Hồng Sơn
Ngày 6-12-2019 vừa qua, báo chí Mỹ đồng loạt đưa tin về cái chết của Victor Sheymov (74 tuổi) – cựu thiếu tá của Cơ quan tình báo Xôviết KGB từ trước đó đã đào tẩu sang Mỹ.
Sĩ quan tình báo Putin dũng cảm cứu hồ sơ của KGB tại Đông Đức Những thiết bị tình báo lợi hại của KGB
Vào thời kỳ cuối những năm 1970, một cán bộ an ninh trẻ tuổi có học vấn và nhiều triển vọng như Sheymov đã có dịp tiếp cận với nhiều tài liệu mật của Moscow.
Để lôi kéo được Sheymov, Washington đã hứa hẹn cho anh ta cả triệu USD, kèm theo đó là một chiến dịch mạo hiểm để đưa hắn và gia đình chạy sang Mỹ. Cùng tìm hiểu về những góc khuất trong cuộc đời của một trong những kẻ phản bội được coi là gây thiệt hại lớn nhất trong lịch sử KGB…
Những bí mật của Liên Xô
Victor Sheymov sinh ngày 9-5-1946 tại Moscow trong một gia đình được coi là đáng nể trong xã hội thời bấy giờ - có cha là kỹ sư, còn mẹ là bác sĩ tim mạch. Sau khi tốt nghiệp Trường phổ thông số 45 (một trong những trường tốt nhất tại thủ đô khi đó), Sheymov gia nhập Trường đại học kỹ thuật quốc gia Bauman, nghiên cứu về chuyên ngành tên lửa và tàu vũ trụ.
Tốt nghiệp năm 1969, chàng thanh niên mới 23 tuổi đã được nhận vào Viện nghiên cứu khoa học trung ương số 50 của Bộ Quốc phòng. “Mục tiêu của viện này chính là những nghiên cứu trong lĩnh vực sử dụng vũ trụ cho các mục đích quân sự” – Sheymov đã tiết lộ như vậy khi trả lời phỏng vấn của tờ The Washington Post.
Tại đây, chuyên gia trẻ tuổi này nghiên cứu việc chế tạo hệ thống dẫn đường bằng hồng ngoại cho tên lửa loại mới, nhờ đó tàu vũ trụ của Liên Xô có thể bắn rơi các vệ tinh của đối phương. Tuy nhiên, dự án trên tới giờ vẫn chỉ tồn tại trên giấy.
Sheymov vẫn say mê với công việc của mình cho tới khi một bước ngoặt đến với anh ta vào năm 1971: được đề nghị vào làm việc tại Tổng cục 8 của KGB, nơi chuyên đảm trách về chuyên ngành liên lạc và mật mã. Một trong những nhiệm vụ của Sheymov chính là bảo dưỡng các hệ thống kỹ thuật nhằm bảo vệ thông tin tại các đại sứ quán và cơ sở nước ngoài của KGB.
Năm 1974, viên sĩ quan được đánh giá là đầy triển vọng này được chuyển sang làm việc tại trụ sở Tổng cục I chuyên điều hành các chiến dịch của tình báo đối ngoại KGB. Sheymov trở thành nhân viên của bộ phận liên lạc, chuyên theo dõi thông tin truyền về từ các điệp viên của KGB trên khắp thế giới.
Một trong những nhiệm vụ chính của Sheymov chính là tổng hợp báo cáo cho các ủy viên Bộ chính trị, nhờ đó anh ta biết được tất cả những chiến dịch bí mật của KGB trên khắp thế giới. Đáng chú ý trong đó có những chiến dịch nhằm vô hiệu hóa những phần tử phản bội, đào thoát nguy hiểm sang phương Tây.
Tự chuyển hóa
Năm 1976, Sheymov (khi đó mới 30 tuổi) được giao nhiệm vụ chuyên về an ninh thông tin – trong đó có cả việc giải mã và phản gián. Trên cương vị sĩ quan đảm trách nhiệm vụ đặc biệt của KGB, anh ta tham gia giải quyết nhiều vấn đề rất tế nhị.
Bước ngoặt trong cuộc đời Sheymov bắt đầu từ năm 1979, khi anh ta tỏ ra thất vọng về công việc tại KGB, tiếp đó là những quan điểm bất mãn với chế độ. Trước đó một năm, Sheymov biết được thông tin của cơ quan tình báo Xô Viết tổ chức theo dõi chặt chẽ giáo hoàng John Paul II, vốn là một công dân của quốc gia thuộc phe XHCN (Ba Lan) lần đầu tiên được bầu làm giáo hoàng. Anh ta cho rằng, đây là bước đi đầu tiên của KGB để chuẩn bị cho việc ám sát John Paul II.
Một năm rưỡi sau, giáo hoàng quả thật đã trở thành nạn nhân của một vụ ám sát. Ngày 13-5-1981, Giáo hoàng John Paul II bị bắn ngay tại quảng trường thánh Peter ở Vatican bởi Mehmet Ali Agca, một thành viên của tổ chức cực hữu “Grey Wolves” của Thổ Nhĩ Kỳ.
Phương Tây ban đầu đã đổ cho Cơ quan tình báo Bulgaria đứng sau âm mưu này. Mãi về sau vào năm 2005, Ali Agca mới thừa nhận một vài hồng y giáo chủ của Vatican là chủ mưu của vụ ám sát. Trong khi từ trước đó, KGB vẫn bị cáo buộc có dính líu tới kế hoạch trên.
Chuyến đi công tác nước ngoài đầu tiên của Sheymov diễn ra vào đầu năm 1980. Với cương vị là người nắm được nhiều bí mật quan trọng, anh ta theo nguyên tắc vẫn có người hộ tống và giám sát. Tuy nhiên, Sheymov vẫn tìm cách lẻn được vào đại sứ quán Mỹ, nói trực tiếp với bảo vệ về việc muốn nói chuyện trực tiếp với đại diện của tình báo Mỹ. Yêu cầu trên nhanh chóng được chấp thuận.
“Tôi nói với tay đại diện rằng tôi đang phục vụ tại bộ phận nào của KGB. Tôi có thể giúp đỡ họ nếu như họ chịu giúp tôi. Tôi cùng gia đình cần rời khỏi Liên Xô để định cư tại phương Tây” – Sheymov đã kể như vậy trong một bài phỏng vấn.
Để làm rõ Sheymov là người của KGB, người Mỹ đã yêu cầu anh ta chụp ảnh một số tài liệu bí mật nhất có thể tiếp cận. Sau khi hoàn thành yêu cầu trên, Sheymov được nhận mật danh là Sapphire. Hai bên cũng thỏa thuận về cuộc gặp gỡ tiếp theo vào giữa tháng 4-1980 tại một công viên ở Moscow. Phía Mỹ khẳng định sẵn sàng giúp đưa gia đình Sheymov rời khỏi Liên Xô và định cư tại Mỹ.
Một tháng sau, chính xác vào ngày 16-5-1980, thiếu tá Sheymov được xác định đã mất tích cùng với cô vợ và đứa con gái 5 tuổi của mình. Căn hộ của họ không thấy mất mát gì, còn một số bằng chứng khác tìm được cho thấy viên thiếu tá cùng gia đình có vẻ như đã chết.
Theo dấu vết giả
Người Mỹ đã suy tính đủ mọi cách để KGB nghĩ rằng, Sheymov đơn giản là đã chết. Tên phản bội đã từ chối không tiết lộ chi tiết về cách trốn khỏi Liên Xô cùng với gia đình. Tuy nhiên, có hai giả thuyết cơ bản được đưa ra.
Theo giả thuyết đầu tiên, gia đình Sheymov được bí mật đưa vào đại sứ quán Mỹ tại Moscow. Tại đó, viên thiếu tá được hóa trang thành một phi công và đưa tới sân bay. Tại đây cũng chuyển đến một kiện hàng ngoại giao lớn không phải kiểm tra, trong đó bố trí nơi ẩn náu của vợ con Sheymov.
Còn giả thuyết thứ hai, theo như tờ Kommersant, viên thiếu tá cùng người thân được đưa lên hai chuyến tàu khác nhau để tới một thành phố xa xôi. Từ đây, Sheymov trốn trong ngăn để hành lý, còn cô vợ giả làm bạn gái của tay tài xế. Họ vượt qua biên giới Liên Xô tại khu vực dãy núi Carpathian, trước khi được đưa tới Mỹ. Một trong không nhiều đồ vật được Thiếu tá Sheymov mang ra nước ngoài chính là giấy chứng minh sĩ quan KGB số 04035.
Điều đáng ngạc nhiên là ban lãnh đạo KGB phải 3 năm sau mới nhận được thông tin về khả năng chạy trốn của Sheymov sang Mỹ, và điều này chỉ chính thức được xác nhận vào năm 1988. 5 năm đầu tiên sau khi biến mất, gia đình Sheymov chỉ được coi là bị mất tích, cụ thể là đã bị giết. Nguyên nhân là do một vài tình huống trùng hợp đáng ngạc nhiên.
Vấn đề là chỉ nửa năm sau vụ mất tích trên, tại nhà ga tàu điện ngầm Zdanovskaya, các nhân viên cảnh sát khu vực này đã có vụ xích mích, đánh đập gần chết thiếu tá Viatreslav Afanasev, phó chánh văn phòng của KGB.
Đến khi biết nạn nhân là một sĩ quan mật vụ cao cấp, viên chỉ huy nhóm cảnh sát này đã quyết định phải xóa mọi dấu vết. Ông ta chỉ đạo mang Afanasev (khi đó đang trong tình trạng thập tử nhất sinh) đem bỏ tại ngôi làng Pekhorka ở ngoại ô Moscow, là nơi có nhiều nhà nghỉ của các nhân viên KGB. Nạn nhân đã được những người tình cờ đi qua bắt gặp, đưa vào viện nhưng đã không tỉnh và qua đời tại đây.
Vụ việc này đã gây ra nhiều xích mích giữa các quan chức hàng đầu của KGB và Bộ Nội vụ Liên Xô. Đến năm 1981, chính các nhân viên cảnh sát từng đánh đập Afanasev không hiểu vì lý do gì lại tự nhận đã thanh toán cả gia đình của Sheymov.
1 triệu USD để phản bội Tổ quốc
CIA bắt đầu khai thác Sheymov ngay khi anh ta vừa đặt chân tới Mỹ. Nhờ sự giúp đỡ của tên phản bội, người Mỹ đã lắp đặt thành công một thiết bị chặn bắt thông tin qua đường dây liên lạc bí mật ở ngoại ô Moscow. Bằng cách này, việc liên lạc giữa KGB với các chi nhánh ở nước ngoài trên thực tế đã nằm dưới khả năng giám sát của CIA trong suốt vài năm liền.
Mãi tới năm 1985, các chuyên gia an ninh Xôviết mới phát hiện ra được thiết bị tai hại này. Cũng trong năm này, Victor Sheymov chính thức trở thành công dân Mỹ, đồng thời vẫn tiếp tục hợp tác với Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA).
Trong suốt nhiều năm, Sheymov đã giúp người Mỹ xây dựng các phương pháp giải mã những thông điệp mật của Liên Xô, chia sẻ với CIA dữ liệu về “mạng lưới mật mã toàn cầu của KGB” và nhiều bí mật quan trọng khác. Sheymov còn tiết lộ với phía Mỹ về việc có 2 nhân viên Bộ Ngoại giao Mỹ và ít nhất một nhân viên CIA đang làm việc cho Liên Xô, cũng như về chiến dịch nghe trộm đại sứ quán Mỹ tại Moscow của KGB. Kết quả của quá trình hợp tác hiệu quả này là một tấm huy chương vì công lao đóng góp cho an ninh quốc gia của CIA.
Tuy nhiên đến năm 1991, giữa cựu nhân viên tình báo Nga và cơ quan tình báo Mỹ bất ngờ nảy sinh xung đột, khi CIA từ chối chi trả khoản tiền một triệu USD cho việc “chữa trị và dịch vụ y tế suốt đời” như đã hứa. Thay vào đó, tên phản bội chỉ được nhận gần 200 ngàn. Kết quả là Sheymov chuyển sang làm kinh doanh riêng, còn việc kiện cáo của ông ta với CIA sau đó đã kéo dài trong suốt 8 năm.
Có một chi tiết thú vị là trong lần nộp đơn kiện tiếp theo vào năm 1999, cựu thiếu tá KGB đã thuê một luật sư đặc biệt là Robert James Woolsey Jr, từng là giám đốc của CIA trong giai đoạn 1993-1995. Nhờ đó, hai bên đã đạt được thỏa thuận tại tòa án và Sheymov cuối cùng cũng nhận được tiền bồi thường. Số tiền cụ thể không được tiết lộ nhưng Sheymov vẫn tỏ ra không hài lòng.
Dù vậy, ông ta không còn tiếp tục kiện CIA nữa. Cũng trong năm 1999, Sheymov cùng hợp tác với Woolsey thành lập ra công ty Invicta Networks, chuyên về thiết kế các hệ thống bảo mật máy tính. Một vài dự án của công ty này được các chuyên gia đánh giá là mang tính cách mạng trong lĩnh vực trên.
Còn người Mỹ vẫn đánh giá trường hợp của Sheymov là chiến dịch đào thoát thành công đầu tiên, đồng thời cũng là một trong những phi vụ quan trọng nhất trong chiến tranh lạnh. Ngày 6-12-2019, cựu thiếu tá của KGB Victor Sheymov đã qua đời ở tuổi 73 tại nhà riêng ở thành phố Vienna (bang Virginia) vì chứng bệnh phổi.
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét