RFI
Với người dân xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, quân đội nhìn chung rất tốt. Kể từ khi căng thẳng bùng lên do tranh chấp đất đai giữa dân Đồng Tâm với chính quyền, bộ Quốc Phòng đã không có quan điểm chính thức. Tuy nhiên, trên thực tế, bộ Quốc Phòng đã giữ thái độ nước đôi. Sau đây là một số nhận định của Luật sư Ngô Anh Tuấn (Hà Nội) với RFI tiếng Viet
Ai đang tranh chấp với ai?
Quân đội, công an hay nhiều lực lượng khác sinh ra là để bảo vệ an ninh, an toàn cho quốc gia, dân tộc, bảo vệ quyền và quyền lợi chính đáng của người dân. Từ xưa tới nay, quân đội là lực lượng có quan hệ ấm áp với dân nhất. Họ sống gần dân và ít xảy ra mâu thuẫn với dân nhất. Thực tế, quân đội cũng không có nhiều thủ tục hành chính liên quan tới dân mà chủ yếu liên quan tới quân nhân mà thôi. Vì thế, họ cũng không có cơ sở, điều kiện để ''hành dân'' như một số cơ quan hành chính nhà nước khác. Thành ra, trong con mắt người dân, quân đội vẫn là ổn nhất.
Trong con mắt bà con Đồng Tâm, quân đội cũng rất tốt. Bao nhiêu năm qua, quân và dân vẫn sống với nhau hiền hoà, không có tranh chấp, cãi cọ liên quan tới ranh giới đất đai. Nếu không có sự kiện Viettel định lấy đất, với tuyên bố để làm công trình quốc phòng thì mối quan hệ quân dân chắc chắn vẫn như xưa. Mối quan hệ dẫu có chút xáo trộn, nhưng thực tế không có gì trầm trọng, vì quân đội vẫn im lặng, không khẳng định rằng họ có tranh chấp với dân.
Tuy nhiên, khi người dân có văn bản gửi cho bộ trưởng Quốc Phòng về diện tích đất đang tranh chấp thực chất có phải là đất quốc phòng hay không thì không được bộ trưởng trả lời trả lời. Người dân chỉ nhận được văn bản “đá” trách nhiệm sang cho UBND thành phố Hà Nội (Văn bản số 615/BT-TTr ngày 25/6/2019 do đại tá Phạm Văn Tài, phó chánh Thanh Tra xét khiếu tố ký), trong khi cơ quan này (UBND Hà Nội) đã có kết luận đây là đất quốc phòng từ giữa năm 2017, nhưng kết luận này đã bị người dân khiếu nại lên cấp có thẩm quyền cao hơn.
Người dân băn khoăn rằng, nếu đã là đất của quân đội, đất sử dụng cho mục đích quốc phòng, đương nhiên những người đứng đầu bộ Quốc Phòng phải biết (và không thể nói không biết được), không phải chờ kết luận của ai cả. Và, nếu như dân có tranh chấp đất với quân đội thì đương nhiên, các cơ quan có thẩm quyền thanh tra, kiểm tra, giải quyết cũng là các cơ quan có liên quan của bộ Quốc Phòng phải ''ra tay'' trước chứ không thể là trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân các cấp hay Toà án nhân dân các cấp, trừ khi bộ Quốc Phòng khẳng định đất đai này không phải là của mình và mình không có liên quan gì.
Thái độ lập lờ, nước đôi
Như vậy, quân đội thể hiện ra bên ngoài là không tranh chấp với người dân, nhưng chính cách giải thích lập lờ, nước đôi, không kiên quyết của những người có thẩm quyền của bộ Quốc Phòng là hành động tự loại bỏ quyền của mình trong việc giải quyết vụ việc, nặng lời hơn, đó là hành vi lẩn tránh trách nhiệm, không dám đối diện với người dân để phân định đúng sai. Cũng chính việc này mà từ UBND thành phố Hà Nội tới Thanh Tra Chính phủ đều vượt mặt, xem thường vai trò của bộ Quốc Phòng, tự làm thay vai trò của bộ Quốc Phòng trong gần như toàn bộ các công việc (ngoại trừ việc xây tường bao quanh khu đất tranh chấp là do chính quân đội thực hiện).
Những người có hiểu biết nhìn vào, họ có thể đánh giá rằng ''đất quốc phòng'' chỉ là cái cớ để việc thu hồi đất có thể diễn ra một cách thuận lợi và ít tốn kém hơn mà thôi (còn có ai được hưởng lợi hay không thì không rõ). Sự thiếu trách nhiệm của bộ Quốc Phòng trong việc này góp phần nhân lên nỗi bức xúc khôn nguôi của người dânvà có thể đó là một trong những nguồn cơn dẫn tới sự kiện động trời vừa qua.
Có thể khẳng định rằng, sự việc đặc biệt nghiêm trọng xảy ra ngày 09/01/2020, ngoài những cá nhân, tổ chức có trách nhiệm trực tiếp liên quan thì Thanh Tra Chính phủ cũng có phần trách nhiệm, và đương nhiên, trách nhiệm của bộ Quốc Phòng cũng không thể được loại trừ.
Lấy đất rồi, người ta sử dụng nó ra sao?
Giả sử tất cả đất tranh chấp đều là quốc phòng vậy sau khi xây tường bao xong rồi, họ sẽ làm gì với nó? Có 3 tình huống có thể xảy ra:
1. Tiếp tục bỏ hoang, cây cối mọc um tùm giống như dự án sân bay Miếu Môn khoảng 40 năm nay.
2. Giao đất cho nhà đầu tư bên ngoài làm dự án như đồn đoán của nhiều người.
3. Thực hiện một dự án quốc phòng khác.
Trong 3 khả năng trên, khả năng đầu tiên là hiển hiện, dễ xảy ra, nếu không nói là chắc chắn xảy ra; phương án 2 thì khó ai dám về đầu tư tại vùng đất đau thương và đầy rủi ro này; còn phương án 3 sẽ là một phương án tốn kém tiền của đầu tư và cực kỳ khó khả thi vào thời điểm này, khi mà ngân sách chi tiêu Nhà nước ngày càng eo hẹp.
Thử tìm một giải pháp
Bất luận vụ việc tranh chấp nêu trên đúng sai thế nào, tới đây bộ Quốc Phòng cần giao trả toàn bộ phần đất mà quân đội chưa sử dụng trên địa bàn xã Đồng Tâm (cả phần trước đây và phần mới xây tường bao thêm) về cho UBND thành phố Hà Nội để cơ quan này giao trả lại cho chính quyền địa phương giao phân bổ cho người dân có nhu cầu canh tác theo đúng thẩm quyền.
Dân số xã Đồng Tâm hiện trên dưới 10.000 người và không ngừng tăng lên, đa số dân thuần nông, nhưng quỹ đất dành cho canh tác ngày càng bị thu hẹp. Do đó, thay vì tìm mọi cách để chứng minh đất tranh chấp nêu trên là đất quốc phòng để thu hồi đất rồi bỏ hoang, hay vẽ nên các dự án mà sau khi đã giải phóng mặt bằng xong rồi, người ta còn chưa biết gọi tên nó là gì, hiệu quả đến đâu, thì nên giao trả nó về cho chính quyền địa phương quản lý, rồi từng bước chia lại cho dân, đây là cách rút lui trong danh dự của bộ Quốc Phòng và là giải pháp đúng luật và nhân văn.
Đừng đem hai chữ ''quân sự'', ''quốc phòng'' ra dọa dân, vì dù cho đó có là đất quốc phòng đi chăng nữa thì cũng hoàn toàn có thể bị thu hồi, do vi phạm pháp luật về đất đai. Cụ thể là đất được Nhà nước giao để quản lý mà để bị lấn, chiếm (Điểm đ, Khoản 1, Điều 64 Luật Đất đai 2013) hoặc đất được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư, kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa phải đưa đất vào sử dụng (Điểm i, Khoản 1, Điều 64 Luật Đất đai 2013)... Sẽ không có ngoại lệ cho bất kỳ chủ thể sử dụng đất nào, nếu người ta thực sự tôn trọng các quy định của luật pháp.
Theo Điều 4 Luật Đất đai 2013: ''Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Nhà nước trao quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất theo quy định của Luật này''. Vậy nên, bộ Quốc Phòng cũng không cần phải lo lắng, nếu như phải ''tự nguyện'' trả lại đất cho chính quyền để họ điều tiết, phân bổ cho dân vì khi cần sử dụng, có dự án khả thi rõ ràng, thì Nhà nước có thể thu hồi và giao lại, chứ không nên lấy đất về để hoang hoá, trong khi dân chúng lại không có đất để canh tác, như vậy vừa trái luật, vừa trái đạo lý.
|
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét