ÂM BẢN
Truyện ngắn của Ngố
..Đúng ra chưa qua
“bảy bảy bốn mươi chín ngày”, vong còn chưa tụ sau sự biến kinh hoàng “hồn siêu
phách lạc”. Vong chưa thể siêu thoát, rong ruổi đi đâu, xuống địa ngục hay lên
cõi niết bàn.
May nhờ có những
đợt gió heo may nên X mới có thể tới đây. Khi còn ở cõi thế, ngoài việc giúp đỡ
người này người khác, chướng nghiệp hầu như X tạo nên không quá nặng nề. Nhờ
vậy mới có cuộc trở lại đất này vào một đêm tối trời như đêm nay. Lúc bấy giờ
dọc sông gió hun hút thổi, cảnh vật yên ắng. Duy nhất khu nhà của anh đèn đuốc
vẫn sáng trưng, tiếng nhạc tưng bừng. Có chuyện chi lạ vậy?
Khi người ta đã
về cõi khác, mọi khái niệm về cuộc sống cũ đều thay đổi. Có thể vui biến ra
buồn hay ngược lại giống như âm bản hồi ở dương thế X còn võ vẽ biết về nghề
ảnh.
Thực tình lúc
này anh không hiểu đang xảy ra chuyện gì?
X kéo lại vạt và
cài lại khuy cổ áo véc làm bằng giấy bồi màu đen như thuốc súng cho đỡ lạnh. Cơ
thể trong suốt còn yếu ớt của anh vẫn run lên. Nhất là khi gặp ánh đèn lade
chiếu lên từ mặt đất, hoặc tiếng xe gắn máy bọn trai trẻ nghịch ngợm tháo bỏ
ống pô rú rít. Anh định thần nhìn về ngôi nhà một thời mình sinh sống. Qua tán
lá lòa xòa X nhìn thấy người đi lại nhộn nhịp, nói cười rầm rĩ. Thoáng có chút
tự ái: Không lẽ sự ra đi của mình khiến đám người đó dửng dưng, vô tình và sung
sướng đến thế sao?
Đã là vong thì
không còn nước mắt, chỉ thấy nhói buốt ở trong lòng..
X nhìn thấy
nàng. Nàng vẫn chẳng khác xưa bao nhiêu. Vẫn tay cầm điếu thuốc ve vẩy điệu bộ
ra dáng bà chủ. Vẫn khuôn mặt có gò má cao, cặp môi dày thâm thâm và cặp mắt
tròn vo vo nằm dưới đôi long mày xênh xếc. Tự nhiên anh có ý nghĩ rất lạ lùng:
Còn người này có nét gì gọi là nữ tính đâu? Có gì hấp dẫn đâu mà ngày ấy mình
rời bỏ quê nhà lên sống với nàng hơn hai chục năm trời? Hai chục năm ấy ngoài
cái nghề thợ mộc bất đắc dĩ, khổ cực, mình chẳng có mấy ngày thảnh thơi. Anh đã
có với nàng hai đứa con trai. Thằng lớn thấp dùn dụt, đầu bút thép, đít xê xệ
như gà mái vỡ bọng trứng. Thằng bé cao ráo giống mình, nhưng mặt lại không
giống. Mặt nó lưỡi cày, mắt dã trắng, môi cong. Chính vì hai đứa này mình không
nỡ rời, ở với nàng cho đến khi vết thương cũ tái phát, vợ cũ dưới quê lên đón
mình mới trở về nơi chôn rau cắt rốn. Trước đó anh đã kịp lo vợ cho thằng anh..
Có lẽ đám ồn ào này là lo nốt cho thằng em? Không phải thế chứ? Bố chết chưa đủ
trăm ngày đã lấy vợ còn gì là đạo hiếu? Hay tôn ti trật tự của dương thế bây
giờ đã thay đổi, không còn như trước?
Lòng bàng hoàng
kinh hãi và lo sợ cho người thời nay. X chưa vội đáp xuống sân nhà mình. Mà ồn
ào thế kia, đèn sáng như vậy có muốn xuống vào lúc này cũng không thể xuống
được. X ngả mình lên một cành cây. Một cành cây không hiểu vì sao lại có dáng
cong cong như hình cái cáng cứu thương năm nào khi người ta đưa anh từ mặt trận
về..
Anh định chờ cho
bên dưới yên ắng sẽ bay xuống, tìm hiểu xem sự nhẽ dưới đó hư thực ra sao.
Đêm cuối năm
trời không có lấy một vì sao. Gió ngăn ngắt lạnh. Y hệt cái lạnh đêm tiểu đội
đặc biệt của anh mò rừng trinh sát trận địa quân địch. Pháo lớn từ MalePo cứ
cách mười lăm phút lại như trận mưa lửa xé rách bầu trời. Cuộc đấu pháo hàng
năm trời giữa hai bên chưa phân ngã ngũ. Hỏa tiễn Cachiusa của cả hai bên như
giàn nỏ thần khổng lồ điểm vào sau mỗi trận đấu pháo làm rung chuyển cả bầu
trời và mặt đất. Có cảm tưởng như không còn bất cứ sinh vật nào sống sót được
dưới trận mưa thép và lửa. Từng mi li mét một, không chừa một chỗ nào không có
sự hiện diện của những mảnh thép chết chóc kinh hoàng gieo rắc khắp nơi.
Vậy mà tiểu đội
của anh vẫn tồn tại. Họ sống bằng mì tôm khô, mắm tép cô đặc và khí trời nồng
nặc mùi thuốc súng.
Ta và địch chỉ
cách nhau trong gang tấc. Nghe cả tiếng ầm ồ, léo nhéo của chúng vang từ vách
hầm cách đấy vài ba mét.
Chiến tranh hiện
đại bỏ qua những khái niệm, quy chuẩn thông thường. Không hẳn trội về số quân,
về binh lực, hỏa lực mà có thể nuốt chửng đối phương như cái đầu nóng, ngu xuẩn
và điên rồ của một số kẻ từng nghĩ. Chiến thuật biển người xem ra không mấy kết
quả. Quân càng đông thương vong càng nhiều. Ăn nhau ở sự tinh nhuệ về con người
và vũ khí. Ăn nhau ở lòng quả cảm và sự thông minh của mỗi chiến binh và quan
trọng nhất là ở mưu lược của người chỉ huy, người chịu trách nhiệm với từng tấc
đất biên thùy, sinh mệnh của chiến sĩ.
Bây giờ nhớ lại,
vong X như thấy vừa mới đây thôi.
Cuộc đời vốn
không dài, những chuyện như thế dễ gì quên được?
**
“Tôi sốt li bì.
Vết thương bên hông nóng như áp lửa. Thỉnh thoảng một cơn đau lóe lên từ chỗ
ấy, cảm giác đau buốt chạy dọc sống lưng nhói đến đỉnh đầu. Cả ngày nửa phần
thân thể tôi để trần để dễ thay băng gạc và lau rửa vết thương. Có thể là một
mảnh đạn cối hay mìn lá cắm vào chỗ đấy. Người ta đã lấy mảnh đạn đó ra rồi
nhưng ngờ rằng nó có chất hóa học nên vết thương chậm lành.
Người tôi như
kiệt hết nước, chỉ còn da bọc lấy xương. Có cảm giác nếu châm vào lửa, thân thể
này sẽ bùng cháy như vỏ một cây thông. Thứ thông đuôi ngựa mọc hoang dại gần
chốt đã cụt ngọn, long gốc nằm chềnh ềnh ngay trước miệng hầm. Lúc đầu chúng
tôi định đẩy nó ra xa để dễ ra vào. Một tay lính trẻ măng người Thanh Nghệ bảo
cứ để đó, nó tác dụng như một tấm chắn miệng hầm. ( Tôi nhớ hồi đó lính giữ
chốt phần nhiều là người Thanh- Nghệ - Tĩnh. Có nhiều lời bàn về chuyện này
lắm, nhưng không hiểu vì sao mãi sau này tôi mới rõ ?).
Sau trận đánh bị
một tên quân báo phản bội, đơn vị tôi tổn thất khá nhiều. Những đứa bị thương
nặng đã chuyển sâu về tuyến sau. Tôi nhẹ hơn nên được chuyển về đây. Lúc đó tôi
chưa thông thạo vùng này. Chỉ nghe bảo đó là một làng phần đông người dân tộc,
nằm bên một con sông có đến mấy cái tên. Về việc này tôi không hiểu. Sau này ở
lâu mới biết con sông nước lúc nào nước cũng đục ngầu, đỏ xậm như đang mùa lũ
bởi pháo dội. Nó qua địa danh nào thì gọi tên theo địa danh ấy. Và nữa, nó vốn
xanh trong từ ngàn vạn năm rồi, lần đầu tiên bây giờ mới đục ngầu, nước đỏ pha
máu như thế..
Đoàn cứu thương
tiền phương sau khi lấy mảnh đạn và băng bó cho chúng tôi xong gấp rút chuyển
về tuyến trên. Chỉ để lại một hai người cùng dân làng hàng ngày chăm sóc chúng
tôi.
Nàng là một
trong số các cô gái của đội dân công hỏa tuyến tại chỗ của cái xã heo hút này.
Hàng ngày nàng
lau rửa vết thương, tiêm thuốc kháng sinh và nhắc tôi uống thuốc. Kiêm cả việc
giặt rũ và nấu nướng phục vụ thương binh.
Nàng không đẹp,
quá lứa, nhưng rất tận tình. Tóc nàng búi cao, ban đầu tôi cứ ngỡ nàng là đàn
ông. Ngay cả tiếng nói cũng rất giống nam giới.
Tôi hết sốt nóng
lại sốt rét. Ký sinh trùng sốt rét thường nhằm khi cơ thể kém sức đề kháng mà
hoành hành.
Những lúc như
thế, có bao nhiêu mùng mền, bao nhiêu chăn nàng đắp hết cho tôi. Lúc cơn rét
cao trào người tôi run lên bần bật. Nàng không biết làm thế nào, quên cả việc ý
tứ ôm chặt lấy tôi để tôi đỡ lạnh. Kỳ lạ thay hơi ấm đàn bà, dù đàn bà không
đẹp cũng có hiệu nghiệm kì lạ. Cơn sốt từ từ lui đi. Chiếc áo tôi đẫm mồ hôi,
thấm cả sang mặt, sang ngực nàng. ( Có người sau này giải thích hiện tượng kì
lạ ấy là bởi xuất hiện xung điện do dòng điện sinh học tạo ra ). Nàng có vẻ
lúng túng sau những phút như thế. Hai gò má cao của nàng ửng đỏ. Tuy sức còn
yếu, không hiểu tại sao lúc đó tôi có cảm giác rất lạ. Thấy nàng gần gũi như
một phần thân thể mình. Khái niệm về cái đẹp cũng rất kì quái, thấy nàng đáng
yêu, đáng mến làm sao!
Thực ra nàng chỉ
làm theo bổn phận của mình. Tôi lại nghĩ khác. Nàng có cần tận tụy, lo lắng đến
thế không?
Nàng cẩn thận
đút cho tôi từng thìa cháo. Y như hồi tôi còn bé mẹ tôi thường ép mỗi khi tôi
ươn người. Tôi cảm động và biết ơn, Còn nàng bước qua một khoảng cách vì vết
thương tai quái của tôi khó mà giữ ý tứ mãi được.
Vết thương của
tôi kín miệng. Tôi định xin phép nghỉ ít ngày về thăm nhà. Người vợ mới cưới
của tôi trước khi lên chốt không hiểu vì sao không thấy lên thăm? Có lẽ đường
lên biên giới xe cộ khó khăn. Những người không có nhiệm vụ cần thiết không
được vào vùng chiến sự. Cũng có thể người ta giữ kín chuyện này. Bí mật quân sự
không phải lúc nào cũng có thể thông báo cho thân nhân nếu không thực sự cần
thiết.
Cũng có thể..
Biết bao nhiêu phỏng đoán làm lòng dạ tôi rối bời, xôn xao..
Nàng khuyên tôi ở
lại thêm ít ngày cho sức khỏe hồi phục đã. Đi lại lúc này đến người lành lặn
còn khó khăn, đừng nói vừa bị thương như tôi. Nghe rất có lý.
Để tôi khuây
khỏa, nàng đưa tôi về nhà nàng cách đấy mấy cây số. Nơi mà bây giờ, tôi ngồi
đây, trên ngọn cây này trong đêm khuya khoắt mà dưới kia rực sáng ánh đèn..”
***
“ Một trăm ngày
trước. Tại thế. X cảm thụ cuộc sống không như bây giờ. Lúc đó anh gần như phát
điên lên.
Dương bản hàng
ngày làm anh ngán đến tận cổ. Chao ôi mục tiêu ban đầu thời trai trẻ với cái
kết cục hiện tại không thể chấp nhận được.
Không biết tự lúc nào X bị lôi kéo vào nạn đỏ
đen. Ngôi nhà gỗ năm gian chính anh làm thợ cả phải gán vào tay người khác.
Ngôi nhà tạm mới được mấy tháng, tự nhiên tự lành nửa ngày bốc cháy đùng đùng.
Người ta nghi ngờ là có kẻ phá hoại? Nào mình có ăn ở ác với ai đâu? Hay sự
hiện diện của mình ở đất này làm gai mắt một kẻ nào đó?
X đã định về HH,
vùng quê ven biển, nơi cha sinh mẹ đẻ ra mình. Lại sợ thiên hạ cho mình là
thằng hèn, thấy lúc vợ con khốn khó tìm nước tháo lui. Tuy rằng chả có sự nào
ràng buộc, X cũng không thể tùy tiện ra đi. Tuy chẳng đăng ký đăng kèo, cưới
xin gì thì nàng cũng đã có hai đứa con với mình. Điều đó còn sâu sắc quan trọng
hơn nhiều mọi thủ tục lễ nghi. Rồi những ngày nàng chăm sóc, lo lắng cho mình
không dễ gì quên đi hay bạc bẽo cho được..
Sau hội nghị
Thành Đô, biên thùy im tiếng súng. Đáng lý ra quân, X về với người vợ cũ. Những
tin tức anh nắm được về ả, đã khiến X không muốn trở về. Nghe đâu suốt thời
gian chiến sự, ả cặp kè với một gã thủy thủ tàu viễn dương..
Thập kỷ tám mươi là thập kỉ khốn nạn với nhiều
gia đình. Nhưng là khó khăn chung chứ đâu chỉ là nỗi khổ của riêng ả? Từng nghe
có gia đình không còn hạt ăn sống người bèn rang mớ ngô tẩm thuốc trừ sâu để “sống
chết có nhau, vẹn nghĩa, trọn tình”.
Vậy là X chọn
cách ở lại bên bờ sông này sống với người đàn bà quá lứa nhỡ thì là nàng bây
giờ.
Con người có thể
tránh được con đường không muốn đi, ngôi nhà không muốn ở, nhưng không thể
tránh được số phận dành cho mình..
Ở lại cuối cùng
không phải là lựa chọn hay.
Có sống gần, ở
lâu mới biết lòng người.
Tổ ấm mới nào đã
hay?
Nghề thợ mộc cắm
cổ đục đẽo suốt ngày không lại được. Cái xóm “con cò” nằm bên bờ suối y thể “xứ
u tì quốc”. Buồn và hoang vắng không sao chịu nổi. Không có trò gì giải khuây
ngoài trò cờ bạc. Ban đầu X rất dị ứng, nhưng rồi phải theo “phong trào” nếu
không muốn bị cô lập.
Một trăm ngày
trước.. Một buổi chiều có tốp người lạ mặt ập đến nhà. Nàng đang ghi số đề cho
mấy người xã trên. Họ rút thẻ và lập biên bản tại chỗ. Hôm ấy vết thương cũ của
X tái phát. ( Đó là vết thương có thêm khi lần thứ hai X quay trở lên “chốt”).
Khi tỉnh lại thằng con thứ hai bảo: “ Họ đưa mẹ về công an huyện rồi bố ạ!”.
Hôm sau X xuống CA huyện tìm người quen. Không biết họ đi vắng thật hay tránh
mặt? Không gặp ai.
Nửa tháng sau
thì phiên tòa mở.. Cũng là lúc vợ cũ ở quê và đứa con gái lên đón anh về. Vàng
vọt, xanh xao, đi không nổi.. thôi thì cáo chết ba năm quay đầu về núi.
Phần kết của
dương bản ấy đến bây giờ X vẫn chưa hiểu nó diễn tiến như thế nào?
Nàng và hai đứa
con làm thế nào để qua cầu thoát nạn? Theo như kết luận của tòa với ba năm tù
giam, nàng lúc này không thể có mặt ở nhà để lo cưới vợ cho con! Cách nào nhỉ?
Lo lót hay được ân xá? Đúng là cuộc đời
nhìn qua âm bản thì không sao có thể biết được. Mọi cái cứ tỏ tỏ, mờ mờ!”
Mới nghĩ được
bấy nhiêu điều, vong X đã choáng váng. Đã là vong ít có thói quen nghĩ ngợi,
chỉ trông vào sự tinh anh. Nghĩ nữa linh khí sẽ tan hòa vào đám sương đêm lạnh
lẽo.
X quyết định
không chờ thêm nữa, nhao xuống.
Rạp đám cưới tự
nhiên tắt điện. Tiếng la hét hoảng loạn khi có làn gió lạnh ào tới.
Ba bề tối thui.
Có giọng khàn khàn như giọng đàn ông:
- Biết rồi, ở
đâu cứ ở nguyên đấy!
Một bóng khệnh
nệnh bước ra giữa sân quay ra phía ngọn cây gạo chỗ vong vừa đậu. Người đó rì
rầm khấn vái hồi lâu. Điện sáng trở lại. Nhưng từ đấy loa đài hỏng không sao
chữa được nữa.
Ngày hôm sau
cũng vậy.
Có người nói vu
vơ:
- Nhà đang có
tang, dẫu làm đám cưới cũng không nên bật nhạc, như vậy mới phải phép!
X đã trở lại
ngọn cây, nhưng đang là ban ngày nên anh không nghe rõ điều này. Trước mặt, sau
lưng anh đang là một âm bản mênh mang. Nếu cựa mạnh, anh sẽ tan như hơi nước
đang dập rờn trên đám cỏ bờ sông kia.
Chỉ có tiếng pháo
nổ lúc này may ra mới cảm thấy được. Tiếng nổ luôn là nỗi ám ảnh cả mấy kiếp
người, nó luôn áp đảo tiếng của con người, tiếng của chim muông hay bất kì thứ
tiếng nào khác!
===========
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét