Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Chủ Nhật, 9 tháng 11, 2014

Chuyện kể năm 2014


THĂM LẠI NHÀ TÙ XƯA

Sáng hôm nay, 8/11/2014, nhận được tin nhắn của anh Bùi Ngọc Tấn từ bệnh viện Việt-Tiệp Hải Phòng. Anh đang sống những ngày rất khó khăn của một người cao tuổi (năm nay anh cũng tròn 80 tuổi) mắc K phổi ở thời kỳ chỉ còn mong giảm được ít nào hay ít ấy sự đau đớn ngày đêm cắn xé cơ thể. Tin nhắn với bạn bè rằng, hôm nay là đúng 49 năm ngày anh bị bắt vì một tội vu vơ để bắt đầu chuỗi 5 năm “cải tạo không xét xử”. Tôi điện thoại thăm anh, bảo anh có viết gì ..nhân ngày này không? Thế là anh gửi cho một đoạn hồi ức… đi thăm lại mấy trại giam và trại cải tạo sau khi ra tù đã lâu và đã nổi tiếng thế giới nhờ cuốn “Truyện kể năm 2000” – cuốn tiểu thuyết “nhờ ơn” những trải nghiệm 5 năm ấy mà có. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc 
Hoàng Hưng
Bùi Ngọc Tấn
clip_image002[5]
Ảnh: Các bạn văn “nối khố” Nguyễn Xuân Khánh, Châu Diên, Dương Tường từ Hà Nội về thăm BNT đầu tháng 11/2014
… Tưởng như thế là đã thỏa mãn, là được hưởng sự ưu đãi của số phận, không còn ao ước gì hơn, nhưng vẫn còn một khao khát âm ỉ, dai dẳng, vẫn còn những nơi tôi ước ao được đến. Đúng hơn, được một lần trở lại. Nhất là những đêm của tuổi già trằn trọc, những đêm chờ trời sáng, những đêm làm tổng kết cuộc đời. Một thèm muốn, một khát khao như thèm muốn khát khao được trở lại mảnh sân, góc vườn thời thơ ấu: Ao ước được trở lại những trại giam, những nhà tù tôi đã sống. Ao ước lại một lần bước qua cổng sắt đóng mở nặng nề trại giam Trần Phú, tiếng bản lề rít lên như tiếng cuộc đời bị kẹp nát, được nhìn lại dẫy xà lim biệt giam Trần Phú, nơi tôi nếm những phút giây tù ngục đầu tiên, được nhìn thấy cánh rừng già âm u hăm doạ và những rặng núi đá lởm chởm Hoành Bồ, hay đến với những thung lũng vùng đất đồi trại Vĩnh Quang (những trại 75, trại Q. trại V. trong tiểu thuyết), băm băm xới xới những luống sắn lá héo nẫu mềm rũ như luộc trong nắng hè, thứ nắng hè làm chúng tôi cũng rũ xuống như lá sắn.
Khi viết CKN 2000 tôi khao khát được trở lại đó chỉ với mục đích sống lại cảm xúc, sống lại hồi ức, sống lại chi tiết. Để tất cả ập vào tôi, chàm vào tôi, nhuộm lại tôi, để những gì tôi đã quên, đã “vãi rơi đi” lại trở về với tôi.
Giờ đây không phải thế. Nó như một thứ bản năng. Những nơi ấy là một phần cuộc đời mình, đã góp phần hình thành mình cả về xương thịt lẫn tâm hồn, không thể thiếu, không thể tách rời. Càng về già, càng đến gần cái kết thúc tất yếu càng mong được một lần trở lại. Những nơi đã ninh nhừ quãng thời gian đẹp nhất, sung sức nhất, chín nhất của đời, một quãng thời gian để sống và thời gian để chết của tôi. Không phải quê hương, nhưng là một cõi, cõi mình trải qua một kiếp. Khi ta ở đất chỉ là đất ở. Khi ta đi đất bỗng hoá tâm hồn (1). Đất ấy cũng hóa tâm hồn hay sao mà cứ bám theo tôi, gọi tôi, rủ tôi gặp lại? Tâm hồn của những người bạn tù đã sống, đã chết, những Lỷ Xìn Cắm, Phạm Văn Giăng, Đỗ Lương, Hỉn Sán rồi già Hải, già Đô, hai ông già khiến tôi có một nhân vật văn học khó quên... Đất ấy cũng mang tiếng rì rầm của những buổi ngày xưa vọng nói về (2), của những năm tháng tra tấn mà mình nguyền rủa và giờ đây mới mong được sống lại làm sao vì dù thế nào cũng vẫn là tuổi trẻ của mình, đất mình bị đầy đọa, càng bị dày xéo quằn quại dưới gót sắt chuyên chính càng bùng lên khát vọng sống khát vọng tự do, đất luyện ngục định hình con người mình, cuộc đời mình, không chỉ thế, còn định hình cuộc đời vợ con mình nữa. Đất bắt rễ vào cuộc sống, vào thân thể, vào từng tế bào thần kinh từ đời nọ sang đời kia gọi là số phận.
Trong cuộc tìm lại thời gian đã mất của tuổi già, tôi không thể không nhớ đến các nhà tù. Những nơi ấy thường xuyên trở về như một ám ảnh tuyệt vọng: Làm thế nào để gặp lại nó lần nữa? Mỗi lần duyệt lại bản tổng kết cuộc đời, trong số biết bao hình ảnh, kỷ niệm, không bao giờ thiếu vắng những nhà tù như không bao giờ thiếu vắng những ngày thơ ấu. Những ngày thơ ấu không thể gặp lại nữa. Nhưng nhà tù, có thể gặp lại lắm chứ. Nó ở ngay đây thôi. Ngay Hải Phòng thôi. Đi dọc sông Lấp nay là hồ Tam Bạc là thấy nó. Tường đá cao vút. Dây thép gai chạy điện. Tôi bị nhốt ở một xà lim gần bệnh viện Việt-Tiệp. Bên này đường bên kia đường. Mùi xào nấu bếp bệnh viện không chỉ thơm nhức mũi, nhức dạ dầy mà còn nhức tim nữa. Nó nhắc tôi cuộc sống, gia đình, vợ con bố mẹ. Buổi sáng mở cửa xà lim khu biệt giam 76 đi đổ bô, nhìn những hạt mưa phơi phới rắc bụi trên những tầu lá chuối, những khóm cải cúc ven tường đọng thành những giọt tròn trong suốt lung linh, hiểu rằng xuân vẫn sang, lại sang, đang sang, xuân năm nay tươi và còn tươi mãi mãi mà ta đang chết dần dần(3). Buổi gọi đi lấy cung, bước qua đầu hồi khu biệt giam 76, chợt thấy một cây chanh nhỏ trổ những bông hoa xòe cánh trắng, những nụ hoa tím nhỏ, khựng lại như nhận một nhát dao giữa ngực. Đã hơn bốn mươi năm, hôm nay viết lại, nhận thêm nhát dao nữa. Ngày bất chợt gặp cây chanh nở hoa mùa xuân xà lim đầu tiên áy, bố mẹ còn sống, lụi cụi trong vườn, dưới gốc chanh mong con về. Hôm nay biến mất rồi, mảnh vườn, gốc chanh, bố mẹ...
Khao khát làm sao vào được sân xê rom, nơi có 5 (?) cánh cửa dẫn tới 5 (?) nhánh xà lim. Nơi vẫn qua mỗi sáng để đi đổ bô và mỗi tháng một lần ra nhận đồ tiếp tế. Mang túi đồ tiếp tế vào xà lim, lần giở gói vừng, gói thuốc lào, gói bích quy, mấy chiếc bánh mì mà nghĩ đến bàn tay vợ đã đặt vào những món quà này, những mối dây buộc này và đây là bao nhiêu dành dụm, bao nhiêu xót thương của bố mẹ, các anh chị, vợ con...
Hồi tưởng không bao giờ hết. Mong ước không bao giờ ngừng. Cho nên thật bất ngờ làm sao khi nhận được điện thoại của Đoàn Duy Trọng:
-Anh có muốn vào thăm lại Trần Phú không?
Tôi như không tin ở tai mình:
-Em nói gì?
Tôi chưa một lần thổ lộ khao khát ấy của tôi với Trọng. Nên chưa hiểu ngay điều Trọng nói.
-Vào thăm lại trại giam Trần Phú ấy.
Tôi reo lên:
-Bao giờ?
-Bây giờ, anh chuẩn bị đi ngay với em.
Niềm vui quá lớn. Tất cả sắp trở thành hiện thực. Khao khát bấy lâu nay!
Trọng là con trai ông Đoàn Duy Thành, nguyên bí thư thành ủy Hải Phòng, phó Thủ tướng chính phủ. Cả hai đều là bạn đọc của tôi.
Tôi và Trọng nói với nhau nhiều chuyện nhưng chưa bao giơ tôi thổ lộ cùng anh nguyện vọng thăm lại các nhà tù. Tuy nhiên anh vẫn hiểu.
Tôi vội thay quần áo, xuống nhà, bước ra hè phố với bao niềm vui và hồi hộp. Trọng đã ngồi trong ô tô đậu ngay trước ngõ. Đang dở nói điện thoại, anh chỉ gật đầu chào tôi. Khi tôi lên xe, anh bảo:
-Em vừa nói chuyện với tay giám thị. Nó không ở Trần Phú nữa mà đã sang bên Gốc Thị rồi. Ta sang Gốc Thị anh nhé.
Tôi hơi hẫng. Đã tưởng mình được vào Trần Phú, gặp lại cái lối đi nhỏ từ khu 175 sang khu 176, gặp lại Bê Dê (Buồng D), gặp lại những bể nước khổng lồ cho tù sáng ra làm vệ sinh, giặt giũ, và cái sân rợp bóng lá bàng. Cái sân hồi còn giam xà lim 175 tôi đã đu người lên dóng song sắt bẻ một nan chớp cửa thông hơi, nhìn xuống sân thấy anh tù động kinh mà tôi đã viết trong CKN 2000. ở sân này còn một chuyện nữa tôi chưa viết nhưng nó đã làm tôi buồn không biết bao nhiêu. Cái sân hôm ấy khác hẳn những hôm khác: Gỗ, cầu bào, phoi bào, mùn cưa đã được dọn sạch. Sân trại vắng vẻ im lặng. Không có tiếng cưa đục, tiếng tù vừa làm việc vừa nói chuyện. Một biểu hiện khác thường. Rồi nguyên nhân của sự bất thường ấy đã xuất hiện: Một tốp gần chục ông công an mặc sắc phục đang từ sân xê rom bước ra. Đi đầu là ông đại uý chánh giám thị và một người mặc thường phục. Tôi không tin ở mắt mình: Nhà văn G, vị khách được đón tiếp long trọng đang đi chậm bước ở hàng đầu song song với ông đại uý, nhìn bên nọ, ngó bên kia, trong khi ông chánh giám thị đang nói và giơ tay chỉ trỏ như một hướng dẫn viên du lịch, theo sau là những ông quản giáo. Tôi hiểu nỗi xúc động của nhà văn G. Anh đang bước vào một địa hạt bí mật, một địa hạt thiêng liêng: Giam giữ và cải tạo con người. Nơi đây những người xấu xa, nguy hại cho sự nghiệp cách mạng đang trở thành những người tốt. Tôi cũng đã từng tin như vậy: Tôi đã viết trong một bản tự khai khi mới bị bắt vào Trần Phú về tính ưu việt, nhân đạo của chế độ: Đến con cái bọn bóc lột, chúng ta cũng giúp đỡ, cải tạo họ để họ trở thành những người tốt như chúng ta(!!!)
Cánh tay đu vào dóng sắt mỏi rời, nhưng không thể tụt xuống. Tôi muốn nhìn nét mặt trang trọng cao cả của đoàn người đi ngoài sân kia, nhất là vẻ xúc động của anh G. Xem cho kỹ, nghe cho kỹ rồi về viết nhé. Một Bài ca sư phạm, một Những ngọn cờ trên tháp (4) đang đợi anh viết ra, Makarenkô của Việt Nam ạ. G là người tôi quen khi tôi còn làm ở Hà Nội. Anh có một tập tiểu thuyết mỏng in từ cuối những năm 50, được nhiều người đọc, trở thành nổi tiếng, và càng nổi tiếng hơn khi có người kiện anh, nói rằng chính anh ta mới là tác giả. Chẳng biết ai đúng ai sai, nhưng sau đó anh chuyển về Hải Phòng. Từ ấy không thấy anh viết lách gì nữa. Mà chuyên đi nói chuyện, giới thiệu các “sáng tác” người thực việc thực. Anh đã đi nhiều nơi tại Hải Phòng đăng đàn diễn thuyết về tập “Người gác đèn biển” viết về anh hùng lao động Phùng Văn Bằng của tôi. Với tác phong cẩn thận chu đáo, anh đến báo Hải Phòng gặp tôi, đưa tập đề cương cho tôi xem, cả một thếp giấy với những dàn ý, những bối cảnh, những chủ đề từng đoạn, những phát triển bài viết của tôi, để tôi góp ý, còn tôi thì xấu hổ đỏ mặt lên vì thứ văn chương tổ đội của mình lại được một người bạn hơn tuổi coi trọng và làm việc với mình cẩn thận đến thế:
-Bác ơi. Tôi hoàn toàn tín nhiệm bác. Bác cứ theo ý bác mà làm...
Những bước chân chậm rãi, nét mặt trang nghiêm như đang bước trên một hành tinh khác của G tiến gần tới xà lim của tôi. Tôi vội buông tay, tụt xuống. Từ dưới nhìn lên, họ có thể thấy tôi qua nan chớp bị bẻ.
Tôi nằm xuống ván lim. Rã rời. Thế đấy. Người sống chết với văn chương thì bị nhốt xà lim. Người không viết được, người làm chỉ điểm thì được đón tiếp long trọng như những vị khách quý. Ngay lúc ấy tôi đã nghĩ anh bạn G làm chỉ điểm mà cách gọi nhẹ hơn là “đặc tình”. Khi bắt tôi, không khí khủng bố ở Hà Nội, Hải Phòng đã lên tới cao điểm. Văn nghệ sĩ là một lũ đáng ngờ. Phải đặc biệt cảnh giác và theo dõi chặt chẽ.
Thế nhưng G lại được đón tiếp rất trọng thị. Được đến những nơi không ai có thể đến. Sự quản chế những tù nhân chưa thành án là rất ngặt nghèo, không thể vượt quá qui định, vượt qua nguyên tắc nếu không có một sự đối xử đặc biệt nào đó. Khi đi Gốc Thị với Đoàn Duy Trọng, tôi càng tin việc anh G được tới Trần Phú không thể là chuyện bình thường của một nhà văn đi thực tế.
Trọng lái xe đưa tôi sang trại Gốc Thị Kiến An. Đại tá chánh giám thị trại tạm giam Hải Phòng đang ngồi cùng với một người khách là Việt kiều chờ chúng tôi ở “nhà thuỷ tạ” ngay cổng trại. Ông còn rất trẻ, trạc tuổi con lớn của tôi nhưng đã mang hàm đại tá. Trên xe, Trọng đã nói với tôi cái cách anh giới thiệu tôi và anh đã thực hiện đúng như vậy:
-Giới thiệu với bác: Đây là anh T, chánh giám thị trại giam Hải Phòng. Giới thiệu với anh T: Đây là ông bác tôi mới ở quê ra.
Chúng tôi ngồi trên sàn nhà làm ngay trên mặt hồ. Trên đầu tôi, chung quanh tôi toàn phong lan là phong lan. Hàng trăm bông phong lan từ chỗ chúng tôi ngồi chạy ra phía đầu hồ nước. Những chùm hoa phong lan như những đàn bướm nối nhau nằm im lặng ngủ trong tán lá. Và những cây lộc vừng cổ thụ quý hiếm, mốt ăn chơi thời thượng, được đưa thẳng từ rừng già về đã bén rễ, đâm chồi, tỏa tán lá xanh non. Bên cạnh chúng tôi là ao cá mênh mông. Cá đớp ngay bên cạnh, cá đớp dưới sàn. Cá nổi trên mặt nước uốn lượn. Tôi khen cơ ngơi đẹp như tranh của ông giám thị mà bụng nghĩ: Không biết bao nhiêu mồ hôi của cánh phạm đã đổ để có được cảnh tiên này. Ông giám thị tươi cười:
-Tất cả những thứ này là mới có mấy năm nay thôi bác ạ, từ khi cháu về làm giám thị.
Ông kể lai lịch từng cây cổ thụ, lai lịch từng khu phong lan một cách đầy hào hứng. Ông gọi tên một người. Một anh tù bước tới đem bia đến. Nhìn dáng vẻ sợ sệt, đôi mắt luôn cụp xuống, không dám nhìn ai của anh, tôi không thể không nghĩ đến thân phận mình ngày trước và cảm thấy ngượng trước sự khúm núm của anh. Nhưng sau đó lại nghĩ ngay: Anh bạn này trúng số độc đắc. Phải là con nhà. Hoặc phải rất nhiều đạn mới được làm công việc thơm như thế này. Được là tù tự giác. Được bán tự do. Không phải đi lao động theo toán. Không phải làm công việc nặng nhọc. Và chắc chắn no!
Trọng giúp tôi, đề nghị với ông giám thị cho phép “ông bác” anh được vào trong trại tham quan. Anh làm ra bộ ngây thơ: Ông bác tôi từ lúc bước chân lên xe tới đây chỉ ao ước được vào tham quan trong trại một tý...
Ông T. ôn tồn giải thích cho tôi và Trọng nghe nguyên tắc tuyệt đối không cho người không có trách nhiệm vào khu giam giữ phạm nhân. Và nói với chúng tôi về những gì bên trong bốn bức tường quây kín cả một khu mênh mông kia mà lâu ngày tôi chỉ còn nhớ là phòng giam nào cũng có ti vi...
Tôi nói:
-Trại Gốc Thị, trước đây cứ nghe nói trại Gốc Thị Kiến An, hôm nay tôi mới được thấy.
Ông giám thị chỉ ra một gốc cây ở giữa sân được xây quây chung quanh vuông vắn, có đặt nhiều bát hương:
-Gọi là trại Gốc Thị vì ngoài cổng trại có cây thị bác ạ. Gốc nó còn đấy.
Câu chuyện đang dở dang thì có mấy phụ nữ đến, trong đó có một người đã tới nhà tôi.
-Cháu chào bác ạ.
Chị N người có công việc giao dịch với Hải Yến con gái tôi cách nay hai chục năm khi Hải Yến còn công tác ở Hải Phòng, con dâu một người bạn của vợ tôi. Cứ nghe cung cách N nói chuyện với ông giám thị thì biết rằng họ rất thân nhau. Thật lạ. Sao N lại quen biết cả những người trong cơ quan chuyên chính, không dính dáng gì đến việc làm kinh tế của mình như ông T nhỉ. Mà lại thân mật thế. Có cái gì chung giữa họ đâu? Hay có cái chung mà mình không biết? Có vẻ như N thuộc loại có thể quen và thân với bất kỳ ai cần thân quen. Có một số người như vậy. Quen được với tất cả.
Tôi xin phép chủ nhân đứng dậy đi tham quan phía ngoài trại giam và được ông vui vẻ đồng ý. Vẫn chỉ là những bức tường cao vút, và những bốt gác nhô lên ở những góc trại, vẫn là cánh cổng sắt khép chặt mà tôi cố nhìn vào bên trong nhưng chỉ thấy những bức tường im lặng. Tôi tần ngần nhìn ngắm gốc cây thị được xây gạch quây tròn xung quanh, bên trên xếp kín bát hương, những chứng nhân của biết bao đau khổ chia lìa, chết chóc.
Bỗng một hồi kẻng vang lên. Tiếng kẻng trong vắt ngân nga quen thuộc. Tôi hiểu ngay đó là kẻng gì. Đã tan tầm. Buổi lao động khổ sai đã chấm dứt. Tiếng kẻng đã bao lần giữa rừng sâu rã rời cả phần xác lẫn phần hồn, tôi chờ đợi nó cất lên. Để tự động viên đã vượt qua được một ngày. Và chuẩn bị đón một đêm, chuẩn bị vượt qua một đêm. Cho dù một ngày đêm qua đi chẳng có ý nghĩa gì với bọn tù tập trung cải tạo không án chúng tôi. Cũng giống khi viết văn trước đây, mong viết kín một tờ pơ luya dù nó mỏng dính chẳng có mấy ý nghĩa đối với một quyển tiểu thuyết, nhưng nhiều tờ pơ luya xếp lên nhau sẽ có một chiều dầy, chiều dầy ấy động viên tôi; trong tù, bọn án cao su chúng tôi cũng tự động viên: nhiều ngày đêm sẽ thành một chục ngày, nhiều chục ngày sẽ thành một trăm ngày, nhiều trăm ngày sẽ thành một nghìn ngày, nhiều nghìn ngày có thể sẽ thành một điều để các ông ấy bỗng nhiên nghĩ tới mình: ờ cái thằng ấy tù cũng lâu rồi nhỉ…
Hôm nay tôi không chờ nữa, đã quên rồi tiếng kẻng bám vào cuộc đời ấy. Nhưng nghe tiếng kẻng tôi nhớ lại và chờ đợi. Nhìn về phía cổng trại giam chờ đợi. Và tôi đã thấy. Từ lối đi phía bên phải cổng trại, khuất sau một hàng cây, một toán người xuất hiện. Tất cả mặc quần áo kẻ sọc. Nền kinh tế của ta đã khá lên rồi! Không như chúng tôi ngày xưa nữa. Tù được mặc quần áo sọc, loại pyjama cổ điển. (Thời tôi còn ở xà lim Trần Phú, chỉ có Độ và những tù mang án tử hình mới có quần áo sọc. Ngày xử án, Độ phải cho mượn bộ cánh ấy, “trong xà lim Độ đánh độc một cái quần đùi, ngồi như một con cóc cụ”.) Một đám tôi ngày trước hết giờ lao động được về trại. Không biết họ làm gì. Đi lao động ngoài trại chắc là chăn nuôi trồng trọt gì đấy thôi. Thì ra dáng đi của người tù thời nào, ở đâu cũng giống nhau. Họ đi hệt chúng tôi đi non nửa thế kỷ trước. Kéo lê từng bước như kéo lê cuộc sống. Lẽ ra họ phải phấn khởi mới đúng chứ. Tù Gốc Thị, tù Trần Phú là trúng số rồi! Gạo trắng nước trong. Không phải đến những nơi khỉ ho cò gáy, rừng thiêng nước độc. Nhà thường xuyên tiếp tế. Hẳn phải mất khá đạn mới được tù ở đây.
Tôi trở về “nhà thuỷ tạ” và nhận ở ông giám thị một thái độ khác hẳn. Không còn vẻ lịch sự tôn trọng của một người tiếp đón ông bác của bạn mình, anh của phó thủ tướng nữa. Vẫn ngồi nguyên một chỗ, ông khinh khỉnh nhìn tôi một lượt từ đầu đến chân. Một cái nhìn giễu cợt kéo dài không che giấu, đắc thắng vì đã lật tẩy được chân tướng một kẻ bịp bợm. Cái nhìn của người thợ săn nhìn con mồi thoát khỏi tay mình, nhởn nhơ ngoài tầm súng. Rồi nhếch mép cười với một vẻ rất bề trên, nụ cười của ông chánh giám thị nhìn một kẻ từng phạm pháp, từng bị đi tù, khoảng cách giữa hai người là vời vợi nghìn trùng:
-Bùi Ngọc Tấn...
Và gật gù:
-Chuyện kể năm 2000.
Rồi:
-Từng trải đấy.
Ngừng một lát, lại tiếp:
-Nhưng phải thay đổi tư duy đi.
Tôi hiểu rằng mình đã bị lộ chân tướng. “Lộ miêu và Duy liên” như chúng tôi vẫn nói với nhau khi còn ở báo Tiền Phong, một cách gọi phim Rô mê ô và Giuy li ét thời mới tiếp quản. Tôi đã trở về với vị trí của tôi, trong cái nấc thang cuối cùng của xã hội. Một phó người. Hơn thế, một phó người man trá. Biết đã đặt Trọng vào một tình thế khó xử, tôi không dám nhìn sang anh nữa. Ông đại tá giám thị trẻ nhắc đi nhắc lại một cách rất bề trên câu: Thay đổi tư duy đi. Tôi cảm thấy mình bị xúc phạm nhưng cố giữ im lặng. Đây không phải là lúc dành cho một cuộc đối thoại giữa tôi và chính quyền, giữa một kẻ bị bắt oan bị đày ải suốt đời với một người chuyên nghề chuyên chính, nhốt giam người. Thay đổi tư duy nghĩa là thay đổi cái gì? Nếu nội dung tư duy tôi phải thay đổi là nơi ban giám thị nhà giam làm việc và tiếp khách giờ đây đầy hoa phong lan và phạm nhân được mặc quần áo kẻ sọc thì đúng nhưng đấy chỉ là sự thay đổi bề ngoài. Còn bên trong nó? Rộng hơn nữa là việc thực thi luật pháp, việc thi hành án. Gần nửa thế kỷ đã qua kể từ ngày tôi bị bắt, sinh hoạt nhà tù nhất định khác trước hiểu theo cả hai nghĩa xấu hơn và tốt hơn, nhưng tôi tin chắc rằng nhà tù hôm nay vẫn là nơi giam cầm đầy đoạ làm cho con người khiếp sợ với bao điều khủng khiếp mà ai bước vào đó vĩnh viễn không thoát khỏi nó. Vẫn còn đó nguyên vẹn nỗi đau khổ của người bị mất tự do một cách oan ức. Vẫn còn đó và còn nhiều hơn trước sự bất bình đẳng trước pháp luật, sức mạnh của đồng tiền trong xét xử, giam cầm, vẫn còn đó sự bất công tàn bạo trong việc quất lên đời người những ngọn roi sắt chuyên chính của chế độ toàn trị... Nhưng điều làm tôi thấy bị xúc phạm không hẳn là nội dung câu nói của ông (ai mà chẳng phải đổi mới trong suy nghĩ để bắt kịp cuộc sống). Mà nằm trong cách nói đầy tự tin rằng mình đã thay đổi tận gốc chế độ nhà tù, nhất là giọng nói rất mệnh lệnh, rất quản giáo, rất giám thị của ông ta. Nhưng thôi, không cãi nhau ở đây. Mình là khách, lại còn Trọng nữa. Hẳn là cái chị N có đến nhà tôi vài lần đang bia bọt cười nói trước mặt tôi đã nói với ông giám thị về tôi.
Ngay lúc ấy tôi chỉ muốn lên xe ra về nhưng còn Trọng. Và kìa thức ăn đã được đưa lên. Những anh tù phục vụ cúi đầu thu cái nhìn không quá phạm vi bàn chân mình. Rượu, bia đã được rót. Chúng tôi chạm cốc. Những người quanh bàn tiệc nhìn tôi như nhìn một kẻ lừa đảo đã bị vạch mặt. Tôi có cảm giác mình đã ngồi nhầm chỗ mà vì lí do nào đấy, ông chánh giám thị rộng lượng bao dung. Còn cái cô N cùng đám phụ nữ bạn của ông giám thị thì vẫn chuốc bia nhau rất sành điệu. Một lần nữa tôi ngạc nhiên và bất ngờ trước sự giao tiếp rộng của họ. Bởi con gái tôi không có đứa nào như vậy.
Khi lên xe ra về, rõ ràng chúng tôi đã thoát được một tình thế lố bịch. Trọng bảo:
-Lúc bác đi quanh sân Gốc Thị thì cái cô quen bác cùng với tay T đi về phía đầu ao cá, rồi lại trở lại. Chứ khi em ngồi ở đấy không thấy ai nói gì về bác cả.
Cuộc đi thăm Trần Phú thất bại, hay nói cho đúng hơn, chỉ đạt số phần trăm kết quả rất ít.
Nhưng chuyến đi thăm trại Q. thì vượt mong đợi. Tất cả là nhờ cô Vũ Thị Hải, người đại uý công an đã đến thăm tôi lần đầu tiên khi CKN 2000 vừa bị thu hồi tiêu huỷ cùng với hai quả dứa, một túi cam và cứ ân hận mãi là bà bán hàng hết dứa nên không mua được mười quả dứa cho tôi (để đúng với số lượng dứa tôi đã tạt trong tiểu thuyết). Sau khi thăm tôi lần ấy, cô đại uý công an thường lui tới nhà tôi, vợ chồng tôi coi cô như một người em gái. Hải sinh năm 1969, bằng tuổi cậu con trai út của tôi sinh khi tôi đã vào tù. Hải thân với tôi, gọi vợ chồng tôi bằng anh chị và khi thấy mọi người ngạc nhiên, Hải cười: “Anh Tấn hỏi mình mẹ em bao nhiêu tuổi, mình trả lời mẹ em kém anh ba tuổi.” Rồi cười vang.
Tôi rất quý Hải. Cô đã ra khỏi ngành công an, về làm phóng viên báo Văn Nghệ Trẻ rôì phóng viên báo Nông Thôn Ngày Nay và là sát thủ của các quan tham, những chuyên gia “ăn đất”. Vụ tham ô đất Đồ Sơn bị phanh phui từng làm xôn xao dư luận của cả nước có đóng góp rất lớn của Vũ Thị Hải. Không chỉ vụ đất Đồ Sơn, còn vụ đất Kiến An, rồi vụ đất Quán Nam... Đất (cũng như chữ) vốn dĩ không biết nói. Đất chỉ ngậm máu, ngậm mồ hôi, đón nhận xương thịt tổ tiên cha ông chúng ta đã mở mang, khai phá. Đất thấm máu và nhận thịt xương các liệt sĩ đã giữ từng tấc đất của cha ông. Đất đời đời im lặng, và đã có biết bao quan tham mọi nơi mọi chỗ, mọi cấp mọi ngành luôn mồm ăn đất và luôn mồm rao giảng về sự thiêng liêng của Đất, về truyền thống, về mồ hôi xương máu thấm đẫm từng xăng ti mét đất đai Tổ Quốc. Năm 2005 Vũ Thị Hải là nhà báo nổi tiếng nhất trong năm và được chương trình “Người đương thời” của truyền hình Việt Nam mời lên ghi và phát hình. Hàng triệu khán giả, những người chỉ đọc chị, nghe nói đến chị đã được trực tiếp nhìn chị và nghe chị trên màn ảnh nhỏ.
Tôi đã nhiều lần “khai báo” với Hải:
-Làm sao về được những nơi anh đã lang thang nhỉ? Trước khi chết thế nào anh cũng phải tìm cách trở lại những nơi ấy.
Hải hứa sẽ giúp tôi và đã thực hiện lời hứa đó.
Cuối năm 2006, một người bạn đã cho Hải mượn một chiếc xe bốn chỗ kể cả lái xe và ba chúng tôi, nghĩa là tôi, Hải và nhà thơ Vũ Thị Huyền lên đường đến trại Hoành Bồ, trại QN trong tiểu thuyết. Chúng tôi thẳng tiến về hướng Đông Bắc và dừng xe dọc đường, ăn sáng, uống cà phê đá Huyền mang theo. Tôi chỉ nhớ được một địa danh để hỏi thăm đường: Trại Đồng Vải. Vì trại đặt tại xã Đồng Vải nên còn có tên gọi như vậy.
Trên đường tới Đồng Vải có một cái tên quan trọng khác: Trới. Hình như đây là huyện lỵ của Hoành Bồ. Tôi đã nghe vợ tôi nhiều lần nhắc tới địa danh này trong những lần “hồi ký cách mạng” về những chuyến lên thăm tôi. Và tôi cũng đã một lần từ Đồng Vải đến Trới, khi chúng tôi đi gánh than trong rừng đổ lên ô tô để chở về trại.
Vậy là xe chúng tôi cứ bon bon tới Trới, một địa danh khá phổ cập.
Chẳng biết cái thị trấn Trới thời tôi đi tù như thế nào nhưng bây giờ nó đã được ngói hoá, bê tông hoá, có nhà nghỉ, có khách sạn, có quán ka ra ô kê, có nhiều biển quảng cáo và nhiều xe máy, xe ô tô đi lại trên đường nhựa. Một chiếc cầu bê tông bắc ngang qua sông Trới, một dòng sông nhỏ trôi xuôi.
Nơi đây xưa kia là bến đò vợ tôi phải vượt qua mỗi lần lên trại thăm tôi. Vác chiếc xe đạp poóc ba ga nặng trĩu đồ tiếp tế, lội qua bãi phù sa vì nước ròng, con thuyền đỗ ghếch lên mép nước mãi xa, vợ tôi dưới bãi, ông lái đò trên thuyền cúi đỡ chiếc xe đạp lệch một bên vai nàng khi ấy mới ba mươi tuổi, đặt nằm trong lòng thuyền, rồi sau đó nắm chặt tay vợ tôi để vợ tôi đu lên, bàn chân bết phù sa trơn loạng choạng trượt trên ván thuyền. Sang bờ bên kia. Lại lội lại vác. Mặt trời chiều đã khuất sau rừng. Trời tối dần. Ông lái đò biết vợ tôi đang đến chốn nào, động viên: “Đạp nhanh không tối đấy.”
Tôi chưa đi đò Trới. Chưa vượt qua sông Trới. Cái hôm đi gánh than ấy, chúng tôi được ra bờ sông Trới rửa mặt mũi chân tay. Dòng sông vẫn như hôm nay nhưng ngày ấy với chúng tôi là bao la, là mênh mông, là vô tận. Trời. Chiều. Mây. Gió. Nước. Suốt một ngày cuốc, xúc, gánh trong rừng âm u không một gợn gió, làm việc thở ra mang tai, gánh than kéo mình xuống dốc phăng phăng, thấy gốc cây bị chém vát nhọn, vẫn cứ quăng chân vào, không tránh được. Mồ hôi. Muỗi đói. Ruồi vàng... Thế rồi là dòng sông mênh mông. Khoảng không cao rộng trời xanh choáng váng. Nhìn xuôi dòng típ tắp chân trời. Lội trên phù sa xoai xoải. Cho nước ngập đến gối, cho sóng ôm lấy bắp chân, cho sóng vỗ quanh đùi. Cho ngón chân bấm xuống, tận hưởng cảm giác mình ngâm trong nước mát, mình mọc lên từ bùn đất phù sa. Chưa hết. Trên đường về trại, một đồi sim ương ương bất ngờ hiện ra. Tất cả lao vào. Vặt. Nhai. Nuốt. Vừa vặt vừa kêu: “Vàng bò!” Khắp đồi vang lên những tiếng hò reo phấn khởi “vàng bò!” Đúng là sim chưa chín, mới vàng bò.
Xe qua cầu và dừng lại. Để tôi đứng trên cầu chụp ảnh. Chụp ảnh nơi xa nhất tôi đã đi tới trong những ngày lao lý, nơi vợ tôi đã vượt qua trong những chuyến tiếp tế cho tôi. Hải, Huyền cùng chụp ảnh với tôi. Kỷ niệm của tôi cũng là kỷ niệm của hai em.
Xe lại đi. Đường nhựa mới làm rộng và phẳng. Thỉnh thoảng lại dừng lại hỏi những quán bên đường. Tất cả đều trả lời: Trại Đồng Vải vẫn còn (tôi chỉ lo người ta đã chuyển trại đi đâu đấy để xây dựng khu kinh tế).
Cách đây ba năm đã một lần tôi tưởng được gặp lại trại Đồng Vải. Một người bạn đã lái xe ô tô định đưa tôi về đó. Tôi đã đứng bên này cầu nhìn sang bên kia cầu Trới. Đang là mùa mưa. Bên kia cầu là bùn lầy, một con lạc đà sa xuống đó cũng biến mất tăm theo cách nói của T. Ai ma tốp (1). Hôm nay một con đường nhựa mới mở với bốn làn đường xe chạy. Tôi đã trông thấy rừng. Rừng “nhấp nhô uyển chuyển giăng hàng” gói trong lòng nó biết bao nỗi niềm, bao tâm sự. Rừng vĩ đại im lặng không đe doạ tôi nữa mà đang chờ gặp lại tôi để chuyện cùng tôi. Rừng che bộ đội rừng vây quân thù (2). Rừng đã che tôi suốt tuổi thiếu niên, tuổi trưởng thành thời chín năm chống Pháp và rừng đã vây tôi sau đó, khi tôi mới ngoài ba mươi tuổi, thời gian sung sức nhất, thời gian đam mê sống, mỗi giọt máu trong người đều căng tràn tình yêu lứa đôi, tình yêu cuộc sống và lòng quyết tâm thực hiện mơ ước của đời mình.
Nhưng tôi vẫn chưa nhận ra rừng của tôi. Rừng để sống và rừng để chết của tôi!
Gần bốn mươi năm trước, lần đầu tiên từ Trần Phú về đây trên một thùng xe vải bạt che kín, nào nhìn thấy gì đâu bốn chung quanh. Chỉ có bụi đất đỏ cuộn lên phía sau xe, bám vào quần áo đầu tóc, mặt mũi. Và khi tới trại, nhận buồng, đặt nội vụ xong tôi được quẩy đôi thùng làm bằng gỗ thông ngược ra ngoài trại, xuống suối gánh nước về cho anh em rửa mặt. Thật là một đặc ân. Sau một chuyến đi dài, được ngâm chân dưới suối, rửa sạch chân tay, vốc nước suối mát lạnh lên cổ lên mặt đầy bụi mới dễ chịu làm sao. Nhưng khi gánh trên vai hai thùng nước leo ngược dốc trại, loạng choạng run bắn, nhiều lúc muốn khuỵu xuống. Ngơ ngác tự hỏi vì sao, hai thùng nước này mình vẫn gánh chạy băng băng mà không biết rằng một năm rưỡi xà lim đã làm cơ bắp gân cốt nhão ra rồi.
Ngồi trên thùng xe phủ vải bạt không nhìn thấy chung quanh nhưng chắc chắn có một con đường đất đỏ, hai bên là cỏ may ngay dưới bánh xe lăn. Hôm gánh than gần Trới tôi đã đi và về trên con đường ấy. Khi được di lí về Trần Phú, tưởng sẽ được tha, ngồi ở thùng xe com măng ca Ru ma ni đít vuông, lại nhìn thấy những hàng cỏ may ven đường. Giờ đây tất cả là đường nhựa. Con đường nhựa này chạy đến đâu? Không thể nào từ trại tới Trới lại xa như thế. Hỏi. Dừng xe lại hỏi. Hỏi những người phá đá, xay đá ven đường. Hỏi ô tô công an biển số Hà Nội đi ngược chiều. Cuối cùng tìm thấy lối rẽ. Một lối rẽ nhỏ, bình thường ít ai để ý. Lộ ra con đường rất hẹp. Rải đá. Có hai vệt nhẵn dành cho người đi và xe lăn bánh. Hai bên là cỏ may. Đúng con đường mình vẫn nghĩ về nó. Nhưng sao không thấy núi đá bên trái, nơi toán lò vôi vẫn làm việc. Dòng suối sâu bên phải có lẽ là đây. Sao suối nhỏ thế, lòng suối sâu và cạn thế? Đúng rồi! Đúng là mình đang trở lại chốn xưa rồi! Dưới lòng con suối cạn vắng vẻ và bẩn thỉu bỗng hiện ra hơn chục người đàn ông đang trần truồng tắm. Chỉ có thể là một toán hết thời gian lao động, tắm rửa trước khi về trại. Chỉ “chúng tôi” mới tắm ở con suối cạn tới đáy này, mới trần truồng chen chúc ở một nơi hoang vắng như vậy.
Tôi reo lên, chỉ tay xuống suối:
-Ta đây rồi!!
Và bảo hai cô bạn:
-Chính hắn đấy. Các em đừng ló mặt ra. Bọn hắn trông thấy, lên đuổi là không thoát được đâu.
Nói vậy. Để tự trấn tĩnh mình. Mong ước của tôi đang thành sự thật. Bao nhiêu kỷ niệm ập đến đè lên tôi. Tôi vừa nhận ra vừa không nhận ra mảnh đất đã đầy đoạ tôi. Tất cả như một nơi hoang dại. Không có dấu vết của sự sống. Không còn ngọn núi đá bên này suối, nơi toán lò vôi vẫn xô thùng búa làm việc. Tôi bỗng nhớ đến Nguyên còn rát trẻ, tập trung hình sự, toán lò vôi, bị tai nạn khi nổ mìn phá đá hỏng một bên mắt, con mắt bị lép khiến khuôn mặt anh trông mới kỳ dị làm sao. Rồi nghĩ đến Lỷ Xìn Cắm, khi trên xe đưa mắt tìm cái nghĩa địa tù bên suối. Không còn. Nói chung chẳng còn gì cả. Cả nhà gặp mặt, nhà hạnh phúc, nơi tôi đã được gặp vợ 24 tiếng. Dòng suối cũng sâu thế này. Hai vợ chồng tôi kẻ trước người sau, lần từng bậc xuống suối, rửa rau vo gạo. Được nhìn người vợ nhỏ bé, hiền thục và đau khổ của mình chuẩn bị bữa cơm, rồi nhặt nhạnh củi nhóm lửa trong bếp, giữa rừng già, ngồi sát bên nhau, ôm nhau nghe lửa reo, chờ cơm chín, rau sôi... Hạnh phúc đơn sơ làm sao, mong manh làm sao và đau đớn biết bao!
Xe đỗ ở cuối “con đường cỏ may”. Cạnh đó là chiếc cầu bê tông gẫy. Nối với “con đường cỏ may” là con đường mòn ven suối quanh co khuất sau rừng.
Tôi đã nhận ra! Tôi đã nhận ra tất cả! Dù đổi thay, dù đã gần bốn mươi năm, tôi đã nhận ra tất cả. Đúng. Đất này là đất của tôi. Trên đất này tôi đã từng chết trong khi sống.
Chúng tôi xuống xe. Tôi bảo Hải, Huyền:
-Chính xác đây rồi các em ạ.
Tôi đứng nhìn bao quát bốn chung quanh và khẳng định lại một lần nữa điều mình đã khẳng định. Nhưng tất cả đều như nhỏ lại. Núi thấp hơn, rừng bớt thâm u hơn. Suối không còn là suối mà chỉ là rãnh nước đầy rêu. Chúng tôi đi làm qua cái cầu xi măng này, một cái cầu xi măng cốt thép mà đổ gục xuống suối, thế đấy. Chẳng cái gì chịu được thời gian. Sáng sáng chúng tôi vẫn qua chiếc cầu này để đi làm. Vậy là vườn rau nơi toán tăng gia chúng tôi suốt ngày lê la nhổ cỏ, gánh nước tưới ngay bên tay trái tôi. Tôi quay ngoắt lại tìm những luống rau đã thấm bao mồ hôi của tôi. Và hoàn toàn thất vọng, Những nơi trước đây là những luống rau muống được tưới ướt đẫm chạy sóng hàng hay mênh mông rau cải chớm trổ hoa chỉ còn là một khu đất hoang cỏ mọc rậm rịt cằn cỗi. Ngược theo dòng suối này lên sẽ có một chỗ ngoặt. ở đó có những tảng đá cuội lớn bắc ngang suối dẫn tới vườn trong, nơi tôi được làm chân coi vườn khi di lí về Trần Phú để được tha, nhưng rồi lại từ Trần Phú trở lại trại để rồi sống tới đáy tuyệt vọng của một kiếp người. Và con đường mòn từ một hẻm rừng xiên chênh chếch vào con đường xe chúng tôi vừa đi qua đã có một đàn bướm vàng bay, im lặng bay mất hút trong tán lá… Tôi giảng cho hai cô bạn gái về “lý lịch” những mảnh đất chung quanh tôi, về con suối dưới chân cầu, nơi chúng tôi vẫn tắm giặt trước khi về trại. Thật không ngờ nước cạn chưa đến mắt cá chân thế này mà chúng tôi vẫn tắm được.
Bên kia cầu là sân cơ quan. Nhà mới xây to đẹp hơn, đàng hoàng hơn. Chúng tôi đi qua chiếc cầu gỗ mới bắc. Hải với vẻ tháo vát của một phóng viên xông xáo năng động, bước tới một buồng làm việc cửa mở rồi quay ra vẫy tôi và Vũ Thị Huyền. Đó là phòng làm việc của ông thượng tá phó giám thị. Lời đề nghị được thăm và làm việc của Vũ Thị Hải vấp ngay phải những nguyên tắc không thể đảo ngược mà ông thượng tá đưa ra. Nhưng Hải vẫn không hề tỏ ra bối rối:
-Em biết rồi. Tức là phải được sự đồng ý trực tiếp của anh … cục trưởng C26 chứ gì. Chúng em cũng không có ý định làm việc ngay hôm nay. Chẳng qua là chúng em đi qua đây và vào liên hệ với anh trước thôi.
Hải giải thích về sự thông thạo của mình: “Em ở báo An Ninh Hải Phòng mãi mà. Anh cho em xin số điện thoại để chuyến sau em ra thì gọi điện báo trước...”
Trong khi Hải ghi số điện thoại của ông giám thị, tôi nói vui:
-Cố lên Hải ạ. Đừng để sểnh mất mẻ này nhé. Con cá này to đấy.
Ông thượng tá hiểu rằng tôi đang nói đến chuyện chồng con của Hải. Tất cả cùng cười. Không khí đã có vẻ thân mật, chan hoà. Khi Hải ngỏ ý được đi tham quan bên ngoài trại, ông giám thị ngần ngừ một thoáng rồi thân dẫn chúng tôi đi. Thế là tôi được bước những bước trên khu tử địa của tôi.
Cái sân khu cơ quan vẫn như trước và tôi nhận ngay ra nó khi nhìn thấy dẫy nhà làm việc cũ ở phía sau sát sườn núi. Vậy là “trại giam của tôi” ở phía bên kia, trên lưng chừng ngọn núi trước mặt kia. Nhưng sao không thấy nó? Tôi rất muốn đi về phía ấy, nhưng ông giám thị dẫn chúng tôi đi ngược dòng suối mà bên kia suối là con đường vào trại chúng tôi vừa đi qua. Tôi biết những gì đã tồn tại ở phía bên ấy, chỗ nào đã từng là nhà gặp mặt, nhà hạnh phúc, chỗ nào đặt máy phát điện. Và mãi tôi mới hiểu ra nơi ngổn ngang nguyên vật liệu xây dựng, đá hộc, sắt thép chúng tôi đang đặt chân lên đây là khu làm việc của các toán quản chế: mộc, rèn, may ngày trước. Giăng, Giả Phỉ, Dũng cốc, Dũng chầy, Minh ba đen, Tuất ba tai... ngày ngày tới đúng mảnh đất này.
Một cổng trại to lớn và một nhà tù với tường đá cao vút hiện ra trước mắt chúng tôi. Chúng tôi đi theo ông giám thị vào khu vực sẽ là trại giam. Một công trình đang xây dựng dở dang. Đã hoàn thành một khu buồng giam, có hàng rào sắt vây quanh và trên mảnh sân nhỏ phía trong hàng rào sắt tôi thấy một đám tù nhân đang ngồi gục đầu phơi nắng.
Chúng tôi xin phép chụp bức ảnh kỷ niệm ở cửa tam quan và được ông đồng ý. Rồi chúng tôi mời ông chụp ảnh với chúng tôi. Hải nói với ông:
-Anh đã ở đây hai mươi năm rồi cơ à? Em chia buồn với anh phải chịu “án chung thân”.
Tất cả cười. Đó là một sự chia sẻ với ông, với việc đã hai mươi năm ông sống tại chốn rừng sâu heo hút này và không biết còn ở đến bao giờ. Nhiều “ông quản giáo” trẻ cũng đã nhận ra Vũ Thị Hải. Họ bảo Hải:
-Em nhận ra chị rồi. Trên ti vi. Trong chương trình Người Đương Thời.
Điều đó tạo thêm thuận lợi cho chúng tôi. Với lại chỉ có nơi chúng tôi vừa đến (một trại giam đang trong giai đoạn xây dựng và đã có một số ít tù nhân) là quan trọng. Còn tất cả là một con suối cạn, những cánh rừng vây quanh, và con đường độc đạo, không một bóng người, cả quản giáo lẫn tù nhân, chẳng có gì phải giữ gìn, cảnh giác. Chúng tôi đi chậm hay đi nhanh, ông giám thị cũng chỉ đứng một chỗ nhìn theo. (Tôi xin được nói ngay ở đây rằng ông thượng tá phó giám thị không có một lỗi nhỏ nào trong việc để chúng tôi đi men theo bờ suối và những khu đất hoang trong trại. Hơn nữa chúng tôi có đủ giấy tờ. Không có chuyện dễ dãi mất cảnh giác ở ông thượng tá.)
Đã tới chỗ ngoẹo suối, nơi lòng suối rộng ra, sâu hơn, cầu rửa của nhà bếp, nơi mỗi năm một lần buộc lũ trâu già chờ giết thịt đón tết. Suối cạn, rêu xanh, chiếc cầu gỗ bắc ngang suối để chúng tôi đi về không còn nữa, thay vào đó là một con đường đá vắt ngang như một cái đập nhỏ. Đúng là trại giam chúng tôi ở lưng chừng ngọn núi trước mặt rồi. Nhưng chỉ còn một chòi gác nhô lên rất cao vượt trên tán lá rừng là cái mốc để tôi định vị. Mà rừng ở đây cũng như tất cả rừng vây quanh không còn là rừng đại ngàn nguyên sinh uy nghiêm tuổi tác rêu phong ẩm ướt chằng chịt dây leo gai góc hăm doạ nữa. Rừng trồng. Một mầu xanh dịu của những cây keo đã trưởng thành đều tăm tăm. Đã biến mất hoàn toàn những tán rừng xanh thẫm của cành lá cổ thụ vươn lên, nhoai ra chen nhau nhấp nhô trên nền trời. Mấy chục năm qua người ta đã đủ thời gian để triệt hạ cả một dải rừng Đông Bắc. Nhưng tôi vẫn nhận ra cái dốc cao sau trại, cái dốc cao nhất, cái dốc cuối cùng trên đường gánh phân từ nhà bò trở về, một bên là vực sâu, một bên là hàng rào trại giam cao vút, tiếng chân lên dốc chạy gằn từ gót dội lên mang tai, mồ hôi dính áo, Lê Bá Di đã hào phóng tặng tôi một bãi phân trâu ở lưng chừng dốc bên kia.
Cái hàng rào vĩ đại quanh trại cũng không để lại dấu vết, cái hàng rào làm bằng những thân cây trồng ken sít nhau. Cũng phải thôi. Gần nửa thế kỷ rồi còn gì. Bao nhiêu thời gian. Bao nhiêu mưa nắng... Lớp tù ngày ấy đến bây giờ còn sống những ai. Minh Ba đen. Hỉn Sán. Cắm Xìn. Voòng Kỷ Mình, Chí Lồng Sếnh, Tằng Sình Quay, Voòng Sình Hắm... Cái nhà kho. Mảnh sân vôi trước cửa kho nung nóng không kém chảo rang, chiều tháng sáu hầm hập, mồ hôi từ cằm từ lông mày, rỏ xuống sân khô ngay. Tôi và Voòng Kỷ Mình ngồi xổm nhặt những hột lạc rơi vãi cho vào lồ. Kỷ Mình bảo tôi:
-Đi tập trung cải tạo khó lắm a Tấn à...
Có lẽ cái đám ấy chết gần hết rồi. Trừ Giả Phỉ, Minh Ba Đen là kém tuổi, bọn tập trung chính trị (phần lớn là những người đi lính và làm việc cho Pháp) đều hơn tuổi mình, chắc chẳng còn sống bao nhiêu. Ngay cả đám trẻ nữa. Như Đỗ Lương, như Giăng. Cũng đã chết rồi. Người chết trên biển khi vượt biên. Người chết khi ngồi ô tô đi chơi Đà Lạt... Chả biết đâu mà lường. Mình còn sống đến bây giờ là lãi rồi.
Đến được đây một lần. Toại nguyện.
Hải bảo tôi:
-Anh cúi xuống như là rửa tay ở chỗ nhà bếp làm thịt trâu đi. Để em chụp ảnh.
-Anh nhìn về phía vườn-trong để em chụp.
Tôi làm theo mọi “mệnh lệnh” của Hải rồi đứng lặng nhìn trời nhìn đất, nhìn rừng, nhìn suối. Bốn mươi năm. Cảnh xưa không còn, người xưa không còn.
Một nỗi buồn dâng lên trong tôi. Những gì tôi ghi xương khắc cốt và quan trọng đến thế đối với cuộc đời tôi chỉ còn trong suy nghĩ. Thời gian đã xoá đi tất cả. Không như mình vẫn đến với nó đêm đêm.
Có lẽ tôi là người duy nhất trong số cả ngàn anh em tù ngày ấy hôm nay trở lại chốn này. Ngoài tôi, có ai biết cái nơi đã từng ngấm đắng cay đau đớn vào máu thịt mình, vào từng tích tắc đời mình thay đổi thế này không. Biến mất rồi rừng của tôi, buồng giam của tôi, trại tù của tôi, những bạn tù, những ông quản giáo, những ông giám thị của tôi. Biến mất rồi nơi xẩy ra cuộc chết của tôi và cuộc chết của biết bao người. Không một dấu vết còn lại để những người sống hôm nay biết và nhớ lấy. Gió vẫn thổi. Trời vẫn mây. Rừng vẫn xanh. Nhưng trời, mây, gió, rừng đều đã đổi thay, hơn nữa rừng gió trời mây đều không ký ức. Thời gian sẽ nuốt chửng tất cả. Những tốt đẹp và những thối nát. Những chân thành và giả dối lừa mị. Những tiếng cười đắng cay. Những hy vọng và tuyệt vọng. Thời gian đã nuốt nhiều người trong số chúng tôi và sẽ nuốt tất cả vào cái dạ dầy không đáy của nó. Mà cuộc sống của chúng tôi đáng được mọi người biết đến. Nó cần được lưu giữ trong ký ức cộng đồng như bao điều cần được lưu giữ trong ký ức dân tộc!
Thật may. Tôi cũng còn vớt vát được chút ít. Rất ít. Trong CKN 2000. Và mấy cái truyện ngắn. Nếu không có những trang giấy mỏng manh ấy, tất cả sẽ mất tăm.
Hy vọng nó sẽ là một cái bong bóng nhỏ cùng với nhiều bong bóng khác nổi lên trên mặt hồ tĩnh lặng của ký ức dân tộc về một thời mọi người đều có thể bị biến đổi gien.
Đứng bên cạnh tôi, Vũ Thị Hải khe khẽ.
-Em sẽ đưa anh lên Vĩnh Quang. Nhưng phải đợi đến mùa xuân...
Tôi nắm tay Hải thay lời cảm ơn.
Vĩnh Quang, một trại nữa đang chờ tôi trở lại.
(1) Thơ Chế Lan Viên
(2) Thơ Nguyễn Đình Thi
(3) Tuỳ bút Phạm Văn Hạnh
(4) Những tác phẩm của Makarenko (Liên Xô cũ) viết về công cuộc cải tạo thanh thiếu niên hư hỏng
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: