nguồn: Báo cáo của nhóm tác giả CIEM)
Nga có mức độ lệ thuộc tăng cao từ 2002, đạt ngưỡng cao nhất vào 2010, và đi ngang từ đó cho tới 2013 ở mức 15,5%.
Ấn Độ giảm lệ thuộc vào hàng nhập khẩu từ Trung Quốc xuống còn 12% (2014), so với tỷ lệ gần 14% năm 2007.
Đáng chú ý là Hàn Quốc, Nhật Bản sau một thời gian tăng lệ thuộc vào hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, thì tới 2014 đã giảm về lại mức năm 2004 (trên dưới 14%).
Các chuyên gia của Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho hay, Việt Nam có xu hướng phụ thuộc ngày càng gia tăng ở cả hai lĩnh vực nhập khẩu và xuất khẩu. Về nhập khẩu, Việt Nam chủ yếu nhập nguyên liệu, máy móc, linh kiện từ Trung Quốc.
Có tới 40 trong tổng số 94 ngành của Việt Nam phụ thuộc vào Trung Quốc – Phó giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại – Tiến sĩ Lê Quốc Phương cho biết. Trong đó, những ngành có sự phụ thuộc tăng nhanh trên 200%, theo thông tin từ Báo Đất Việt.
Đáng quan tâm hơn là hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc chỉ có 20% là hàng tiêu dùng, còn lại trực tiếp phục vụ cho hoạt động sản xuất hàng ngày của các doanh nghiệp.
Điều này tác động lâu dài đến khả năng nâng cấp công nghệ của doanh nghiệp bản địa, có khả năng Việt Nam rơi vào hiệu ứng ‘giải công nghiệp hóa’ sớm khi chỉ xuất khẩu được sang Trung Quốc các hàng hóa dựa vào tài nguyên và nhập khẩu hàng công nghiệp chế tạo thành phẩm. Về lâu dài, sẽ làm suy giảm năng suất của Việt Nam dẫn đến suy giảm tăng trưởng kinh tế trong dài hạn”, ông Phương nhận định.
Ông Phương chỉ ra, nguyên nhân chính dẫn tới nhập siêu với Trung Quốc là do hệ thống chính sách định hướng, từ tỷ giá, lãi suất, đất đai, hệ thống động lực… Riêng hệ thống chính sách đã làm cho cơ cấu kinh tế sai lệch, không khuyến khích sản xuất trong nước, làm các ngành công nghiệp luôn nằm ở đáy của chuỗi giá trị.
Hiện nay, Trung Quốc là khách hàng lớn nhất của Việt Nam, nếu Việt Nam không chủ động tìm thị trường mới thì sau khi tình hình xấu đi, kinh tế Việt Nam sẽ gặp rất nhiều khó khăn”, TS Lương Văn Khôi – Trưởng ban Kinh tế Thế giới (Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế – xã hội quốc gia) đưa ra cảnh báo, theo thông tin trên báo Vnexpress.
Làm sao để “thoát Trung” nhập siêu
Vấn đề phụ thuộc và làm sao để giảm sự phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc đã được đề cập tới. Giữa năm 2014, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng trước hết cần phải xem lại khuôn khổ chính sách hoặc quan hệ giữa hai nhà nước.
Xem xét rà soát mối quan hệ, chúng ta có nhiều trường hợp không đưa ra được những quy định chặt chẽ để giúp chính quyền hai bên có thể kiểm soát được. Và chúng ta thường rơi vào thế bị động: khi nào Trung Quốc tạo thuận lợi thì hàng Việt Nam xuất được, khi nào họ cố tình gây khó như đưa ra những vấn đề về hàng rào kỹ thuật thì chúng ta chịu thua“, bà Lan nói trên Tạp chí Tia Sáng.
Theo đó, để “thoát Trung”, bà Lan chỉ ra những việc cần làm như tích cực tìm kiếm thêm thị trường mới, hạn chế việc khai thác khoáng sản và bán thô,  điều chỉnh lại cách bỏ thầu…
Tình hình xuất nhập khẩu Việt Nam - Trung Quốc trong giai đoạn 2010 – 2014. (Nguồn: Tổng cục Hải quan (Số liệu năm 2014 tính từ đầu năm đến hết tháng 11)Tình hình xuất nhập khẩu Việt Nam – Trung Quốc trong giai đoạn 2010 – 2014. (Nguồn: Tổng cục Hải quan (Số liệu năm 2014 tính từ đầu năm đến hết tháng 11)
Cũng trên Tạp chí Tia Sáng, bà Lan cho hay: “Đối với ngành hàng dệt may, da giầy, vốn lâu nay đã phụ thuộc quá nhiều vào nguồn cung Trung Quốc. Tôi cho rằng chính phủ Việt Nam cần sớm đưa ra những chính sách để thật sự hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ.
Về nông sản, cách quan trọng nhất là hiện nay, Việt Nam phải làm sao để tăng cường được chất lượng của các mặt hàng nông sản, có thể chế biến hoặc tăng thêm về chất lượng cho đạt với yêu cầu với các thị trường khác. Tôi nghĩ riêng về việc xuất khẩu nông sản, chúng ta nên học bài học của Philippines. Cách đây 2 năm, khi nước này bị Trung Quốc ép bằng cách không mua chuối của Philippines nữa, thì người dân Philippines đã chuyển rất mạnh sang thị trường khác (như Hoa Kỳ, Nhật Bản…). Các thị trường khác đòi hỏi tiêu chuẩn cao hơn về chất lượng và khi Philippines tập trung vào chất lượng thì kết quả cuối cùng là không những họ xuất khẩu được nhiều hơn mà thu nhập cao hơn đáng kể so với xuất sang Trung Quốc. Việt Nam nên học cách đó”.
Về nhập khẩu, bà Lan cho rằng cần “thực sự khuyến khích, hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong nước, hoặc nhà đầu tư nước ngoài vào đầu tư cho các ngành công nghiệp phụ trợ ở Việt Nam. Bây giờ chúng ta phải làm liền việc này để giảm dần sự phụ thuộc đầu vào từ Trung Quốc đối với tất cả các mặt hàng”.
7 mặt hàng có giá trị tính đến tỷ USD Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc trong 11 tháng năm 2014. (Nguồn: Tổng cục Hải quan (Số liệu năm 2014 tính từ đầu năm đến hết tháng 11)7 mặt hàng có giá trị tính đến tỷ USD Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc trong 11 tháng năm 2014. (Nguồn: Tổng cục Hải quan, số liệu năm 2014 tính từ đầu năm đến hết tháng 11)
Phan A tổng hợp /daikynguyen

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: