Nhiều người sùng đạo Nho thích treo chữ "nhẫn" trong nhà, như 1 thứ "đức" quý báu, 1 thứ "cứu cánh" để tự răn mình và con cháu.
Đạo Nho rõ ràng là 1 thứ "ngoại đạo", bởi nó không giúp ích gì cho nhân loại xét về mặt tiến hóa, giác ngộ... Bề ngoài, nó không có gì "xấu", song rất dễ bị lợi dụng, xuyên tạc nhằm mục đích thống trị, nô dịch giữa con người với con người.
Chữ "nhẫn" trong đạo Nho vì thế cũng mang 1 nghĩa lý tầm thường, nếu không muốn nói là còn xa mới đạt tới... đạo. "Nhẫn" này chỉ có nghĩa là "nhịn" mà thôi.
Có ông đại tướng nỗi tiếng "nhẫn". Kết quả yên được thân mình, con cháu mình. Song cái ác, cái đểu giả thì thả sức tàn phá xã hội, đục ruỗng tâm hồn con người tới mức... vô phương cứu chữa.
Đạo Phật cũng dùng chữ "nhẫn", song nghĩa lý của nó sâu rộng, thậm thâm và cứu cánh hơn rất nhiều.
Chữ "nhẫn" trong đạo Phật có mặt trong suốt quá trình, từ hướng đạo, kiến đạo, tu đạo, cho đến cứu cánh giải thoát, giác ngộ cuối cùng. Song, "nhẫn" ở đây không có nghĩa tầm thường là "nhịn".
Có cả thảy 4 trường hợp dùng đến chữ "nhẫn".
1- Nói về công đức của người tụng trì, giảng nói kinh điển, Đức Phật nói: "từ một phẩm, một bài kệ, nhẫn đến một câu kệ...". Chữ "nhẫn" ở đây chỉ có nghĩa là "cho đến" (cho đến một câu kệ).
2- "Nhẫn" là 1 trong 6 "hạnh" (lục độ) của Bồ Tát đạo. Nhẫn ở đây có nghĩa là nhẫn nhục, song là nhẫn nhục "ba la mật", không phải nhẫn nhục của thế gian. Người nhẫn nhục ba la mật là người dùng trí tuệ Bát Nhã (tính không) để nhẫn nhục. Nhẫn nhục ba la mật là "thực chứng" rằng, cả kẻ làm nhục, lẫn người bị làm nhục đều là... không.
3- Chữ "nhẫn" nằm trong cụm từ "vô sinh pháp nhẫn". Đây là 1 cảnh giới mà chỉ những hàng Bồ Tát đã "đăng địa" mới "chứng" được. "Nhẫn" này không có nghĩa là nhẫn nhục, mà là... nhẫn thín. "Vô sinh pháp nhẫn" là tuyệt không hề có 1 "pháp" nào được sinh ra cả. Ví như nói bất kì 1 vật chất nào đó cũng đều do các phân tử hợp lại mà có. Đến lượt phân tử lại do các nguyên tử hợp lại. Rồi nguyên tử lại do các hạt cơ bản... Cứ thế đến tột cùng (cực vi), thì sẽ chẳng có gì "sinh", nghĩa là toàn bộ vật chất là... không sinh.
4- "Nhẫn" là vị thứ thứ 3 trong "tứ gia hạnh", cũng là "tứ thiện căn" của người học đạo. Tứ thiện căn gồm 4 bậc: Noãn; Đỉnh; Nhẫn; Thế đệ nhất, cũng là 4 vị thứ mà người học đạo đạt tới trước khi chứng thánh quả thứ nhất Tu Đà Hoàn (kiến đạo). Chữ "nhẫn" này cũng không hề có nghĩa là nhẫn nhục, mà có 2 nghĩa. Một là "nhẫn thín" như ở trên, nghĩa là đã "quán" trọn mọi thứ cần "quán", không còn sót lại một nhân duyên nào. Hai là đã chắc chắn trụ lại ở cảnh giới đó, không bao giờ bị thụt lùi nữa. Chính vì cái sự "trụ" này, mà người tu theo hạnh Bồ Tát phải tránh nếu còn muốn trở lại thế gian để hóa độ chúng sinh.
Xem thế thì biết, dù chỉ bàn về 1 chữ đó thôi, song nghĩa lý của nó giữa "chánh đạo" và "ngoại đạo" khác xa nhau như thế nào.
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét