Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Sáu, 7 tháng 11, 2014

Từ anh nhà quê ra người thành phố


Ảnh: Hoàng Hà
Ảnh: Hoàng Hà
Những năm 1980, mình nhớ đọc báo Hà Nội mới, có tay phóng viên viết tường thuật “Đại hội đảng Hà Nội, sang sảng giọng xứ Nghệ” Nghe nói anh ấy bị treo bút khá lâu. Dẫu vậy, nhà báo dự đoán khá chính xác về tương lai của thủ đô ngàn năm văn hiến.

Nhớ lần đầu ra Hà Nội là do chú Nhuận, lấy bà dì, em mẹ, cho đi Hải Hưng chơi mấy tháng hè hồi học xong lớp 8. Chú bảo, cho thằng cu này đi, biết đâu nên người, vì nó nhanh nhẹn, nhoằng phát đốt xong đống rơm, suýt cháy nhà.
Lóc cóc đi bộ 12 km từ Trường Yên xuống thị xã Ninh Bình, hai chú cháu bị gậy, lên hỏa xa từ ga núi Cánh Diều. Lần đầu được lên toa có ghế gỗ ngồi, cửa sổ mở toang, chạy qua Nam Định, lên Phủ Lý, qua cánh đồng lúa xanh rờn, gió thổi vào mặt mát rợi, lão Cua thấy đời như tiên.
Lúc đi đái trên tầu mới lạ, có cái lỗ thủng ở lavabo, mình cứ thế tương vào, tầu chạy nhanh để lại một vệt dài trên đường ray. Hóa ra người thành phố cũng lạc hậu nhể, nghĩ bụng vậy thôi chứ không dám nói ra.
Tầu vào ga Phú Xuyên, cách Hà Nội khoảng 30km, chú Nhuận thông báo, sắp đến Hàng Cỏ rồi. Thấy bên đường thỉnh thoảng có nhà có bóng đèn điện tròn sáng trưng, đẹp mê ly. Càng đi càng thấy sáng hơn. Tới cổng Bách Khoa thấy cả đèn đường, nhà cao tầng có đèn neon xanh mát mắt, ngắm mãi không chán.
Trên phố nhiều xe đạp, các cô gái phi dê đi õng ẹo, ngoáy mông rất điệu. Rồi tầu điện kính cong. Tầu dừng ở ga Hàng Cỏ, chú Nhuận cho cháu xuống, mua cái bánh rán ăn rất giòn và thơm, mấy cái vẫn thòm thèm. Kẹo gì gói trong giấy hồng hồng, ăn ngọt lừ.
Lần đầu, Hà Nội hiện lên trong mắt anh chàng nhà quê 15 tuổi như một giấc mơ. Nhưng lần ấy, y chỉ đi qua Hà Nội mà không biết phố phường ra sao.
Chả hiểu trời phù hộ thế nào, hai năm sau (1970), anh Cua thi vớ vẩn, chắc do ca ngợi đảng, Bác tuyệt vời, thuộc nhiều thơ Tố Hữu, nên trúng đi nước ngoài.
Ba lô, khăn gói, đi theo ô tô của ty giáo dục đưa tận ra ký túc xá của Đại học Kinh Tài, ngay cạnh đại học Bách Khoa. Dù ban ngày phải học nghị quyết, các chính sách của đảng và nhà nước, suốt cả tháng liền, nhưng buổi tối và chủ Nhật thì đám nhà quê lang thang trên phố.
Bọn này toàn từ Nghệ An, Thanh Hóa, Ninh Bình, Nam Định… lần đầu mới đến Hà Nội nên thấy cái gì cũng lạ, từ hàng hóa, vải vóc, đến cái cột đèn, hay xích lô ba bánh.
Chuyện đi bộ từ Bách Khoa lên Bờ Hồ là thường. Vé tầu điện có 5 xu, nhưng nhất định cuốc bộ. Dọc theo phố Huế, cứ đi mãi, đi mãi, thế nào cũng thấy cái hồ bẩn bẩn, tháp chùa trông bé tý, thế mà trong tranh, ảnh, họ vẽ đẹp thế.
Hồi đó cánh đi Ba Lan phải đợi chuyến tầu vét cuối cùng, mãi cuối tháng 8 mới đi, cứ nghĩ sẽ phải ở lại trong nước. Nhưng cũng vì thế mà biết nhiều thêm về Hà Nội.
Thời gian sau, lũ nhà quê chúng tôi biết cách đi tầu điện, nhảy tầu, trốn vé. Lên tầu điện chỉ thích ngồi nghe hát xẩm, rao hàng rong. Mấy lão mù dở (đeo kính râm, giả vờ mù), đội mũ lá, khoác cái bị, rao ông ổng “Thuốc hôi nách đây…” “Hắc lào chỗ kín cũng hết, sạch bóng như da tiên nữ”
Ngắm mải mê mấy tay chơi Hà Nội, mặc quần ống côn (bó sát chân và đùi), trễ rốn, phì phèo thuốc lá, miệng ngậm cái vé tầu điện, tay bám vào thành xe,  từ từ thả người xuống đường, trông như xiếc. Bọn trẻ cũng học theo, có đứa không biết chạy theo cho hết gia tốc, bị gãy chân, không đi nước ngoài được.
Anh Lâm (anh trai trưởng nhà này) từ quê ra thăm em Cua, chiêu đãi mệt nghỉ món miến gà. Nước trong veo, mấy lá hành, vài miếng thịt lèo tèo, nhưng với tay nhà quê chết đói, thì cao lương mỹ vị ở khách sạn 5 sao bây giờ không thể ngon bằng. Hai anh em làm chục bát liền mà vẫn chưa no.
Lý toét ra thành phố. Ảnh: minh họa.
Lý toét ra thành phố. Ảnh: minh họa.
Buổi tối bảo vệ không cho người nhà vào khu ký túc xá, hai anh em rủ nhau ra công viên Thống Nhất ngủ trên ghế đá, gió mát rợi, chẳng sợ trộm cắp vì tiền giắt trong quần đùi, giầy dép không có, có mỗi bộ quần áo ôm vào người thì ăn cắp thất nghiệp.
Ra thành phố thời đó rất sợ nhà vệ sinh vì tất cả phải dùng công cộng. Thôi thì nhầy nhụa, giấy má, phân vãi khắp nơi. Vào trong nhà vệ sinh của ĐH BK phải bịt mũi. Giấy thì đốt đen tường. Mình cứ nghĩ, thành phố gì mà bẩn hơn nhà quê.
Thế rồi đám nhà quê ấy đi tây tới 6-7 năm trời. Khi về Hà Nội vẫn còn ga Hàng Cỏ. Đèn đóm nhiều hơn. Xe bình bịch đủ loại, từ Voskhot đến Java, Simson, rồi Honda “nhặt” ở Sài Gòn sau 1975.
Mới ra công tác làm gì có nhà, may có bạn Nguyễn Hoàn Vũ, nhà số 6 Đinh Công Tráng cho ở nhờ. Có tới 3 thằng (Tâm, Liên, Cua) ở đó, thế mà bố bạn Vũ vẫn vui. Chị Hiền, con gái trưởng, nấu cơm cho ăn. Mấy thằng chỉ đóng 3kg tháng, đang tuổi thanh niên, nồi cơm cứ hết bay. Chắc hồi đó chị Hiền cũng vất vả nuôi báo cô lũ ăn hại này thời gạo châu củi quế. Bác trai có bìa C nên thỉnh thoảng có đậu phụ rán, thịt kho, thế là sang lắm rồi.
Nhà bạn Vũ có cô Chương rất tốt tính. Cụ hay cho đồ ăn cho bọn trẻ đang tuổi ăn tuổi ngủ, biết bọn này đói vàng mắt, cụ rất thương. Nhưng các cụ chỉ chứa đám nhà quê được 6 tháng. Cuối cùng được cơ quan phân cho cái phòng nhà tranh vách đất trên Đồi Thông, làng Liễu Giai, 4 thằng bốn góc bốn cái giường cá nhân.
Trong nhóm có anh Tam là Phó Tiến sỹ đi Tiệp về. Anh ý cưới chị Xuân ở quê, thỉnh thoảng dùng Babetta đèo vợ lên thành phố. Mang tiếng về Thủ đô nhưng ở trong cái nhà tranh nóng kinh người. Ngủ với vợ chỉ che cái riđô, cựa quậy trên cái giường cá nhân, cọt kẹt. Đến nỗi mà cả bọn phải nhắc “Anh đừng có nhịn thở, chết ngạt phải đi cấp cứu thì khổ”
Từ cái nhà lá ấy, mấy ông nhà quê được phân nửa căn phòng lắp ghép ở Thành Công, diện tích 6,5m2, lấy cái phòng ngoài 13m2 chia đôi bằng cót ép. Bọn độc thân được thế là tốt lắm, có chỗ chui ra chui vào.
Hồi đó vừa đói, vừa nghèo, quần áo đi tây mang về rách hết. Xe đạp xích đứt, lốp thủng, vá chằng vá đụp. Thế nhưng ông nào cũng tìm cách lấy vợ thủ đô để có hộ khẩu cho chắc.
Mình đi tìm hiểu các em ở Hà Nội toàn bị chê, trông anh Cua nhà quê thế không biết. Thì rõ là nhà quê, thành phố với ai. Có thương thì thương. Không thương được, học hành cũng được đấy, nhưng quần rách đũng, xe đạp cà tàng, nhà cửa không có, xin lỗi, nhà này duyệt cả lý lịch bên nhà trai nữa.
Anh Xuân Huy đưa mình đi tán một em, con gái bác cảnh sát hay công an gì to lắm ở Hà Nội. Anh ý bảo, cậu có hộ khẩu rồi, nhưng vợ nhà quê thì không thể có hộ khẩu, nhất định phải cưới vợ Hà Nội. Đừng như tớ bây giờ khốn khổ, vợ Hòa Bình, chồng Hà Nội, mỗi tuần gặp nhau một lần. Cậu tán được cô này, tớ sẽ nhờ lão bố vợ tương lai chạy hộ khẩu cho vợ tớ.
Đại loại dân nhà quê tìm cách ở lại Hà Nội bằng đủ kiểu. Cuối cùng đám bạn tứ xứ cũng có nhà cửa, có khi rất giầu, hơn cả người Hà Nội gốc.
Bây giờ cứ đứng đầu đường chỗ lăng Bác, thử phỏng vấn mà xem, kể cả người trong lăng, cứ 10 người, may ra có 1 người Hà Nội gốc. Nhưng Hà Nội gốc chẳng qua cũng là nhà quê ra tỉnh, ở lâu hơn thành người thủ đô. Giống như đồ cổ, dùng lâu thành quí.
Hà nội bây giờ. Ảnh: Internet
Hà nội bây giờ. Ảnh: Internet
Nghe nói Hà Nội đang kỷ niệm 60 năm giải phóng Thủ đô. Mình cảm thấy phải viết về Hà Nội, vì coi như quê thứ 2 của mình. Nhưng thú thật, hỏi anh Cua gốc gác ở đâu, chắc không có câu trả lời.
Bảo y là người thành phố? Thành phố gì cái ngữ đó, nhà quê một cục, đi đứng lút cút, lao đầu về phía trước, ăn uống nhồm nhoàm, nhai tóp tép, uống nước ừng ực. Thích ngồi cho cả bốn chân lên ghế. Có cái xấu nào của anh nhà quê thì anh Cua mang hết vào người.
Bảo y là nhà quê? Đúng và sai. Đi tìm hiểu các cô Hà Nội, toàn bị các bà mẹ chê “Trông thằng này nhà quê thế mà con cũng đưa về nhà mình”. Nhưng về Ninh Bình các cụ lại nói, nhà quê gì mà toàn quần là áo lượt, đầu chải mướt, thỉnh thoảng đi xe bốn bánh về làng, văng cả tiếng tây. Quê gì loại đó, có mà quê mất gốc.
Sang Mỹ đố ai dám bảo anh ta là Mỹ lai…Việt. Tóc đen, mũi tẹt, đi phố toàn nhìn ngang ngửa xem có đồ hạ giá, không có nhà vệ sinh là tìm cách đái bậy. Tây với chả tầu.
Dưng mà về Việt Nam tự nhận không phải Việt kiều càng sai. Người Việt không ai nói chèn tiếng tây, cảm ơn, xin lỗi rối rít dù chẳng có gì phải cảm ơn. Trông thấy mặt, chẳng hiểu tây hay ta, nhưng trông anh Cua là lạ.
Gần đây, anh Cua lại nhận là người Hà thành hẳn hoi. Gốc Ninh Bình, nhưng ở Hà Nội, lấy vợ Hà Nội, dù thỉnh thoảng nàng “lói ngọng”, đẻ con ở Hà Nội, có nhà Hà Nội, có hộ khẩu Hà Nội, suýt nữa được làm tổ trưởng dân phố ở Phường Trích Sài, không phải người Hà Nôi thì người xứ nào.
Anh Cua là loại tây không ra tây, ta không ra ta, nhà quê không phải, thành phố càng không. Bạn bè toàn là ở trọ, rồi không chịu về quê, tìm cách lê la thành phố.
Người Hà Nội bây giờ có nhiều kiểu như thế, bảo sao thủ đô trông nhếch nhác. Nhà quê mới tặng John McCain cái ảnh ông bị trói ở hồ Trúc Bạch, người thủ đô thanh lịch ai lại làm thế, thủng từ nóc mất rồi. Bạn tự hỏi mình mà xem, ai có lỗi trong chuyện này. Đổ thừa cho anh Nguyễn Thế Thảo hay bác Phạm Quang Nghị là không công bằng.
HM. Kỷ niệm 10-10-2014
PS. Bài viết lúc cho cu Luck đi học bóng đá, chưa biên tập kỹ, mong các cụ thành phố có gốc quê thông cảm.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: