Có mấy vị đang leo lẻo trên đài “tàng hình”.Chuyên mục là “Nghĩ mở rộng và nói toang hoác”. Nhưng xem ra chủ đề vẫn mãi mãi là chủ đề. Người nói chả dám mở rộng biên độ toang hoác được bao nhiêu. Vẫn lanh quanh chuyện nọ xọ chuyện kia. Đổ lỗi cho nền kinh tế ốm nhách, nhà văn cũng như tất thảy mọi người tất tưởi lo cái ăn cái mặc. Cái sự “tiểu nhược” phổ tổng quát cho mọi chuyện trên trời, dưới đất..
Rồi thì thiếu sự nghiêm
túc, cố gắng, chuyên tâm trong sáng tác. Người ta dẫn ra các tấm gương, từ cụ K
trong nước, ông Lép bên Nga “ngố” bản thảo hàng ngàn trang mà viết đi viết lại
cả trăm lần.( Có phải cứ viết lắm là hay cả đâu? Mà các ông này nào có được
giải Nô Ben bao giờ, ví mới chả von!).
Mấy ông mấy bà thày đời dẫn cả chuyện Vũ Trọng Phụng phải nằm sấp
trên cái khăn bông để viết, không ngồi thẳng lên được vì chứng ho lao, thổ
huyết..”Người viết bây giờ còn viết theo cảm tính, chưa đủ nội hàm, chưa có một
cái phông văn hóa. Bản thảo mới chỉ mang tính khái niệm sơ lược chưa có tính nọ,
tính kia.. “So với văn chương thế giới còn một trời một vực”. Cái nhà chị Đ chả
giấu diếm nói huỵch toẹt luôn rằng thì “có một thằng tây sang ta học tiếng
Việt. Nó bảo tầm của văn chương Việt còn ở mức thấp”.. Các vị ấy đi đến kết
luận: Có nhiều nguyên nhân, nhưng có một nguyên nhân quan trọng: “Cơm áo không
đùa với khách thơ”! Khốn nạn, điều này ai chẳng biết? Người ta nói câu này từ
thời cụ Tản Đà còn tất tả ngược xuôi vừa viết vừa kiếm sống rồi. Có phải đến
bây giờ mới ngộ ra đâu?
Nhưng phải nói thật là thời ấy nhiều cuốn sách còn đáng đọc.
Những người như cụ K, Ông NB , TV là những tay chơi thực thụ, văn hóa
đầy mình. Nói và viết được đến mấy thứ tiếng, họ chịu học và chịu đọc vô cùng.
Không như thói lười và ngại đọc của nhau như bây giờ. Thật là buồn cười khi có
ban giám khảo văn chương lại không đọc hết tác phẩm dự giải mà chỉ chấm theo
cái tên? Quan trọng hơn các cụ còn biết thế giới hồi ấy có bao nhiêu trào lưu
tư tưởng? Có những triết lý, những triết gia, nhà tư tưởng nào? Hê Ghen, Sartre
là ai? Kan
hay KapKa, Ca Muy thực ra là người như thế nào? Có đúng đấy là mấy tay phản
động không?
Đã là nói thẳng nói thật, sao không nói mẹ nó ra là thiếu và yếu
một nền tảng tự do tư tưởng?
Nước mình mấy ngàn năm văn hiến thì cũng có mấy ngàn năm lệ
thuộc. Ngay từ trong trứng mầm mống tư tưởng, tự do tư tưởng đã bị ngoại bang
triệt nọc đi rồi. Đến khi làm chủ mình vẫn còn thói quen trông cậy vào người
khác. Ngay cả đến sách vở, chữ viết nguồn cội cũng chả giữ được. Phải nói thật
rằng người mình chả có tư tưởng mẹ gì! Toàn là vay mượn tư tưởng triết lý của
người khác mang về làm cẩm nang của mình. Hết nho giáo, đạo giáo lại đến các
thứ không tưởng viển vông. Người Việt cơ bản là nghĩ theo cảm tính, theo kinh
nghiệm của nền văn minh trồng trọt. Lành hiền, cả tin và có phần nhút nhát.
Bảo nước nhỏ không có tư tưởng lớn, không có nền văn hóa lớn là
rất chủ quan và sai lầm. Bằng chứng là chúa Giê Su và cụ Kac Mac từng là người
Do Thái, con dân của một dân tộc không lấy gì làm lớn nhưng đã làm thế giới
nghiêng ngửa hàng bao nhiêu năm? Nhưng đấy là một dân tộc thông minh, ý chí tự
do hơn hẳn các dân tộc khác. Một quốc gia từng bị chà đi xát lại tan nát, tứ
tán tám phương, bốn hướng nhưng có tư tưởng người ta vẫn cứ phục quốc, có được
quốc gia riêng cho mình!
Có tư tưởng hay không cái quyết định lại ở tâm hồn, tính cách và
số phận dân tộc. Không yêu quý, đề cao, kính trọng biết lựa chọn thì làm sao có
được tư tưởng, nhất lại là tư tưởng tiến bộ khoa học, trách nào chả vướng bận
cơn mê hoảng, lú lẫn?
Đã từng có những vị như Trần Đức Thảo nhà triết gia của nước
Việt. Nhưng thử hỏi số phận ông ấy ra sao? Mấy người biết đến? Ảnh hưởng đến
tinh thần dân tộc được đến đâu? Rồi còn bao vị khác, hoàn cảnh cũng không sáng
sủa may mắn gì.
Không hẳn là người Việt
không có tư tưởng. Do nhận thức, do thói quen, do hoàn cảnh đã đành. Tự mình
làm tổn thương đến mình, đó là lỗi không thể bỏ qua, xuê xoa được. Đã ít, lại
không được tôn vinh, thậm chí làm khó vì sự đố kị, hoài nghi.. Đó là thiệt thòi
lớn cho nhiều thế hệ.
Nguyên nhân quan trọng nhất chính là ở chỗ này. Không những kính
tế, chính trị chậm tiến bộ, thậm chí thụt lùi, mà văn chương chưa thể mở mày mở
mặt ra ngoài thế giới.
**
Đừng nghĩ có ăn có mặc đầy đủ mà viết văn hay. Từng có khối ông
bà thủa hàn vi, thất nghiệp, đói cơm rách áo tác phẩm viết ra ngời ngợi, được
công chúng ghi nhận. Nhưng lúc được cất nhắc lên làm quan văn nghệ rồi, nghề
viết cũng tịt luôn. Suốt ngày bận bịu hội họp tiệc tùng. Tung hứng đâm chóng
mày chóng mặt còn đâu thời gian để ngẫm nghĩ đau đáu tình người, tình đời phổ
vào trang viết, lấy đâu ra văn hay? Chưa nói đến thói quen tự kiểm duyệt, dáo
dác nhìn trước nhìn sau, phập phồng e ngại đủ thứ trên đời. Từ cái chau mày hay
nhăn mặt còn phải cân nhắc, huống chi giấy trắng mực đen vv và vv.
Nói đến tầm văn chương ở mức trung bình đã khó. Nói Nô Ben văn
học bây giờ thật viển vông!
Bao giờ chúng ta thành thực với nhau về tất cả mọi câu chuyện mới
cũ, để có thể có ý kiến xác thực. Vẫn còn “cái này, cái nọ” ý tứ không dám nói
thì đừng nên bàn.
Bao giờ nhà văn Việt đủ khí phách, đủ can đảm, đủ nội hàm tư
tưởng, đủ tầm vóc văn hóa, lúc đó “đỉnh cao” sẽ được nhìn thấy.
Việc trước mắt của mỗi người hãy bắt đầu sửa soạn lại, thay đổi
chính mình, Quyết liệt đến chừng nào để có được thành công ban đầu dù còn rất
xa với Nô Ben văn học.
Đã đành tài năng là ngọn lửa thần Poromete, không phải ai muốn
cũng có được. Không có tài mà làm văn chương thì đó là bi kịch.
Mình đồng ý với các vị ở điểm này.
Nhưng làm sao biết ai tài hay không tài? Tài năng đến từ đâu? Vẫn
là câu hỏi từ vô thức chưa có định nghĩa rõ ràng, chưa có câu trả lời.
Văn chương không có tư tưởng, không mang tính triết lý nhân sinh,
xa rời đời sống, mô phỏng giả mạo thì chỉ là cái bóng của xác chết, không có ý
niệm gì.
Sao các anh các chị không nói toạc ra?
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét