Thuật ngữ “đế quốc” đã được sử dụng tràn lan kể từ khi nó trở thành một từ mang ý nghĩa tiêu cực vào cuối thế kỉ 19. Tuy nhiên, khái niệm này vẫn còn rất phù hợp trong việc tìm hiểu và tranh luận về lịch sử nước Mỹ và phần còn lại của thế giới.
Một sử gia và một nhà hoạch định chính sách bước vào trong một quán bar. Trên màn hình vô tuyến, nhà báo đang tường thuật lại cuộc đảo chính ở một hòn đảo phía nam Thái Bình Dương. Sử gia nhìn nhà hoạch định chính sách và nói: “Lại một ví dụ khác của chủ nghĩa đế quốc Mỹ”. Tại một màn hình khác, biên tập viên thảo luận về các cuộc đàm phán đang diễn ra giữa Nga và Hà Lan liên quan tới các khu kinh tế ở Bắc Băng Dương, và sự lo ngại của Mỹ về vấn đề này. Một lần nữa, sử gia nhìn nhà hoạch định và nói: “Chủ nghĩa đế quốc Mỹ xuất hiện khắp mọi nơi”. Màn hình thứ ba chiếu một bộ phim tài liệu về cuộc Nội chiến Hoa Kỳ (quán bar này rõ ràng chẳng phải là một quán bar thể thao). Sử gia hất tay lên một cách giận dữ: “Chủ nghĩa đế quốc!”. Cuối cùng thì nhà hoạch định chính sách quay sang và nói với sử gia rằng: “Ông lúc nào cũng sử dụng cái từ đó. Nhưng tôi không nghĩ nó mang cái nghĩa mà ông đang nghĩ tới”.
Việc sử dụng thuật ngữ “đế quốc” trở nên mất kiểm soát kể từ khi chủ nghĩa đế quốc ngày càng “xấu xa” trong nền chính trị Anh cuối thế kỉ 19. Ý nghĩa của thuật ngữ này và cách sử dụng nó là chủ đề bàn luận “bất tận” trong cả lĩnh vực lịch sử lẫn quan hệ quốc tế. Cuộc tranh luận này đã “hạ nhiệt” cùng với sự can thiệp của Washington vào các quốc gia khác. Nó bùng cháy đặc biệt mạnh mẽ trong cuộc chiến tranh Việt Nam và sau đó trở lại một lần nữa khi chính quyền Bush xâm lược Iraq vào năm 2003. Vì vậy, quan điểm “nước Mỹ là đế quốc” hiện nay đang nhanh chóng nhận được nhiều sự đồng thuận.
Theo Richard Immerman, “Mỹ đã, và luôn luôn là một đế quốc”. Một nhà sử học khác nhận định: “Sự tồn tại của đế quốc Mỹ là một thực tế không thể phủ nhận”. Như nhiều người khác đã khẳng định: “Một loạt nghiên cứu đã làm rõ tính trung tâm của chủ nghĩa đế quốc trong lịch sử nước Mỹ…tất cả những quan điểm cũ, cho rằng nước Mỹ không còn là một đế quốc đã bị chôn vùi”. Cách giải thích này trở nên ngày một áp đảo, và nó cho rằng đã đến lúc đặt ra câu hỏi liệu những từ cuối cùng (đã bị chôn vùi) có thực sự xuất hiện trong cuộc tranh luận này hay không.
Mối quan tâm của chúng tôi ở đây là, những tiếng nói có tầm ảnh hưởng vốn coi nước Mỹ như một đế quốc, nếu không được kiểm soát, sẽ hạn chế việc cho ra đời các kiến thức lịch sử trong tương lai gần, với những tác động có khả năng vượt ra khỏi ranh giới học giả, trở thành chủ đề của công luận và giới hoạch định chính sách. Như Elizabeth Cobbs đã quan sát, cách giải thích này (coi nước Mỹ là đế quốc) đã “tiến gần hơn trong việc trở thành giáo điều” trong giới lịch sử Mỹ. Vậy điều gì đã xảy ra?
Samuel Flagg Bemis, một nhà sử học về quan hệ đối ngoại của Mỹ – người có ảnh hưởng đặc biệt vào những năm 1940 và 1950, lập luận rằng nước Mỹ đã chấp nhận chủ nghĩa đế quốc trong suốt cuộc chiến tranh Tây Ban Nha – Mỹ, và điều này là “một sai lầm” trong lịch sử Hoa Kỳ. Người Mỹ đã bắt đầu từ bỏ mô hình đế quốc khi họ ngừng việc can thiệp vào vùng Caribbean vào những năm 1920. Lý giải của Bemis đã đạt được sự đồng thuận từ sớm, rằng nước Mỹ đã tự đặt ra những giới hạn hành động bên trong các vấn đề của riêng quốc gia mình cho đến khi những vấn đề bức xúc của thế giới buộc họ phải đi theo chủ nghĩa quốc tế. Và ngoại trừ sai lầm vào năm 1898 thì Mỹ vẫn là một lực lượng chống đế quốc trong lịch sử toàn cầu. Nước Mỹ chỉ sử dụng quyền lực và ảnh hưởng của mình vì những điều tốt đẹp – chủ yếu là để ngăn chặn sự xâm lược, từ Tây Ban Nha vào năm 1898, cho tới Nhật Bản, Đức quốc xã, và Liên Xô trong thế kỷ 20.
William Appleman Williams và Walter LaFeber bắt đầu phản bác quan điểm này vào cuối những năm 1950 và đầu những năm 1960. Họ lập luận rằng Hoa Kỳ đã bắt đầu bành trướng trước năm 1898. Quá trình chuyển đổi nền công nghiệp trong nước đã dẫn đến một nỗ lực có tính toán nhằm mục tiêu tạo ra một đế chế toàn cầu, có khả năng chiếm lấy thị trường, giành được các nguồn tài nguyên thiên nhiên, và bán đi thặng dư nông nghiệp và công nghiệp của mình. Hơn nữa, họ khẳng định, sự theo đuổi có chủ đích này của đế quốc thể hiện “bản chất” của lịch sử nước Mỹ – chứ không phải là một sai lầm. Williams và LaFeber đã nhận được nhiều phản hồi khác nhau vào thời điểm đó, tuy nhiên cách giải thích của họ đã dần chiếm ưu thế, đặc biệt là từ cuối thế kỉ 20.
Chúng tôi thấy rằng các nhà sử học đã mở rộng đáng kể ý nghĩa của từ “đế quốc” và “chủ nghĩa đế quốc” kể từ thời điểm của Williams và LaFeber. LaFeber – người có ý định mở toang cánh cửa tranh luận, chứ không phải đóng lại cánh cửa đó – đã cẩn thận giới hạn vốn từ vựng của mình trong thuật ngữ “đế quốc” và “chủ nghĩa thực dân” để bao hàm một sự kiểm soát chính thức về mặt ý chính trị, trong khi lại sử dụng “bành trướng” để bao hàm các ảnh hưởng không chính thức về mặt kinh tế. Ông tránh sử dụng từ “chủ nghĩa đế quốc” kể từ khi nghĩa rộng của từ này xuất hiện trong Chiến tranh Lạnh khiến nó trở nên vô nghĩa.
Một số nhà sử học, chẳng hạn như Paul Kramer, đang cố gắng đi xa hơn thứ mà họ cho là những tranh luận vô bổ về định nghĩa. Giờ đây, họ giả định rằng nước Mỹ đã và luôn luôn là một đế quốc. Họ phác thảo nghiên cứu của mình và trả lời các câu hỏi liên quan đến cách mà chủ nghĩa đế quốc Mỹ đã hoạt động và phát triển qua thời gian. Họ ngày càng sử dụng thuật ngữ “đế quốc” như một cách tiếp cận nhấn mạnh mối quan hệ quyền lực không cân xứng. Những người đang đóng góp cho nghiên cứu này do đó khẳng định rằng: “Đế quốc không phải là một thực thể duy nhất, mà là một tập hợp phức tạp và luôn thay đổi của các mối quan hệ không bình đẳng”. Họ sử dụng khái niệm đế quốc để giải thích cho việc người da trắng định cư tại Mỹ, Tuyên ngôn Độc lập, Học thuyết Monroe, hoạt động truyền giáo ở Mỹ, chiến tranh Mexico – Mỹ, cuộc nội chiến Mỹ, việc mở rộng thương mại ở nước ngoài, và tất cả các cuộc chiến tranh với các nước khác, từ chiến tranh Tây Ban Nha – Mỹ cho đến ngày nay, bao gồm cả việc thiết lập các căn cứ quân sự ở nước ngoài và việc sử dụng “chiến tranh máy bay không người lái” tại khu vực Cận Đông hiện nay. Tất cả những điều này nằm trong kế hoạch nhằm không ngừng mở rộng tầm ảnh hưởng của đế quốc. Nỗ lực của các nhà sử học để thoát khỏi các vấn đề về định nghĩa “chủ nghĩa đế quốc” và khám phá ra cách sử dụng nó để giải thích về Mỹ và thế giới rất đáng được ghi nhận. Nhưng họ đã thất bại trong việc giải quyết các vấn đề cơ bản của thuật ngữ, khiến nó ngày càng trở nên mơ hồ.
Các nhà sử học không hề cô độc. Trong lĩnh vực quan hệ quốc tế, những luồng tư tưởng tương tự đã xuất hiện. Kettell và Sutton đã đặt ra vấn đề: “Sức mạnh vô song và các hoạt động của Mỹ, đặc biệt là những bước đi của họ trong cuộc chiến chống khủng bố, có thể đã cấu thành một dạng ‘chủ nghĩa đế quốc mới’ ”. Thứ chủ nghĩa đế quốc mới này chỉ đơn giản giải thích việc làm thế nào mà sức mạnh chưa từng có của một nhà nước đặc biệt cho phép họ gây ảnh hưởng hoặc ép buộc các quốc gia khác. Giống như các nhà sử học đã đề cập ở trên, Kettell và Sutton là nạn nhân của khái niệm nối dài. Việc định nghĩa lại và mở rộng khái niệm “đế quốc” khiến nó trở nên vô nghĩa.
Như chúng ta thấy, khái niệm “đế quốc” cũng đã hợp nhất với các thuật ngữ như “bá chủ” và “đơn cực”. Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, liệu sự nổi lên của Mỹ như là một bá chủ toàn cầu, và sự thay đổi trong hệ thống quốc tế từ lưỡng cực thành đơn cực có thể được coi là bằng chứng cho việc Mỹ là một đế quốc hay không? Một số học giả quan hệ quốc tế cho rằng các thuật ngữ “bá chủ” và “đơn cực” vẫn nên được tách riêng như lúc đầu.
Nexon và Wright thách thức quan điểm cho rằng các quốc gia trở thành đế quốc chỉ đơn giản vì họ nổi lên như là các siêu cường (trong trường hợp của Mỹ – siêu cường duy nhất của thế giới), và kêu gọi chúng ta hãy nhìn kỹ hơn vào các mối quan hệ giữa các quốc gia để xác định sự tồn tại của đế quốc. Theo ý tưởng này, chúng tôi cho rằng, “đơn cực”, “đế quốc” và “bá chủ” có những đặc điểm tương tự nhau, nhưng không nhất thiết phải giống hệt nhau. “Đơn cực” mô tả một trật tự thế giới, nơi mà một quốc gia có khả năng áp đảo. Những gì mà quốc gia đó làm với “quyền lực” của mình quyết định việc nó nên được phân loại thành một “đế quốc” hay “bá chủ”. Charles Tilly cho rằng phần cốt lõi của một đế quốc – một siêu cường hay cường quốc khu vực – phụ thuộc vào mức độ bành trướng của đế quốc đó – sử dụng “kiểm soát quân sự và tài chính” tại mỗi một khu vực nằm trong phạm vi kiểm soát của mình. Theo Tilly, quốc gia cốt lõi của đế quốc cho phép sự hiện diện của các chính phủ địa phương, nhưng nó cưỡng ép, chống đỡ, và sử dụng những chủ thể trung gian bên trong mỗi chính phủ địa phương đó để đảm bảo “sự phục tùng, lòng tôn kính và các hợp tác quân sự”. Quan điểm của Tilly rất quan trọng vì nó cho thấy rằng, một đế quốc – dù ở phạm vi toàn cầu hay khu vực – đều thiết lập trật tự và sự kiểm soát đối với các quốc gia trong phạm vi kiểm soát của nó. Mặc dù bản thân quốc gia cốt lõi cai trị một cách gián tiếp, nó vẫn chủ ý trực tiếp tạo ra một mối quan hệ có thứ bậc. Quốc gia cốt lõi đặt mình ở bên trên các quốc gia ngoại biên khác.
Không giống như các đế quốc, bá chủ nổi lên từ tình trạng hỗn loạn – với điều kiện là các quốc gia tồn tại bên trong một hệ thống mà không có nhà nước hoặc thực thể nào được trao quyền để cai trị nhà nước khác. Tình trạng hỗn loạn không có nghĩa là không có hệ thống phân cấp, khả năng ảnh hưởng của quốc gia này lên quốc gia khác, sử dụng quyền lực cứng và/hoặc quyền lực mềm, nhằm định ra một hệ thống phân cấp không chính thức, cho phép chúng ta mô tả trật tự thế giới như: đơn cực, lưỡng cực, đa cực. Khác biệt ở đây là, một nước bá chủ sử dụng quyền lực cứng (trực tiếp hoặc gián tiếp) để gây ảnh hưởng đến các quốc gia khác về mặt quân sự, chính trị hay tài chính – cũng được mô tả như là một nước đế quốc. Ví dụ như việc Mỹ hỗ trợ cho nhóm phản động Contras ở Nicaragua vào những năm 1980. Washington đã hành xử như một đế quốc khi họ hỗ trợ nhóm này xóa sổ những người Sandinista khỏi nền chính trị Nicaragua.
Joseph Nye và David Kang đều đã chỉ ra rằng một nhà nước cũng có thể gây ảnh hưởng bằng cách sử dụng khả năng của mình để thu hút hoặc thuyết phục người khác làm theo ý mình. Trên một số khía cạnh, Trung Quốc được cho là đã tái cơ cấu nền kinh tế của mình vào đầu thế kỉ 21 để “ganh đua” với nền kinh tế Mỹ, và để cạnh tranh tốt hơn trong hệ thống quốc tế. Mỹ vẫn là bá chủ toàn cầu và hưởng lợi từ sự thay đổi của Trung Quốc, nhưng Trung Quốc không phải là một phần của đế quốc Mỹ. Thực tế việc Trung Quốc có thể “vượt mặt” Mỹ về tài chính và đe doạ vị trí bá chủ toàn cầu của Mỹ cho thấy mức độ mà tình trạng vô chính phủ – chứ không phải là “chủ nghĩa đế quốc” – đang thắng thế trong hệ thống hiện tại. Sự không cân xứng về quyền lực và khả năng ảnh hưởng đến các quốc gia khác không làm nên một đế quốc.
Dù cho có những lời phê bình, chúng tôi tin rằng đế quốc và chủ nghĩa đế quốc vẫn là những khái niệm có liên quan mật thiết đến các lĩnh vực: lịch sử thế giới, quan hệ đối ngoại Mỹ và quan hệ quốc tế. Các học giả chỉ chưa phát triển đầy đủ các khái niệm này. Các nghiên cứu và bài viết của họ vẫn chỉ tập trung vào Mỹ và họ đang bỏ qua cả thế giới rộng lớn. Họ đã thất bại trong việc nhìn nhận các hành vi mang tính đế quốc của các quốc gia khác. Có thể kể đến một vài hành vi như mở rộng lãnh thổ, chinh phục các dân tộc và các nền văn hoá bản địa, thiết lập của các căn cứ quân sự và/hay hệ thống đồng minh, buôn bán vũ khí, huấn luyện quân đội ở nước ngoài… Đế quốc đóng vai trò gì trong các cuộc thảo luận về việc đối phó với chiến lược “Amazon xanh” của Brazil, chiến dịch “Chinh phục sa mạc” của Argentina, hay việc Chile buộc Bolivia phải nhường lại toàn bộ đường bờ biển của họ vào năm 1904? Đại sứ Chile nói với Bộ trưởng Ngoại giao Boliviarằng: “Vùng bờ biển này giàu có và đáng tiền. Chúng tôi đã biết điều đó, và chúng tôi bảo vệ vùng này cũng vì điều đó. Nếu nó vô giá trị thì sẽ chẳng ai quân tâm cả…Chile đã chiếm giữ và sở hữu vùng bờ biển này theo đúng như những gì mà nước Đức đã làm để xâm lấn Alsace-Lorraine, và tương tự như khi nước Mỹ chiếm giữ Puerto Rico”. Điều này vẫn chưa đủ “tiêu chuẩn” để được coi là đế quốc hay sao?
Quá nhiều học giả vẫn còn sa lầy trong cuộc tranh luận với các nhà hoạch định chính sách, ví dụ như Tổng thống Barrack Obama và cựu Bộ trưởng Quốc phòng Donald Rumsfeld, những người đã từ chối quan điểm cho rằng nước Mỹ đã và đang là một đế quốc, và là những nhân vật bị một số học giả cáo buộc đã chìm đắm trong sự huyễn hoặc về chủ nghĩa biệt lệ của nước Mỹ, hay chỉ đơn giản là sử dụng xu thế chống đế quốc để tăng cường thực hiện các mục đích mang tính đế quốc. Các học giả này không chỉ mong muốn mang nước Mỹ ra thế giới, mà còn chủ động chỉ trích chính sách hiện tại của Mỹ, với hy vọng tạo ảnh hưởng tới công luận để định hình chính sách. Điều này đã đi quá giới hạn.
Vai trò của giới trí thức với các nhà làm chính sách phải tách biệt lẫn nhau. Stanley Fish đã đưa ra lời khuyên về vấn đề này một thập kỷ trước, khi Academe quay trở lại với chủ đề chủ nghĩa đế quốc Mỹ: “Làm công việc của bạn đi và đừng cố gắng làm công việc của người khác, vì bạn có thể không có đủ phẩm chất; và đừng để người khác làm công việc của bạn. Nói cách khác, đừng kết hợp nghĩa vụ học thuật của bạn với vấn đề giải cứu thế giới…đừng vượt qua ranh giới giữa học thuật và các vấn đề mang tính đảng phái, bất kể vấn đề đó có liên quan tới bạn hay tới người khác”. Đương nhiên, các học giả chịu trách nhiệm rất lớn vì họ nhìn thấy sự cần thiết của việc tác động đến sinh viên của mình trước khi những sinh viên này, hoặc ít nhất là một trong số họ trở thành các nhà hoạch định chính sách. Tuy nhiên, vai trò của các viện nghiên cứu vẫn nên duy trì trong khuôn khổ giúp sinh viên tiếp xúc với những lĩnh vực nghiên cứu khác nhau và nuôi dưỡng tư duy phản biện. Là học giả, hãy tiếp tục thúc đẩy giới hạn cực đại ở bất cứ lĩnh vực nào có thể có liên quan tới chính sách và đảm bảo rằng chúng ta có thể đưa ra được những quan điểm nhất quán và khách quan. Là những nhà thực thi chính sách (vì đôi khi chúng ta đóng cả hai vai), hãy thực dụng và cởi mở với những cách nghĩ mới.
Cuộc tranh luận về đế quốc Mỹ vẫn chưa đến hồi kết và cũng chưa có dấu hiệu kết thúc. Chúng ta, những trí thức và học giả, vẫn sẽ tiếp tục khám phá những lý giải đối lập nhau về nước Mỹ và thế giới. Hãy áp dụng khái niệm “đế quốc” không chỉ với nước Mỹ mà với cả những quốc gia khác trong lịch sử nhân loại, khám phá thuật ngữ đế quốc với đầy đủ tiềm năng của nó như một khái niệm phân tích, thúc đẩy những cuộc thảo luận về lịch sử thế giới rộng lớn, chứ không phải là một cuộc thảo luận “chật chội” với nước Mỹ làm trung tâm.
Tyrone Groh là phó giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Embry-Riddle trực thuộc Đại học An ninh và Tình báo (College of Security and Intelligence). Ông lấy bằng Tiến sỹ về chính phủ tại Đại học Georgetown và đã có trên 21 năm kinh nghiệm làm sĩ quan không quân Hoa Kỳ. Lĩnh vực nghiên cứu chính của ông là chiến lược và chiến tranh phi truyền thống.
James Lockhart là NCS về quan hệ đối ngoại Mỹ và lịch sử thế giới/lịch sử so sánh tại Đại học Arizona. Ông giảng dạy tại Đại học Embry-Riddle trực thuộc Đại học An ninh và Tình báo kể từ năm 2014. Ông chuyên nghiên cứu về mối quan hệ giữa Hoa Kỳ – Mỹ La tinh, đặc biệt là các quốc gia phía nam Nam Mỹ.
Nguồn: Tyrone Groh & James Lockhart, “Is America an Empire?“, War on the Rocks, 17/08/2015.
Biên dịch: Lưu Ánh Ngọc | Hiệu đính: Nguyễn Thế Phương
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét