Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 7 tháng 12, 2015

Cirlot, Juan Eduardo Tính biểu tượng của mê cung

Nguyễn Khoa Hiếu chuyển ngữ

Mê cung là một công trình kiến trúc, dường như vô hướng, của một mô hình phức tạp đến độ khi đã lọt vào trong thì không thể hoặc rất khó thoát ra. Hoặc nó có thể mang hình dạng của một khu vườn cùng kiểu mẫu. Những ghi chép cổ xưa từng đề cập đến năm mê cung vĩ đại: một của Ai-cập, được Pliny phát hiện tại hồ Moeris; hai mê cung ở Crete của Cnossus (hoặc Gnossus) và Gortyna; mê cung ở Hi-lạp trên hòn đảo của Lemnos; và Etruscan tại Clusium. Nhiều khả năng những ngôi đền nào đó ban đầu được xây cất theo cấu trúc mê cung với những luận thuyết. Những địa đồ, phác hoạ và biểu tượng của mê cung xuất hiện khá thường xuyên khắp một vùng rộng lớn, nhưng chủ yếu là ở Á và Âu-châu. Một số được cho là đã được tạo ra với mục đích quyến rũ ma quỉ vào trong để chúng không bao giờ thoát ra được nữa. Vì thế, người ta cho rằng vào thời Nguyên-thuỷ, mê cung có nét mê hoặc nào đó có thể so sánh với vực thẳm, xoáy nước và các hiện tượng khác.[8] Tuy nhiên, Waldemar Fenn đưa ra giả thuyết rằng một số mê cung dạng tròn hoặc ellipse trong những khắc bản thời tiền sử — những khắc bản ở Peña de Mogor chẳng hạn — nên được diễn giải là những biểu đồ của thiên đàng, do vậy, như hình tượng những chuyển động khả kiến của các thiên thể. Ý niệm này không hề đối nghịch với ý niệm trước đó, nó độc lập, và tuỳ thời điểm, mang tính bổ sung, vì mê lộ trần gian, như một cấu trúc hoặc mô hình, có khả năng tái tạo lại thiên đàng, bởi cả hai đều cùng ám chỉ một ý tưởng cơ bản — sự thất lạc của linh hồn trong tiến trình sáng tạo — đó là sự ‘sa ngã’ trong cảm thức tân-Plato — và hậu quả là nó phải tìm đường thông qua ‘Trung tâm’, về lại linh hồn. Có một bức minh hoạ trong De Groene Leeuw, của Goosse van Wreeswyk (Amsterdam, 1672), vẽ cảnh điện thờ bằng lapis của các nhà luyện đan, vây quanh bởi quĩ đạo của các hành tinh, như những bức tường, từ đó gợi mở một mê cung vũ trụ.[32] Biểu tượng của mê cung được sử dụng sâu rộng bởi những kiến trúc sư thời Trung-cổ. Hành động lần theo dấu vết thông qua lối đi phức tạp như mê cung của một mẫu khảm hoa văn trên mặt đất từng được coi là sự thay thế mang tính tượng trưng cho một chuyến hành hương về Thánh Địa.[28] Một số mê cung có hình dạng như thập giá, được biết đến ở Ý như là ‘nút thắt Solomon’, được đề cao trong nghệ thuật trang trí của người Celt, người Đức và người La-mã, là sự tổng hợp tính biểu tượng kép của thập giá và mê cung; vì những lí do này, chúng được biết như ‘biểu tượng của mật tính thiêng liêng’. Không khó để nhận ra ở trung tâm mô hình là biểu hiệu chữ-vạn (swastika), bổ sung cho tính biểu tượng cơ bản sự gợi mở về chuyển động quay vòng, phát sinh và hợp nhất.[4] Với Diel, mê cung biểu thị cho vô thức, cũng là sự sai lệch và cách xa nguồn sống.[15] Eliade ghi chú rằng sứ mệnh cốt yếu của mê cung là bảo vệ ‘Trung tâm’ — trên thực tế đó là sự khởi đầu vào thiêng tính, bất diệt tính và thực tại tuyệt đối, và do vậy tương đương với ‘những t ử thách’ khác, như cuộc chiến với rồng chẳng hạn. Đồng thời, mê cung cũng có thể được hiểu như một chặng thực tập cho kẻ tập sự nào muốn học cách nhận biết con đường đích đáng dẫn đến Lãnh địa của Những-người-đã-khuất.[17]

Mê cung – đồng hồ ngụ ý sự cận kề của thời gian và không gian.
(Theo một khắc bản cổ)

Nguyên chú của tác giả:
[4] BAYLEY, HAROLD. The Lost Language of Symbolism. London, 1912 (repr. 1951).
[8] B. G. P. Diccionario universal de la mitología. Barcelona, 1835.
[15] DIEL, Pail. Le Symbolisme dans la mythologie grecque. Paris, 1952.
[17] ELIADE, Mircea. Tratado de historia de las religiones. Madrid, 1954.
[28] GUÉNON, René. Le Roi du monde. Paris, 1950.
[32] JUNG, C. G. Psychology and Alchemy (Collected Works, 12). London, 1953.

----------
Nguồn:
Cirlot, J. E. “Labyrinth.” A Dictionary of Symbols. Trans. Jack Sage. 2nd edition. London: Routledge, 1971.



Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: