Featured Image: Wikipedia Commons

Chắc chắn, những người đi tìm việc ở Việt Nam ai cũng thuộc nằm lòng câu nói: “Nhất quan hệ, nhì tiền tệ, chót bét là trí tuệ.” Nhưng tôi nghĩ, câu nói ấy không chỉ đúng với những người đi xin việc, những cử nhân vừa mới tốt nghiệp mà còn đúng với rất nhiều mặt khác trong xã hội Việt Nam chúng ta. Đặc biệt là ở “mặt trận” kinh tế, nơi mà mối quan hệ được xem như chiếc “chìa khóa vạn năng” có thể mở được nhiều kho báu trù phú và màu mỡ. Nhưng đôi lúc nó cũng chính là mồ chôn của những chủ nhân chiếc chìa khoá ấy. Qua những “con hổ” lớn vừa bị xẻo thịt và đưa lên lò nướng, chúng ta đã thấy rằng, những kẻ đi lên bằng “quan hệ” cuối cùng cũng sụp đổ vì chính nó, thậm chí còn bị nó bóp chết và giết thịt.
Sau một thời gian dài được nuôi dưỡng, chăm sóc và vỗ béo. Gần đây, nhiều Đại gia lớn đã lần lượt được đưa lên bàn mổ và xẻo thịt. Có thể nói, đây là cuộc thanh trừng ác liệt nhất trong lịch sử nền kinh thương của Việt Nam. Nó có thể gây ra sự đổ vỡ không gì có thể ngăn cản nỗi.
Ba tháng trước, thị trường chứng khoán đã được một phen chao đảo khi Đại gia Bầu Kiên bị kê đầu vào máy chém. Cách đây vài tuần, một ông lớn sở hữu hàng ngàn tỷ là Minh Châu Bắc Ninh cũng vừa bị làm thịt. Tuần trước, báo giới đã tốn khá nhiều giấy mực khi Đại gia Hà Văn Thắm bất ngờ bị “úp sọt”. Mới đây nhất là nguyên giám đốc sổ số miền Nam. Và trước đó là Dương Chí Dũng, Bình Vinashin…toàn những con Hổ đầu đàn của nền kinh tế.
Theo tin mới nhất tôi vừa được biết từ một tờ báo giáo dục là tỷ phú Phạm Nhật Vượng, ông chủ của Vincom, Royal City, Time City… cũng chuẩn bị được “nhận nhiệm vụ”. Đó là tiếng chuông cảnh báo cho người đàn ông giàu nhất Việt Nam hãy tắm rửa sẵn sàng để “lên bàn mổ”, đó là lý do gần đây Vingroup đang bán đỗ, bán tháo nhiều dự án trọng điểm.
Tiến sĩ Alan Phan đã từng nói, lý do các nhà thầu và doanh nghiệp Trung Quốc thường trúng “quả lớn” ở Việt Nam là vì họ có “vốn quan hệ” rất lớn, là những bậc thầy về “kỹ năng” luồn lách cửa sau. Trong một cơ chế XIN CHO ở xứ sở này thì những doanh nhân có “năng khiếu” như người Trung Quốc cũng sẽ luôn thắng lớn trên nhiều mặt trận. Điều khiến dân tình tò mò và khó hiểu là tại sao các vị “nô bộc” của dân lại để cho nhiều doanh nghiệp tư nhân mở chui sàn vàng cho kinh doanh 3-4 năm sau mới bắt? Vì sao để Hà Văn Thắm thâu tóm hàng loạt tài sản quốc gia từ kem Tràng Tiền, ngân hàng Bảo Việt, Ocean bank…rồi mới bắt? Vì sao Bình Vinashin đến thời “cuốn chiếu” rồi mà.. vẫn bơm thêm 750 triệu đô la vay của nước ngoài để “ném vào” mặc cho các chuyên gia và nhà cố vấn ra sức can ngăn?
Nguyên nhân là ngân khố quốc gia đang trong tình trạng thủng đáy. Phải đi vay về để ăn và đảo nợ. Khi nợ đã quá cao (gần 50% GDP) lâm vào bí bách đành quay lại “giết thịt” những con Hổ béo để lấy tiền nuôi bộ máy đang bần cùng, túng quẩn, nuôi đội ngũ công chức đang ngày một phềnh to. Chẳng có dân nào nuôi nỗi bộ máy cồng kềnh,  tham nhũng, lãng phí, ăn hại như vậy cả. Quản lý  90 triệu dân, tài sản GDP mỗi năm hơn 200 tỷ USD mà cần đến 2,8 triệu công chức, nhân viên. Trong khi đó, nước Mỹ với 310 triệu dân, GDP 17.500 tỷ USD, có mặt ở mọi điểm nóng trên toàn thế giới, chỉ cần 2,1 triệu người làm quản lý.
Túng quẩn, bí bách. Thịt, thịt và thịt, thịt từ cao xuống thấp, từ “con” to đến “con” nhỏ. Đầu tiên là các đại gia ngân hàng, tiếp theo là bất động sản, rồi đến tập đoàn nhà nước – những kẻ ăn hại và phá phách, sau cùng là những “con” gầy hơn, là sân sau của các đại gia và những ông quan lớn. Tất tần tật, những kẻ được “nuôi” bằng quan hệ giờ cũng sẽ bị thịt bằng “quan hệ”. Đó là sự trớ trêu và nghiệt ngã mà chẳng bên nào mong muốn. Chẳng ai ngờ rằng, khi “kết nối” được với “kho báu”, khi đã đào sâu vét đầy thì bất ngờ bị “sập hầm” và vùi chôn luôn dưới ấy. Những cái chết nhục nhã bị dân tình phỉ nhổ, nguyền rủa và xâu xé.
Chưa rõ hệ quả của cuộc thanh trừng này là gì. Nền kinh thương của đất nước có lật sang được trang mới hay không. Nhưng với một cuộc truy quét sâu rộng như vậy thì “lợi phẩm” thu về phải tính bằng con số chục tỷ đô. Một khoản đủ lớn để trám vào lỗ thủng sâu hoáy của cái đảy ngân sách. Và thị trường chứng khoán cũng khó tránh khỏi một phen nghiêng ngã và chao đảo.
Người Việt có câu: “Một người làm quan cả họ được nhờ.” Chính vì suy nghĩ ấy nên “văn hoá” quan hệ luôn được “lên ngôi” cao nhất. Bên cạnh mỗi ông quan luôn tấp nập nhiều thành phần ký sinh đang bám chặt như bầy đĩa đói. Điều chua xót nhất ở xứ sở chúng ta là những người tạo dựng tài sản thực sự cho quốc gia lại thường bị trù dập, hạch sách và hãm hại, thường thua thiệt trước những kẻ ăn không ngồi rồi, những kẻ dối láo, chụp giật, manh mún, thủ đoạn, bòn vét… Nhưng ở đời nhân quả là bất biến, có mấy ai dám khẳng định rằng, chơi với “voi” thì không bị voi dẫm chết?

Nguyễn Văn Thương

Nguyễn Văn Thương

Tác giả tích cực tại Triết Học Đường Phố
Bút tôi nhắc mình yêu lấy chữ
Sống cho phải đạo mới quang minh.