Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Tư, 5 tháng 11, 2014

Những truyện ngắn giúp ta bớt thờ ơ

Trong bóng tối


 Nhà sách Nhã Nam vừa cho ra mắt Bước qua lời nguyền và những truyện khác. Chúc mừng nhà văn Tạ Duy Anh. Bước qua lời nguyền không phải là truyện ngắn hay nhất trong tập này, nhiều truyện ngắn trong tập còn hay hơn. Sở dĩ nó được lấy tên cho tập sách vì đó là truyện ngắn làm nên tên tuổi của Tạ Duy Anh. Chỉ một truyện ngắn này thôi anh đã làm ngợp bạn đọc cả nước thập kỉ 90 thế kỉ trước, đưa anh lên vị trí hàng đầu các cây bút văn xuôi sau 1975.

Xin  giới thiệu một truyện ngắn của Tạ Duy Anh rút từ tập sách này. @NQL


Trong bóng tối
Rút trong tập Bước qua lời nguyền và những truyện khác


Lời tác giả: Sau chẵn 35 năm cầm bút, đã có khoảng 20 đầu sách các thể loại, tôi vẫn luôn sống với ý nghĩ dai dẳng mình còn mắc nợ bạn đọc-những người đã cho tôi động lực sáng tạo và niềm tin lớn lao rằng sự công bằng trên thế gian này, dù rất hiếm, nhưng luôn có thật.
Tôi đã bắt chước thái độ kính cẩn của mẹ tôi lúc bà ngồi lựa từng hạt gạo làm bánh biếu khi chọn in tập sách nhỏ này. Hy vọng nó đáng giá như một chút quà tặng đáp lễ của tôi cho tất cả những ai còn thích thú với việc đọc sách.

         Khu nhà ấy vốn là nhà nuôi trẻ. Một thời nó được coi là "thiên đường nhỏ" của các tiểu thiên thần. Bốn bề đều có hoa, lá vây bọc. Giữa mảnh sân phơi vuông vức có cây bàng già từng bị sét đánh cụt ngọn, nhưng không chết. Cây bàng do lão Nhì trồng, để kỷ niệm đứa con chết trẻ. Nhà lão Nhì vô phúc nên vào năm bốn mươi tuổi lão mắc bệnh lao rồi chết nốt, hoàn toàn tuyệt tự. Người ta bảo cả nhà lão Nhì tụ về cây bàng, mỗi người bám một cành. Từ đó cây bàng thành thiêng. Nhiều người kể đã chính mắt nhìn thấy bố con lão Nhì ngồi gặm xương rau ráu. Thấy người qua lại vào ban đêm, bốn, năm cái lưỡi đỏ lòm cùng thè ra, rất sợ. Ngày bà nội tôi còn sống, có lần chính bà bị ma ném đất rào rào. Bà vạch quần đái tứ tung chúng vẫn không sợ. Vốn đáo để, bà ngửa áo hứng một ít cát đem về cho vào chảo nóng già. Thế là bố con lão Nhì đều lạy như bổ củi trước cửa, xin được tha mạng, bà mới thôi.

Những chuyện rùng rợn về ngôi nhà nhiều vô kể đến nỗi người ta đành bỏ hoang. Ma đói, ma thất tình, ma oan nghiệt... ùn ùn kéo về. Có những nhân chứng sống để khẳng định điều đó. Một lần thằng Ba - con trai lão Kẹ đang đêm dậy đi đái chợt xô cửa lao vào nhà, mặt xanh như mật cá mè, miệng ú ớ không thành lời. Nó lên cơn co giật, chân tay khua khoắng loạn xạ. Chờ con hồi tâm, lão Kẹ mới đem lời ngọt nhạt hỏi nguyên cớ. Thằng bé im lặng chỉ về phía ngôi nhà.

Anh nó là thằng Hai, vốn thừa hưởng bản lĩnh của bố coi ma quỷ chỉ là trò bịp bợm, quyết làm một cuộc khám phá. Chọn đêm tối trời, thằng Hai bí mật bò vào ngôi nhà. Thằng Hai nằm áp sát xuống đất nghe ngóng. Trong màn đêm đen đặc, nó nghe tiếng giường tre kêu kẽo kẹt. Thằng Hai sợ muốn vỡ mật, đái cả ra quần và khi thoát nạn trở ra, nó thành câm như hến.

Lão Kẹ phát hiện ra dấu hiệu bất thường ở con, kiên trì gặng hỏi nhưng cũng như em nó, thằng Hai ú ớ chỉ về phía ngôi nhà.

Lão Kẹ căm tức lắm. Tất nhiên lão căm tức ngôi nhà, căm tức sự phi lý của người đời, trong đó có hai đứa con lão vô tình thêu dệt lên. Lão đích thân đi khám phá bí mật. Vốn thận trọng, lão dắt theo con dao. Cũng chọn đêm tối trời, lão lẻn dậy lúc đầu canh và bò vào ngôi nhà.

Chả có ma quỷ gì ráo - Sự yên lặng khiến lão Kẹ nghĩ một cách khinh bỉ. Chợt lão thấy có con vật gì đó áp sát vào sườn lão. Lão chỉ cảm giác được qua làn áo mỏng một hơi thở lạnh toát, phát ra tiếng khụt khịt. Lão nằm bất động như chết. Con vật nhũn nhùn nhùn kia đang liếm vào cổ lão. Trong cơn hoảng hốt đến cực độ, lão chồm bật dậy, hét lên một tiếng, con dao lia về bốn phía, chạm phải vật gì đó rắn như đá khiến chính lão đổ vật xuống.
Lão Kẹ bò về đến nhà thì trời gần sáng. Lão cố nhớ xem điều gì đã xảy ra nhưng đầu óc hoàn toàn ù đặc. Lão giơ con dao ra trước ánh đèn chỉ thấy một vệt nước xanh lè: Máu ma! - Lão buột thốt ra rồi lại phủ nhận ngay: có thể là nhựa cây bám vào khi lão lê lết qua vườn rau về nhà. Lão quyết định giữ bí mật cho đến khi lão có thể công bố ma quỷ chỉ là chuyện cứt đái.
Lão Kẹ chuẩn bị ráo riết cho cuộc thám hiểm lần thứ hai. Lần này, trời không tối như lần trước. Vừa bước vào cửa, lão Kẹ sợ toát mồ hôi. Lão đứng chết lặng không nhúc nhích, đũng quần ướt dầm dề. Lão tận mắt nhìn thấy một con vật không đầu, không đuôi uốn éo ở góc sâu nhất ngôi nhà. Mắt lão có thể nhầm nhưng tiếng thở khụt khịt từ bốn phía thì tai lão nghe rõ. Đặc biệt thứ mùi gây gây không lẫn vào đâu được. Nỗi khiếp đảm đến cực độ khiến lão Kẹ rú lên một tiếng kinh hồn. Tiếng hú của lão vang vào đêm tĩnh lặng, hệt tiếng rú của kẻ bị cắt cổ hoặc nhìn thấy cái chết trước mặt.
Dân làng đổ đến, đèn đuốc sáng rực. Người ta thấy lão Kẹ mắt tròn xoe, miệng há hốc, toàn thân lẩy bẩy. Lão ú ớ chỉ vào ngôi nhà.
- Quái vật! Quái vật!
Tiếng trẻ con hét lên tìm bố mẹ. Mặc dù đây đó có ánh mắt ngờ vực nhưng không một ai dám tiến quá chỗ lão Kẹ đứng. Lão Kẹ cam đoan đã nhìn thấy con vật gớm ghiếc ấy. Một người từng ở chung với ma quỷ (hồi lão làm ở nhà xác) như lão Kẹ, mà vãi đái ra quần thì không thể đùa được.
Ngay lập tức những trí tuệ lớn nhất của làng tụ nhau lại, kể cả những người vốn thù nhau hàng chục năm nay cũng biết gạt đi hiềm riêng vì việc lớn. Đầu tiên là ông giáo làng. Ông dạy trẻ theo lối đặt chữ lên đầu thước rồi nhồi vào đầu chúng. Ông lại còn biết viết cả phê bình - chủ yếu theo đơn đặt hàng - thường vẫn coi lũ văn sĩ quốc gia như đám vô đạo đức nhất. Sau khi nghiền ngẫm về bản chất của vũ trụ, ông đoan quyết rằng: ngoài con người ra, không một sinh vật nào có khả năng làm quái vật. Ông hình dung ra toàn bộ sự việc rất chóng vánh bằng lối suy luận hết sức biện chứng. Theo ông, chắc chắn một phụ nữ hoang thai nào đó đã chọn góc tối tăm kia làm ổ đẻ. Nhưng ngay cả phép lôgic chặt chẽ nhất cũng không cho ông đủ sức để vào tận nơi. Vì thế ông cất giọng rất mực thước:
- Chị bế cháu ra đi, cả làng sẽ ăn mừng mẹ con chị. Sinh nở là một việc vĩ đại. Chị không có tội gì hết bởi chị là khởi thủy của sự sống, là vẻ đẹp của tạo hóa, là niềm vui trọn vẹn của những kẻ đê tiện chúng tôi - Và bằng câu nói sau đây, ông hiện thân cho một vị thánh sống: Tôi sẽ là bố đứa trẻ, xin mạn phép ai đó là ông bố đích thực ở đây.
Đám đàn ông - vốn là những kẻ thường cho mình cái quyền được đểu cáng - ngầm đưa mắt thăm dò nhau. Cuối cùng thì cách thức của ông giáo lại làm mủi lòng mấy bà quá lứa và họ quay sang ông rất tha thiết. Có thể lần đầu tiên họ phát hiện ra ông và thầm mong sau đây được ông chiếu cố. Ông giáo nhận đủ các tín hiệu ấy và ông thấy ông dư thừa phẩm chất để biến cuộc sống thành tươi vui.
- Bổn phận của tôi thế là xong - Ông tuyên bố - trước sau chị ấy cũng sẽ phải ra thôi.
Ông trưởng xóm lại có một quan điểm khác. Theo ông chả ma nào chọn nơi ấy làm ổ đẻ. Với đầu óc còn lành mạnh, ông đoán chắc "quái vật" là một con ba ba. Cứ quăng cho nó mồi lửa là sáng mai cả làng có cái nhắm. Mẹ nó chứ, tiết ba ba cũng cường dương phải biết! Ý kiến của ông trưởng xóm ít được hưởng ứng bởi về mặt lý thuyết chưa được chặt chẽ lắm. Đám thanh niên nghiêng về phán đoán của ông giáo hơn bởi đúng là chỉ có con người mới đủ sức chịu đựng một nơi tối tăm nhường kia. Cuối cùng thì ông đại úy gây được tin tưởng hơn cả khi ông hùng dũng gạt phăng mọi người ra để tiến lên. Đến cửa, ông rút súng ngắn bắn đủ sáu phát chỉ thiên, khói lửa tóe ra mù mịt. Bầy dơi hoảng hồn bay vung tứ tán, cánh vỗ phần phật, miệng kêu chí chóe. Cả làng nằm rạp xuống nhưng vẫn sau ông đại úy, theo phản xạ nhuần nhuyễn bao giờ cũng nằm xuống sau khi bắn. Mặc dù tiếng nổ có vẻ làm tăng sức mạnh cho mọi người nhưng vấn đề quái vật chưa được giải quyết. Vẫn không ai dám liều thân lọt vào sào huyệt cuối cùng.
Tình hình có chiều hướng bế tắc thì chàng thương gia của làng bảnh bao bước đến. Chàng đi với vợ trong bộ quần áo ngủ gần trong suốt. Trước đám nhà quê, vợ chồng chàng có cái gì rất đê tiện và trâng tráo. Chàng kinh doanh tuốt tuột: từ lợn giống đến trẻ con. Chàng về quê là để chạy trốn thị thành tháng nóng. Chính chàng đã đưa về làng nền văn minh capốt và lý thuyết của kỹ nghệ làm trinh giả bằng bong bóng cá mè. Kể từ hôm ấy đám trẻ đâm ra tự tin hơn vào nhân phẩm của họ. Sau một tháng, tất tật cột điện bắc qua làng đều xiêu vẹo khiến ông trưởng xóm phải dùng phân tươi quét lên để người ta khỏi dựa. Có thể chàng cũng chưa biết cách tóm cổ quái vật, vì thế cả làng hồi hộp chờ chàng. Sau khi nghe đủ các ý kiến, chàng thương gia mỉm cười ghé vào tai vợ câu gì đó. Chàng nhìn lướt một lượt rồi cất tiếng:
- Một chỉ vàng thưởng cho ai dám cầm đèn pin vào chỗ "quái vật".
Vợ chàng giơ cao chiếc nhẫn.
Ông giáo giơ tay như một phản xạ bẩm sinh, còn nhanh hơn động tác nằm xuống của ông đại úy.
- Với ông giáo thì sẽ là hai chỉ, một chỉ cho sự liều mạng, một chỉvì giá trị hành động.
Nhưng nhanh hơn tất cả, gã đồ tể đã cầm đèn lao vụt vào, hú hét để trấn an đồng thời cười váng lên: 
- Mời bà con vào mà xem quái vật! Mời bà con vào. Trước hết để ưu tiên vợ chồng ông chủ.
Khi vợ chồng chàng thương gia bước lên, tay đồ tể hỏi khẽ:
- Vàng thật đấy chứ? Thiếu một phân thì đây chọc tiết liền - Gã huơ đèn nói to: - Vâng, để rước anh chị.
Dưới hàng chục ngọn đèn pin, quái vật là một đống vải mục, đa phần đồ dùng một lần của phụ nữ và các đôi tình nhân với lúc nhúc bầy chuột lớn nhỏ. Chúng đủ loại: từ đỏ đuôi cho đến mốc đầu. Chỉ thấy cả đống vải lùng nhùng với hàng trăm cái đuôi cùng ngoe ngoảy.
Đám đông nhanh chóng ai về nhà nấy, tiếng nôn ọe như chẫu chuộc kêu hè. Từ sáng sớm đã thấy tiếng xe máy của gã đồ tể rú ầm ĩ. Gã không đi bắt lợn như mọi khi. Gã lên tỉnh để thử vàng.

Tạ Duy Anh


 Nhận xét của nhà văn Lê Minh Khuê về tập sách:


Bước qua lời nguyền; Xưa kia chị đẹp nhất làng; Lũ vịt trời; Ngôi nhà của cha tôi v.v 

Tạ Duy Anh đi từ đó đến với những truyện ngắn gần đây, như già thêm, buồn thêm, hài hước thêm… là người phản biện cuộc sống tích cực, là người có ý thức tuyệt vời về tự do cá nhân.

Con người thoát nỗi sợ.

Những truyện ngắn giúp ta bớt thờ ơ”.
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: