ĐT
Ngay từ đầu phiên tòa sáng 14/12/2015 xét xử Nguyễn Viết Dũng (tức Dũng Phi Hổ) về tội “gây rối trật tự công cộng”, luật sư đã công bố một văn bản có chữ ký của 16 thành viên nhóm Vì Một Hà Nội Xanh và là những người tham gia cuộc tuần hành sáng chủ nhật 12/4/2015 quanh Hồ Gươm.
16 người tình nguyện đứng ra làm nhân chứng, trong số đó, hai người thừa nhận vai trò tổ chức tuần hành (có kiến nghị riêng). Tất cả đều xác nhận và khẳng định Nguyễn Viết Dũng (tức Dũng Phi Hổ) đã tham gia tuần hành “một cách ôn hòa và lịch sự, không có bất kỳ một lời nói, thái độ hay hành vi gây rối nào”.
Đây là một tình tiết hoàn toàn mới và quan trọng trong quá trình điều tra và xét xử Nguyễn Viết Dũng. Bởi lẽ, ngay từ đầu quá trình này, Dũng đã chỉ bị buộc tội “gây rối trật tự công cộng” theo Điều 245 Bộ luật Hình sự, trong khi nay cả người tổ chức và người tham gia tuần hành đều xác nhận và khẳng định không hề có chuyện đó.
Tuy nhiên, tình tiết mới đã không hề được tòa đếm xỉa. Các nhân chứng, đặc biệt là hai người tổ chức, không được vào tòa, mặc dù họ có nguyện vọng và sẵn sàng tham dự phiên xét xử. Quan điểm bào chữa của các luật sư bị bỏ lơ, và cuối cùng, tòa đã tuyên án khi các luật sư đều vắng mặt (bỏ ra ngoài).
Nguyễn Viết Dũng (sinh năm 1986) bị công an quận Hoàn Kiếm bắt ngày 12/4/2015 sau khi tham gia đoàn tuần hành của nhóm Vì Một Hà Nội Xanh quanh Hồ Gươm, nhằm phản đối đề án chặt hạ 6708 cây xanh ở Hà Nội (mà chính quyền gọi là Đề án cải tạo, thay thế cây xanh đô thị hai bên đường Hà Nội giai đoạn năm 2014-2015). Sau đó vài ngày, Dũng bị khởi tố. Phiên xử sơ thẩm diễn ra sáng 14/12 tại Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội.
Một phiên tòa không nhân chứng, không vật chứng, về sau còn không có cả luật sư đại diện cho bị cáo. Nhưng nó vẫn diễn ra, trong khi chỉ cần vi phạm một trong các yếu tố đó là đủ để hoãn việc xét xử, điều tra lại, thậm chí lật lại hoàn toàn mọi cáo buộc.
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét