Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Ba, 2 tháng 7, 2013

Trích TT:

....Anh chạy. Ngã rồi lại dậy. Lại chạy, cho đến khi vấp phải cái bừa ai đó dựng đầu bờ ruộng, đầu đạp vào cán bừa đau điếng. Cú va đập ấy làm anh tỉnh lại. Tũn thấy mình vô lý khi phía sau chẳng có ai đuổi mình. Anh thấy nhớ đến công việc mình đang phải làm và ân hận.
Ngày mai, ngày kia nếu ai đó biết chuyện này mình sẽ ra sao? Người ta sẽ lại cười vào mũi mình. Cái thân xác vạm vỡ, gồ gề luôn làm cái cớ để kẻ khác trêu trọc sẽ có thêm chuyện này.
Những kẻ xấu bụng sẽ đồn vống lên. Rằng Tũn sợ ma, chạy đái cả ra quần.. Nhưng cái đó không đáng sợ bằng con vợ tướng khí đàn ông cứ choang choác xỉa xói mỗi lúc ngồi vào mâm.
Tũn thấy tốt nhất là nên quay trở lại. Ma, nếu là có thật thì đâu đã làm được gì mình? Có gì đáng sợ kia chứ?
Đứng suy nghĩ một lúc, Tũn vén quần lên, đái vào lòng bàn tay, xoa lên đầu, lên mặt. Đây là cách đối phó với ma từ hồi bà cụ còng bán quán ngoài bến sông còn sống truyền cho. Bà cụ bảo ma sợ nhất cứt lợn, thứ hai là nước đát. Ma ác đến đâu gặp hai thứ này cũng phải cắm cổ bỏ chạy!
Quả nhiên Tũn thấy bình tĩnh trở lại, tự tin vào bản thân hơn. Anh dò đường quay trở lại.
Phía đằng đình bấy giờ đèn đuốc sáng choang. Tiếng người hô hoán, la hét rượt đuổi vang động góc trời.
Tũn chột dạ nhận ra chỗ ấy chính là nơi anh vừa bỏ chạy đến đây.
Không kịp suy nghĩ nhiều, anh cắm cổ chạy ngược trở lại.
Lúc Tũn gần đến nơi, có tiếng quát:
- Ai? Đứng lại, không tôi bắn!
Tũn khựng lại sau tiếng quát đó. Không chủ ý, hai tay tự dưng đưa cao lên trời như kiểu giơ tay hàng.
- Nhà anh kia! Đi đâu để phạm trốn?
Tũn cứng lưỡi không nói được câu nào, chỉ ụ ợ trong cổ họng.
Một người quát:
- Đưa luôn nó lại chỗ hai thằng kia. Chắc nó ăn tiền của bọn phản động, đánh tháo cho bọn Việt gian, phản động đây!
Tũn thực sự chưa hiểu duyên cớ ra làm sao?
       Vốn dĩ anh chậm hiểu từ bé, việc này càng khó hiểu là đương nhiên. Cho đến lúc này Tũn vẫn chưa biết đã xảy ra chuyện gì?
Người ta đẩy Tũn vào góc đình. Đã có hai anh em thằng câm ngồi thu lu ở đó. Ngay bên cạnh nó là mảnh buồm cũ màu trăng trắng. Y như cái màu Tũn nhìn thấy tưởng ma gần cây mít sau đình.
Chả nhẽ hình người đu đưa lại chính là miếng buồm cũ này? Chẳng nhẽ anh em thằng câm bày ra cái trò quái quỷ, chết người này?
Tũn nghe rõ người ta nói với nhau rằng có hai kẻ bị giam ở đây vừa bỏ trốn. Hẳn là có tay trong làm nội ứng chúng mới được cởi trói, thoát ra ngoài cánh đồng.
Lực lượng dân quân đang được huy động lùng bắt. Không biết có bắt lại được chúng không?
 Tũn bàng hoàng lo sợ. Dù có chậm hiểu hay đần độn đến đâu, anh cũng biết hậu quả của chuyện này. Bởi chính anh được cắt cử canh gác. Giờ can phạm trốn mất rồi, cái tội của anh đã rõ ràng!
Không thể nói sợ ma bỏ chạy để xảy ra chuyện này. Càng không thể nói mình vẫn đứng gác ở đây mà không biết gì. Nói thế thì súng đâu? Đèn đâu? Khi hai thứ đó chưa kịp tìm lại, mình đã bị giữ ở đây?
Tội to rồi, không phải chơi!
Tũn định quay sang hỏi anh em thằng câm, nhưng lại nhớ là chúng không nói được, tay đang bị trói không thể ra hiệu, có hỏi cũng bằng thừa!
 Không biết vì quá sợ hay quá buồn, hai dòng nước mắt cứ ầng ậc tứa ra..

Cả bác Hai Hìu lẫn bố tôi không ai biết vì sao đêm hôm đó anh em thằng câm liều thân cứu mình?
Vì thỉnh thoảng cho nó vài đồng tiền, bát gạo hay chữa bệnh sâu quảng ăn chân khỏi cho bố nó? Hay vì chẳng biết gì, nghịch dại? Đã câm hẳn là phải điếc. Câm điếc thì không ai bắt bẻ được tội gì!
Về sau bố tôi kể, cả hai anh em nó chỉ bị giam mấy ngày rồi được thả. Anh cu Tũn cũng chẳng làm sao. Người ta chỉ khai trừ anh ra khỏi đội du kích. Thế lại nhàn. Anh lại quay về đánh gốc bốc chà, đào ao bổ củi. Rượu say rồi hát ngêu ngao. Chị vợ chán, ra xã làm đơn tuyệt tình. Chị công tác mỗi ngày mỗi tiến bộ.Về sau được điều lên huyện làm cán bộ phụ nữ.
Sự đời được cái nọ mất cái kia. Bỏ mất anh chồng khờ lại có tí danh. Chị ít khi về làng. Chỉ khi nào có họp hành dưới xã chị bần cùng mới về.
Có gặp anh cu Tũn cũng như người không quen biết. Sau này chị lấy một ông người Quảng Nam, Quảng Ngãi gì đấy tập kết. Ông này tôi có gặp một đôi lần. Tiếng nằng nặng, khó nghe.
Nếu không được anh em thằng câm giải thoát đêm hôm đấy, chả biết bố tôi và bác Hai Hìu sẽ ra sao vào cái thời quá là kinh, khủng khiếp ấy?

Thoát được ra ngoài, hai người cứ dọc sông đi ngược lên miền thượng du. Bác Hai Hìu nhờ cậy được người quen làm cho cái giấy thông hành, thứ giấy mà đi bất cứ đâu cũng không sợ ai hỏi. May mà thời đấy công văn giấy tờ còn quá khó khăn, thiếu thốn và thường rất chậm. Không có lệnh truy nã rắc rối như thời bây giờ. Điện tín, điện thoại cũng chẳng có nốt. Nhà chức trách thôi thì thây kệ, chả ai truy sát nữa làm gì!
Bác Hai Hìu biết nghề đóng cối xay. Hai người sắm bộ cưa, đục, chút dăm cối, sống bằng nghề này, nay đây mai đó.
Lúc có lệnh sửa sai, bố tôi và bác Hai Hìu đẫ lênh đênh lên mãi trên Phong Thổ, Lai Châu.
Gặp được người quen báo cho biết tin, cả hai mới quay về. Bố tôi lại bốc thuốc, coi nhà cho mẹ tôi chợ búa. Còn bác Hai Hìu lại về huyện. Cán bộ vừa là nghiệp vừa là nghề của bác ấy. Có tự ái cũng không được. Mà tự ái với ai?
Bố tôi bảo thế, rồi mủm mỉm cười!

( Còn nữa..)








Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: