Vấn đề giảng dạy lịch sử trong trường phổ thông hiện đang gây nên cuộc thảo luận sôi nổi sau khi Bộ giáo dục đưa ra Đề án tích hợp môn Lịch sử với hai môn khác. Phần lớn các nhà sử học không đồng tình với Đề án này và bảo lưu quan điểm "Lịch sử phải là môn khoa học độc lập như vốn có và phải được đối xử bình đẳng như các môn khác trong trường học". Trên công luận, ý kiến trái chiều với Bộ Giáo dục tỏ ra áp đảo, nhưng...
Nguồn ảnh: Internet
Thế hệ trước nói gì?
Tôi gọi điện cho thầy Nguyễn Mạnh Hùng-người thầy dạy môn Lịch sử suốt những năm học cấp III của chúng tôi. Thầy bảo: Thông qua lịch sử, thông qua văn hóa, để giáo dục về tinh thần dân tộc, ý chí tự cường có ý nghĩa rất quan trọng, và tất cả những cái đó cần thấm nhuần trong hệ thống giáo dục, trong nhà trường. Việc tích hợp cần được làm một cách thận trọng, khoa học. Tôi chỉ e rằng, nếu phân cấp học Lịch sử, lịch sử nước nhà có bị đứt quãng, sẽ tách rời dòng chảy văn hóa không? Đất nước ta đã qua hàng nghìn năm bị xâm lược, nhưng dân tộc ta vẫn không bị đồng hóa. Đó chính là nhờ vào lòng dân, nhờ vào truyền thống văn hóa của dân tộc.
Còn ông Triệu Văn Hiển, nguyên Giám đốc Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, là học trò của thầy Hùng, tốt nghiệp khoa Sử, Đại học Tổng hợp Lomonosov, nói: Ý nghĩa chung thì đã rõ, mỗi dân tộc đều "lớn lên" theo một quá trình riêng của dân tộc mình, quên cái quá khứ cụ thể ấy là lấy đi cái nền phát triển của con người, dân tộc ấy không còn biết mình là ai thì sẽ mất hết sức mạnh tự thân. Lịch sử vừa là kế thừa các thế hệ trước đồng thời phục vụ cho xã hội ngày hôm nay, cho nên nó vừa đúc kết kinh nghiệm ngày xưa đồng thời gợi mở cho thế hệ sau những bước tiến để bắt kịp được trình độ của nhân loại. Tích hợp môn học là một cải tiến về phương pháp được áp dụng trong nền giáo dục của nhiều quốc gia trên thế giới. Với chúng ta, cũng nên đổi mới giáo trình, đổi mới cách dạy và học sử.
Thế hệ trẻ nghĩ sao?
Nguồn ảnh: Internet
Tôi trao đổi với một số cháu ở một trường phổ thông trung học, các cháu yêu cầu không nêu tên. Cháu A, nói, xã hội chắc còn nhớ, năm học 2012 khi nghe tin không thi tốt nghiệp môn Lịch sử, có vài bạn vội vàng xé ngay Đề cương môn Lịch sử, năm rồi thì một Hội đồng thi chỉ có 1 thí sinh thi Sử, thế đủ biết môn học này chán đến mức nào. Cháu B nói, phần lớn học sinh muốn dành thời gian cho những môn họ thấy hay và hữu ích nhất. Một môn học mà thấy chán, dù học sinh có phải học, thì cũng chẳng đọng lại gì trong đầu. Môn Sử đã chán, lại bắt buộc học nó thì hiệu quả không cao là cái chắc. Và nếu có, thì nên học đến mức nào đó thôi.
Có một thực tế không ai phủ nhận, trong nhiều năm qua các thế hệ trẻ của Việt Nam thờ ơ gần như vô cảm với môn học này. Nhiều người trẻ than phiền môn Lịch sử chỉ là những con số tổng hợp, người khác lại cho rằng sách giáo khoa không dạy lịch sử cho học sinh mà đang nhồi nhét những câu chuyện thiếu vắng tính chân thật, "chính trị hóa lịch sử".
Qua cuộc khảo sát nhỏ, chắc chắn là góc nhìn về môn Lịch sử - một môn khoa học xã hội, không thể đầy đủ, nhiều chiều, nhưng ít nhất cũng rút ra được những câu hỏi nhằm soi rọi vào Đề án tích hợp môn Lịch sử.
Đã đủ cơ sở khoa học, thực tiễn để tích hợp môn Lịch sử?
Trong Dự thảo về Chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tích hợp môn Lịch sử với các môn Giáo dục công dân và An ninh quốc phòng thành môn mới là Công dân với Tổ quốc. Tôi có đứa cháu học khoa Giáo dục chính trị ở Đại học sư phạm Hà Nội, tốt nghiệp 2 năm nay chưa tìm được việc làm. Nghe thấy Dự thảo trên, kêu lên: Như thế thì nhiều thầy phải đi đào tạo lại. Trình độ, phẩm chất người thầy là quyết định cả. Còn nếu không được đào tạo lại thì chỉ có thất nghiệp...
Còn tôi, thiển nghĩ, việc hình thành một năng lực hay một phẩm chất nào đó cho học sinh là kết quả tổng hợp của nhiều môn học chứ không phải chỉ có một môn. Môn Sử có thể đứng độc lập hay gộp chung nhưng khi lên lớp thì kiến thức lịch sử không thể đứng một mình khô khan. Thường thì người dạy phải liên hệ với một vấn đề gì đó và bổ sung thêm những kiến thức xung quanh nó thì người học mới hiểu và thích học. Nhưng theo Đề án tích hợp trên, thấy chưa có cơ sở thực tiễn, không có cơ sở khoa học. Khi thiết lập một môn học mới, điều đầu tiên mà người ta phải quan tâm tới là cơ sở khoa học. Ba môn này có định hướng khoa học khác nhau, nội dung khác nhau, mục tiêu khác nhau. Hai môn Giáo dục công dân và Quốc phòng toàn dân, chỉ là môn học, chưa bao giờ là môn thi tốt nghiệp. Với hai môn này, những học sinh mà tôi thăm dò, đều cho là "học cũng chẳng hào hứng gì", nay lại ghép với môn bị "chán ghét" thì sao đây?
Có ý kiến cho rằng ghép như thế là làm "mềm hóa" môn Sử vốn rất khô khan, để học sinh dễ nhớ, dễ thuộc. Nhưng lại có ý kiến cho rằng, "một môn học bị chán cộng thêm với hai môn chẳng có hào hứng học, sẽ tạo ra hậu quả khôn lường". Môn học Công dân với Tổ quốc hình thành, ai sẽ là người dạy môn này khi mà hệ thống các trường sư phạm của ta không đào tạo giáo viên dạy những môn lắp ghép như thế? Phải đào tạo lại, như lời cô cháu tôi nói? Nếu vậy thì là một sự lãng phí lớn!
Thứ đến, việc biên soạn tài liệu giảng dạy, học tập cho môn "tổng hợp" Công dân với Tổ quốc, theo tôi, rất khó thực hiện. Bởi soạn chương trình cho môn Sử theo tinh thần đổi mới còn chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Sách giáo khoa môn Sử có được đổi mới, nhưng dưới góc nhìn của nhiều thầy dạy Sử vẫn là một "tóm tắt sử" viết cho người lớn. Lấy sách viết cho người lớn rồi tóm lược lại một lần nữa cho trẻ con học thì dĩ nhiên không phù hợp với lứa tuổi. Nay lại soạn chương trình tổng hợp ba môn học có mục tiêu, định hướng khoa học, nội dung khác nhau thành một môn học mới, khó hơn nhiều lần. Lịch sử tích hợp trong bộ môn mới làm như thế nào mà vẫn giữ được những kiến thức cơ bản của môn học và có thể vận dụng hiệu quả nhất trong cuộc sống? Sự tích hợp này có làm cho học sinh coi nhẹ môn lịch sử dân tộc, có phá vỡ tính hệ thống, tính liên tục của dòng chảy lịch sử hay không?
Rất nhiều câu hỏi đặt ra. Mọi "lý luận xám xịt, chỉ có cây đời mãi mãi xanh tươi". Phương án tích hợp mà Bộ giáo dục đưa ra chưa có thực tiễn, Bộ đã thí điểm dạy và học ở đâu? Kết quả ra sao?
Lỗi tại ai?
Nếu chỉ vì tâm lý học sinh chán môn Sử mà phải lắp ghép môn Sử vào hai môn khác thì còn đâu là chuẩn mực sư phạm? Lỗi không ở học sinh, không ở bản thân môn học, mà ở người soạn thảo nội dung chương trình và người truyền đạt. Phẩm chất người thày quyết định hiệu quả môn học. Tổng số tiết dạy tất nhiên là một yếu tố quan trọng, nhưng nội dung giảng dạy và phẩm chất người thày quan trọng hơn nhiều. Bên cạnh phương pháp, kỹ năng truyền đạt thì quan điểm, tư tưởng, nhiệt tâm và nhân cách của người thày là yếu tố quyết định.
Nếu những người thầy mà còn coi việc đến trường giảng dạy môn Sử của mình là "trót lỡ", là cái "cần câu cơm" nên chểnh mảng trong công việc thì dù có tích hợp với môn nào cũng chưa chắc đã mang tới hiệu quả, thậm chí còn làm cho học sinh chán nản với cả môn mới. Trường hợp Nhật Bản, tích hợp môn Sử với môn khác, rồi lại phải tách ra là bài học nhãn tiền với chúng ta.
Chừng nào mà Bộ Giáo dục- Đào tạo chưa trả lời thỏa đáng những câu hỏi mà các nhà chuyên môn, các bậc phụ huynh và học sinh đưa ra thì môn Lịch sử vẫn là... Lịch sử - vẫn phải là một môn độc lập.
Đ.Ngọc
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét