Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 10 tháng 11, 2014

Bước nhảy tự do

Nguyệt Quỳnh/ Quê Choa 

clip_image001
Chỉ có niềm khao khát mãnh liệt mới thôi thúc con người vượt lên trên chính họ, vượt qua nỗi sợ hãi, để bằng một hành động dũng cảm tự giải thoát chính mình. Người lính biên phòng Đông Đức, anh Conrad Schumann, khi ấy mới 19 tuổi. Conrad Schumann đã phóng qua hàng rào kẽm gai ngày 15/8/1961 để tìm tự do ở Tây Đức trong lúc bức tường Bá Linh mới bắt đầu được xây dựng.
Người thanh niên can đảm này có thể bị bắn chết như khoảng 200 người khác trước và sau anh. Nhưng may mắn anh đã thoát được. Sau ngày bức tường Bá Linh sụp đổ, trong ngày lễ kỷ niệm hai mươi năm, nước Đức đã dựng tượng đài của anh để diễn đạt nỗi khao khát tự do của con người.
Rất nhiều năm sau ngày đất nước đã thống nhất, người dân Đông Đức vẫn giữ trong trí nhớ mình cảm giác sợ hãi của những ngày tháng sống dưới sự kiểm soát của công an và mạng lưới mật vụ Stasi. Hồi tưởng mức độ căng thẳng tinh thần trong những năm tháng đó, Thủ tướng Đức, bà Agela Merkel đã bày tỏ: “Cần phải giữ làm sao để họ không buộc mình phát điên”. Một phụ nữ từng sống ở Đông Đức đã nói với cô con gái của chị rằng: suốt trong khoảng 10 năm, chị vẫn nằm mơ từng đêm thấy mình trở về Đông Đức, sinh sống tại đó. Nhưng may mắn thay, đó chỉ là một cơn ác mộng mà thôi!
Nhân kỷ niệm 25 năm ngày bức tuờng Bá Linh sụp đổ, nhiều người Việt cũng không khỏi bùi ngùi nhớ lại biến cố 30/4/75 trên đất nước mình. Nước Đức thống nhất không mất một giọt máu, chỉ có tiếng cười và nỗi hân hoan của người dân cả hai miền. Đêm 9/11/1989 dân Đức đua nhau trèo lên bức tường đã ngăn chia tổ quốc của họ suốt 28 năm. Họ đứng, họ ngồi, họ ca hát, họ vui đùa như những đứa trẻ, thỉnh thoảng người ta nghe thấy những tiếng thét to “Wir sind ein Volk!”, “Wir sind ein Volk!” (chúng ta cùng một dân tộc!).
(...)
Đêm 9/11/1989 lính biên phòng Đông Đức đã tự động buông súng xuống để cho người dân vượt qua các cửa ngõ biên giới. Thành phố Berlin từ 9 giờ tối cho đến 2 giờ sáng đã chào đón khoảng 20.000 người vượt qua bức tường Bá Linh để tìm đến với tự do. Nước Đức đã có một đêm không ngủ, đây là một cuộc bỏ phiếu bằng chân lớn nhất trong lịch sử quốc gia này. Dòng người từ Đông Bá Linh như một khối nham thạch tuôn chảy, họ đi bộ thâu đêm suốt sáng, hàng hàng lớp lớp nối đuôi nhau tưởng chừng như không bao giờ dứt.
Nhưng Đông Đức một ngày trước đó không hề bình yên, suýt chút nữa đã xảy ra một cuộc tắm máu. Chính quyền đã huy động hơn 8000 binh lính gồm cả cảnh sát và mật vụ Stasi trong tư thế chuẩn bị cho một trận đàn áp. Nhưng cuối cùng, cuộc đàn áp đã không xảy ra như dự định, ước muốn mãnh liệt của người dân đã buộc chính quyền phải thay đổi. Ước muốn ấy đã xô đổ bức tường Bá Linh và làm cho quân đội Đông Đức phải buông súng. Nó cũng là nguyên nhân làm sụp đổ khối thành trì cộng sản kiên cố ở Đông Âu,
Tưởng cũng nên nhắc lại bối cảnh lúc đó: sau khi Công Đoàn Đoàn Kết thắng lớn tại BaLan, Hungary là quốc gia tiếp nối từ bỏ chế độ cộng sản. Quyết định mở cửa biên giới của Hungary đã giúp hơn 30.000 người Đông Đức di cư sang Tây Đức qua ngã biên giới của quốc gia này. Để ngăn chận làn sóng di cư, chính quyền Đông Đức liền ngưng ngay việc cấp giấy phép du lịch đến Hungary. Tiệp Khắc bỗng nhiên trở thành một nước láng giềng duy nhất mà người dân Đông Đức có thể thoát ra ngoài qua ngã du lịch. Dân Đông Đức đã không từ bỏ ước muốn được vượt biên đến Tây Đức, họ tìm mọi cách để xin trú ngụ ở các cơ sở ngoại giao của các thủ đô Đông Âu khác. Đặc biệt tại Đại sứ quán Prague, đã có hàng ngàn người Đông Đức đã cắm trại trong vườn toà Đại Sứ suốt từ tháng 8 cho đến tháng 11. Khi chính quyền Đông Đức ra lịnh đóng cửa biên giới với Tiệp Khắc, cửa ngõ cuối cùng để vượt thoát ra ngoài đã bị đóng lại, lúc này người dân Đông Đức bắt đầu cuộc biểu tình của mình.
Cuộc biểu tình ôn hoà tại thành phố Leipzig được tổ chức vào mỗi thứ hai, ban đầu chỉ có hơn 100 người tham dự, nhưng chỉ trong vòng một tháng con số đã lên đến gần 1 triệu người. Lực lượng cảnh sát gần như bó tay trước số lượng người biểu tình cứ tăng dần lên. Cuối cùng, chính quyền Đông Đức đã phải đầu hàng trước áp lực của công chúng, bằng cách cho phép các công dân Đông Đức được vào Tây Bá Linh và Tây Đức trực tiếp, thông qua các trạm biên giới. Một năm sau ngày bức tường Bá Linh sụp đổ, nước Đức chính thức tuyên bố thống nhất tính từ ngày 3/10/1990. Với ước muốn được sống tự do, mỗi người dân Đông Đức đã vươn bàn tay nhỏ bé của mình đồng loạt góp sức xô đổ bức tường ô nhục để xây dựng lại đất nước của họ.
Tuy thống nhất về mặt địa lý và con người, gánh nặng của một nửa quốc gia suy sụp sau gần nửa thế kỷ theo đuổi mô hình kinh tế XHCN không hề nhỏ. Khi sáp nhập vào Tây Đức, GDP của Đông Đức chỉ góp được 7% của cả nước Đức so với 93% của Tây Đức dù cho họ chiếm khoảng 1/3 dân số cả nước. Người dân Tây Đức đã phải đóng góp rất nhiều để có một nước Đức cường thịnh và phát triển như ngày hôm nay. Mỗi người dân Tây Đức, đi làm phải đóng 7% tiền lương của mình vào một quỹ gọi là “quỹ xây dựng lại Đông Đức”. Về mặt tinh thần “quỹ xây dựng lại Đông Đức” mang tính dân tộc rất cao, nó thể hiện sự đùm bọc và chữa lành những vết thương chia cắt. Mặc dù phải cưu mang thêm 18 triệu người Đông Đức, hầu hết người dân Tây Đức đều hài lòng với các chính sách của chính phủ và cùng chia sẻ niềm hãnh diện vì một nước Đức thống nhất.
(...)
Tác giả gửi Quê Choa
Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả
...........................
(....): Ký hiệu Quê Choa lược bỏ, mong tác giả thông cảm.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: