Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Bảy, 8 tháng 11, 2014

Chuyện văn nghệ nước Nam:

Để hiểu thêm Tố Hữu

Vương Trí Nhàn (blog)
clip_image002
Tố Hữu, ảnh lấy từ cinet.vn
Trước mắt tôi là sưu tập Văn Nghệ số 40 ra 3-1953. Lúc này cơ quan Hội Văn nghệ đang đóng ở rừng Việt Bắc. Nhân cái chết của Stalin, tạp chí của Hội ra một số đặc biệt, không chỉ Tố Hữu mà nhiều tác giả khác có bài liên quan tới sự kiện này.
Về thơ
Chế Lan Viên có Stalin không chết, mở đầu bằng mấy câu
Stalin mất rồi
Đồng chí Stalin đã mất!
Thế giới không cha nặng tiếng thở dài 
Ở đoạn dưới
Mẹ hiền ta ơi 
Em bé ta ơi
Đồng chí Stalin không bao giờ chết
Triệu triệu mẹ già em dại
Đều là súng Stalin để lại ( VTN gạch dưới)*
Giữ lấy hòa bình thế giới
Tiếng nổ ca vang dội thấu mặt trời
Các bài tiếp theo:
Trước bài Đời đời nhớ Ông của Tố Hữu là bài Nhớ đồng chí Stalin của Huy Cận 
Tiếp đó các bài của Bàn Tài Đoàn, Nông Quốc Chấn.
Xuân Diệu có bài Thương tiếc Đại nguyên soái Stalin:
Nghe tin mất mới thấy lòng quyến luyến
Từ bao lâu yêu Người tận tủy xương
Tiếng khóc đây là tất cả can trường 
Thấy Người thật là bát cơm miếng bánh 
Người gắn với chúng con trong vận mệnh
Về phần văn xuôi
Phan Khôi có bài Một vị học giả mác-xít thiên tài. Trước khi viết kỹ về cuốn Chủ nghĩa Mác và vấn đề ngôn ngữ, Phan Khôi có đoạn dạo đầu ngắn:
Đối với cái chết của Đại nguyên soái Stalin, vấn đề đề ra trước mắt những người đang sống là: Chúng ta phải học tập Stalin, học tập đạo đức cách mạng và trí tuệ của ông, được cả càng hay, không thì được phần nào cũng hay phần ấy, đó là một đảm bảo vững chắc cho cuộc thắng lợi của chủ nghĩa xã hội, của Chủ nghĩa tân dân chủ.
Lê Đạt thì xuất hiện như một phóng viên, ghi lại không khí một nhà máy trong rừng khi nghe tin Stalin mất. Bài viết khoảng 3.000 chữ này kể chuyện cái chết của Stalin đã gợi lên niềm xúc động to lớn, từ đó đánh thức tinh thần lao động sáng tạo của cả một tập thể công nhân gang thép.
Xin phép mở một dấu ngoặc.
Ngoài các bài LiễuBài thơ tình ở Hàng Châu, Tế Hanh còn có bài thơ ngắn sau đây, viết trong đợt thăm Trung Quốc 1962. Tôi vẫn thường nhẩm lại mỗi khi nhớ tới đời sống tinh thần của chúng tôi những năm 1965 về trước.
Hồ Nam xe chạy không dừng bước 
Dãy núi cao liền dãy núi cao
Quê hương lãnh tụ mây thêu nắng
Thấy mặt trời lên nhớ bác Mao
Tôi muốn thầm nói với Tế Hanh: Anh không việc gì phải xấu hổ cả. Hồi ấy, bao nhiêu người nghĩ thế, chứ đâu phải riêng anh! 
Trở lại chuyện Tố Hữu.
Nếu có ai hỏi tôi thích bài nào của Tố Hữu nhất, tôi sẽ nói rằng đó là cụm mấy bài ông làm hồi đi tù, in trong phần Xiềng xích của tập Từ ấy.
Bài Nhớ đồng
Gì sâu bằng những trưa thương nhớ 
Hiu quạnh bên trong một tiếng hò
Bài Tiếng hát đi đầy
Hỡi những anh đầu đi trước đó
Biết chăng còn lắm bạn đi đầy
Những bài thơ này có cái giọng mà sau này không bao giờ Tố Hữu có nữa. Nhà thơ bơ vơ trong cảnh đơn độc ở núi rừng. Phải làm thơ, phải lấy thơ để tự khẳng định, thơ cất lên không để cho ai mà trước tiên để cho mình .
Những bài thơ viết khi người ta không biết mình sẽ sống hay chết như thế này,
tôi còn gặp một lần nữa trong thơ VN về sau, đó là tập Ánh sáng và phù sa.
Khi soạn tập thơ (1960), Chế Lan Viên chưa chuyển sang giai đoạn lựa ánh sáng trên đầu mà thay đổi sắc phù sa , như Xuân Sách sẽ viết.
Sinh thời, Tố Hữu hay nói, đại ý hãy coi ông là nhà cách mạng, sau đó mới là nhà thơ.
Như thế tức là ông cũng đã biết chỗ đứng của mình trong lịch sử.
Có điều không phải luôn luôn người ta làm được đúng như những điều người ta tự xác định.
Là một người hết sức nhạy cảm và sẵn có cả chất mệ của quê hương, ông thừa biết nhiều khi dân văn nghệ ca ngợi thơ ông vì ông là quan chức phụ trách người ta, nắm sinh mệnh của người ta.
Song nếu đủ sáng suốt để từ chối những lời nịnh bợ thường trực thì ông đã không còn là ông nữa.
Lẽ đời là vậy, lúc được được quá cái đáng được, thì lúc mất cũng mất quá cái đáng mất.
Nhưng về phần chúng ta, mỗi lần đả động đến ông, tôi nghĩ nên phân biệt đang nói về ông như một quan chức cao cấp hay nói về ông như một nhà thơ.
Khoảng năm 1973, Hà Nội có một triển lãm điêu khắc với ngôn ngữ khá hiện đại của Nguyễn Hải và Lê Công Thành. Chính Tố Hữu cũng rất thích — sang Hội nhà văn nghe ngóng về, Nguyễn Khải báo cho tôi biết tin vui đó. Nhưng rồi hóa ra chúng tôi mừng hụt. Mấy vị to hơn tới xem cho là không được. Và người ta lại thấy Tố Hữu cho truyền đi nhận định không thể tìm tòi kiểu ấy, mà hãy trở lại với thứ điêu khắc mô phỏng đời thường, kiểu Trần Văn Lắm!
Tức là cũng như chúng ta, Tố Hữu cũng có lúc phải làm ngược điều mình nghĩ.
Trước đó năm 1965, Nguyễn Thành Long bị nạn với bút ký Cái gốc. Bài ký cũng chẳng có chuyện gì đen tối lắm, chỉ tả phụ nữ trong chiến tranh quá nhếch nhác, nên bị Đảng đoàn Hội phụ nữ kêu.Theo chỗ tôi nhớ, lúc đầu Nguyễn Thành Long rất tự tin, vì Tố Hữu đã nhắn xuống tỏ ý bênh, “họ có Đảng đoàn thì mình cũng có Đảng đoàn chứ “( ý nói Đảng đoàn phụ nữ và Đảng đoàn văn nghệ– hai cấp tương đương nhau ). Thế nhưng bên phụ nữ kiện lên trên và cuối cùng văn nghệ thua, Cái gốc chung số phận với Tình rừng.
Nguyễn Khải kể khoảng năm 1963, có lần được dự một cuộc họp cùng bí thư tỉnh ủy các tỉnh đồng bằng do Tố Hữu chủ trì, chắc là bàn về công tác tuyên huấn. Trong lúc nghe mọi người thảo luận, bỗng Nguyễn Khải thấy Tố Hữu đang đi quanh thì dừng lại, ghé vào tai mình nói nhỏ:
— Chăc nhà văn nhìn cảnh này như một trò hề?!
Rồi ông lảng ngay, lên bàn chủ tịch, tiếp tục lo nốt các việc đang làm dở.
Cái lạ của các nhà văn sau 1945 là khi tính viết con người thời nay, chỉ hay viết về nhân vật quần chúng công nông. Còn những người kéo quần chúng đi, vẽ ra cái mẫu điển hình để quần chúng sống theo và nói chung chỉ có vai trò đơn giản là…lèo lái toàn bộ đời sống – những nhân vật quan chức nhân vật cán bộ kiểu ấy lại chả ai viết bao giờ.
Tôi đã phác qua một vài nét về Tố Hữu hồi ở Việt Bắc trong ghi chép về Nguyễn Đình Nghi.
Nhị Ca kể với tôi cái tình tiết sau đây: trong rừng, cạnh cơ quan, thường có những quán cà phê, anh em hay ra đấy đấu láo. Đang vui thì Tố Hữu đến. Thế là mọi người không ai bảo ai rút lui hết. Chỉ còn một người bao giờ cũng ngồi với Tố Hữu đến cùng. Là Hoài Thanh.
Cái công của Tố Hữu hồi ấy là giữ cho được anh em đi theo kháng chiến đến cùng không để họ trở về thành.
Những năm chiến tranh, thỉnh thoảng một số anh em viết trẻ chúng tôi cũng được gọi đi nghe Tố Hữu nói chuyện. Có một câu ông nói khiến tôi nhớ nhất và phải nói thực sợ nhất, đó là cái ý ông bảo sang nước ngoài thấy đời sống họ lạnh lùng lắm, về nước thấy đồng bào mình sống với nhau, ấm cúng hơn hẳn.
Ông cũng thường nói là nổi tiếng ở nước ngoài thì dễ, nổi tiếng ở trong nước mới khó .
Lại có lần khuyến khích lớp trẻ, ông bảo phải biết đấu tranh cho chân lý, khi cần phải cắn xé(!). May mà bọn tôi đã nghe nhiều về tính đồng bóng của ông, nên chẳng mấy cảm động, nhớ đâu hình như chính Xuân Quỳnh bảo rằng có mà ông cho ghè gẫy răng.
Tố Hữu quản cán bộ cấp dưới thế nào? Nguyễn Khải nhận xét có vẻ như càng những người bất tài và có khuyết điểm ông lại càng thích dùng. Những ông A ông B từng bị Tố Hữu mắng như tát nước vào mặt lại rất vững vàng trong vị trí của mình. Vì ông thừa biết loại đó bảo thế nào họ cũng phải nghe.
Bảo Định Giang, người phụ trách Hội Liên hiệp những năm ấy thường kể với mọi người ông Lành dọa sẽ lấy đầu nếu BĐG để một vài văn nghệ sĩ tiêu biểu lơ mơ ở Hà Nội rồi dính bom đạn.
Một lần, khoảng những năm trước 1980, tôi ngồi với Nguyễn Khải, Xuân Sách, cùng giở một số báo Tết. Khi ấy Tố Hữu đã đi phụ trách kinh tế, nhưng các số báo tết vẫn có bài của ông. Nguyễn Khải sát hạch tôi:
— Thằng Nhàn hãy thử bình một câu xem nào.
Tôi lúc đầu cũng chỉ biết nói như mọi người:
— Thế là được một nhà kinh tế mà mất một nhà thơ.
Nguyễn Khải gạt phắt đi:
— Không được.
Trong cơn bí, tôi phụt ra một ý mà trước đó tôi không hề nghĩ:
— Người làm ra những bài thơ như thế này thì chắc làm kinh tế cũng không ra gì!
Bấy giờ Nguyễn Khải mới cười, bảo ra tôi cũng bắt đầu biết rồi đấy.
Kim Lân có lần rủ rỉ bảo tôi chính Tố Hữu đã kể với tác giả Vợ nhặt rằng hồi nhỏ ông mắc bệnh mộng du. Có lần chui lên cả bàn thờ họ mà làm một giấc ngủ trưa.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: