Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Sáu, 31 tháng 1, 2020

NGỒI BUỒN ĐỌC LẠI... “LÀM VUA”


Đặng Văn Sinh
Bài thơ chỉ có ba cặp lục bát mà đọc đi đọc lại vẫn thấy lạ. Lạ là vì một hình thức quá cũ nhưng lại biểu đạt được một nội dung quá mới. Cái “mới” ở đây không hẳn chỉ là tầng chìm của “công nghệ làm vua”, mà nó chính là một hình thức giải huyền thoại thông qua lớp ngôn từ giễu nhại bởi chủ thể từ trên cao nhìn xuống. 
Cho dù tư thế nhìn từ trên cao hay ngoại biên, cái cách nhìn nhận sự việc hay hiện tượng đám chúng sinh mê muội theo kiểu Nguyễn Minh Châu, tức là “ưỡn ẹo và nhảy cẫng lên” khoác bộ hoàng bào rởm mặt vênh như bánh đa nướng cho đám phó nháy chụp ảnh kỷ niệm. Đương nhiên, mọi người hiểu, đây là “dịch vụ” thời @ của ngành du lịch Cố đô. Mặc kệ những ai dè bỉu là trò lố lăng câu khách, điều quan trọng là khoản thu nhập đáng kể mỗi ngày sau khi kết toán.
Tiếng “lành” đồn xa. Thế là thiên hạ nô nức “rủ nhau vô Huế làm vua”. Cho dù chỉ là trò du hý mua vui trong chốc lát của những kẻ hiếu kỳ, nhưng nếu có ai đó bảo, đó chẳng phải là sự di truyền cố hữu trong tập quán lâu đời của một cộng đồng dân tộc nghèo đói, mê muội nhưng lúc nào cũng khát khao quyền lực sao?
“Làm vua” đích thực là một động thái “giải huyền thoại” của tác giả Phạm Xuân Trường. Cho dù là ngẫu nhiên đi chăng nữa thì nó vẫn là sự ngẫu nhiên nằm trong quy luật vận động của tư duy hình tượng. Tôi nhấn mạnh, “Làm vua” chỉ giải huyền thoại chứ không giải thiêng như khá nhiều người vẫn thường lầm lẫn. Thực ra, huyền thoại trong “Làm vua” nằm ngoài văn bản. Nó là câu chữ nhưng lại không phải là câu chữ. Nó có bố cục ảo, do đó không nên tách từng cặp lục bát hay các đơn vị từ, ngữ, vần điệu, nhạc điệu ra phân tích riêng rẽ rồi ráp nối lại theo kiểu bình giảng của học trò trung học.
Ở bài thơ này, từ thể loại lục bát đến đến cách lập tứ, kỹ năng kết hợp lớp từ dân gian như “rủ nhau”, “chân đất, điếu cày” với lớp từ bác học “vương triều”, “vàng son” hay ngôn ngữ của thi ca “Chia tay Huế ngổn ngang trời mưa...” tạo nên một văn bản khác lạ đầy ám ảnh với người đọc.
Cùng với sự “giải huyền thoại”, biến cái tưởng như nghiêm túc, như khuôn vàng thước ngọc của một thời chưa xa thành trò chơi cho đám đông, tác giả còn gửi đến chúng ta một thông điệp “Thì ra chân đất điếu cày lên ngôi”. Ý tưởng quá rõ. Thiên hạ đều hiểu cả cái văn bản “ngoài văn bản” chính là ở đây. Chẳng cần phải nói nhiều, ba phần tư thế kỷ qua, dân tộc ta đã lãnh quá đủ hệ lụy này.
Đ.V.S.
Nguyên tác bài làm vua của nhà thơ Phạm Xuân Trường in ngay trang đầu tập thơ “Cỏ cháy”(NXB Hội Nhà văn, 2006) như sau:
LÀM VUA
Rủ nhau vô Huế làm vua
Vương triều cũ hóa trò đùa hôm nay
Tôn nghiêm rẻ đến thế này
Thì ra chân đất điếu cày lên ngôi...
Vàng son, ờ cũng thế thôi
Chia tay Huế ngổn ngang trời mưa... mưa...
Phạm Xuân Trường

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: