Đối phó Trung Quốc luôn phớt lờ công lý ở biển Đông
(PL)- Biển Đông năm 2020 tiếp tục là điểm nóng thế giới khi Bắc Kinh đã không còn giấu tham vọng bá quyền, biến vùng biển nhộn nhịp bậc nhất thế giới thành “ao nhà”.
TS Nguyễn Thành Trung, Giám đốc Trung tâm Quốc tế, Trưởng bộ môn chính trị quốc tế Khoa quan hệ quốc tế, ĐH KHXH&NV TP.HCM, nhận định với Pháp Luật TP.HCM: “Chuyển biến quan trọng nhất về biển Đông trong năm 2019 là Trung Quốc (TQ) đã thay đổi chiến thuật giành chủ quyền của họ ở khu vực biển Đông”.
Duy trì chiến thuật hiếp đáp
Theo TS Nguyễn Thành Trung, TQ đã thực hiện chiến thuật mới tại biển Đông bằng cách đẩy mạnh áp dụng các hành động quấy phá, gây căng thẳng ở mức cường độ chậm (slow intensity conflict) đối với các tàu khai thác dầu khí trong khu đặc quyền kinh tế (EEZ) của các quốc gia khác như Việt Nam (VN), Philippines, Malaysia.
Biểu hiện cụ thể chính là TQ dùng sự ưu thế vượt trội về tàu hải cảnh, bán quân sự, cũng như tàu cá ngụy trang để có hành động liên tục hiếp đáp trong thời gian dài, buộc các tàu nhỏ của các quốc gia khác trong khu vực từ bỏ các hoạt động hợp pháp trong khu EEZ.
“Bằng chiến thuật này, TQ có thể không đạt được mục đích giành chủ quyền tức thời nhưng có lợi thế tránh chú ý cũng như sự phản đối của cộng đồng quốc tế. Ngoài ra, điều này cũng giúp TQ giấu được mục tiêu của mình và gây lầm tưởng cho các quốc gia khác rằng TQ không phải là nhân tố gây mất ổn định ở biển Đông” - ông Trung khẳng định.
Với những gì đã diễn ra trong suốt thời gian qua, đặc biệt các động thái ngang ngược tần suất dày trong năm 2019, ông Trung dự báo TQ sẽ tiếp tục phớt lờ cộng đồng quốc tế. Thậm chí Bắc Kinh có thể tiếp tục triển khai các loại hình tàu, hay giàn khoan mang tính dân sự hay bán quân sự để thiết lập chủ quyền phi pháp ở biển Đông. TQ sẽ mạnh mẽ, cứng rắn và lâu dài với mục tiêu bá quyền của mình ở khu vực vốn không thuộc về họ.
Đối phó Trung Quốc luôn phớt lờ công lý ở biển Đông - ảnh 1
Tàu hải cảnh Trung Quốc thường xuyên gây hấn ở biển Đông. Ảnh: GETTY IMAGES
Việt Nam tận dụng đa phương
Gần đây, cộng đồng quốc tế, không chỉ Mỹ mà cả Ấn Độ, Úc, Nhật, EU, đã bắt đầu phản ứng mạnh mẽ về hành xử của TQ. Tờ South China Morning Post thông tin trong năm 2019, Mỹ đã tổ chức ít nhất 85 cuộc tập trận quân sự chung với các đồng minh ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Mục tiêu của Mỹ là nỗ lực chống lại sự trỗi dậy (mà Mỹ cho rằng không hòa bình) của Bắc Kinh, đặc biệt là ở biển Đông.
Giữa tháng 12-2019, chỉ huy của Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ John Aquilino chỉ trích TQ đã xây dựng đảo nhân tạo phi pháp. Trong khi đó, tướng Charles Brown, Chỉ huy Lực lượng không quân Thái Bình Dương Mỹ, khẳng định lực lượng không quân Mỹ thường xuyên thực hiện hoạt động tuần tra tự do hàng hải ở biển Đông.
TQ đang đơn phương và cưỡng ép để thay đổi nguyên trạng (ở biển Đông và biển Hoa Đông - PV), dựa theo tuyên bố không phù hợp với trật tự quốc tế hiện hành… Quy định pháp luật, đặc biệt quan trọng với sự ổn định và an ninh toàn cầu, là một giá trị được cộng đồng quốc tế chia sẻ, không loại trừ TQ… Các nước không thể được phép dùng vũ lực mở rộng tầm ảnh hưởng… Những kẻ gây hấn phải bị buộc trả giá.
Đài truyền hình NHK (Nhật Bản) dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Nhật TARO KONO phát biểu tại Diễn đàn Doha (Qatar) hôm 15-12 
Chuyên gia Collin Koh, Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam (Singapore), nhận định việc tăng cường khả năng hợp tác giữa Mỹ và các đồng minh khu vực sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch của Bắc Kinh ở biển Đông.
Đánh giá về cơ hội của VN trong bối cảnh quốc tế đang phản ứng chống lại TQ ở biển Đông, TS Nguyễn Thành Trung cho rằng VN nên tham gia sâu hơn vào các sáng kiến đa phương, không chỉ về chính trị mà cả quân sự. Ưu tiên quan trọng của VN lúc này chính là duy trì sự cân bằng quyền lực ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, giúp đem lại ổn định an ninh trong khu vực.
“Ngoài ra, để tranh thủ được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, VN có thể đẩy mạnh hơn nữa việc nêu quan điểm của mình về tình hình biển Đông. Trên các diễn đàn đa phương và quốc tế, chúng ta phải tiếp tục thẳng thắn chỉ trích các hành động do chính quyền Bắc Kinh ngang ngược gây ra, làm mất an ninh và cân bằng quyền lực ở khu vực biển Đông” - ông Trung đề xuất.
TS NGUYỄN THÀNH TRUNG, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quốc tế (SCIS):
Giải pháp thúc đẩy COC
Đối phó Trung Quốc luôn phớt lờ công lý ở biển Đông - ảnh 2
TS NGUYỄN THÀNH TRUNG
Việc đàm phán Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) đã hoàn tất được một vòng, nhưng không có nhiều tiến triển đối với các quốc gia nhỏ trong khu vực. TQ muốn nhanh chóng hoàn tất thông qua COC trong thời hạn trước năm 2021 để hợp pháp hóa những gì TQ đã làm ở biển Đông như các đảo nhân tạo, cũng như những yêu sách quá đáng về chủ quyền.
Mặc dù Philippines theo nhiệm kỳ hiện tại là quốc gia điều phối đối thoại ASEAN-TQ và cùng chủ tọa với TQ về đàm phán COC nhưng VN với tư cách là chủ tịch ASEAN trong năm 2020 có thể chủ động đưa ra các sáng kiến để thu hẹp bất đồng giữa ASEAN và TQ mà vẫn bảo đảm được quyền lợi của các quốc gia trong khối. Điều đặc biệt là VN với quyền chủ tịch ASEAN nên thúc đẩy tính đoàn kết và lòng tin giữa các quốc gia ASEAN để trở thành một khối thống nhất trong đàm phán với TQ. 
ĐỖ THIỆN