Militanţi ai Statului Islamic pozează alături de steagul grupului jihadist. (Getty Imges)
Các chiến binh Nhà nước Hồi giáo IS (Ảnh: Getty Image)
Nhà nước Hồi giáo (IS) đã làm thế giới kinh hoàng bới những tội ác ghê tởm mà tổ chức này gây ra. Đây là một nhóm khủng bố với quy mô toàn cầu, bắt nguồn từ Al-Qaeda nhưng nguy hiểm hơn Al-Qaeda, nhóm khủng bố này kiểm soát một vùng lãnh thổ có diện tích tương đương Vương quốc Anh. Lãnh tụ tự xưng là Abu Bakr al-Baghdadi, hiện đang “lãnh đạo” khoảng tám triệu người. Tại vùng lãnh thổ rộng lớn bên trong Iraq và Syria, IS đã lập ra một chế độ tôn giáo khủng bố, trong đó luật pháp duy nhất được chấp nhận là lời của đấng tiên tri và Kinh Coran. Nghịch lý thay, Nhà nước Hồi giáo này lại được tổ chức theo mô hình phương Tây.
Nhóm Nhà nước Hồi giáo cực đoan đang chiếm giữ những khu vực rộng lớn ở miền Đông Syria, phía Bắc và Tây Iraq, và hiện đang bị liên minh quốc tế đứng đầu là Mỹ đuổi đánh. Mỹ đã nhận ra đây là một mối đe dọa không chỉ cho khu vực mà còn đối với cả phương Tây bởi khả năng thiết lập các cuộc tấn công khủng bố. Những tội ác của Nhà nước Hồi giáo – giết con tin, bắt cóc, chặt đầu nhà báo và binh lính – đã gây ra sự phẫn nộ trên toàn thế giới.
Mặc dù không phải là nhà nước phương Tây theo đúng định nghĩa của một tổ chức nhà nước, nhưng IS mong muốn thiết lập một Caliphate, tức là nhà nước do một lãnh tụ chính trị và tôn giáo duy nhất cai trị theo luật Hồi giáo Sharia với lãnh thổ trải dài từ Damascus, đến thủ đô Baghdad, Mecca, Medina và đến tận Cairo. Những kẻ khủng bố thánh chiến không chấp nhận khái niệm có đường biên giới, điều này được minh chứng trong những việc chúng đã thực hiện giữa Iraq và Syria. IS thề sẽ mở rộng biên giới tới cả Jordan, Liban, và sẽ giải phóng Palestin, theo BBC. Tham vọng của Nhà nước Hồi giáo là dẫn dắt tất cả tín đồ Hồi giáo, mà theo quan điểm của chúng, phải tuân theo nhà lãnh đạo tối cao Abu Bakr al-Baghdadi, người tự xưng là hậu duệ trực tiếp của nhà tiên tri Mohammed.

“Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS là nhóm khủng bố giàu có nhất trên thế giới với 2 tỷ USD tiền mặt và tài sản. Trong nhiều năm qua, tổ chức này đã nhận tiền từ các nhà tài trợ tư nhân vùng Vịnh. Hiện nay, nó đã tự chủ được về tài chính bằng việc buôn bán vũ khí, bán dầu mỏ và khí đốt trong các vùng lãnh thổ mà chúng chiếm đóng, từ thuế, buôn lậu, tống tiền và bắt cóc. Một lượng tiền lớn của IS là cướp được từ các ngân hàng trong các thành phố mà chúng chiếm đóng”.

Hiện nay, theo ước tính của BBC, nhóm khủng bố này và các đồng minh của chúng đang kiểm soát khoảng 40.000 km vuông lãnh thổ của Iraq và Syria. Cũng có những ước tính rằng IS kiểm soát 90.000 km vuông gồm cả diện tích của Jordan. Lãnh thổ này bao gồm các thành phố như Mosul, Tikrit, Fallujah và Tal Afar của Iraq, Raqqa của Syria, các mỏ dầu, đập nước và đường giao thông. Khoảng tám triệu người đang sống trong vùng do ISIL kiểm soát. Họ buộc phải tuân thủ luật Hồi giáo hà khắc, phụ nữ buộc phải đeo mạng che mặt, những người không phải Hồi giáo buộc phải cải đạo hoặc phải trả một khoản thuế đặc biệt, bị đánh đòn, thậm chí bị hành quyết và đóng đinh. Những chiến binh thánh chiến phải tuân thủ tuyệt đối quy định của Hồi giáo dòng Sunni, còn những người không tuân thủ sẽ bị giết.
Nguồn gốc
Nhóm này ban đầu là một tổ chức trong bóng tối của Al-Qaeda tại Iraq, do Abu Musab al-Zarqawi lãnh đạo. Đến năm 2013, ông ta đã tổ chức nhiều vụ tấn công khủng bố ở Iraq và tham gia các cuộc nổi dậy chống lại Tổng thống Bashar al-Assad ở Syria. Trong tháng 4 năm 2013, Baghdadi công bố sáp nhập các lực lượng của y từ Iraq và Syria và lập nên Nhà nước Hồi giáo Iraq và Levant (ISIL). ISIL đã ngày càng lớn mạnh nhờ lợi dụng việc phân biệt đối xử với người Sunni ở Iraq của Thủ tướng Nuri al-Maliki, nhờ sự bùng nổ cuộc chiến ở Syria và nhờ sự chia rẽ sâu sắc giữa người Sunni và người Shiite ở Trung Đông nói chung.
Nếu không có sự giúp đỡ của các bộ tộc người Sunni, vì họ cảm thấy bị kỳ thị bởi chính phủ của người Shiite ở Baghdad, thì các chiến binh của Nhà nước Hồi giáo không thể kiểm soát được một số thành phố như Fallujah hoặc Mosul. Thủ tướng Iraq Nuri al Maliki, người đã buộc phải từ bỏ quyền lực, là người phải chịu trách nhiệm chính trong việc này. Ông đã hành động chỉ vì lợi ích của người Shiite và đẩy người Sunni ra ngoài lề. Người Sunni bị phân biệt đối xử khi phân chia các vị trí trong chính quyền, cảnh sát và quân đội. Hơn nữa, theo Tổ chức Ân xá Quốc tế, hàng ngàn người Sunni ở Iraq đã bị bắt giữ và giam cầm một cách tùy tiện không qua xét xử, và thậm chí bị tra tấn. Kết quả là họ cảm thấy bị đe dọa và tìm cách liên minh với nhóm Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và Syria chống lại chính quyền trung ương của người Shiite. Tương tự như vậy, nếu không có sự hỗn loạn ở Syria, thì chiến binh thánh chiến của ISIL cũng không thể dễ dàng tiến vào và gây bất ổn ở Iraq và Syria.

Tuyển dụng và vũ khí

Nhà nước Hồi giáo đã lợi dụng xung đột sâu sắc giữa người Sunni và Shiite để dễ dàng tuyển dụng người Sunni, những người cảm thấy bị gạt ra khỏi quyền lực của Baghdad. Chừng nào người Shiite còn nắm giữ, không chịu chia sẻ quyền lực một cách hài hòa và người Sunni vẫn không có đại diện trong các cơ quan nhà nước của Iraq, thì chừng đó Nhà nước Hồi giáo ISIL vẫn có một vùng rộng lớn ở phía bắc của Iraq để tuyển mộ chiến binh.
Mặt khác, IS là một lực lượng không đồng nhất, bao gồm chiến binh đến từ nhiều quốc gia, nhiều người trong số họ không nói tiếng Ả Rập, họ chỉ có một điểm chung là luật Sharia. Để áp đặt một nhà nước Hồi giáo, nhóm này cần một mô hình nhà nước có khả năng duy trì và quản lý các vùng lãnh thổ đang chiếm đóng. Tuy vậy, đến nay, nhà nước này đã không thể cung cấp các dịch vụ cơ bản cho người dân tại những vùng đã chiếm được.
Về vũ khí, IS sở hữu nhiều loại vũ khí hạng nặng và hạng nhẹ, bệ phóng tên lửa, hệ thống phòng không và hệ thống tên lửa đất đối không, xe tăng và xe bọc thép thu được từ quân đội Syria và quân đội Iraq. Hơn nữa, trong hàng ngũ của IS có nhiều tướng và các sĩ quan từ thời Saddam Hussein.

Hệ thống tổ chức

Một nghịch lý là nhóm khủng bố này được tổ chức theo mô hình phương Tây mà chúng vẫn lên án. Ngay cả khi nó được xây dựng dựa trên một ý thức hệ cổ xưa để thực hành luật Hồi giáo từ thời của nhà tiên tri Mohammed, thì Nhà nước Hồi giáo hiện nay vẫn có một cơ cấu lãnh đạo được sao chép từ mô hình phương Tây.
Đứng đầu của tổ chức này là Abu Bakr al-Baghdadi, lãnh đạo IS từ hơn bốn năm nay và tự xưng mình là “caliph” vào tháng 6 năm 2014. Ông ta có hai cấp phó, Adnan al-Sweidawi và Fadel al-Hayal, cả hai có vị trí cao trong quân đội Iraq dưới thời của Saddam Hussein. Kỳ lạ hơn, Nhà nước Hồi giáo tuy không chấp nhận biên giới giữa Syria và Iraq, do Pháp và Anh thiết lập một trăm năm trước đây, nhưng vẫn duy trì sự phân biệt đối với lãnh thổ mà chúng chiếm đóng, Sweidawi chịu trách nhiệm đối với Syria, còn Hayal là với Iraq.
Hai viên Phó tướng này ra lệnh cho các tỉnh trưởng của Syria và Iraq nằm dưới sự kiểm soát của Nhà nước Hồi giáo, các tỉnh trưởng này lại ra lệnh cho hội đồng địa phương để triển khai các hoạt động liên quan đến truyền thông, tuyển dụng và tài chính.
Cơ quan quan trọng nhất của Tổ chức này là Hội đồng Shura, bao gồm chín người thông thạo luật Hồi giáo, có nhiệm vụ kiểm soát những người đứng đầu các nhóm, các tỉnh trưởng và hội đồng địa phương về việc tuân thủ theo Luật Sharia, tạp chí Đức Spiegel cho biết. Họ chịu trách nhiệm trước các nhánh hành pháp và thậm chí quyết định cả việc thực hiện các tội ác, chẳng hạn như vụ các con tin bị chặt đầu là James Foley, Steven và David Haines Sotloff. Về mặt lý thuyết, Hội đồng Shura có quyền bãi miễn caliph nếu người này đi chệch khỏi những giới luật của Sharia.
Như vậy, những kẻ khủng bố được tổ chức theo mô hình phương Tây. Baghdadi, các ủy viên hội đồng nội các của y và hai cấp phó đại diện cho một kiểu tổ chức hành pháp. Ngoài ra, chín ủy viên hội đồng Shura, sẽ tương ứng với các Bộ của Chính phủ: Hội đồng tư pháp chịu trách nhiệm giải quyết các xung đột gia đình và các vi phạm luật Hồi giáo. Hội đồng an ninh phối hợp kiểm soát các vùng lãnh thổ chiếm đóng và quyết định về việc thành lập các trạm kiểm soát. Hội đồng trợ giúp các chiến binh phụ trách việc tuyển chiến binh thánh chiến người nước ngoài. Hội đồng quân sự phụ trách các hoạt động quân sự và an ninh trong lãnh thổ chiếm đóng. Hội đồng thông tin tình báo thu thập tin tức về các đối thủ trong nước và nước ngoài của Nhà nước Hồi giáo. Hội đồng thông tin có nhiệm vụ truyền thông chính thức và tuyên truyền trên các mạng xã hội. Và chức năng của Hội đồng tài chính như một bộ tài chính điều phối việc bán dầu và vũ khí.

Khó bị đánh bại

Mặc dù các chiến binh của Nhà nước Hồi giáo gần đây đã bị đánh bật khỏi thành phố Kōbani của Syria sau một cuộc chiến căng thẳng, nhưng chúng vẫn là mối đe dọa không thể được giải quyết được chỉ bằng các cuộc không kích. Một số chuyên gia cho rằng nếu Bashar al Assad vẫn nắm quyền lực ở Syria, thì tổ chức này sẽ không thể bị đánh bại. Đây là một trong những vấn đề lớn của Mỹ và liên minh quốc tế chống lại Nhà nước Hồi giáo. Washington đã tuyên bố rõ ràng rằng sẽ không phối hợp các cuộc không kích vào lãnh thổ Syria với Tổng thống Assad, và cũng không thông báo thời gian và địa điểm không kích.
Gần đây, Nhà nước Hồi giáo đã bị mất nhiều vùng đất ở Syria, phải rút quân và vũ khí hạng nặng ra khỏi các làng gần thành phố Aleppo khi bị lực lượng người Kurd và các lực lượng chiến đấu của chính phủ Syria tiến công.
Sau khi phi công người Jordan Muath al-Kassasbeh bị thiêu sống, Jordan bắt đầu cuộc không kích lớn chống lại Nhà nước Hồi giáo, đã tiêu diệt nhiều chiến binh thánh chiến. Tuy nhiên vẫn còn một chặng đường dài để đánh bại các nhóm có tiềm lực tài chính khổng lồ và có một khả năng đáng lo ngại để chiêu mộ các chiến binh mới. Ngay cả Tổng thống Barack Obama, người vừa yêu cầu Quốc hội cho phép sử dụng lực lượng quân sự chống lại Nhà nước Hồi giáo, cũng đã thừa nhận sẽ rất khó khăn để đánh bại tổ chức khủng bố này một khi chúng rút vào phòng ngự.