Chủ tịch nước: Vì sao đất nước mình nhiều anh hùng mà lại đội sổ tham nhũng?
Dân trí “Tình hình tham nhũng còn hết sức nghiêm trọng. Buồn nhất là coi bảng thống kê, người ta xếp Việt Nam dẫn đầu về tham nhũng. Tại sao đất nước mình nhiều anh hùng mà lại đứng đội sổ tham nhũng. Thấy buồn và bê bối quá”, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trăn trở.
Thẳng thắng nhận trách nhiệm
Sáng 5/12, Tổ Đại biểu Quốc hội khóa XIII, đơn vị 1, TPHCM đã có buổi tiếp xúc cử tri quận 1, TPHCM.
Sau khi ông Trần Du Lịch, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TPHCM thông báo đến bà con cử tri kết quả của kỳ họp quốc hội vừa qua, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có báo cáo về việc thực hiện nhiệm vụ ĐBQH nhiệm kỳ khóa XIII trước bà con cử tri.
Trong báo cáo của mình, Chủ tịch nước cho biết, đối với mình, việc thực hiện nhiệm vụ Chủ tịch nước cũng chính là nhiệm vụ của ĐBQH mà bà con cử tri bầu. Ông luôn ý thức, trách nhiệm và tự thấy rằng những nỗ lực của mình đã không phụ lòng tin tưởng của nhân dân và bà con cử tri.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cảm ơn cử tri đã tín nhiệm ông trong suốt thời gian thực hiện trách nhiệm của đại biểu nhân dân |
Chủ tịch nước cũng thẳng thắng nhận những khuyết điểm về mình khi trong nhiệm kỳ ông thực hiện trách nhiệm của người đại biểu nhân dân nhưng có một số chỉ tiêu kinh tế quan trọng chưa đạt. Trong đó, chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2020, Việt Nam cơ bản là nước công nghiệp hóa chưa đạt, kinh tế tăng trưởng thấp hơn năm trước; năng suất, chất lượng cạnh tranh thấp; nhiều hạn chế yếu kém trong giáo dục, văn hóa xã hội chưa khắc phục; kỷ cương phép nước chưa nghiêm… “Tuy tôi toàn tâm toàn ý nhưng chưa đạt được kết quả. Mong bà con cử tri thông cảm. Từ đây đến hết nhiệm kỳ, tôi sẽ rà soát lại những nội dung còn hạn chế để phát huy vai trò của người đại biểu nhân dân”, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nói.
Trong phần báo cáo công việc của người đại biểu dân cử, ông Trần Du Lịch cũng nhắc lại 5 lời hứa của cá nhân ông với bà con cử tri khi ứng cử. Và 5 năm qua, trong nhiệm kỳ của mình, ông Lịch cũng luôn phấn đấu hết sức có thể. Ông Lịch tâm niệm rằng, ĐBQH với bà con cử tri như cá với nước.
“Chúng tôi cố gắng hết sức nhưng tới bây giờ còn nhiều trăn trở. Tuy còn nhiều tồn tại hạn chế nhưng trong suốt nhiệm kỳ, tôi đã toàn tâm toàn ý, làm hết sức những gì bà con cử tri giao phó. Bản thân tôi và gia đình luôn sống gương mẫu, có trách nhiệm cộng đồng. Tôi tự thấy rằng, mình sống mẫu mực”, ông Lịch bày tỏ.
Vị phó Trưởng đoàn ĐBQH TPHCM cũng thẳng thắng thừa nhận những hạn chế của mình. Ngoài nhiệm vụ ĐBQH, ông Lịch còn tư vấn cho Chính phủ, TW Đảng… nên quỹ thời gian bị chia sẻ, bị động, ảnh hưởng trong công tác giải quyết khiếu nại của dân. Vì thế, vẫn còn một số đơn thư, khiếu nại chưa giải quyết. Ông Lịch hứa từ nay kết thúc nhiệm kỳ (5/2016) sẽ làm tất cả những gì có thể và khi “về vườn”, ông vẫn luôn phấn đấu làm công dân tốt.
Tham nhũng: “Thấy buồn và bê bối quá”
Tại buổi tiếp xúc với tổ ĐBQH, nhiều bà con cử tri cũng đã chuyển tải những kiến nghị, đóng góp, phê bình thẳng thắng về các vấn đề dân sinh cũng như trọng đại của đất nước.
Tiếp nhận cũng như giải đáp các thắc mắc, phản ánh của cử tri, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thẳng thắn thừa nhận việc quản lý xã hội hiện đang “có vấn đề”.
Theo Chủ tịch nước, nợ công tăng lên rất nhanh là do quản lý kém. Không chỉ kinh tế, các lĩnh vực văn hóa, y tế… cũng không mấy sáng sủa. Người dân không dám ăn uống vì cái gì cũng sợ nhiễm độc.
Chủ tịch nước dẫn ra chuyện “hai luống rau” để nói về sự mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Trồng luống rau để bán thì phun thuốc, trồng để ăn thì không. Từ chuyện 2 luống rau, Chủ tịch nước cho rằng nên xem lại vấn đề giáo dục và đạo đức xã hội.
“Nếu khóa sau mà có điều hành kém thì cũng thừa nhận có một phần trách nhiệm của khóa này. Quản lý xã hội còn lắm cái chưa ổn. Khi một vấn đề nghiêm trọng, lặp đi lặp lại, làm mãi không xong thì phải kiểm tra lại nội bộ của mình. Quy mô đất nước mới 200 tỷ USD, nếu lên 500-1000 tỷ USD mà quản lý như thế này thì quá nguy hiểm”, Chủ tịch nước nói.
Chủ tịch nước cảm thấy buồn khi tham nhũng còn phức tạp |
Chủ tịch nước cũng chỉ ra những yếu kém của các doanh nghiệp, tập đoàn Nhà nước. Nhiều tiêu cực, tham nhũng trong các doanh nghiệp Nhà nước liên tiếp xảy ra. Lãnh đạo các doanh nghiệp “con đẻ” khi bị chất vấn về hạn chế, không hiệu quả thì biện minh là phải làm nhiệm vụ chính trị nên lơi lỏng.
Công tác quản lý Nhà nước đối với Doanh nghiệp Nhà nước còn hết sức lúng túng, có lúc là Thủ tướng, lúc là Bộ điều hành. Thời gian qua việc chỉnh đốn hoạt động của các doanh nghiệp Nhà nước có làm nhưng bản chất chưa giải quyết triệt để, chưa đạt yêu cầu. Do đó, Chủ tịch nước cho rằng, phải tổ chức, sắp xếp lại lĩnh vực này. Trước hết là những tập đoàn, những công ty lớn của trung ương rồi đến từng địa phương.
Nói về tham nhũng, Chủ tịch nước cho rằng, đây là đề tài không mới nhưng luôn luôn thời sự. Họp cấp cao, Quốc hội, cử tri, họp dân, đi đâu cũng nghe nói chống tham nhũng.
Chủ tịch nước dẫn lại ý kiến của một cử tri phản ánh về việc xin giấy phép xây dựng 16 tháng vẫn không xong và cho rằng đây là việc đáng suy ngẫm về trách nhiệm của những cơ quan nhà nước, từng “vị công bộc” của dân. Hiện có nhiều cán bộ không chịu làm việc.
Mặc dù thiếu trách nhiệm với dân nhưng không ít lãnh đạo lại có tư tưởng "chạy chọt" để bố trí công việc cho con em mình. “Không làm công chức thì ra làm tư nhân. Làm tư nhân có gì xấu đâu khi mà làm nhà nước thì quá tệ. Thà làm một công dân tốt còn hơn là cán bộ tồi”, Chủ tịch nước nói.
“Tình hình tham nhũng còn hết sức nghiêm trọng. Chúng tôi thấy trách nhiệm của mình cũng không tròn trong việc chống tham nhũng. Buồn nhất là coi bảng thống kê, người ta xếp Việt Nam dẫn đầu về tham nhũng. Buồn lắm. Tại sao Bỉ, Singapore vào hàng đầu những quốc gia không có tham nhũng trong khi đất nước mình nhiều anh hùng mà lại đứng đội sổ tham nhũng. Thấy buồn và bê bối quá!”, Chủ tịch nước bày tỏ sự trăn trở.
Công Quang
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét