Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Tư, 16 tháng 12, 2015

Đà Nẵng: Đổ xô thu gom đất ở ‘khu vực nhạy cảm’


Hàng trăm cá nhân, tổ chức ở Đà Nẵng đang đổ xô mua hàng loạt lô đất ở khu vực ven biển sát sân bay Nước Mặn, vị trí được xem là rất nhạy cảm.
Chân bảo vệ thu gom ngàn m2 ‘đất vàng’
Theo tìm hiểu của VietNamNet, thời gian qua, vệt đất ven biển Đà Nẵng dọc theo sân bay Nước Mặn đã thực sự trở thành ‘đất vàng’ khi nhu cầu mua đất ở đây tăng đột biến. Điều đáng nói, nhiều cá nhân, tổ chức ồ ạt mua đất theo kiểu ‘thu gom’ đang làm nổi lên những nghi ngại.
Đơn cử, Công ty TNHH Du lịch & Dịch vụ V.N Holiday mua tới 24 thửa đất, diện tích gần 5.000m2. Công ty TNHH Thương mại & Dịch vụ Diệp Phúc Lợi mua 17 thửa đất, diện tích gần 3.000m2. Công ty TNHH Thương mại Du lịch & Dịch vụ Nguyên Thịnh Vượng mua 10 thửa. Công ty TNHH TM & DV Hoàng Gia Trung mua 12 lô...
Một số công ty khác cũng đổ tiền thu gom nhiều lô đất trong vệt sát tường rào sân bay Nước Mặn, rải rác 3 – 7 thửa đất.
thu gom đất ven biển Đà Nẵng, sân bay Nước Mặn, du lịch Đà Nẵng, người nước ngoài mua đất ven biển Đà Nẵng
Người dân Đà Nẵng đổ xô ‘thu gom’ các lô đất ven biển, ở khu vực được cho là nhạy cảm.
Không chỉ các công ty đua nhau mua đất, người dân địa phương cũng bất ngờ vào cuộc thu gom hàng loạt lô đất ‘vàng’ ở đây. Theo thống kế từ Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất Đà Nẵng tại quận Ngũ Hành Sơn, có tới 74 lô đất ở đây đã được cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho các cá nhân.
Trong danh sách các cá nhân được cấp Giấy chứng nhận QSDĐ, một số cá nhân sở hữu rất nhiều lô đất ở khu vực này như ông Lý Phước Cang mua 12 lô (xấp xỉ 2.000m2); Lê Thanh Hà (6 lô)... Hàng chục người khác cũng thu gom được từ 2 – 5 lô đất ‘vàng’ ở đây.
thu gom đất ven biển Đà Nẵng, sân bay Nước Mặn, du lịch Đà Nẵng, người nước ngoài mua đất ven biển Đà Nẵng
Công trình khách sạn 5 sao JW Marriott nằm đối diện khu vực sân bay Nước Mặn, nơi thành phố Đà Nẵng chấp thuận cho nhà thầu đưa 300 lao động Trung Quốc đến làm việc.
Nguồn tin từ chính quyền địa phương, những người dân thu gom hàng loạt lo đất ven biển vốn không phải dư giả về kinh tế. Có trường hợp như ông Trác Duy Phúc, vốn là bảo vệ tại công trình Silver Shores , cũng có tiền mua nhiều lô với diện tích xấp xỉ ngàn m2.
Khó quản việc người Trung Quốc ‘núp bóng’ mua đất
Thời gian qua, dư luận tại Đà Nẵng xôn xao khi có thông tin cho rằng, hàng chục người dân địa phương đã đứng tên mua đất ven biển cho người Trung Quốc. Thông tin này do chính ông Đào Tấn Bằng, Bí thư quận ủy Ngũ Hành Sơn trả lời trên báo chí.
Điều này được xem là câu trả lời cho việc nhiều người dân địa phương bỗng dưng có rất nhiều tiền để thu gom hàng loạt lô đất ‘vàng’. Thực trạng càng đáng nghi ngại khi khu vực Ngũ Hành Sơn đang có khá đông người Trung Quốc, chủ yếu là lao động tại các công trình ở đây. Khu vực này liền kề sân bay quân sự Nước Mặn.
Bà Nguyễn Thị Anh Thi, Chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn thừa nhận, chính quyền đã nhiều lần bày tỏ sự nghi ngại về thực trạng này. Theo bà Thi, khu vực được cho là người Trung Quốc đang ‘núp bóng’ thu gom đất vốn có vị trí rất nhạy cảm. Tuy nhiên việc quản lý là khó khăn, bởi trên giấy tờ đều do người Việt đứng tên.
Trao đổi với PV, ông Tăng Hà Vinh, Giám đốc Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất Đà Nẵng tại quận Ngũ Hành Sơn cho biết thêm, tất cả các trường hợp mua đất ở khu vực giáp sân bay Nước Mặn đều đứng tên người Việt, tiến hành đúng pháp luật.
thu gom đất ven biển Đà Nẵng, sân bay Nước Mặn, du lịch Đà Nẵng, người nước ngoài mua đất ven biển Đà Nẵng
Nhiều nhà hàng biển hiệu gồm tiếng Trung trên đường Võ Nguyên Giáp.
Theo tìm hiểu, nhiều dự án ven biển Đà Nẵng đang sử dụng lao động Trung Quốc. Hiện có khoảng 450 lao động nước này đang làm việc và sinh hoạt tại 10 dự án lớn ở đây. Nhiều trường hợp người Trung Quốc sang Đà Nẵng du lịch rồi ở lại lao động ‘chui’ đã bị cơ quan chức năng xử lý.
Mới đây nhất, tháng 10/2015, Cty TNHH Sichuan Hua Shi (công ty mẹ ở Tứ Xuyên, Trung Quốc) đã đề nghị Đà Nẵng cho phép sử dụng lao động nước ngoài từ công ty mẹ để làm việc tại công trình khách sạn 5 sao JW Marriott tại lô 8, đường Võ Nguyên Giáp (quận Ngũ Hành Sơn).
UBND TP. Đà Nẵng sau đó đã đồng ý, chấp thuận cho Sichuan Hua Shi đưa 300 lao động Trung Quốc sang làm việc tại dự án này, trong gia đoạn từ tháng 12/2015 – tháng 8/2017.
Thông tin từ UBND quận Ngũ Hành Sơn, riêng tại phường Khuê Mỹ hiện có 11 gia đình cho 43 người Trung Quốc ở thuê. Đã có 8 trường hợp phụ nữ địa phương kết hôn với người Trung Quốc. Dọc đường Võ Nguyên Giáp hiện có nhiều nhà hàng trưng biển gồm tiếng Trung.
Năm 2015, quận Ngũ Hành Sơn xử lý 11 vụ việc liên quan tới người nước ngoài. Đáng kể tới là vụ nhóm người Trung Quốc lừa đảo chiếm đoạt 20.000USD. Mới đây nhất, một người đàn ông Trung Quốc bị bắn tử vong tại quận Sơn Trà. Người này cũng kết hôn với phụ nữ bản địa.
Cao Thái

Sỏi đá quanh đảo Thị Tứ bị tàu Trung Quốc cày tung

17/12/2015 12:32 GMT+7
TT - Đã nhiều lần Philippines tố cáo trước cộng đồng quốc tế về việc Trung Quốc cố tình hủy hoại hệ sinh thái thiên nhiên tại Biển Đông.

Tàu tuần duyên Trung Quốc đe dọa tàu đánh cá của Philippines - Ảnh: AFP
Tàu tuần duyên Trung Quốc đe dọa tàu đánh cá của Philippines - Ảnh: AFP
Phóng viên Rupert Wingfield Hayes của Đài BBC vừa thực hiện một chuyến bay đến quan sát tận mắt một rạn san hô ngầm tại khu vực quần đảo Trường Sa của Việt Nam, để kiểm chứng thông tin về việc ngư dân Trung Quốc đang chủ tâm phá hủy những rạn san hô ngầm ở Biển Đông.
“Việc xây dựng của Bắc Kinh đã phá hủy các đảo san hô có diện tích gần gấp ba tòa thánh Vatican, gây thiệt hại kinh tế hằng năm đối với các quốc gia ven biển ước tính 100 triệu USD. Các hoạt động quy mô của Trung Quốc đã gây ra nhiều thiệt hại to lớn không thể phục hồi được cho đa dạng sinh học và cân bằng sinh thái tại Biển Đông
Ông CHARLES JOSE (người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines)
Phá hủy có chủ đích 
và vì lòng tham
Nhà báo Hayes thừa nhận đã cảm thấy rất sốc và hoang mang khi tận mắt nhìn thấy thực trạng các rạn san hô tại khu vực này.
“Hàng chục con tàu đang neo đậu gần một rạn san hô của đảo Thị Tứ, trong khi từng vệt dài cát và sỏi đá đang cuồn cuộn quặn lên bên dưới mặt nước biển đằng sau những con tàu này” - Hayes mô tả.
Những con tàu này kết nối với nhau và cùng khởi động động cơ ầm ĩ. Một ngư dân Philippines giải thích những con tàu này đang dùng chân vịt để phá hủy rạn san hô.
Đảo Thị Tứ từng là một hệ sinh thái giàu san hô. Tuy nhiên hiện nay dưới đáy biển trong khu vực này chỉ còn lại một lớp gồm hàng triệu mảnh vụn vỡ ra từ rạn san hô và mang một màu trắng chết chóc như những bộ xương trắng.
Nhóm ngư dân Trung Quốc bất kể những cảnh báo tàn phá thiên nhiên để săn tìm loại trai khổng lồ quý hiếm. Những con trai kích thước to cả mét có tuổi thọ khoảng 100 năm và giá rao bán trên mạng hiện nay khoảng 1.000 USD/con.
Đáng báo động hơn, nhà báo của BBC cho biết trên các “con tàu mẹ” neo đậu gần rạn san hô có hàng trăm vỏ trai được xếp chồng lên nhau cao ngất. Đây là các con tàu lớn neo chờ những kẻ săn trộm chở trai từ thuyền nhỏ sang. Trên đuôi mỗi bên của một con tàu có chữ tiếng Trung Quốc đánh vần thành Đàm Môn.
Trước đó hồi tháng 5-2014, cảnh sát biển Philippines từng bắt giữ một con tàu từ cảng Đàm Môn, Hải Nam, Trung Quốc gần Bãi Trăng Khuyết của quần đảo Trường Sa. Trên tàu có khoảng 500 con rùa biển Hawksbill, hầu hết đều đã chết. Loài này đang nằm trong sách đỏ bảo vệ.
Giới khoa học bất bình
Tuy nhiên theo nhà báo Hayes, những gì ngư dân Trung Quốc đang làm đối với môi trường ở Thị Tứ vẫn chưa đáng buồn bằng việc xây dựng trái phép các đảo nhân tạo của chính quyền Bắc Kinh.
Việc xây dựng đảo nhân tạo mới nhất của Bắc Kinh trên khu vực đảo đá Vành Khăn của Việt Nam đã hoàn toàn phá hủy hơn 9km san hô bên dưới đảo đá này.
Nhiều nhà khoa học cho biết hoạt động cải tạo thực thể của Trung Quốc ở Trường Sa đang “phá hủy vĩnh viễn khu vực san hô này với tốc độ nhanh nhất trong lịch sử loài người”.
Mới đây, nhà sinh học biển John McManus của ĐH Miami tại Florida nói với tờSciDev.Net: “Thứ tồi tệ nhất mà con người có thể làm đối với một rạn san hô là chôn nó bên dưới hàng tấn sỏi đá”.
Ông McManus cho biết hành động xây dựng đảo nhân tạo của Trung Quốc dạo gần đây đã phá hủy hoàn toàn 13 triệu m2 tại một trong số những rạn san hô phong phú nhất trên thế giới.
“Việc nạo vét sỏi và cát để làm vật liệu xây dựng các đảo đã nhiều lần hủy hoại khu vực đó. Việc nạo vét đã giết hàng trăm triệu loài sinh vật tại các dãy đá ngầm và san hô” - ông McManus nhấn mạnh.
Trong khi đó, giáo sư danh dự của Trường ĐH Viện Khoa học hải dương Philippines Edgardo Gomez ước tính các hoạt động cải tạo của Trung Quốc và những tổn thất về môi trường do các hoạt động này đã gây ra, tương ứng với mức thiệt hại kinh tế hằng năm là 109 triệu USD đối với những quốc gia tại Biển Đông.
Ngư dân - người gắn liền kế sinh nhai với biển cả - là người chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ những tổn thất này.
Indonesia tăng quân bảo vệ đảo
Chính quyền Jakarta đang có kế hoạch tăng cường năng lực phòng thủ trên các lãnh thổ của nước này ở Biển Đông, cụ thể là quần đảo Natuna nằm trong vùng chồng lấn đặc quyền kinh tế với “đường lưỡi bò” của Trung Quốc.
Báo Japan Times ngày 16-12 dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Ryamizard Ryacudu khẳng định: “Quần đảo Natuna là lãnh thổ ngoài khơi của chúng tôi. Đó là điều tự nhiên và hợp lý khi một quốc gia bảo vệ các đảo ngoài khơi của mình.
Chúng tôi phải tăng cường năng lực quân sự để chống lại bất kỳ mối đe dọa nào, đơn cử như đánh bắt cá trái phép hoặc đại loại là xâm nhập bất hợp pháp và nhiều mối đe dọa phi truyền thống khác nếu chúng tiến vào lãnh thổ của chúng tôi”.
Cũng theo người đứng đầu Bộ Quốc phòng Indonesia, Jakarta đang có kế hoạch triển khai thêm một phi đội máy bay chiến đấu và ba tàu hộ tống đến Natuna. Các căn cứ không quân và hải quân trên đảo cũng đồng thời được nâng cấp, mở rộng khả năng tiếp nhận thêm binh sĩ.
Hiện Indonesia đang triển khai khoảng 800 binh sĩ ở Natuna, tuy nhiên con số này sẽ tăng lên 2.000 binh lính vào năm tới.
DUY LINH
ANH THƯ (anhthu@tuoitre.com.vn

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: