Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Năm, 4 tháng 7, 2013

Vua Trần Hiến Tông hiến gái cho sứ Tàu



Sắc dục xưa nay thường được dùng làm mồi nhử hòng làm xiêu lòng đàn ông. Việc hiến dâng gái đẹp vì thế trở thành một món “quà” để người lợi dụng nhân đó đạt được mục đích của mình. Dưới đây là mấy ghi chép của Vân Trai Trần Quang Đức về việc vua Trần Hiến Tông hiến gái cho sứ Tàu, mà theo Tô Thiên Tước, đó là trò xảo trá của người An Nam để lừa sứ giả.
Tối qua tôi đọc Kiên Hồ – Thất tập, thấy có đoạn chép mang tên Thơ chối nàng hầu. Nội dung như sau : Năm Nguyên Thống thứ ba (1335), Phó Dữ Lệ người Tân Dụ đi sứ An Nam, ngủ trong Thiên sứ quán. Quốc vương nước ấy (bấy giờ là vua Trần Hiến Tông) cho đưa nàng hầu vào ngủ cùng, Dữ Lệ làm thơ từ chối rằng :
Đêm trọ An Nam Thiên sứ quán, 
Giai nhân rạng rỡ sắp mền chăn, 
Tro hương gió thoảng đưa qua chiếu, 
Hoa đuốc trăng in rọi xuống màn. 
Vương mẫu nhọc lòng xui cánh nhạn, 
Văn tiêu rộng bụng thả con loan, 
Thư sinh từ ấy lòng như sắt, 
Chớ khiến mây mưa ướt áo chàng.
(詩卻侍姬。元綂三年。新喻傅與礪奉使安南。宿天使舘中。其國王以侍姬薦寢。與礪以詩卻之曰。夜宿安南天使舘。玉人供帳爛相輝。寶香燼起風過席。銀燭花偏月照幃。王母謾勞青鳥至。文簫先放綵鸞歸。書生自是心如鐵。莫遣行雲亂濕衣)
Tôi bèn tra lại Nguyên thi kỷ sự (quyển 15), cũng thấy bài thơ này kèm lời chú của Phó Dữ Lệ : Mấy đêm liền được (vua An Nam) cho nàng hầu đến, đều lập tức chối từ. Chúng tôi không phải lũ Đào Cốc, không nên thử bằng việc này. (連夕蒙遣侍姬,皆即辭卻。我輩非陶穀輩人,不宜以此見).
Cũng theo Nguyên thi kỷ sự, bài mộ chí Tô Thiên Tước soạn cho Phó Dữ Lệ có đoạn viết : Dữ Lệ nhận lệnh, đi tới An Nam. Người An Nam hay bày trò xảo trá để lừa sứ giả, có khi ra ngoại ô nghênh đón thết tiệc khao đoàn, có khi đưa nàng hầu trang sức lộng lẫy ra hầu rượu, ông đều chối từ cả. (蘇天爵撰傅與礪墓誌 :與礪受命,行至安南。安南人多設譎詐以紿使者,或郊迎張宴犒眾,或盛飾侍姬侑酒,君皆卻之).
Trong khi Đảo di chí lược cho biết vào thời Trần (quãng 1330 – 1349) : Người Tàu không được buôn bán trên đất ấy, riêng thuyền buôn trộm thì dừng lại ở mạn Vân Đồn, không được vào tới chợ quan, bởi sợ người Trung Quốc dòm ngó tình hình hư thực của nước ấy vậy (舶人不販其地,唯偷販之舟,止於斷山上下,不得至其官場,恐中國人窺見其國之虛實也).
Đặt trong bối cảnh, nhà Trần có sự kiêng dè, thận trọng đề phòng người phương Bắc, tôi cho rằng, việc hiến gái cho sứ Tàu vào năm 1335, hẳn mang động cơ chính trị, chứ không đơn thuần là mua vui cho sứ giả.
(cần lưu ý thêm rằng, Đại Việt sử ký toàn thư ghi nhận năm 1335, nhà Nguyên sai Lại bộ thượng thư Thiết Trụ sang báo việc vua Nguyên Thuận Đế lên ngôi) 


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: