BLOG CỦA ALAN PHAN NGÀY THỨ SÁU 19 JULY 2013
Hai bài vừa đăng trên GNA (Cúi mà không thấp và Bức xức về tự hào dân tộc) tạo nhiều tranh cãi và cảm xúc với các BCA. Mới biết cái tính sĩ diện hảo trong con người Việt vẫn còn cao lắm. Nhiều bạn quá khích cho là bất cứ phê bình gì về người Việt “anh hùng” (đúng hay sai) đều là phản động, (wow, chúng ta vẫn sống ở thập niên 1950s à?); nhiều bạn thì lại thấy xấu hổ nhục nhã với hiện trạng “cúi mặt”. Nhiều Emails hỏi ý kiến tôi…
Thực sự, ông già Alan không có xúc cảm gì về vấn đề này. Mỗi con người là một vũ trụ riêng biệt, cái chân giá trị của cá nhân chỉ mình mình định phẩm và đặt mục tiêu; ý kiến của người khác chỉ là…chuyện người ta. Ai khen thì cám ơn, ai chê hay chửi thì cũng không có gì để phản ứng. Vả lại, nói về cả xã hội, thì luôn luôn có đủ loại người, mọi phương thức để phân tích đánh giá đều không khoa học lắm. So sánh về mức độ giàu nghèo hay tỷ lệ tội phạm và môi trường sống có tự do dân chủ hay sạch bẩn thì khá hiển nhiên, nhưng để cho rằng dân tộc này “có đời sống tốt” hơn dân tộc kia sẽ gây nhiều mâu thuẫn vì không thể thống nhất tiêu chuẩn.
Với Alan, tôi không hãnh diện hay xấu hổ khi làm người Việt, người Mỹ hay người ngoài hành tinh. Và chắc chắn là không ai quan tâm là tôi có quốc tịch gì, trừ khi mình ra ứng cử hay đi bầu cử. Vả lại, tôi vẫn thường nói, một thằng “chó đẻ” vẫn là một thằng chó đẻ dù nó có bạc tỷ hay được phong thánh phong thần.
Tuy nhiên, sự so sánh điểm mạnh hay yếu của hai dân tộc Việt Nhật là một đề tài thú vị. Hai dân tộc này đều có “tiếng tăm” về thành tích anh hùng trong chiến tranh. Nhất là khi anh hùng Việt đánh bại Pháp rồi Mỹ; trong khi anh hùng Nhật thua đau đớn tại thế chiến 2 và trả giá khá nặng. Hai xã hội cũng nằm trong ảnh hưởng của Khổng Nho và Phật giáo cả ngàn năm; nên có thể cũng đồng nhất về chuẩn mực đạo đức và trí tuệ.
Nhưng nhìn lại lịch sử, từ đống tro tàn năm 1945, con phượng hoàng Nhật đã hồi sinh mạnh mẽ 40 năm sau đó. Giữa thập niên 1980’s, nhiều trí thức Âu Mỹ phải báo động là mặt trời Nhật sắp khống chế và trở thành nền kinh tế số 1 của thế giới. Bất cứ một người Á Châu giàu có và trí thức nào đều được đồng hóa với người Nhật trong mọi cắp mắt Âu Mỹ. Giới nghệ sĩ, khoa bảng và đại gia của họ đã say mê khám phá văn hóa Nhật và sao chép cùng sáng tạo nhiều truyền thuyết Nhật qua các bài giảng, mô hình kinh doanh và phim ảnh tiểu thuyết.
Cũng khoảng 40 năm sau “mùa xuân đại thắng”, mọi khía cạnh từ chính trị kinh tế đến văn học thể thao của người Việt là một trò cười lớn của nhân loại. Sau khi tiếp xúc va chạm với đủ thành phần người Việt, gần như tất cả mọi dân tộc toàn cầu bắt đầu coi thường khi dễ người Việt, kể cả những đồng minh anh em bằng hữu “hảo hảo” như Trung Quốc, Liên Xô…
What went wrong? (Cái gì sai trái đã xẩy ra?).
Chúng ta không thể chỉ phiến diện quy tội cho một cơ chế vay mượn tệ hại. Những yếu tố lịch sử, văn hóa hay dân trí nào khác đã cấu tạo nên tư duy và cư xử hiện tại của người Việt? Khi so sánh với các dân tộc láng giềng, sự lựa chọn của Việt Nam trước đây và bây giờ có là một lầm lỡ vô phương cứu chữa?
Đây là chủ yếu của đề tài Alan muốn mời các bạn BCA đăng đàn. Xin động não và đóng góp.
Alan Phan
P.S. Riêng các dư luận viên, tôi nghĩ các bạn cứ gởi thẳng bài cho báo Nhân Dân, chúng tôi đã quá quen thuộc với quan điểm của các bạn về “sự thật”, về “biện bạch”, về “răn đe” 70 năm rồi. Tôi nghĩ chúng ta không nên làm mất thì giờ của nhau, vì lương các bạn là do người dân trả đấy chứ không phải ông sếp, ông kẹ nào đâu.
Hai bài nói trên:
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét