Thực tế đã và đang xảy ra tình trạng nhiều cây bút muốn được trở thành hội viên Hội Nhà văn vì họ coi tấm thẻ hội viên là sự đảm bảo “cao sang” chứ không coi trọng, thậm chí không hiểu biết gì về sứ mệnh “cao quý” của tấm thẻ. Với các tác giả này khi đã đạt mục tiêu là hội viên, rất có thể đấy là giá trị cuối cùng với họ. Quả vậy thì sau tấm thẻ, nếu họ có sáng tác thêm được tác phẩm lẽ thường tác phẩm đó không trở nên độc hại thì cũng chỉ là thứ tầm thường, vô bổ. Với nhà văn coi văn chương như sinh mạng, thì mỗi khi sáng tác với họ là một nghi lễ bày tỏ tình yêu thương, nhằm cưu nâng lấy kiếp phận con người, cho sự cao quý của tồn tại con người. Bởi vậy với nhà văn đó có khi tác phẩm của họ chỉ là những tiếng thở dài, cũng nặng mang bao nỗi niềm nhân thế. Và nhà văn hẳn biết quên, thậm chí trong số họ có người không hề biết đến cảnh sống tiện nghi, những nghi thức sang trọng, song trên chiếc chiếu thiên nhiên hoa cỏ chốn quê mùa, nhà văn vẫn có thể một mình
THƯ NGỎ GỬI MỘT NHÀ VĂN LÀ ỦY VIÊN BAN CHẤP HÀNH
Kính thưa nhà văn!
Mỗi năm cứ vào độ này Hội Nhà văn Việt Nam lại nhộn nhịp người qua kẻ lại chăm lo những việc xét giải thưởng hằng năm, việc xét kết nạp hội viên. Đây quả là hai phần việc quan trọng bậc nhất của công tác hội và vì vậy hai việc này rất được dư luận quan tâm.
Quan niệm về giải thưởng, về danh hiệu nhà văn cũng như mọi quan niệm về các loại giá trị khác, thường gặp những ý kiến khác nhau, khi gần gũi, khi khá cách biệt. Lại thêm gần đây chuyện “đạo thơ” dẫn đến phải “thu hồi giải thưởng” gây một vết thương khá sâu sắc cho văn đàn thì về vấn đề chất lượng giải, tư chất nhà văn trong con mắt xã hội càng cần được đặt ra nghiêm cẩn hơn. Và đây cũng là nội dung chính của lá thư này tôi muốn ngỏ cùng nhà văn.
Thưa nhà văn!
Cách đây chừng một năm, cũng vào cữ cuối thu sang đông này, khi mà văn đàn đang chờ đợi về giải thưởng và việc xét kết nạp hội viên, thì trên trang blog cá nhân của một vị nhà văn - giáo sư khả kính có đăng bài viết Nghề văn không sang trọng, trong đó có đưa ra nhận xét: “Văn chương rất cần sự cao quý nhưng không cần sang trọng”. Vào dịp thu 2015, trong những ngày này nhận thấy nội dung bài viết mà vị giáo sư đặt ra sâu sắc và thiết thực biết bao. Ở phạm vi hẹp, tôi xin có đôi lời bàn thêm về nhận định trên của vị nhà văn - giáo sư.
Theo tôi, nhận định: “Văn chương rất cần sự cao quý nhưng không cần sang trọng” đã nói trúng bản chất của công việc nhà văn. “Cao quý” hay “sang trọng” là hai khái niệm và cũng là thuộc tính của văn hoá. Cao quý nghiêng về biểu đạt nội dung, tinh thần, đạo đức; sang trọng nghiêng về biểu hiện hình thức, vật chất, hàng hoá. Tuy vậy, đúng là khi sử dụng hai khái niệm này trong sinh hoạt đời sống dễ gặp nhầm lẫn, khó cho việc phân định đúng sai.
Tỷ như, bảo nghề văn cao quý, nhưng một tác phẩm cụ thể là bài thơ, truyện ngắn có thể nói là cao quý không? Lại như, nghề thầy thuốc trị bệnh cứu người hiển nhiên là một nghề cao quý, nhưng trong một việc cụ thể, dù nó rất quan trọng, rất có giá trị, như việc tìm ra một loại kháng sinh, một phác đồ điều trị, thì cũng khó gọi tên loại thuốc kháng sinh, tên pháp đồ điều trị đó là cao quý, từ “sang trọng” đương nhiên càng không thể dùng cho trường hợp này. Vậy cho hay, lời nhận định trên của vị nhà văn - giáo sư chỉ trúng về bản chất của công việc nhà văn và nhằm chia tách hai khái niệm “sang trọng”, “cao quý” cho riêng rẽ, độc lập.
“Sang trọng” là một phẩm chất văn hoá, đẹp và quý giá, cần được đạt tới trong đời sống. Đời sống nhà văn cũng như mọi người, cần được sự sang trọng. Nghĩa là điều kiện sống đầy đủ ở mức cao. Như nhà lầu, các vật dụng tiện nghi hàng hiệu đắt tiền hiện đại… Nhưng hành trạng tinh thần, sản phẩm nghệ thuật thì rất cần được nuôi dưỡng từ trong máu, trong từng mầm hạt hướng tới sự cao quý. Văn là đời, là người.
Bản chất của sáng tác văn chương nhằm hướng tới cảm xúc đẹp, siêu thoát trong đời sống tâm hồn con người, trên cõi thế gian này, dù người đó (bạn đọc) là ai, họ đang làm nghề gì, đang sống nơi lâu đài hay nơi túp lều… Và, cho dù bản thân tác giả - nhà văn kia là ai, đời sống vất vả đau thương hay quyền cao chức trọng thì điều căn cốt nhất, trong từng con chữ, mỗi hạt tinh thần, tư tưởng của anh ta đang phúng chiếu ra trang giấy, đòi hỏi phải được đảm bảo bởi sự cao quý.
Hiển nhiên ở góc độ đời sống, cao quý gắn với sang trọng như hai mặt của một bàn tay, nhưng dù vậy cao quý vẫn không hề đồng nghĩa, đồng tâm với sang trọng được. Cao quý là hồn cốt, sang trọng là da thịt. Cao quý là sự sống, sang trọng là đời sống. Cao quý là mục đích tối thượng, sang trọng là món hàng khuyến mại ăn theo…
Bởi vậy, trong đời sống xã hội có những kẻ tay vấy đầy máu, lòng đầy tham lam, thù hận nhưng hắn lại có một đời sống cực kỳ xa hoa, sang trọng. Không ai bảo những kẻ này là cao quý. Ngược lại có không ít những con người mà đời sống phải chịu bao thương khó, quần manh áo vá, lang thang vô định nhưng họ là bậc đạo hạnh, sản phẩm tâm hồn của họ trao cho con người lại rất cao quý.
Ví ngay trong nền văn học nước nhà, các tấm gương như chí sỹ mù Nguyễn Đình Chiểu, thi sỹ bị bệnh hủi Hàn Mặc Tử, thi sỹ Bùi Giáng… Thậm chí loài vật, qua việc làm của mình đã đạt tới sự linh thiêng cao quý, khiến con người tôn vinh, thờ phụng như con cá voi với người dân làm nghề đi biển v.v… Rõ ràng nhìn từ góc độ đời sống này, khó có thể xem về mặt hoàn cảnh sống của Nguyễn Đình Chiểu, Hàn Mặc Tử, Bùi Giáng là “sang trọng”.
Để tránh nhầm lẫn, tránh hướng mục tiêu đạt tới của công việc nhà văn, việc chia tách khái niệm cao quý và sang trọng là đúng và cần thiết. Nhất là Hội Nhà văn sắp bước vào “mùa thứ 5”, mùa kết nạp hội viên mới.
Thưa nhà văn!
Thực tế đã và đang xảy ra tình trạng nhiều cây bút muốn được trở thành hội viên Hội Nhà văn vì họ coi tấm thẻ hội viên là sự đảm bảo “cao sang” chứ không coi trọng, thậm chí không hiểu biết gì về sứ mệnh “cao quý” của tấm thẻ. Với các tác giả này khi đã đạt mục tiêu là hội viên, rất có thể đấy là giá trị cuối cùng với họ. Quả vậy thì sau tấm thẻ, nếu họ có sáng tác thêm được tác phẩm lẽ thường tác phẩm đó không trở nên độc hại thì cũng chỉ là thứ tầm thường, vô bổ.
Với nhà văn coi văn chương như sinh mạng, thì mỗi khi sáng tác với họ là một nghi lễ bày tỏ tình yêu thương, nhằm cưu nâng lấy kiếp phận con người, cho sự cao quý của tồn tại con người. Bởi vậy với nhà văn đó có khi tác phẩm của họ chỉ là những tiếng thở dài, cũng nặng mang bao nỗi niềm nhân thế. Và nhà văn hẳn biết quên, thậm chí trong số họ có người không hề biết đến cảnh sống tiện nghi, những nghi thức sang trọng, song trên chiếc chiếu thiên nhiên hoa cỏ chốn quê mùa, nhà văn vẫn có thể một mình đơn độc tạo nên thứ nghi lễ cao quý, sang trọng là sáng tạo, để cống hiến cho đời tác phẩm văn chương hữu ích.
Chân thành cảm ơn nhà văn đã lắng nghe tôi.
Kính thư!
ĐỖ TRỌNG KHƠI
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét