Đặt vấn đề:
Tìm về cội nguồn là nhu cầu tự thân của con người. Chính vì vậy nhiều thế hệ người Việt Nam đã cố gắng đi tìm nguồn gốc dân tộc trên nhiều góc độ như truyền thuyết, ngôn ngữ, sử sách, dân tộc học, khảo cổ… Tuy nhiên cho đến nay, chưa thấy những cố gắng tìm tòi dựa trên bằng chứng phân tử và di truyền học, cơ sở của ngành nhân chủng học phân tử. Đó là một khiếm khuyết lớn, vì theo nhà di truyền học Spencer Wells, từng lãnh đạo Dự án bản đồ gien của Hội địa lý quốc gia Mỹ, “cuốn lịch sử vĩ đại nhất từng được viết là cuốn ẩn giấu trong ADN của chúng ta”1. Bài viết này dùng các bằng chứng nhân chủng học phân tử trong hai mươi năm qua và phát hiện năm 2012 về nguồn gốc mới của lúa nước thuần hóa để đưa ra một giả thuyết mới về nguồn gốc người Việt. Theo đó người Việt là hậu duệ của những người đã tới Việt Nam từ 45.000 - 30.000 năm trước, và cùng với các cư dân Đông Nam Á khác, họ chính là nguồn gốc chủ yếu của cư dân Đông Á.
Các giả thuyết về nguồn gốc người Việt:
Về cơ bản có hai giả thuyết chính về nguồn gốc người Việt. Đó là thuyết bản địa và thuyết thiên di.
Đại diện cho thuyết bản địa là nhà khảo cổ học Hà Văn Tấn, khi từ 1960 đã cho rằng nguồn gốc người Việt là những người thuộc chủng Mã Lai cổ (mà ông gọi là Indonesien theo tiếng Pháp)2. Theo ông, họ là chủ nhân của các nền văn hóa đồ đá tại Việt Nam. Hà Văn Tấn cũng cho rằng, chủng Mã Lai cổ thuộc tiểu chủng Nam Á (Mongoloid phương Nam), xuất hiện do sự hòa huyết nhiều lần giữa đại chủng Á (Mongoloid) từ phương Bắc đi xuống với đại chủng phương Nam (Australoid). Quan điểm của ông ảnh hưởng rõ trên trang bách khoa thư mở Wikipedia tiếng Việt trên Internet. Theo đó thì lần hòa huyết thứ nhất giữa đại chủng phương Nam và đại chủng Á tạo nên chủng Mã Lai cổ, và lần hòa huyết thứ hai giữa chủng Mã Lai cổ với đại chủng Á tạo nên người Việt3.
Thuyết thiên di xem người Việt có nguồn gốc từ Tây Tạng hoặc Hoa Nam. Dựa trên bằng chứng ngôn ngữ, một số học giả Pháp cho rằng người Việt có nguồn gốc từ Tây Tạng. Như sẽ thấy ở các phần sau, giả thuyết này có tính trực giác cao và thực ra có cơ sở, nhưng không được thừa nhận do dấu ấn văn hóa Trung Á quá mờ nhạt so với dấu ấn văn hóa phương Bắc trong văn hóa Việt.
Giả thuyết nguồn gốc Bách Việt Hoa Nam được ủng hộ trên nhiều khía cạnh như truyền thuyết, thư tịch, khảo cổ… như truyền thuyết Hồng Bàng, các bộ sử thời Trần (Đại Việt sử lược), Lê (Đại Việt sử ký toàn thư), hay bộ lịch sử cổ đại Việt Nam của Đào Duy Anh, được in vào các năm 1957, 2005 và 2010. Gây chú ý gần đây là cuốn Nguồn gốc người Việt - người Mường của Tạ Đức, 2013, được tác giả tự đánh giá là “đưa ra những câu trả lời mới, đầy đủ và chi tiết hơn, nhưng về cơ bản đồng thuận với những câu trả lời đã có trong truyền thuyết Hồng Bàng và trong các công trình đã nêu”4. Theo Tạ Đức, người Mường, chủ nhân văn hóa đá mới Phùng Nguyên, có nguồn gốc từ người Mân Việt tại Phúc Kiến - Quảng Đông thiên di xuống khoảng 4.000 năm trước; còn người Việt là di dân gốc Lạc Việt từ Hồ Nam xuống Việt Nam thời đồng thau Đông Sơn 2.700 năm trước5. Và do đó người Việt và người Mường không có nguồn gốc chung, như từng được quan niệm6, cho dù tiếng Việt và tiếng Mường có thể chung một gốc. Theo Tạ Đức thì “khái niệm Việt - Mường chung chỉ là một khái niệm ngôn ngữ học và không thể chuyển sang một khái niệm dân tộc học”.
Cần nhấn mạnh rằng, giả thuyết thiên di từ Hoa Nam được xem là có nền tảng vững chắc trên khía cạnh nhân chủng và khảo cổ. Về mặt nhân chủng, quan niệm truyền thống xem đại chủng Á có nguồn gốc phương Bắc, và sự thiên di xuống phía Nam góp phần tạo nên tiểu chủng Nam Á, trong đó có người Việt. Về mặt khảo cổ, bằng chứng thuần hóa lúa nước tại lưu vực sông Dương Tử 9.000 - 7.000 năm trước7 cho thấy, đây chính là nơi phát tán nông nghiệp, với các dòng thiên di liên tục xuống phía Nam. Bất cứ giả thuyết nào không phù hợp với các dòng thiên di tự nhiên này đều khó được chấp nhận. Do đó, để bác bỏ giả thuyết về nguồn gốc thiên di từ Hoa Nam của người Việt, cần bác bỏ các nền tảng nhân chủng và khảo cổ này.
Nhân chủng học phân tử và Thuyết rời khỏi châu Phi:
Nhân chủng học phân tử là một chuyên ngành nhân chủng chuyên dùng các phân tích phân tử và di truyền để khám phá nguồn gốc và tiến hóa loài người hay phân loại và xem xét quá trình tiến hóa của các động vật nhân hình. Nó bắt nguồn từ Thế chiến I, khi hai thầy thuốc tại thành phố Thessaloniki, Hy Lạp, nhận thấy thương binh bị tai biến truyền máu phụ thuộc vào quốc tịch. Đầu những năm 1950, nhà nghiên cứu tiền phong Cavalli-Sforza, Đại học Stanford, Mỹ, nghiên cứu sự khác biệt di truyền giữa các tộc người bằng cách khảo sát các protein đặc trưng trong các nhóm máu. Khác biệt ở protein phản ánh sự khác biệt trong bộ gien mã hóa chúng8.
Bộ gien của con người là tổ hợp của hai bộ gien từ cha và mẹ. Tuy nhiên có một số gien không bị tái tổ hợp; do đó chúng cho phép truy tìm nguồn gốc sâu xa về mặt di truyền của từng cá thể. Nói cách khác, chúng giúp vẽ được các cây phả hệ di truyền và sự tiến hóa giữa các tộc người khác nhau. Đó là ADN ty thể, do mẹ truyền cho con; và ADN nhiễm sắc thể Y, do cha truyền cho con trai. Đó là các công cụ cực kỳ hữu ích để theo dõi các dòng thiên di của loài người trong suốt tiến trình lịch sử 70.000 - 50.000 năm qua. Bằng cách theo dõi các dấu gien (genetic marker), là các đột biến ADN đặc trưng cho một nhánh cụ thể trong cây phả hệ di truyền, các nhà khoa học đã vẽ được các con đường thiên di chiếm lĩnh địa cầu của người hiện đại, với điểm gốc là Đông Bắc Phi, bắt đầu từ 70.000 - 50.000 năm trước9.
Cần nhấn mạnh hai khám phá mang tính bước ngoặt. Đó là khám phá của Cann, Stoneking và Wilson, 1987, xem toàn bộ nhân loại hiện nay là hậu duệ của một người phụ nữ sống tại Đông Bắc Phi 172 ngàn năm trước; và khám phá của Underhill và 22 đồng sự, 2000, xem toàn bộ nam giới hiện tại có nguồn gốc từ một người đàn ông cũng sống tại Đông Bắc Phi 59 ngàn năm trước (những công bố mới 2011 và 2013 lùi niên đại này tới 142.000 hoặc 338.000 năm trước nhưng chưa thực sự đạt được sự đồng thuận)10. Đó là nàng Eva ty thể và chàng Adam nhiễm sắc thể Y, theo cách gọi của giới truyền thông. Cần lưu ý, tại Ethiopia có nhiều Adam và Eva, nhưng chỉ Adam của Underhill và Eva của Cann mới có hậu duệ hiện còn tồn tại. Con cháu của các Adam và Eva khác đều đã tuyệt chủng. Eva của Cann và Adam của Underhill được gọi là tổ tiên chung gần nhất của loài người, theo các tiêu chí ADN ty thể và ADN nhiễm sắc thể Y.
Hình 1:Bản đồ thiên di rời khỏi châu Phi theo dấu chân những người mẹ (màu vàng) và những người cha (màu xanh)
Nhân chủng học phân tử cũng phát hiện hai làn sóng thiên di từ Đông Bắc Phi. Làn sóng thứ nhất men theo bờ Ấn Độ Dương tới Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, trước khi tới Úc và ngược lên Bắc Á rồi sang Bắc Mỹ qua eo Bering. Những người có nước da đen, tóc quăn tại Nam Á, Đông Nam Á và các đảo Nam Thái Bình Dương là hậu duệ trực tiếp của làn sóng này. Tại Đông Nam Á, Hoa Nam và Nhật Bản, nó có phần đóng góp khoảng 20 - 30% vào vốn gien chung9 (hình 1).
Làn sóng thiên di thứ hai, với vai trò làn sóng chủ yếu, đi ngược lên Trung Cận Đông và Trung Á, trước khi lan tỏa khắp địa cầu. Trong làn sóng này có người đàn ông mang dấu gien M89, sống khoảng 45.000 năm trước tại Đông Bắc Phi hoặc Trung Đông. Hơn 90% số nam giới ngoài châu Phi hiện nay là hậu duệ của ông. Các hậu duệ của người đàn ông này đã men theo dãy Himalaya tới Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, và cực nam Hoa Nam (cụ thể là Vân Nam và Quảng Tây, được các nhà nhân chủng học phân tử Trung Quốc xác định là nơi người hiện đại tới Trung Quốc đầu tiên) khoảng 30.000 năm trước11. Làn sóng này đóng góp khoảng 70 - 80% vào vốn gien chung của cư dân phía Đông lục địa Á - Âu, tức các vùng Đông Nam Á, Đông Á và Bắc Á9.
Để hiểu thêm về nguồn gốc người châu Á, tức đại chủng Mongoloid, cần nhấn mạnh nhóm đơn bội O3 (dấu gien M122), xuất hiện 10.000 năm trước tại cực nam Hoa Nam hoặc Đông Nam Á, trước khi Bắc tiến mạnh mẽ (nhóm đơn bội là nhóm người mang chung một dấu gien đặc trưng do đột biến di truyền, tức cùng chung một nhánh trong cây phả hệ di truyền). Hơn một nửa số đàn ông Trung Quốc mang dấu gien này, cho thấy sự Bắc tiến này là kết quả của sự lan tỏa kỹ thuật trồng lúa nước9, một điều dường như trái ngược với quan niệm truyền thống về quê hương lúa nước tại lưu vực sông Dương Tử (hình 2).
Hình 2:Bản đồ thiên di của những người cha cho thấy nguồn gốc Đông Nam Á của đại chủng Mongoloid
Nguồn gốc đại chủng Á (Mongoloid):
Carl von Linne (sau Latin hóa thành Linnaeus), nhà thực vật học Thụy Điển thế kỷ XVIII, là người đầu tiên đưa ra hệ thống phân loại cho mọi loài sinh học trên thế giới. Trong quá trình đặt tên cho hơn 12.000 loài, ông chọn cái tên Homo sapiens (“người khôn”) cho loài người. Thêm nữa, khi nhìn ra toàn nhân loại trên thế giới, ông thấy dường như họ phân thành các nhóm khác nhau căn cứ theo biểu hiện bên ngoài. Do đó Linnaeus phân loại loài người thành năm nhóm chủng tộc: Afer, hay người châu Phi; Americanus, người châu Mỹ; Asiaticus, người châu Á; Europaeus, người châu Âu; và Montrosus, gồm tất cả những chủng người mà ông không thích, kể cả những chủng không có thật12.
Cách phân loại này khá giống những phân loại được dùng đến tận 20 năm trước. Chẳng hạn giữa những năm 1960, Carleton Coon, nhà nhân chủng Mỹ ủng hộ Giả thuyết tiến hóa trên nhiều vùng về nguồn gốc loài người (ngược với Thuyết rời khỏi châu Phi về nguồn gốc duy nhất tại Đông Bắc Phi), xuất bản cuốn Nguồn gốc chủng tộc, được xem là sách gối đầu giường của các sinh viên chuyên ngành nhân chủng. Trong đó Coon dùng chính cách phân loại của Linnaeus, với các chủng tộc Caucasoid (tương đương Europaeus của Linnaeus), Negroid (Afer) và Mongoloid (kết hợp Asiaticus và Americanus), cũng như thêm hai chủng tộc mới: Capoid (người Khoisan phía nam Cape châu Phi) và Australoid (thổ dân Australia và New Guinea)13.
Cho rằng cách phân loại trên thiếu tính khoa học, năm 2002, nhà nhân chủng Rich tại Đại học California, San Francisco, đưa ra cách phân loại mới dựa theo địa lý như sau: 1) Người Phi, gồm cả người châu Mỹ gốc Phi; 2) Người Âu, là người phía tây lục địa Á - Âu (châu Âu, Trung Đông, Bắc Phi và tiểu lục địa Ấn Độ (Ấn Độ và Pakistan)); 3) Người Á, là người phía Đông lục địa Á - Âu (Trung Quốc, Nhật Bản, Đông Dương, Philippines và Siberia); 4) Người quần đảo Thái Bình Dương, gồm thổ dân Úc và người New Guinea, Melanesia và Micronesia; và 5) Người Mỹ bản địa, kể cả tại Bắc Mỹ và Nam Mỹ14. Tuy nhiên cách phân loại của Coon vẫn được dùng rộng rãi trong nhân chủng học.
Khi đặt tên người châu Á là Mongoloid, tức “giống người Mông Cổ”, vào năm 1775, có lẽ các cuộc chinh phạt của Thành Cát Tư Hãn đã ám ảnh Blumenback, Đại học Gottingen, Đức15. Và sự ám ảnh đó đã gieo vào tâm thức cộng đồng khoa học rằng, đại chủng Mongoloid phát tích từ Bắc Á, trước khi tràn xuống phía nam, góp phần tạo thành tiểu chủng Mongoloid phương Nam (qua nhiều lần hòa huyết với đại chủng phương Nam Australoid). Cho đến cuối thế kỷ XX, quan điểm này đạt được sự đồng thuận cao trong cộng đồng khoa học, nhất là khi nó phù hợp với quan niệm về sự lan tỏa nông nghiệp từ các lưu vực Hoàng Hà và Dương Tử tại Trung Quốc.
Quan điểm truyền thống đó bị thách thức vào năm 1998, khi Chu, Viện sinh học y khoa thuộc Viện hàn lâm y học Trung Quốc tại Côn Minh, cùng 13 nhà khoa học Trung Quốc và Mỹ công bố công trình Quan hệ di truyền của cư dân Trung Quốc trên tạp chí Kỷ yếu Viện hàn lâm khoa học Mỹ PNAS ngày 29/09/1998. Nghiên cứu trên 28 nhóm cư dân Trung Quốc thuộc nhiều ngữ hệ khác nhau (Hán - Tạng, Tạng - Miến, Mon - Khmer, Hmong - Miên, Daic, Altaic và Nam Đảo), các tác giả nhận thấy, “cư dân Đông Á là đích đến của nhiều nguồn gien: Đông Nam Á, Altai từ Đông Bắc Á, Trung Á và châu Âu”. Căn cứ theo tỷ lệ đóng góp, Chu và đồng sự kết luận, “phát sinh chủng loại cũng giả định rằng, nhiều khả năng hơn cả là cư dân Đông Á đến từ Đông Nam Á”16.
Cần lưu ý một điểm quan trọng, trước năm 2000, làn sóng thiên di thứ hai từ châu Phi chưa được công nhận chính thức, nên các nhà nhân chủng học phân tử đều xem người Đông Á có nguồn gốc từ những người đến Đông Nam Á qua làn sóng thiên di thứ nhất (men theo bờ Ấn Độ Dương). Tuy nhiên đến nay thì họ đã biết con đường này chỉ đóng góp không quá 20 - 30% vào vốn gien của người Đông Á mà thôi.
Mười một năm sau, Tổ chức bộ gien người HUGO (Human Genome Organisation) đã công bố công trình mang tính bước ngoặt Vẽ bản đồ đa dạng di truyền người châu Á trên tạp chí Science danh tiếng ngày 11/12/2009. Nghiên cứu chi tiết trên 64.794 kiểu biến thiên hình thái gien của 1928 người thuộc 73 sắc dân khắp châu Á và 2 sắc dân ngoài châu Á (để so sánh), các nhà khoa học quốc tế của HUGO kết luận, hơn 90% thể đơn bội gien người Đông Á tìm thấy ở người Đông Nam Á hoặc người Nam Trung Á, và sự đa dạng giảm dần từ phía Nam lên phía Bắc. Ngoài ra, 50% thể đơn bội chỉ tìm thấy ở người Đông Nam Á và 5% chỉ tìm thấy ở người Nam Trung Á cho thấy, người Đông Nam Á là nguồn gốc chính của người Đông Á17. Công trình này là một bước tiến lớn so với công trình của Chu và đồng sự 11 năm trước, khi định lượng hóa được phần đóng góp của dòng gien Đông Nam Á đối với vốn gien tại Đông Á (khoảng 80 - 90%). Nói cách khác, các bằng chứng phân tử và di truyền học cho thấy, đại chủng Mongoloid được hình thành tại Đông Nam Á, điều hoàn toàn ngược với quan niệm truyền thống về nguồn gốc phương Bắc của đại chủng này. (Công bố của HUGO năm 2009 từng được các phương tiện thông tin đại chúng Việt Nam đăng tải rộng rãi; tuy nhiên ý nghĩa của nó không được các nhà nhân chủng học nước ta chú ý).
Nguồn gốc Đông Nam Á của chủng Mongoloid càng được khẳng định qua nghiên cứu so sánh kiểu răng của người phía Nam và người phía Bắc vùng Đông Á. Nhiều sắc người trên thế giới, như người Phi vùng hạ Sahara hay người Âu, vẫn giữ nguyên kiểu răng của người thiên di lúc mới rời châu Phi. Nhưng cư dân Đông Nam Á, Đa Đảo, Úc, Hoa Nam và Nhật Bản cổ đã phát triển một kiểu răng hoàn toàn khác, được gọi là kiểu Sunda (tên gọi của lục địa Đông Nam Á cuối kỷ băng hà cực đại 22.000 - 15.000 năm trước, khi mực nước biển thấp hơn hàng trăm mét so với hiện nay). Kiểu răng thứ ba, phát triển từ kiểu Sunda, với tên gọi kiểu Trung Hoa, thuộc về cư dân Hoa Bắc, Nhật Bản hiện đại và các tộc thiểu số tại Bắc Mỹ và Nam Mỹ18. Nói cách khác, chủng Mongoloid phương Bắc có nguồn gốc từ chủng Mongoloid phương Nam.
Vậy người Mongoloid hoàn chỉnh xuất hiện trong khoảng thời gian nào? Các bằng chứng khảo cổ cho thấy sọ Mongoloid điển hình chỉ xuất hiện khoảng 10.000 năm trước. Theo nhà cổ nhân chủng học Klein, Đại học Chicago, 1999, “phần lớn sọ người hiện đại ban đầu không có các đặc trưng khác biệt như bất cứ chủng tộc hiện đại nào; và dường như các chủng tộc hiện nay hình thành chủ yếu trong kỷ Toàn Tân, sau giai đoạn 12.000 - 10.000 năm trước. Điều đó đặc biệt rõ ràng với vùng Đông Á (trái tim của các chủng Mongoloid), nhưng cũng đúng với châu Âu (đất mẹ của người Caucasoid)”19.
Cần nhấn mạnh rằng, quan niệm của Klein rất phù hợp với phát hiện mới về thuần hóa lúa nước khoảng 10.000 năm trước (sẽ trình bày dưới đây) và sự thiên di từ phía Nam lên phía Bắc của nhóm đơn bội O3 (với dấu gien M122, cũng xuất hiện khoảng 10.000 năm trước) đặc trưng cho người Hán (xem hình 2).
Đó là những kết luận gây sốc thực sự đối với quan niệm thiên di từ Bắc xuống Nam truyền thống tại Đông Á, đến mức nhiều nhà nhân chủng học kịch liệt phản đối. Họ dẫn ra bằng chứng khảo cổ về sự thuần hóa lúa nước tại lưu vực Dương Tử khoảng 9.000 - 7.000 năm trước để bác bỏ. Lịch sử nhân loại cho thấy, chỉ có sự thiên di từ các vùng nông nghiệp đầu tiên lan tỏa ra xung quanh, chứ không có sự thiên di theo hướng ngược lại. Vùng Lưỡi liềm phì nhiêu Trung Cận Đông là minh họa điển hình cho xu hướng thiên di tự nhiên đó; và do đó lưu vực Dương Tử cũng không thể là ngoại lệ. Mâu thuẫn giữa dòng gien và sự lan tỏa nông nghiệp được giải quyết như thế nào?
Sự thuần hóa lúa nước:
Quan điểm truyền thống xem lưu vực Dương Tử, ranh giới tự nhiên giữa Hoa Bắc và Hoa Nam, là nơi thuần hóa lúa nước đầu tiên trên thế giới khoảng 9.000 - 7.000 năm trước. Quan điểm đó dựa trên những bằng chứng khảo cổ không thể bác bỏ.
Năm 2006, trên PNAS, Londo và bốn nhà khoa học tại ba trường đại học Mỹ và Đài Loan cho rằng, phân bố chủng loại của giống lúa dại Oryza rufipogon châu Á cho thấy, lúa nuôi cấy Oryza sativa được thuần hóa nhiều lần, trong đó giống Oryza japonica được thuần hóa tại Hoa Nam, còn giống Oryza indica được thuần hóa tại Đông Ấn và Đông Nam Á, chủ yếu từ các giống lúa dại Đông Dương20.
Tuy nhiên vào năm 2011, cũng trên PNAS, Molina và đồng sự đưa ra chứng cứ phân tử cho thấy lúa nước chỉ được thuần hóa một lần khoảng 13.500 hoặc 8.200 năm trước, tùy theo phương pháp xử lý số liệu được sử dụng. Đó là giống Oryza japonica. Và sau đó giống Oryza japonica mới được lai ghép với các giống lúa dại địa phương để tạo ra giống Oryza indica và giống lúa thơm Aus. Các tác giả cũng cho rằng, có thể giống lúa dại Oryza rufipogon tại Ấn Độ hoặc Đông Dương là tiền thân của lúa nước thuần hóa21. Nói cách khác, nghiên cứu này cũng gián tiếp ủng hộ giả thuyết lưu vực Dương Tử là quê hương của nền nông nghiệp lúa nước.
Khám phá mang tính cách mạng về nguồn gốc lúa nước thuần hóa được công bố một năm sau đó. Ngày 25/10/2012, trên tạp chí Nature danh tiếng, các nhà khoa học Trung Quốc và Nhật Bản so sánh sự biến thiên bộ gien của lúa nước nuôi cấy với các giống lúa dại tại châu Á và kết luận, lưu vực Tây Giang thuộc Quảng Tây, chủ lưu của sông Châu chảy ra biển tại Quảng Đông, chính là nơi thuần hóa lúa nước đầu tiên trên thế giới22.
Với khám phá này, sự mâu thuẫn giữa dòng gien (từ Nam lên Bắc) và sự lan tỏa nông nghiệp (từng được xem là từ lưu vực Dương Tử đi xuống Đông Nam Á) đã được giải quyết. Cần nhấn mạnh rằng, ba sự kiện quan trọng nhất thời tiền sử phía Đông lục địa Á - Âu (xuất hiện người Mongoloid hoàn chỉnh, thuần hóa lúa nước và dòng thiên di hướng lên phía Bắc) đều có cùng niên đại (khoảng 10.000 năm trước) và cùng vị trí địa lý (Đông Nam Á và cực nam Hoa Nam). Điều đó chứng tỏ, dòng gien từ phía Nam hướng lên lưu vực Dương Tử và Hoa Bắc chính là dòng thiên di của những người nông dân Mongoloid đầu tiên.
Người Việt cổ thiên di tới Việt Nam như thế nào?
Theo dấu chân thiên di của những người mẹ, để tìm hiểu nguồn gốc người Việt, cần lưu ý các nhóm đơn bội như sau (hình 1):
Đầu tiên là nhóm đơn bội M thuộc làn sóng thiên di thứ nhất, được xem là những người đầu tiên tới Đông Nam Á bằng cách men theo bờ Ấn Độ Dương. Tại Hoa Nam và Nhật Bản, nhóm này chiếm 15% vốn gien phụ nữ. Tại Việt Nam, có lẽ nhóm này cũng có tỷ lệ không nhỏ hơn 15%.
Tiếp theo là nhóm đơn bội D, tách ra khỏi nhóm đơn bội M và đi ngược lên Trung Á trước khi đông tiến. Tại Bắc Á, nó chiếm tỷ lệ hơn 20% vốn gien những người mẹ; còn tại Đông Nam Á, tỷ lệ cũng đạt tới 17%.
Thứ ba là nhóm đơn bội B, thuộc làn sóng thiên di thứ hai. Nó chiếm khoảng 20% vốn gien tại Trung Quốc và 17% tại Đông Nam Á. Hậu duệ của nhóm này, nhóm đơn bội con B4 (cùng một số nhóm khác), đã từ Đông Nam Á tràn ra vùng Đa Đảo ngoài Thái Bình Dương khoảng 5.000 năm trước.
Cuối cùng là nhóm đơn bội F, xuất hiện tại Trung Á khoảng 45.000 năm trước, cũng thuộc làn sóng thiên di thứ hai. Các thành viên của nhóm tràn tới Đông Nam Á và cực nam Hoa Nam khoảng 30.000 năm trước. Hiện nhóm chiếm hơn 25% vốn gien phụ nữ tại Đông Nam Á. Tại Việt Nam, nhóm có sự biến đổi chuỗi ADN lớn nhất, cho thấy đây chính là nơi họ đặt chân tới đầu tiên.
Để tìm hiểu nguồn gốc người Việt, bên cạnh dấu chân của những người mẹ, cần dõi theo bước chân của những người cha như sau (hình 2):
Trước tiên là nhóm đơn bội C, với dấu gien đặc trưng M130, xuất hiện tại Đông Bắc Phi hoặc Nam Á khoảng 50.000 năm trước, thuộc làn sóng thiên di thứ nhất. Nhóm này tương ứng với nhóm đơn bội M theo đường mẹ. Nhóm tới Đông Nam Á, xuôi về nam tới Úc, ngược lên bắc tới Hoa Bắc, Nhật Bản và Siberia trước khi tràn sang Bắc Mỹ. Kèm theo là nhóm đơn bội D (dấu gien M174), cũng tới Đông Nam Á rồi lên Nhật Bản, vào Mông Cổ và tràn xuống Tây Tạng.
Tiếp theo là nhóm đơn bội O (dấu gien M175) thuộc làn sóng thiên di thứ hai. Xuất hiện tại Trung Á hoặc Đông Á khoảng 35.000 năm trước, nhóm này đông tiến mạnh mẽ, tạo thành nhóm chủ yếu tại phía đông lục địa Á - Âu. Từ nhóm này, khoảng 30.000 năm trước, xuất hiện nhóm đơn bội O1a (dấu gien M119) tại cực nam Hoa Nam hoặc Đông Nam Á. Sau đó họ tỏa ra khắp Đông Nam Á, nam Hoa Nam và Đài Loan. Có lẽ nhóm này tương ứng với nhóm đơn bội F của những người mẹ.
Di truyền học của người Việt Nam:
Với vị trí địa lý liền kề nơi thuần hóa lúa nước đầu tiên trên thế giới (sông Bằng tại Cao Bằng và sông Kỳ Cùng tại Lạng Sơn đều là chi lưu của Tây Giang), rất khó hiểu nếu người Việt cổ không tham gia vào ba sự kiện chính yếu nói trên (xuất hiện đại chủng Á, thuần hóa lúa nước và Bắc tiến). Vậy những nghiên cứu về di truyền có khẳng định người Việt là những cư dân đã cư ngụ lâu đời tại vùng phát tích đại chủng Mongoloid hay không?
Ngay từ 1992, khi nghiên cứu ADN ty thể của nhiều sắc dân châu Á (trong đó có người Việt, người Hoa tại ven biển Hoa Nam và Đài Loan, và người Nhật), nhà nghiên cứu Ballinger, Đại học Emory, Mỹ, đã kết luận, sự đa dạng ADN ty thể lớn nhất và tần suất xuất hiện cao nhất của một hình thái gien HpaI/HincII tại Việt Nam dẫn tới giả thuyết nguồn gốc Mongoloid phương Nam của người châu Á23. Nói cách khác, trong số những người được nghiên cứu, do có sự đa dạng di truyền cao nhất, nên người Việt nằm gần gốc cây phả hệ di truyền hơn so với người Hoa Nam và người Đông Bắc Á. Tại thời điểm công bố, nghiên cứu này không những không được đánh giá cao, mà còn bị xem là một kết luận lạc dòng chính thống, khi giả định đại chủng Á có nguồn gốc phương Nam.
Năm 2002, khi nghiên cứu 84 người Hoa Bắc tại Tây An, 82 người Hoa Nam tại Trường Sa, 89 người Nhật và 35 người Việt Nam, nhà nghiên cứu Nhật Hiroki Oota, Viện nhân chủng học tiến hóa Max Planck, Đức, nhận thấy, các cư dân châu Á có sự biến thiên ADN ty thể cao, trong đó người Việt có sự biến thiên cao nhất. Tuy nhiên, khoảng cách di truyền giữa các tộc người châu Á nói chung là nhỏ. Và sự gần gũi về mặt di truyền đó được giải thích bằng sự lan tỏa của nông nghiệp24. Nói cách khác, nghiên cứu này cho thấy, so với người Hoa Nam và Hoa Bắc, người Việt nằm gần gốc của cây phả hệ di truyền hơn; và sự lan tỏa của lúa nước không phải từ Bắc xuống Nam, mà từ Nam lên Bắc! Đó cũng là một kết luận từng bị xem ngược dòng chính thống, nhưng lại hoàn toàn phù hợp với khám phá năm 2012 về nguồn gốc mới của lúa nước thuần hóa.
Tuy những nghiên cứu phân tử và di truyền về người Việt còn tương đối ít, nhưng cũng có thể kết luận sơ bộ rằng, người Việt có nguồn gốc từ những người cổ đã cư ngụ lâu đời tại Việt Nam và họ thuộc nhóm những người đầu tiên thiên di tới Đông Nam Á. Và chỉ những nghiên cứu sau này mới có thể vẽ được bức tranh hoàn chỉnh hơn về nguồn gốc thực sự của người Việt.
Gien và ngôn ngữ tiến hóa cùng nhau:
Chỉ đứng sau các bằng chứng di truyền học, ngôn ngữ có vai trò thiết yếu trong việc phân loại các tộc người và theo dõi sự tiến hóa của các nhóm cư dân gần gũi nhau về mặt nhân chủng. Điều đó đã được khẳng định sau các công trình của nhà ngữ học tài năng dị thường Josep H. Greenberg (vốn được đào tạo về nhân chủng học xã hội) và nhà di truyền học tiền phong Cavalli-Sforza, cùng tại Đại học Stanford. Trước khi mất năm 2001 ở độ tuổi 86, Greenberg đã phân loại các ngôn ngữ trên toàn thế giới thành 14 ngữ hệ chính, ngoại trừ các ngôn ngữ Đông Nam Á (khi đồng nghiệp tới thăm trên giường bệnh, ông nói trong nước mắt rằng, điều đó khiến cho công trình ngôn ngữ thế giới của ông không thể hoàn thành25). Ông cũng đưa ra siêu ngữ hệ Á - Âu, cho phép tìm sự liên quan giữa các ngôn ngữ rất xa nhau, chẳng hạn tiếng Anh và tiếng Nhật. Các nhà ngôn ngữ không ủng hộ ông cho đến khi Cavalli-Sforza chứng tỏ rằng, các ngữ hệ chính của Greenberg hoàn toàn phù hợp với phân loại các chủng tộc trong nhân chủng học phân tử26 và với các bằng chứng khảo cổ27. Theo Cavalli-Sforza, gien và ngôn ngữ tiến hóa cùng nhau.
Tại sao gien và ngôn ngữ tiến hóa cùng nhau? Theo nhà tâm lý học tiến hóa Dunbar, Đại học Liverpool, ngoài chức năng thực hiện và chuyển tải tư duy và truyền thông kinh điển, ngôn ngữ còn nhiều chức năng khác như chức năng kết nối các cá nhân trong một nhóm xã hội ngày càng lớn, chức năng giới tính (hấp dẫn bạn tình bằng giọng nói ấm áp, truyền cảm) hay chức năng bảo vệ. Do các nhóm săn bắt - hái lượm có quy mô không thể quá vài trăm cá thể, nên việc kiểm soát nhân số là vấn đề cốt tử. Và ngôn ngữ là phương tiện hữu hiệu cho phép phát hiện một kẻ không mời khi người đó vừa mở miệng. Đó là lý do có rất nhiều ngữ giọng khác nhau, cho phép phân biệt thậm chí các nhóm người nói cùng một ngôn ngữ. (Sự đồng tiến hóa của gien và ngôn ngữ cũng cho thấy, kết luận của Tạ Đức về tiếng Việt - Mường chung không đi kèm với người Việt - Mường chung có lẽ không đúng sự thật).
Điều đó dẫn tới các vùng ngôn ngữ lan tỏa và các vùng khảm ngôn ngữ. Nước Mỹ rộng lớn chỉ nói một ngôn ngữ; còn New Guinea, diện tích nhỏ hơn nhiều, nhưng có tới 1.200 ngôn ngữ. Các nhà ngữ học gọi vùng đủ rộng chủ yếu chỉ nói một ngôn ngữ là vùng lan tỏa; còn vùng phân chia thành nhiều vùng nhỏ, mỗi vùng đều có ngôn ngữ riêng, là vùng khảm. Các yếu tố biến vùng lan tỏa thành vùng khảm và ngược lại cũng chính là các yếu tố sắp xếp lịch sử và văn hóa.
Khi vùng lan tỏa vỡ vụn thành vùng khảm, điều gì thúc đẩy vùng khảm biến đổi ngược lại? Có ba khả năng là thảm họa tự nhiên, sự xuất hiện của nông nghiệp và chiến tranh. Liên quan với nguồn gốc người Việt, hãy xem xét ảnh hưởng của cuộc cách mạng nông nghiệp lên sự tiến hóa ngôn ngữ.
Các nhà khảo cổ Renfrew, Đại học Cambridge, Bellwood, Đại học quốc gia Úc tại Canberra, và nhà địa sinh học Diamond (tác giả bộ ba cuốn sách nổi tiếng Loài tinh tinh thứ ba; Súng, thép và vi trùng; và Sụp đổ; chúng đều đã được dịch ra tiếng Việt) cho rằng, từ các trung tâm phát tích nông nghiệp, những người nông dân sẽ lan tỏa ra xung quanh, mang theo ngôn ngữ của họ, do đó làm xuất hiện các vùng ngôn ngữ lan tỏa28. Chẳng hạn vùng Lưỡi liềm phì nhiêu Cận Đông là nơi phát sinh ít nhất hai đại ngữ hệ, hệ Ấn - Âu và hệ Á - Phi. Và vùng thuần hóa lúa nước đầu tiên phía Đông lục địa Á - Âu cũng là nơi lan tỏa không ít hơn bốn ngữ hệ. Đầu tiên, những người nói tiếng Nam Á, bao gồm 150 ngôn ngữ, như tiếng Việt và tiếng Khmer, lan tỏa khắp Đông Nam Á (và có thể một phần Hoa Nam). Theo chân họ là những nông dân nói tiếng Tày - Thái, như tiếng Lào và tiếng Thái. Làn sóng thứ ba là những người nói tiếng Hán - Tạng. Thứ tư là những người thuộc ngữ hệ phương Nam, tới Đài Loan 5.000 năm trước. Họ dong thuyền tới vùng Đa Đảo, và cuối cùng đặt chân tới New Zealand vào năm 1.200 CN. Tuy sai về vị trí địa lý (lưu vực Tây Giang chứ không phải lưu vực Dương Tử), nhưng trực giác đã cho phép Diamond và Bellwood đưa ra trình tự các làn sóng lan tỏa ngôn ngữ hoàn toàn phù hợp với những phát hiện về nhân chủng học phân tử và về nơi thuần hóa lúa nước gần mười năm sau.
Tiếng Việt lưu giữ được tiếng vọng của ngôn ngữ nguyên thủy 50.000 năm trước?
Như đã trình bày, gien và ngôn ngữ tiến hóa cùng nhau. Với hệ gien, khoa học có thể xác định được tuổi của các dấu gien (nhờ các “đồng hồ phân tử”, là thời gian trung bình để xuất hiện một đột biến gien được di truyền cho thế hệ sau), do đó xác định được các con đường thiên di theo địa lý và theo thời gian. Tuy nhiên, giới ngữ học thiếu các phương pháp hữu hiệu để xác định tuổi của một ngôn ngữ. Một tiếp cận là đánh giá tốc độ thay đổi trong một ngữ hệ bằng cách phân tích sự tương tự trong từ vựng của hai ngôn ngữ, chẳng hạn đánh giá phần trăm các từ đồng âm mà hai nguôn ngữ cùng có (các từ đồng âm có chung một gốc, chẳng hạn apple (quả táo) trong tiếng Anh đồng âm với Apfel trong tiếng Đức, nhưng không đồng âm với pomme trong tiếng Pháp).
Để so sánh, các nhà ngữ học dùng danh sách Swadesd, tên nhà khoa học phát minh ra phương pháp. Danh sách này bao gồm 100 từ ít chịu tác động của những biến động ngôn ngữ, như các từ về con số hay bộ phận cơ thể. Khi so sánh hai ngôn ngữ với nhau, nhà ngữ học xem xét tỷ lệ đồng âm của các từ trong danh sách, tỷ lệ đồng âm càng thấp thì hai ngôn ngữ càng xa cách nhau về mặt thời gian. Chẳng hạn tỷ lệ 5% tương ứng với thời gian chia tách 10.000 năm trước; trong khi tỷ lệ 86% tương ứng với chỉ 500 năm. Dùng phương pháp này, giới ngữ học tính được thời điểm các ngôn ngữ Ấn - Âu bắt đầu chia tách khỏi ngôn ngữ nguyên thủy khoảng 8.700 năm trước, phù hợp với giả thuyết của Diamond và Bellwood về sự thiên di của những người nông dân đầu tiên tại vùng Lưỡi liềm phì nhiêu29.
Với giới hạn xác định tuổi của ngôn ngữ không quá 10.000 năm trước, liệu các nhà ngữ học có thể khôi phục được tiếng nói của những người thiên di đầu tiên rời khỏi châu Phi hay không? Trong khi đa số giới nghiên cứu xem đó là điều bất khả thi thì Greenberg không nghĩ như vậy. Chính sự tồn tại của danh sách Swadesh cho thấy, một số từ có thể ít thay đổi hơn các từ khác. Theo nhà sinh học tiến hóa Pagel, trong tiếng Anh, các từ như mới, lưỡi, ở đâu, cái gì có thể có thời gian bán hủy (thời gian thay đổi một nửa) lớn hơn 13.000 năm. Bảy từ - tôi, chúng ta, ai, hai, ba, bốn, năm - còn ít thay đổi hơn nữa. Từ một có thời gian bán hủy 21.000 năm. Điều đó có nghĩa, nó có khả năng 22% không thay đổi sau 50.000 năm!
Trong một bài giảng năm 1977, Greenberg cho rằng, ông tìm thấy một từ có thể là tiếng vọng của tiếng mẹ đẻ ban đầu từ 50.000 năm trước của cả loài người. Đó là nhóm các từ đồng âm dựa trên tập các ý tưởng một/ngón tay/chỉ và được dẫn xuất từ gốc *tik (dấu * ứng với tiền tố). Greenberg nói rằng, ông tìm thấy các đồng âm của*tik ít nhất trong một ngôn ngữ của mọi ngữ hệ trong cách phân loại của ông.
Chẳng hạn trong siêu ngữ hệ Á - Âu (theo phân loại của Greenberg), các từ kiểu *tik trải từ digital trong tiếng Anh và daktulos trong tiếng Hy Lạp cho tới tiqik trong tiếng Eskimo. Chúng đều có nghĩa là “ngón trỏ”. Trong ngữ hệ Nile - Sahara, nhiều ngôn ngữ có cấu trúc t-k để chỉ từ “một”. Trong các ngôn ngữ Amerind của thổ dân châu Mỹ, cũng có nhiều từ cấu trúc kiểu “tik” để chỉ “ngón tay” hay “một mình”. Vậy trong ngữ hệ Nam Á có cấu trúc nguyên thủy đó hay không? Câu trả lời là có: tiếng Khmer có từ “tai” để chỉ “bàn tay”; còn trong tiếng Việt thì đó chính là “tay”!
Và như vậy theo nhà ngôn ngữ mà tài năng được đánh giá là dị thường, tiếng Việt có thể là một trong những ngôn ngữ cổ nhất phía Đông lục địa Á - Âu, khi còn giữ được những vang vọng mơ hồ của tiếng nói chung của cả loài người từ 50.000 năm trước?
Giả thuyết mới về nguồn gốc người Việt:
Từ những bằng chứng về nhân chủng học phân tử, về nguồn gốc đại chủng Mongoloid và về nơi thuần hóa lúa nước đầu tiên, cũng như giả thuyết Greenberg về tiếng vọng của ngôn ngữ nguyên thủy, xin đưa ra một giả thuyết mới về nguồn gốc người Việt như sau. Khoảng 45.000 năm trước, người hiện đại với nước da đen nguyên thủy đã tới Việt Nam theo làn sóng thiên di thứ nhất; họ góp khoảng 20% vào vốn gien người Việt hiện tại. Khoảng 30.000 năm trước, những người thiên di thuộc làn sóng thứ hai men theo rặng Himalaya để tới Bắc Việt Nam và nhiều nơi khác tại Đông Nam Á, cũng như Vân Nam và Quảng Tây (nơi xuất hiện người hiện đại đầu tiên tại Trung Quốc). Họ có phần đóng góp khoảng 80% trong vốn gien người Việt hiện nay. Qua quá trình tiến hóa lâu dài khoảng 35.000 - 20.000 năm, màu da và hình thái của họ dần biến đổi để trở thành người nguyên Mongoloid (Proto-Mongoloid). Có lẽ người Việt cổ tại Cao Bằng và Lạng Sơn không phải là những người thuần hóa lúa nước đầu tiên khoảng 10.000 năm trước, nhưng do cùng nằm trong lưu vực Tây Giang, nên họ học được rất nhanh kỹ thuật tiên tiến đó. Và cùng cộng đồng Mongoloid mới hình thành trong một khu vực trải rộng từ cực nam Hoa Nam tới Đông Nam Á, người Việt cổ cũng có thể góp phần vào làn sóng Bắc tiến của các cư dân nông nghiệp, hình thành nên cộng đồng Đông Á ngày càng đông đúc. Các dòng gien đi từ Hoa Nam lên Hoa Bắc bắt đầu từ 10.000 năm trước (khám phá của các nhà khoa học tại Đại học Fudan Thượng Hải trong Dự án bản đồ gien của Hội địa lý quốc gia Mỹ) là bằng chứng xác thực của sự lan tỏa đó (hình 2). Có sự đa dạng di truyền lớn nhất trong các cư dân Đông Nam Á và Đông Á, người Việt chính là những cư dân đầu tiên đặt chân tới vùng phát tích đại chủng Mongoloid này.
Giả thuyết này cho thấy, quan niệm người Việt bắt nguồn từ người Bách Việt phía nam Dương Tử có lẽ sai sự thật. Theo quan niệm đó thì người Việt không thể có sự đa dạng di truyền lớn hơn so với người Hoa Nam ven biển và người Hoa Nam tại Trường Sa, như các nghiên cứu của Đại học Emory, Mỹ, và Viện nhân chủng học tiến hóa Max Planck, Đức, đã chứng tỏ. Cần nhấn mạnh rằng, quá trình Nam tiến chỉ xẩy ra mạnh mẽ sau khi Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung Quốc năm 221 trước CN, đặc biệt sau khi nhà Hán thay thế nhà Tần. Các nhà khoa học Đại học Fudan cũng nhận thấy ba làn sóng chính trong các thời kỳ 265 - 316, 618 - 907 và 1127 - 1279 CN, do chiến tranh và nạn đói (hình 3)30. Cho đến thời điểm hiện tại, chưa thấy bằng chứng nhân chủng học phân tử ủng hộ sự thiên di của các tộc người ngữ hệ Nam Á từ ven biển Hoa Nam xuống Việt Nam 4.000 năm trước, cũng như từ giữa Hoa Nam xuống Việt Nam 2.700 năm trước, như Tạ Đức giả thuyết.
Trong lúc chưa có bằng chứng phân tử và di truyền về các dòng thiên di như vậy, có lẽ nên xem xét sự tương đồng về văn hóa vật thể và phi vật thể giữa Hoa Nam và Việt Nam thời văn hóa Phùng Nguyên và văn hóa Đông Sơn chủ yếu trên các khía cạnh giao lưu và tiếp biến văn hóa. Sự đa dạng di truyền của người Việt lớn hơn của người Hoa Nam và Hoa Bắc, bao gồm cả các tộc ít người, cũng cho thấy, sự hòa huyết giữa người phương Bắc và người Việt chỉ góp một phần nhỏ vào vốn gien người Việt hiện đại và có lẽ chỉ xẩy ra từ thời Bắc thuộc lần thứ nhất, sau khi An Dương Vương mất nước năm 179 trước CN. Theo cách nói của Trần Trọng Kim thì sau khi lập nước Nam Việt, Triệu Đà đã “đem văn minh nước Tàu sang truyền bá ở phương Nam, cho nên từ đó về sau người nước mình đều nhiễm cái văn minh ấy”31.
Hình 3:Bản đồ các làn sóng Nam tiến của người Hoa
Kết luận:
- Ngược với quan niệm truyền thống về nguồn gốc phương Bắc, đại chủng Mongoloid hoàn chỉnh chỉ xuất hiện khoảng 10.000 trước tại cực nam Hoa Nam và Đông Nam Á. Các bằng chứng di truyền học và kiểu răng cũng cho thấy, chủng Mongoloid phương Bắc có nguồn gốc từ chủng Mongoloid phương Nam.
- Không phải lưu vực Dương Tử là nơi phát tích nông nghiệp, mà cực nam Hoa Nam (lưu vực Tây Giang, Quảng Tây) mới là nơi thuần hóa lúa nước đầu tiên trên thế giới, cũng khoảng 10.000 năm trước.
- Sự thiên di của những người nông dân trồng lúa nước từ Nam lên Bắc phù hợp với sự lan tỏa các dấu gien tại Trung Quốc, như các nhà khoa học tại Đại học Fudan, Thượng Hải, trong Dự án bản đồ gien của Hội địa lý quốc gia Mỹ 2005 - 2010, và Tổ chức bộ gien người HUGO 2009, đã chứng tỏ.
- Bằng chứng phân tử và di truyền học cho thấy, người Việt có sự đa dạng di truyền lớn nhất trong số cư dân Đông Nam Á và Đông Á, chứng tỏ họ thuộc về nhóm cư dân lâu đời nhất trên vùng đất rộng lớn này.
- Không có bằng chứng nhân chủng học phân tử cho giả thuyết người Việt có nguồn gốc từ những người thiên di phương Bắc thời văn hóa Đông Sơn. Có lẽ sự hòa huyết giữa người bản địa và người thiên di chỉ xẩy ra rõ rệt từ thời Bắc thuộc lần thứ nhất.
- Trong lúc chờ đợi bằng chứng nhân chủng học phân tử về sự thiên di của người Bách Việt Hoa Nam, cần xem xét sự tương đồng về văn hóa vật thể và phi vật thể giữa Hoa Nam và Việt Nam thời văn hóa Phùng Nguyên và văn hóa Đông Sơn chủ yếu trên các khía cạnh giao lưu và tiếp biến văn hóa.
Tài liệu tham khảo:
- Wells S, Available online at: genographic/nationalgeographic.com/About; Retrieved on June 1rst, 2014
- Hà Văn Tấn (1998), Theo dấu các văn hóa cổ, NXB Xã hội, trang 335-401
- Nguồn gốc các dân tộc Việt Nam, Trên trang mạng: vi.wikipedia.org/wiki/Nguồn_gốc_các_ dân_ tộc_Việt_Nam; Truy cập ngày 01/06/2014
- Tạ Đức (2013), Nguồn gốc người Việt - người Mường, NXB Tri thức, trang 13
- Tạ Đức (2013), sđd, trang 394
- Hà Văn Tấn (1998), sđd, trang 753-765
- Fuller DQ, Qin L (2010), Declining oaks, increasing artistry, and cultivating rice: The environmental and social context of the emergence of farming in the Lower Yangtze Region, Environmental Archaeology, 15(2): 139-159
- Stix G (2008), Traces of a distant past, Scientific American, 299(1): 38-45
- Wells S (2007), Deep Ancestry: Inside the Genographic Project, National Geographic Society
- Y-chromosomal Adam, Available online at: en.wikipedia.org/wiki/Y-Chromosomal_Adam; Retrieved on May 30th, 2014
- DeSalle R, Tattersall I (2008), Human Origins: What Bones and Genomes Tell Us About Ourselves, Texas A & M University Press, p152
- Carl Linnaeus, Available online at: en.wikipedia.org/wiki/Carl_Linnaeus; Retrieved on August 9th, 2008
- Carleton S. Coon, Available online at: en.wikipedia.org/wiki/Carlleton_S._Coon; Retrieved on August 9th, 2008
- Neil Rich, et al, Categorization of humans in biomedical research: genes, races and disease, Available online at: genomebiology.com/2002/3/7/comment/2007; Retrieved on August 9th, 2008
- Mongoloid, Available online at: en.wikipedia.org/wiki/Mongoloid; Retrieved on August 9th, 2008 & May 30th, 2014
- Chu JY, et al (1998), Genetic relationship of populations in China, Proceedings of National Academy of Sciences USA, 95(20): 11763-11768
- The HUGO Pan-Asian SNP Consortium (2009), Mapping human genetic diversity in Asia, Science, 326(5959): 1541-1545
- Wade N (2006), Before the Dawn: Recovering the Lost History of Our Ancestors, Penguin Press, pp 119-122
- Klein RG (1999), The Human Career: the Biological and Cultural Basis of Human, 2nd edition, University of Chicago Press, p502
- Londo JP, et al (2006), Phylogeography of Asian wild rice, Oryza rufipogon, reveals multiple independent domestications of cultivated rice, Oryza sativa, PNAS, 103(25): 9578-9583
- Molina J, et al (2011), Molecular evidence for a single evoluationary origin of domesticated rice, PNAS, 108(20): 8351-8356
- Huang X, et al (2012), A map of rice genome variation reveals the origin of cultivated rice. Nature, 490(7421): 497-501
- Ballinger SW, et al (1992), Southeast Asian mitochondrial DNA analysis reveals genetic continuity of ancient Mongoloid migrations, Genetics, 130(1): 139-152
- Oota H, et al (2002), Extreme mtDNA homogeneity in continental Asia populations, American Journal of Physical Anthropology, 118(2): 146-153
- Wade N (2006), Ibid, p131
- Cavalli-Sforza LL, et al (1992), Coevolution of genes and languages revisited, PNAS, 89(12): 5620-5624
- Cavalli-Sforza LL, et al (1988), Recontruction of human evolution: Bringing together genetic, archaeological, and linguistic data, PNAS, 85(16): 6002-6006
- Diamond J, Bellwood P (2003), Farmers and their languages: The first expansions, Science, 300(5619): 597-603
- Wade N (2006), Ibid, pp 211-218
- Bo W, et al (2004), Genetic evidence supports demic diffusion of Han culture, Nature, 431(7006): 302-305
- Trần Trọng Kim (2003), Việt Nam sử lược, NXB Đà Nẵng, trang 30
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét