Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Sáu, 31 tháng 1, 2020

Chuyên gia quốc tế: Dịch bệnh và nguy cơ thể chế của Trung Quốc


Dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán lan khắp Trung Quốc và đã truyền sang hơn 20 quốc gia trên thế giới. Hiện nay Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) không chỉ phải đối mặt với nhiều nguy cơ khó khăn trong nước mà cũng chịu nhiều áp lực quốc tế vì che giấu dịch bệnh nghiêm trọng. Có bình luận rằng hậu quả của sự lây lan của dịch bệnh đi cùng biện pháp quản lý ứng phó phong tỏa nghiêm ngặt đến thô bạo là một cuộc khủng hoảng thực sự đối với ĐCSTQ và lãnh đạo đương nhiệm Tập Cận Bình.
Aris Messinis/AFP/Bloomberg via Getty Images
Có quan điểm cho rằng tình hình dịch bệnh lây lan nhanh chóng hiện nay đang thực sự là nguy cơ đối với lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình (Ảnh: Getty Images)
Thực trạng dịch bệnh viêm phổi ở Vũ Hán lây lan nhanh hiện nay có nguyên nhân quan trọng do tình trạng làm việc quan liêu tắc trách của cơ quan chức năng ĐCSTQ, khiến đông đảo người dân Trung Quốc đang rất tức giận. Hôm 27/1, trong lần hiếm hoi phải trả lời truyền thông, ông Thị trưởng Vũ Hán Chu Tiên Vượng (Zhou Xianwang) đã đẩy trách nhiệm lên bộ máy chính quyền trung ương với lý do “không được ủy quyền của chính quyền trung ương ”, tuyên bố đã làm dấy lên làn sóng công kích đối với bộ máy cầm quyền ĐCSTQ.
Hendrik Ankenbrand, phóng viên của tờ báo của Đức là FAZ (Frankfurter Allgemeine Zeitung) trú ở Thượng Hải đã cho biết hiện nay ngày càng có nhiều người cáo buộc Chính phủ Trung Quốc cố tình che giấu số liệu tình hình dịch bệnh. Ví dụ, một tin đồn lan truyền vào cuối tuần qua chỉ ra một bác sĩ (giấu tên) ở Thượng Hải tiết lộ ở Thượng Hải đã có 31 người thiệt mạng vì bệnh và 107 người đã bị nhiễm bệnh.
Bài viết của Hendrik Ankenbrand cho rằng, nếu theo tuyên bố của bác sĩ này, cứ ba người nhiễm bệnh có một người thiệt mạng thì tỷ lệ tử vong cao hơn nhiều mức 4% mà cơ quan chức năng Vũ Hán công bố, cho nên nhiều người Trung Quốc đặt vấn đề nghi vấn dữ liệu của cơ quan chức năng Vũ Hán công bố sai sự thật. Bài viết lập luận rằng, đối với ĐCSTQ thì dịch bệnh này đã trở thành một khủng hoảng niềm tin không thể giải quyết được.
Trong một bài viết của tác giả kỳ cựu James Griffit đăng trên CNN của Mỹ đã lên án chủ nghĩa quan liêu và thói quen che đậy sự thật đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiệu quả ngăn ngừa dịch bệnh, tác giả chỉ ra mỗi cuộc khủng hoảng phát sinh là một bài kiểm tra khả năng lãnh đạo của ông Tập Cận Bình. Theo bài viết, từ quỹ đạo phát triển của dịch bệnh lần này cho thấy Trung Quốc tồn tại lỗ hổng cơ bản trong việc đối phó với những khủng hoảng như vậy, và có thể có những mối đe dọa lớn hơn trong tương lai.
Sau khi bổ nhiệm Thủ tướng Lý Khắc Cường làm trưởng nhóm công tác chống dịch và sắp xếp ông Lý đi Vũ Hán để kiểm tra công tác chống dịch, vào ngày 28 khi ông Tập Cận Bình gặp Tổng giám đốc WHO (Tổ chức Y tế Thế giới) là Tedros Adhanom đã đặc biệt nhấn mạnh “Về công tác phòng chống dịch bệnh này, tôi luôn đích thân chỉ đạo, bố trí”. Ông Tập Cận Bình còn cho biết việc chống dịch bệnh phải kiên quyết thực hiện theo bố trí của trung ương”, “thống nhất về lãnh đạo, chỉ huy và hành động”.
Một bài phân tích của tác giả Lea Deuber công bố hôm 27/1 trên tờ Süddeutsche Zeitung của Đức cũng cho biết, trong vòng chưa đầy một tuần mà bệnh viêm phổi Vũ Hán đã làm ngưng trệ hoàn toàn một quốc gia có dân số hơn một tỷ người. Dịch bệnh lan nhanh đã rõ ràng trở thành nguy cơ thực sự mà ông Tập Cận Bình phải đối diện. Bài viết chỉ ra, sau ngày 23/1 khi thành phố lớn Vũ Hán với dân số hơn chục triệu người đã bị phong tỏa, mức độ tín nhiệm của đông đảo người dân Trung Quốc đối với bộ máy cầm quyền càng lung lay hơn bao giờ hết… Đi cùng tình hình đất nước ngày càng hỗn loạn, Chính quyền ĐCSTQ đã áp dụng các biện pháp đàn áp ngày càng mạnh mẽ hơn đối với giới phê bình.
Myers, Giám đốc chi nhánh Bắc Kinh của New York Times và phóng viên cao cấp Bắc Kinh là Trữ Bách Lượng (Chu Bailiang) cũng đã cùng viết bài chỉ ra tình trạng tập quyền mạnh mẽ của lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình trong bảy năm qua khi ứng phó với các nguy cơ, nhưng viêm phổi Vũ Hán hiện nay là một trong những thử nghiệm phức tạp và khó lường nhất mà ông Tập Cận Bình gặp phải.
Chia sẻ trên VOA (Tiếng nói nước Hoa Kỳ), ông Dương Kiến Lợi (Yang Jianli) – người thúc đẩy nhóm nhân quyền Sức mạnh Công dân thì nhận định rằng nếu dịch bệnh tiếp tục lan rộng ngoài tầm kiểm soát, rất có thể sẽ trở thành sự kiện đặc biệt quan trọng đe dọa chế độ của ĐCSTQ.
Nhà bình luận luôn theo dõi về dịch bệnh là Tiêu Nhược Nguyên (Xiao Ruoyuan) cũng cảnh báo mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh này có thể so sánh với thảm họa Chernobyl lớn nhất trong lịch sử, nguyên nhân của thảm họa loài người này là do vấn đề thiếu thông tin để có thể ứng phó kịp thời. Ông Tiêu Nhược Nguyên cho biết, theo thông tin ông nhận được là vào ngày đầu tiên của năm nay các ủy viên của Ban Thường vụ Bộ Chính trị ĐCSTQ đã họp mặt và cảm nhận tình hình dịch bệnh lần này có thể trở thành nguy cơ đối với sự tồn vong của ĐCSTQ.
Nhà bình luận chính trị Ngũ Phàm (Wu Fan) cũng cho rằng dịch bệnh có ảnh hưởng sâu rộng đến ít nhất ba bình diện, đặc biệt là biện pháp phong tỏa thành phố của ĐCSTQ sẽ không chỉ gây xáo trộn lớn trong xã hội Trung Quốc, mà còn gây xáo trộn trong ĐCSTQ.
Tờ Vision Times (Mỹ) cũng có bài “Tập Cận Bình lại đi thăm hồ Điền Trì không phải vì Bạc Hy Lai mà vì nguy cơ lớn”, theo đó cảnh báo rằng thời thế biến động với dịch bệnh lớn ập đến thường liên quan đến sự sụp đổ của một triều đại. Lần này ĐCSTQ lặp lại sai lầm từng gặp đối với SARS là che giấu dịch bệnh, nhưng bây giờ người dân đã tỉnh táo hơn, một chính quyền chỉ ưu tiên cho sự an toàn của họ thì sao có thể xem trọng an nguy của người dân? Bài viết nhận định người dân Trung Quốc và thế giới ngày càng thấy rõ hơn sự ích kỷ và lưu manh đến cực đoan của ĐCSTQ, đại dịch lần này liên quan đến vận mệnh của cả Trung Quốc và thế giới sẽ là nguy cơ sinh tồn của ĐCSTQ.
Liên quan đến nguy cơ tồn vong của ĐCSTQ này, ngay đầu tháng 12 năm ngoái trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông phương Tây, nhà bình luận tình hình Trung Quốc tại Mỹ là Arthur Waldron đã chỉ ra thói quan liêu xa rời thực tế, không biết tình hình thực trạng đời sống dân tình nên nhà cầm quyền ĐCSTQ hiện nay hành động tùy tiện, hiệu quả đạt được rất hạn chế, bế tắc. Theo ông Arthur Waldron , nhà cầm quyền ĐCSTQ cũng hiểu rõ nguy cơ tồn vong của chế độ.
Ông tiết lộ có chuyên gia cấp cao của ĐCSTQ quan hệ thân thiết với Tập Cận Bình đã thẳng thắn cho ông biết: “Arthur Waldron, chúng tôi đã đi đến đường cùng, mọi người hiểu rõ chế độ đã đi đến hồi kết, chúng tôi đã đi vào ngõ cụt. Chúng tôi không biết bước tiếp theo phải đi như thế nào, bởi vì nơi đây mìn gài khắp mọi nơi, bước sai một bước là có thể thịt nát xương tan.”
Tuyết Mai

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: