[đối thoại]
Làm một blogger cho một đài phát thanh quốc tế như VOA, với tôi, quả là một chuyện bất ngờ và thú vị.
Kể ra, hình như tôi cũng khá có duyên với các đài phát thanh. Nhiều lần, một số đài phát thanh có chương trình tiếng Việt ở nhiều nơi trên thế giới mời tôi làm việc hoặc cộng tác. Lần nào tôi cũng từ chối. Lý do chính là vì tôi không thích cái giọng của tôi. Tôi sinh ra và lớn lên ở Quảng Nam, đến năm 18-19 tuổi, mới vào Sài Gòn. Chính ở Sài Gòn, lần đầu tiên tôi phát hiện mình nói tiếng Việt không... đúng. Không đúng từ những điều căn bản nhất: các nguyên âm, đặc biệt là nguyên âm a, ă và o. Nhớ, một lần, đâu vào khoảng cuối năm 1975, tôi và một người bạn ra chợ Trương Minh Giảng ở quận 3, Sài Gòn bán một số gạo mà chúng tôi, vốn là sinh viên ở trường Đại Học Sư Phạm, được mua với giá rẻ. Tôi hỏi người đàn bà đã khá lớn tuổi ở hàng gạo:
“Boác có mua gộ không, boác?”
Người bán gạo có vẻ không hiểu. Tôi lặp lại:
“Gộ. Cháu có một bô gộ.”
Bà vẫn không hiểu. Thằng bạn đi với tôi, cũng dân Quảng Nam nhưng bố mẹ lại là người Bắc di cư, vọt miệng làm... thông dịch viên:
“Gạo. Chúng cháu có một bao gạo”.
Bà hiểu ngay tức khắc.
Tôi xấu hổ đến lặng người. Đó là lần đầu tiên tôi phát hiện ra là tiếng Việt của mình có... vấn đề.
Bây giờ, lớn tuổi rồi, nhìn lại, thấy, thật ra, vấn đề ấy cũng chẳng có gì trầm trọng. Có khi lại hay nữa. Một người bạn của tôi, gốc Quảng Nam, hiện đang sống và làm thơ ở Sài Gòn, có lần hùng dũng tuyên bố: “Mình có giọng noái là boảng séc; bỏ boảng séc ấy thì còn gì là mình nữa!”
Tôi, một mặt, không muốn bỏ hẳn bản sắc của mình, nhưng mặt khác, lại cũng biết rõ là, nghề phát thanh viên là một trong những nghề ít thích hợp với mình nhất. Tốt nhất là không nên nghĩ đến.
Lại nhớ đến Hoài Thanh. Trong một lần đến nói chuyện với sinh viên Khoa Văn trường Đại Học Sư Phạm thành phố Hồ Chí Minh đâu khoảng vào năm 1988 hay 89 gì đó, Hoài Thanh kể hồi nhỏ ông không mấy tự tin vào cái giọng Nghệ An của mình. Ông biết nó không hay. Hơn nữa, ông cũng biết nói giọng Nghệ An là một thiệt thòi. Bởi vậy, ông tập trung năng lực vào việc trau dồi khả năng viết lách để có thể truyền thông một cách hiệu quả qua con đường văn chương. Tôi không có ý thức dùng văn viết để thay thế văn nói rõ rệt như ông. Bởi tôi mê viết văn (và làm thơ nữa, giời ạ!) khá lâu trước khi tôi nhận ra là mình nói dở. Chỉ có điều, sau khi nhận ra mình nói dở, tôi chỉ thích chọn những nghề... ít nói nhất.
Vậy mà tôi lại sa vào nghề dạy học. Cả đời tôi dạy học. Ở Việt Nam, dạy học. Ra đến nước ngoài, cũng dạy học. Như cái số, đành chấp nhận. Nhưng nếu có cái nghề thứ hai nào cần làm và có thể làm, tôi dứt khoát chọn cái nghề ít nói; thậm chí, không nói: càng tốt.
May, nó tới: lần này Ban Việt ngữ đài VOA không mời tôi làm phát thanh viên mà lại làm một... blogger!
A! Cái chuyện này mới thú vị đấy. Chữ blog mới đến độ chưa có trong tiếng Việt (hay có mà tôi không biết; nếu vậy, xin quý bạn đọc chỉ giùm; xin đa tạ trước). Ngay trên thế giới, blog cũng là một hiện tượng khá mới. Những blog đầu tiên chỉ xuất hiện từ cuối thế kỷ trước, cách đây mới hơn 10 năm. Mới, nhưng nó lại phát triển cực nhanh. Nếu năm 1997, trên khắp thế giới chỉ mới có 23 blog, đến năm 2005, con số này nhảy lên trên 50 triệu, trung bình mỗi ngày có đến trên 75.000 blog mới xuất hiện. Hiện nay số blog trên thế giới có thể lên đến hàng trăm triệu. Nhiều? Vâng, ngay cả khi chúng ta đã trừ đi những blog không thực sự hoạt động, rất hiếm khi được cập nhật hoặc chỉ có năm ba người đọc, số blog còn lại cũng rất nhiều; trong số đó có những blog có số người đọc đông đảo đến độ không có cơ quan truyền thông nào lại không thèm thuồng. Ví dụ, blog Perez Hilton của Mario Lavandeira mỗi ngày có đến trên ba triệu lượt người truy cập. Hơn hẳn các tờ báo in nổi tiếng và có lịch sử hàng trăm năm.
Nhiều người tiên đoán chính các blog sẽ là tên sát thủ của tất cả các tờ báo. Không phải ai cũng đồng ý. Nhưng có một sự thật: gần đây, số lượng các tờ báo phải bị đóng cửa hoặc đang sống ngắc ngoải khá nhiều. Kẻ thù chính là internet. Trong internet, kẻ thù chính là các blog.
Để tồn tại, hầu hết các tờ báo đều tìm cách online-hoá, và, gần đây, blog-hoá. Báo đưa lên mạng, chưa đủ. Trên mạng, người ta có thể cập nhật tin tức và bình luận thật nhanh, đáp ứng nhu cầu biết-ngay và biết-hết của con người thời cách mạng thông tin toàn cầu. Thế nhưng vẫn có cái gì đó chưa đủ. Ngày nay, độc giả hay thính giả không phải chỉ cần biết tin. Họ không muốn thụ động như trước. Họ có nhu cầu lên tiếng phản hồi hay tham gia vào các cuộc tranh luận. Các trang báo mạng thông thường (webpage) không đáp ứng được điều đó. Chính vì vậy các blog mới ra đời. Trên các tờ báo mạng, ngoài những trang tin tức hay bình luận theo kiểu truyền thống, người ta thấy lần lượt xuất hiện những trang blog của các bình luận gia hay ký mục gia (columnist) với một danh xưng mới: blogger.
Khác với các bình luận gia hay ký mục gia, các blogger không bao giờ đứng một mình. Bên cạnh họ bao giờ cũng có đông đúc bạn bè và độc giả, người thì khen, kẻ thì chê; người thì tán đồng, kẻ thì phản đối, lúc nào cũng có sự tương tác nhanh chóng và chặt chẽ. Có những blog, như blog của Mario Lavandeira nhắc ở trên, có đến hơn nửa triệu phản hồi từ độc giả. Khiếp. Sự góp mặt của những người phản hồi ấy góp phần tạo nên đặc trưng và diện mạo của blog: đó là một cuộc họp mặt và chuyện trò của những người đồng điệu. Đồng điệu không hẳn là đồng ý. Những người đồng điệu thường chỉ có một điểm chung: sự quan tâm đến một lãnh vực hay một vấn đề gì đó. Không nhất thiết phải chung về quan điểm.
Áp lực của các blog mạnh đến nỗi không phải chỉ có các tờ báo in mới blog hoá. Ngay cả báo mạng cũng blog hoá: tờ Talawas do Phạm Thị Hoài chủ trương ở Đức tự đình bản để sau đó, biến thành Talawas blog. Rồi các đài phát thanh - một hình thức báo nói - cũng blog hoá. Liên quan đến tiếng Việt, trên phạm vi toàn cầu, không chừng VOA đang đi tiên phong. Trang web của Ban Việt ngữ các đài phát thanh khác, có khi có cả hàng chục triệu lượt truy cập mỗi tuần, vẫn chưa có blog. Chỉ có mục Diễn Đàn. Nhưng Diễn Đàn không phải là blog.
Được tham gia vào diễn đàn có tính tiên phong như thế, vui chứ?
Ở diễn đàn ấy, mình chỉ cần viết chứ không cần nói: càng vui nữa.
Thế thì tôi đâu có lý do gì để từ chối. Ừ thì làm. Từ nhà phê bình đến blogger, không chừng đó cũng sẽ là cuộc hành trình chung của nhiều người, sau này: một cuộc xuống đường của trí thức.
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét