Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Tư, 16 tháng 12, 2015

Những đôi giày biết nói


giayparis
Những đôi giày được xếp ngay ngắn dưới chân Quảng trường Republique, Paris từ 2 giờ sáng 29-11, đại diện cho khoảng 12.000 người tham gia cuộc biểu tình bị ngăn cấm, đã để lại thông điệp thức tỉnh thế giới rằng “nếu chúng ta phải lựa chọn chiến đấu thì đó là cuộc chiến chống biến đổi khí hậu”.
Dưới cái lạnh khắc nghiệt của trời đông Paris, người dân nơi đây đã tha thiết biểu thị những thông điệp mà họ cho là cần lên tiếng, dù phải đi chân trần về nhà.
Thông tin này khiến tôi nhớ tới một loạt cuộc biểu tình diễn ra tại Ukraine từ cuối 2004 nhằm phản đối kết quả bầu cử tổng thống, bị cho là gian lận bỏ phiếu, lúc bấy giờ.
Các cuộc biểu tình lan rộng và đã trở thành một cuộc Cách mạng Cam lịch sử của nước này. Khắp mọi nơi trên đất nước, người dân đều bộc lộ quan điểm ủng hộ hay chống đối kết quả bầu cử một cách rất hòa bình.
Ngay trong trường đại học của tôi lúc đó cũng đã xuất hiện “phe áo cam” và “phe áo xanh” thể hiện hai quan điểm chính trị đối lập. Tôi nhiều lần thắc mắc với các bạn rằng không biết họ có rỗi hơi quá không nếu mọi việc đã là “sự đã rồi”. Nhưng tôi thấy họ đều rất nghiêm túc và có trách nhiệm với quyền công dân của mình.
Và tôi quả thật không ngờ rằng chính phủ phải tổ chức bỏ phiếu lại sau phản ứng mạnh mẽ của người dân. Khoan hãy nói đến thiệt hơn của Ukraine trong cuộc cách mạng này, tôi cho rằng người dân nơi đây đã thắng lợi trong việc dám đấu tranh cho những điều mà họ cho là không công bằng thay vì phó mặc và ngồi than trách.
Tôi cũng từng chứng kiến nhiều cuộc biểu tình khác tại Ukraine khi cây xanh bị đốn hạ để xây các công trình thương mại, khi giá bánh mì tăng, khi các công trình dân sinh bị chiếm dụng… Dù thành công hay thất bại, họ thực sự khiến tôi cảm thấy ấn tượng về trách nhiệm của bản thân đến những vấn đề của xã hội, đến vận mệnh của đất nước.
Mới đây, Bộ Giáo dục & Đào tạo Việt Nam cho đăng tải trên các phương tiện truyền thông để lấy ý kiến rộng rãi trong dân về Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể. Có thể nói, giáo dục luôn là lĩnh vực được quan tâm lớn vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến từng gia đình.
Chủ trương của Bộ chính là cơ hội cho mỗi người dân được trực tiếp đóng góp và chia sẻ. Tôi gửi thông tin cho nhiều bạn bè, đặc biệt là những người thường có nhiều ý kiến phê bình nền giáo dục nước nhà. Nhưng phần đông họ không hưởng ứng vì cho rằng sẽ chẳng ai đếm xỉa đến những góp ý của họ.
Bản thân tôi nhiều lúc cũng tự hỏi nếu mình góp ý thì có ai lắng nghe không. Tôi biết, có nhiều sự bất công đã vĩnh viễn chìm vào quên lãng vì không ai lên tiếng. Tôi cũng biết, có những chuyện đau lòng đã xảy ra vì người ta cố tình không nghe theo lẽ phải, từ chối sự cảnh báo.
Nhưng thực tế đó sẽ phải thay đổi và đang thay đổi.
Bởi thời đại công nghệ đã giúp cho tiếng nói của mỗi công dân được lan tỏa dễ dàng. Sự lớn mạnh của mạng xã hội đã khiến cho người ta không còn có thể tiếp tục làm ngơ trước những lời nói đúng.
Mới đây nhất, chuyến đi Canada “học hỏi kinh nghiệm làm xổ số” của các lãnh đạo sắp về hưu ở Bình Phước đã bị hủy bỏ. Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh An Giang đã nhận sai và gửi lời xin lỗi tới cô giáo Trang – người được cho là “nói xấu” vị chủ tịch tỉnh và bị áp mức xử phạt tài chính trước đó… Nhiều tiếng nói đã bắt đầu được nghe thấy.
Nếu không nói mà đã đòi có người nghe mới là điều không tưởng. Khi chúng ta có ý thức đấu tranh với tiêu cực, chúng ta có trách nhiệm với cộng đồng, với xã hội và trên hết là với chính bản thân mình, chúng ta sẽ có muôn vàn cách để nói.
Chẳng nhẽ những đôi giày ở Paris biết nói, còn bạn thì không?
- See more at: http://www.thepach.com/vi/nhung-doi-giay-biet-noi/#sthash.IoR9Xyes.dpuf

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: