Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Chủ Nhật, 6 tháng 12, 2015

Tôi chỉ muốn xem xét các nhà phê bình “chỉ điểm” dưới góc độ phân tâm học

Tôi không phải là dân nghiên cứu văn chương, công việc của tôi là nghiên cứu tâm lý các vật nuôi (gà, lợn, bò, chó, mèo...). Tuy nhiên, tôi cũng khá quan tâm tới các bài viết liên quan đến văn học nghệ thuật vì đó là một sở thích khác của tôi ngoài công việc chuyên môn. Hẳn nhiên là tôi cũng rất biết vụ các nhà phê bình “chỉ điểm” tấn công Nhã Thuyên và gần đây là Trần Ngọc Hiếu, Trần Đình Sử, Đoàn Ánh Dương. Tôi thấy mọi người đều ái ngại cho mấy nhà khoa học bị hại và căm phẫn, khinh bỉ mấy nhà phê bình “chỉ điểm” ấy. Về phần tôi thì có khác một chút, tôi lại rất quan tâm tới những triệu chứng tâm lý bất ổn của mấy nhà phê bình “chỉ điểm”. Trước khi bàn tới vấn đề tâm thần của họ, tôi cũng xin tự giới thiệu thêm về mình đôi chút. Tôi cũng là người yêu nghề, tuy nhiên, việc cứ chuyên tâm nghiên cứu đời sống tinh thần của mấy con vật nuôi hiền lành khiến tôi thấy nhàm chán. Lâu lắm tôi mới phải xử lý một vài ca chó biếng ăn do không thích nghi với môi trường mới (chuyển nhà) hay mèo tự kỷ vì bị nuôi nhốt quá lâu trong nhà. Chính vì thế, gần đây tôi quyết định chuyển sang nghiên cứu đời sống tâm lý con người, chủ yếu là mầy mò, tự học. Xin mọi người đừng cười nhạo nhé, nhiều bác sĩ thú y vẫn chữa tốt những bệnh thông thường như cảm cúm, viêm phổi hay thấp khớp của con người đấy thôi, vì vậy tôi hoàn toàn có thể tự tin phân tâm những nhà phê bình “chỉ điểm” của chúng ta. Ngay từ khi còn nhỏ, tôi đã bị quyến rũ bởi sự bất ổn về tâm lý của cả người lẫn động vật. Còn gì tuyệt vời hơn việc thăm dò những trạng thái hôn ám của tâm trí, đặc biệt là tâm trí con người. Với các nhà phê bình của chúng ta, tôi tự thấy họ cùng một lúc có ba triệu chứng bệnh khá rõ: Masochism (khổ dâm), Sadism (ác dâm) và Personality disorders (rối loạn nhân cách).
Về thuật ngữ masochism, người ta vẫn dịch là khổ dâm, nó dùng để chỉ những người có khuynh hướng thích chịu đựng những nỗi đau về tinh thần hoặc thể xác trong hành vi tình dục. Nhưng thực ra masochism còn có thêm sắc thái nghĩa khác, nó chỉ những loại người có khoái cảm khi bị làm nhục, bị ngược đãi bởi người khác hoặc do chính bản thân tự gây nên. Tôi nhận thấy các nhà phê bình “chỉ điểm” trong những năm qua nhận được rất nhiều lời lăng mạ, sỉ nhục từ phía cộng đồng nhưng họ không hề thấy xấu hổ. Hình như những lời chửi bới ấy còn làm cho họ hứng thú hơn để tiếp tục sản xuất thêm những bài viết mới mà mức độ đê tiện, vô sỉ ngày một tăng dần. Do đó, tôi xin kết luận rằng các nhà phê bình “chỉ điểm” đã mắc chứng masochism.
Về thuật ngữ sadism, thường được dịch là ác dâm, tôi xin nói thêm vài lời. Nó dường như là một sự đối lập với masochism (khổ dâm). Rất ít người mắc cả hai chứng này một lúc nhưng với các nhà phê bình chỉ điểm thì có vẻ lại là như vậy. Sadism chỉ những người có khoái cảm khi tham gia hành hạ về thể xác hoặc tinh thần người khác trong hành vi tình dục. Mở rộng ra, sadism còn chỉ những người có khoái cảm khi gây ra những hành vi bạo lực, tàn ác. Các nhà phê bình chỉ điểm luôn tìm cách xúc phạm, thoá mạ thậm chí tiêu diệt những nhà khoa học nghiêm túc. Đọc những bài viết của họ có thể cảm nhận rõ sự hứng thú, hưng phấn cao độ khi được làm những việc trái lương tâm như vậy. Do đó, tôi xin kết luận rằng những nhà phê bình chỉ điểm mắc thêm chứng sadism.
Về thuật ngữ Personality disorders, thường được dịch là rối loạn nhân cách, tôi cũng nói thêm vài lời. Chứng bệnh này được chia ra rất nhiều dạng. Trong xã hội ta, bệnh nhân rối loạn nhân cách thường ở dạng sau: Người bệnh buộc mình phải là trung tâm của sự chú ý, từ đó có những hành vi, thái độ kỳ dị để lôi kéo sự quan tâm của mọi người. Họ thiếu ăn năn với những lỗi lầm của mình và thường xuyên tái phạm, thiếu trách nhiệm với gia đình và cộng đồng, sống ích kỷ, mê mải với bản thân. Từ đó, họ có những hành vi, thái độ không thích hợp để phục vụ cho cái “tôi” của mình. Các nhà phê bình “chỉ điểm” của chúng ta cũng thường thích “đốt đền” để gây chú ý. Chưa bao giờ họ thấy ân hận vì những hành vi tồi tệ do mình gây ra, hơn thế nữa, hành vi đó còn ngày một gia tăng. Họ là những cá nhân ích kỷ đến bệnh hoạn, sẵn sàng chà đạp lên tất cả để thoả mãn cái “tôi” của mình. Tôi chưa có thời gian điều tra về gia đình của họ nhưng rất nhiều khả năng họ không được vợ, con yêu quý. Khi về già họ sẽ thường phải sống một mình hoặc trong sự ghẻ lạnh của gia đình.
Tôi cũng không rõ là có nên căm ghét những nhà phê bình chỉ điểm hay không vì thực sự trong mắt tôi là những bệnh nhân cần chữa trị. Tôi cũng không có cơ hội biết rõ những người thuê mướn họ làm “chỉ điểm”, nhưng khả năng mấy người này cũng mắc ba chứng bệnh trên. Điểm khác biệt là chứng sadism (khoái cảm khi bức hại, tấn không người khác) có khả năng nặng hơn mấy nhà phê bình “chỉ điểm” kia. Có điều đáng buồn là những chứng bệnh tâm thần họ mắc phải đều khó chữa, đặc biệt là rối loạn nhân cách. Tôi cũng chưa thấy ca điều trị nào thực sự thành công. Nếu chữa trị cho họ chắc chắn sẽ phải tham khảo các liệu pháp của Freud, Jung, Lacan..., những tên tuổi vô cùng đình đám trong lịch sử lý thuyết phương Tây. Thế nhưng các nhà phê bình chỉ điểm của chúng ta lại căm hận lý thuyết phương Tây vô cùng, nhìn cái cách họ đay nghiến, chì chiết “ngoại biên, trung tâm”, “hậu thực dân” là đủ biết. Không hiểu rồi sẽ phải điều trị họ theo hướng nào. Có anh bạn hay đùa tếu khuyên tôi nên liên lạc với bác sĩ Hannibal Lecter. Tôi vào mạng tra thì hoá ra đó là vị bác sĩ trong phim Sự im lặng của bầy cừu. Ông này là một bác sĩ tâm lý cực giỏi nhưng có sở thích quái đản là ăn thịt người, nhưng phải là những người dung tục, thô lỗ và ông ta coi đó như là một hành vi thanh lọc xã hội. Thực sự, nếu có một Hannibal Lecter thật ngoài đời thì tôi cũng chả nề hà chuyện nhờ ông ấy tư vấn qua email. Biết đâu sẽ có một giải pháp hữu hiệu cho những nhà phê bình “chỉ điểm” của chúng ta.

Ngo?c Thiên Thưc Dân


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: